Nước ta là một nước có truyền thống văn hóa. Dân tộc ta cũng có truyền thống hiếu học - “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo). Đề cao việc học, nhân dân nói: “Một kho vàng không bằng một nang chữ” (tục ngữ). Còn nhà thơ tình nổi tiếng Nguyễn Bính so sánh: “Nhà ta coi chữ hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang trên đời”.
Đừng nghĩ rằng những người kinh doanh chỉ có tính toán chuyện tiền nong mà không quan tâm đến sách vở. Khi bước vào một ngôi nhà, thường người ta chỉ lo trưng bày cho phòng khách thật sang trọng có bộ xa lông đắt tiền, có ti vi lớn, đời mới, đồ cổ quý để gây ấn tượng. Nhưng tôi lại đồng tình với ông Nguyễn Trần Bạt - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn tư nhân có trên 300 nhân viên, người đã viết nhiều sách, có cuốn được trưng bày ở thư viện Quốc hội Mỹ, người từng đối thoại trực tiếp với những chính khách nổi tiếng thế giới như Kissinger, Bredinski. Điều mà ông coi trọng khi vào ngôi nhà để biết chủ nhà có trình độ thế nào: đó là xem tủ sách của chủ nhà ấy. Trong công ty của ông có tủ sách trên 10.000 đầu sách. Ông cũng tự hào đã sắm cho vợ một tủ sách trên 5.000 cuốn.

Ảnh minh họa
Những người thành đạt trong cuộc sống, những nhà chính trị lớn, những nhà văn hóa lớn là những người được đánh giá cao về học vấn, về kiến thức và tri thức sách vở. Họ được giáo dục tinh thần hiếu học và ham hiểu biết, tranh thủ thì giờ từng ngày cho việc học. “Mỗi ngày biết thêm những điều chưa biết, mỗi tháng không quên những điều đã biết. Ấy là người ham học” (Tử Hạ). Chính Mác-Lênin, những trí tuệ lớn của thời đại, đã rất đề cao việc đọc sách: “Sách là nô lệ của tôi nhưng cũng là bạn tốt nhất của tôi” (Mác), “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản” (Lênin).
Những văn hào nổi tiếng thế giới đã khẳng định việc đọc sách quan trọng thế nào. Người được mệnh danh là mặt trời của thi ca Nga – Puskin – nói: “Đọc sách là cách học tốt nhất”. Nhà văn vĩ đại Shakespeare, người được Lênin hỏi “Trên Shakespeare còn có ai không nhỉ?” đã tự trả lời “Trên Shakespeare là đại dương, trên Shakespeare không còn có ai nữa”, con người vĩ đại đó coi sách hơn mọi của cải quyền lực: “Đối với tôi, sách quý hơn ngai vàng” (Shakespeare).
“Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của sự thông thái tích lũy lại” (C.W. Curtic). “Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời” (Aupil).
“Có hai điều chính yếu giúp ta thêm phần thông thái, đó là các cuốn sách ta đọc và những người bạn ta gặp” (Charles Jones).
“Đọc sách không những để mở mang trí tuệ mà còn nâng cao tâm hồn” (Gherans). “Điều mà từ xưa người ta đã nói: Rất vui chẳng gì bằng đọc sách. Rất cần chẳng gì bằng dạy con” (Hán Thư).
“Người xưa nói: cần 10 năm đọc sách, 10 năm du lãm và 10 năm suy nghĩ. Ta cho suy nghĩ không cần đến 10 năm nhưng du lãm và đọc sách thì gấp 5 lần vẫn chưa thỏa nguyện” (Trương Triều).
Trong lịch sử nước ta, đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông là người đã để lại nhiều dấu ấn về việc học, đọc sách: “Trống dời canh, còn đọc sách”. Vị vua này cũng là chủ tịch Hội nhà văn đầu tiên của nước ta: Hội Tao Đàn.
Nguyễn Trãi còn yêu cầu cụ thể hơn: “Đọc sách thời thông đòi nghĩa sách/ Chăn dân mạ nỡ mất lòng dân”.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, chính quyền mới đứng trước bao khó khăn, thách thức với trăm công nghìn việc nhưng Hồ Chủ tịch vẫn dành thời gian viết thư cho học sinh nhân ngày khai trường: “Non sông Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không phần lớn nhờ vào công học tập của các cháu”.
Nhà triết học cổ đại Hy Lạp Heraclic nói: “Kiến thức là vầng mặt trời thứ hai của người có học vấn”. Chu Hy, nhà tư tưởng đời Tống Trung Quốc, chỉ rõ: “Học là gốc để trị nhà”.
Khổng Tử bảo: “Dạy không biết mệt, học không biết chán”. Xem thế, cổ, kim, Đông, Tây, các chính trị gia, các nhà tư tưởng, các nhà văn đều coi trọng việc đọc sách.
Lê Huy Hoàng
(Quận Long Biên - Hà Nội)