Giờ nghĩ lại mới thấy hồi ấy tôi thật vô tư. Lời khen để đấy, chẳng thấy được tôn vinh mà trong lòng tôi không hề lợn cợn.
Chỉ một vai chính duy nhất, tôi nhặt nhạnh, chắt chiu niềm vui từ thành công của những vai phụ, vai thứ. Vai vợ Thứ trưởng trong “Cuộc chia tay không hẹn trước” bị nữ diễn viên cỡ bự chê. Đạo diễn tìm tôi, tôi nhận.
“… Gia đình tôi không có ai làm công tác văn học nghệ thuật. Chỉ mình tôi, đứa con gái út nảy nòi.
Khi biết tôi đi thi vào các đoàn, trường nghệ thuật, cả nhà phản đối, tìm mọi cách ngăn cản. Người đề nghị mẹ ngừng tiếp lương ăn và chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Người lạnh nhạt tảng lờ. Người dè bỉu xem khinh: hay ho gì cái thứ “xướng ca vô loại”, nghệ nghẽo chỉ hư người…Tôi vẫn lao đi như con thiêu thân thấy ánh sáng. Tôi nộp đơn thi năm nơi…
Thời gian ấy chị B., chị gái thứ tư của tôi đã sắp xếp hướng nghiệp cho tôi: tôi được tập trung vào trường dạy tiếng Trung Quốc để đi học nghề làm bóng đèn phích nước.

NSƯT. Lịch Du (1963).
Một ngày trước lúc đoàn lên tàu liên vận đi Bắc Kinh, tôi bỏ trốn. Chị B. về quê mách mẹ. Mẹ nổi trận lôi đình: “Lôi cổ nó về đây, gọt đầu bôi vôi!”. Giận quá nên mẹ nói vậy thôi chứ mẹ đâu có làm thế. Mẹ chỉ trừng phạt tôi. Không cấp tiền ăn học. Năm ấy tôi 18 tuổi.
Những ngày chờ thi tuyển vào các đoàn nghệ thuật dài đằng đẵng và vô cùng căng thẳng. Không chốn nương thân, tôi lại phải muối mặt tìm về nhà chị B. xin tá túc.
Chị mắng tôi té tát: “Mày bôi gio trát trấu vào mặt tao. Phòng tổ chức của Bộ người ta khiển trách tao có đứa em vô kỷ luật. Nghề nghiệp hẳn hoi không muốn, lại thích “xướng ca vô loại”. Nếu trượt văn công, mày làm gì?” – “Em đi buôn.” – “Xã hội xã hội chủ nghĩa không có chỗ cho con buôn. Cút ra khỏi nhà tao, không bao giờ tao muốn thấy mặt mày”.
Tôi dắt xe đi luôn. Ra đến ngõ, tôi vẫn nghe tiếng mẹ chồng chị nói: “Chuyện gì để đến mai hẵng hay. Chị ra gọi cô ấy vào đi. Đêm hôm khuya khoắt thế này…”. Chị không ra gọi tôi. Nếu có ra gọi, có lẽ tôi cũng không quay lại. Tôi vốn là đứa bướng bỉnh nhất trong số bảy anh chị em.
Nhà chị ở tận xóm nhỏ ven thị trấn Gia Lâm. Tôi dong xe qua cầu Long Biên. Mười giờ đêm mới tới Hà Nội. Tôi vạ vật ngồi ở vệ đê. Mấy anh bộ đội gác cầu giục giã: “Này! Cô gái, khuya rồi về đi chứ!”.
Hẳn là mấy anh nghi tôi là gián điệp đặt mìn phá cầu đây. Bộ đội đến tận nơi, lại giục: “Về nhà đi!”. Nhà ư? Tôi đâu có nhà mà về. Lại dong xe đi vào thành phố. Đã có nơi nào là đích đâu mà đạp xe cho nhanh!!
Chợt tôi nhớ ra địa chỉ một người bạn cùng đi thi vào Kịch viện (Nhà hát kịch Trung Ương bấy giờ). Gia đình người bạn cho tôi ở nhờ trong suốt thời gian đi thi tuyển.
Tôi nhận len về đan thuê, nhận thùa khuyết đơm cúc áo cho các tiệm may để có tiền sống qua ngày. Ăn cơm đầu ghế (cơm vỉa hè bây giờ) và uống nước lọc.
Bặt tin tôi đến mấy tháng, mẹ ở quê sốt ruột: “Sao không đứa nào đi tìm em xem nó sống chết ra sao?”. Mẹ phái cả chị Cả đi Hà Nội tìm tôi. Hà Nội mênh mông thế, chị Cả làm sao biết được tôi đang ở đâu?!
Tôi thi năm nơi, trúng ba: Đoàn văn công Trung Ương, Kịch viện và trường Điện ảnh. Tất nhiên là tôi vào trường Điện ảnh bởi vì ước mơ cháy bỏng của tôi là trở thành diễn viên điện ảnh.
Mẹ giận rồi mẹ lại thương. Ngày khai trường, mẹ xúng xính trong bộ áo dài hàng Vân tới dự. Mẹ tủm tỉm cười tự hào nhìn tôi trong số 35 học sinh diễn viên điện ảnh khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Năm 1959, tôi nhập học. Ba năm sau, tốt nghiệp bằng tiểu phẩm “Đời thừa” dựng theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Chuyên gia giảng dạy khen: “Cô ấy diễn mà như không diễn”.
Năm 1962, tôi về công tác ở Xưởng phim truyện Việt Nam. Thời ấy chỉ tiêu cho phim truyện rất ít nên hiếm vai. Hai năm sau khi ra trường tôi mới có một vai phụ. Tiếp đó, vai thứ rồi lại vai phụ. Mãi đến năm 1974, tôi được mời đóng vai Đuông Chăn trong phim “Hai người mẹ”.
Đuông Chăn là vai chính duy nhất, vai để đời của tôi và cũng là vai tôi được khen nhiều nhất. Phim “Hai người mẹ” được giải bạc. Còn tôi, được khen, khen nhiều đấy!
Nhưng mà… giải diễn viên nữ xuất sắc đã có hai nữ diễn viên cỡ bự chung một giải vàng, còn đâu đến lượt tôi! Giờ nghĩ lại mới thấy hồi ấy tôi thật vô tư. Lời khen để đấy, chẳng thấy được tôn vinh mà trong lòng tôi không hề lợn cợn.
Chỉ một vai chính duy nhất, tôi nhặt nhạnh, chắt chiu niềm vui từ thành công của những vai phụ, vai thứ. Vai vợ Thứ trưởng trong “Cuộc chia tay không hẹn trước” bị nữ diễn viên cỡ bự chê. Đạo diễn tìm tôi, tôi nhận.
Sau buổi duyệt phim ở Cục Điện ảnh, đạo diễn Bạch Diệp cười cười, trêu chọc tôi: “Này! Khai thật đi, có phải ông Hội đồng duyệt là bồ của cô
hả? Ông ấy khen vai vợ Thứ trưởng lắm ”. Tôi ngẩn người: “Ông nào ạ? Bồ bịch với ai ạ?”.
Sau khi làm xong phim “Không nơi ẩn nấp”, cố quay phim Đăng Bảy hễ gặp tôi lại chào bà Hai Dong - tên nhân vật trong phim.
Tôi làm hai phim với đạo diễn Hải Ninh. Cả hai nhân vật đều không có tên riêng mà chỉ là vợ Vệ và mẹ Voòng Hoa. Cả hai nhân vật vừa già, vừa
nhếch nhác xấu xí. Nhưng không sao. Stanilapxki đạo diễn bậc thầy của Nga dạy rằng: “Phải biết yêu nghệ thuật trong mình. Đừng bao giờ yêu mình trong nghệ thuật. Tôn trọng cái đẹp của nhân vật là đạo đức của người diễn viên chân chính”.
Sau buổi chiếu phim “Đất mẹ” (tôi đóng vai mẹ Voòng Hoa), đạo diễn - giám đốc Hải Ninh đã nói với các nhà báo Liên Xô như thế này: “Người nữ diễn viên rất thành công trong những vai độc”.
Đóng thêm một số vai nữa cho đến vai bà Dung trong phim “Đồng tiền xương máu” của đạo diễn Đinh Đức Liêm là vai cuối cùng của tôi.
Tôi mê nghề diễn nhưng không còn cơ hội để được diễn. Tôi diễn theo cách của tôi: viết kịch bản phim truyện. Vậy là tôi diễn trên giấy. Khi viết kịch bản, tôi được trò chuyện, thậm chí khóc, cười với nhân vật.
Có tới 20 tập kịch bản được Đài truyền hình Trung Ương, Đài truyền hình TP.HCM, Điện ảnh chiều thứ bảy quay thành phim, trong đó phim “Người Hà Nội” dài 8 tập.
“Hoa trắng” và “Niềm vui của mẹ” là hai kịch bản được giải trong cuộc thi viết về đề tài Mẹ Việt Nam anh hùng và phòng chống bệnh SIDA.
Chị B. của tôi đã mất lâu rồi, mất cách đây một phần tư thế kỷ, lúc ấy chị mới 50 tuổi. Giá như chị còn sống đến bây giờ, chị sẽ thấy đứa em bướng bỉnh của chị không đến nỗi “vô loại” sau cái đêm khủng khiếp ấy, cái đêm chị đuổi em ra khỏi nhà…”.