NINH HÀ - N.Q.
(Theo Le Point)
Hằng năm cứ sau kỳ nghỉ hè, vào đầu thu là mùa “trình làng” tác phẩm mới ở nước Pháp. Năm nay, 676 tựa sách được tung trên thị trường nước này. Đó là một số lượng không nhỏ để đón tiếp giới xuất bản và phát hành Pháp, họ phải có sự chuẩn bị cần thiết…
Cơn “ác mộng” của các nhà xuất bản
10 giờ sáng ở xưởng nghiền cắt giấy của công ty Interseroh, thuộc vùng Vigneux-sur-Seine, ngoại ô Paris. Một chiếc cam-nhông đi tới, thùng xe chất đầy tới miệng ước chừng chục tấn sách phải tiêu hủy. Nhưng trước tiên nó phải qua trạm cân để người ta ghi lại trọng lượng khối sách, đề phòng sự gian lận ở tất cả các khâu. Những việc tiếp theo xảy ra rất nhanh chóng: Chiếc xe đi giật lùi tới gần cái “cối xay” khổng lồ ầm ầm tiếng động đã được khởi động sẵn. Cửa sau thùng xe mở ra, sách thi nhau rớt xuống băng tải.
Việc nghiền sách diễn ra dưới sự theo dõi của ba kỹ thuật viên vốn hiểu rất rõ rằng trước mắt họ đang diễn ra những hình ảnh ác mộng nhất đối với ngành xuất bản - tiêu hủy các cuốn sách, mặc dù đó là một việc làm có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường – tái chế giấy thải.

Sách được cắt vụn rồi đóng thành từng khối vuông vức, trở thành nguyên liệu tái chế.
Ảnh Le Point
Lẫn lộn trong đống sách người ta có thể thấy những bản nghiên cứu của Attali, tự truyện của Tom Cruise hay Michel Drucker, những cuốn sách bỏ túi của tác giả John Grisham, vài tác phẩm về Sarkozy hay Carla Bruni, những cuốn của Danielle Steel hay các BD (truyện tranh) Schtroumpfs… Trong 5 phút, máy có thể nghiền cắt hàng tấn giấy. Chỉ chốc lát, ở phía bên kia, chỗ “đầu ra” đã xuất hiện một khối giấy vụn vuông vắn mỗi chiều 1,3 mét, được ép kỹ và ràng buộc gọn gàng, sẵn sàng cho một “cuộc đời” mới.
Không còn biết cất vào đâu
“Nghiền sách” (“pilon”) là một từ làm đau lòng các nhà văn, nhà xuất bản (NXB) và các chủ tiệm sách. Phát âm từ này còn khó hơn cả việc nói lên từ “giải thể” ở quốc hội (pis que prononcer le mot “dissolution” à l'Assemblée). Nghiền vụn một cuốn sách có nghĩa là phá hủy nó, làm tắt đi một tiếng nói hay làm biến mất một nguyên liệu chất xám. “Nghiền sách” là đề tài nóng của ngành xuất bản Pháp. Nhưng không phải là đề tài kiêng kỵ. Những cuốn sách được đưa đi hủy bỏ thường là những cuốn bị các nhà phân phối gửi trả lại, vì bán không được, vì đã có xuất bản mới, vì số lượng dư thừa, vì đó là những cuốn giáo khoa không còn thích hợp… Ông Serge Eyrolles, Chủ tịch Công đoàn Quốc gia ngành xuất bản, cho biết.

Dây chuyền phát hành sách cần một hệ thống kho tàng, cửa tiệm… rất lớn, đòi hỏi phải được quản lý tới từng mi-li-mét để tránh sự lãng phí
Trên thực tế, đôi khi người ta còn đưa sách đi “tái chế” vì… không biết để chúng vào đâu. “Ở NXB Plon, chi phí cất trữ sách khá nhiều – ông Stéphane Billerey, giám đốc thương mại, nói – Nên biết rằng, dây chuyền phát hành sách cần một kho rất lớn mà chúng tôi phải quản lý tới từng mi-li-mét một để tránh sự lãng phí” (giá thuê mặt bằng làm kho sách trung bình 10 Euro/m2). Các NXB làm việc theo kiểu “dòng chảy liên tục”, in lại trong vòng 48 tiếng để giảm chi phí lưu trữ tới mức thấp nhất.
Vòng đời của các cuốn sách ngày càng ngắn, lượng sách phải lưu giữ ngày càng tăng. Giờ đây, một cuốn tiểu thuyết chỉ còn chừng hai tháng để “chứng tỏ mình”, ngoại trừ những cuốn “best-seller” hay những cuốn thành công bất ngờ như “L’élégance du hérisson” của tác giả Muriel Barbery (NXB Gallimard). Người ta in ấn ít hơn, nhưng số đầu sách ngày càng nhiều hơn. Do đó, các kho sách đầy dần theo mức độ gia tăng xuất bản và tăng đều đặn kể từ 20 năm nay. Dù cho các NXB có dự liệu kỹ lưỡng, lượng sách đưa đến “nghiền” ở Vigneux hầu như vẫn không thay đổi kể từ đó: Mỗi ngày có khoảng từ 3 tới 10 xe tải trọng lượng 10 tấn. Chưa kể, ở Pháp còn có 3 cơ sở nghiền cắt giấy quan trọng khác nữa…
Cuộc đời mới của sách
Hàng năm, ở Pháp có khoảng 50 triệu bản sách bị hủy do bị gửi trả, trên tổng số 520 triệu bản được phân phối cho các cửa hàng sách. Còn số sách bị hủy để giảm bớt lượng sách tàng trữ là khoảng 30 triệu bản, tương đương 4% lượng sách được cất giữ bởi các nhà xuất bản, nhà phân phối hay các tiệm sách.
Ở Pháp, quy trình xử lý sách được luật pháp quy định rất chặt chẽ. Sách được xử lý thường chia thành hai loại: Thứ nhất là những sách bị gửi trả, số này gồm đủ các loại ấn phẩm, của những tác giả khác nhau, do các tiệm sách trả lại; Thứ hai, những tác phẩm cụ thể, của một tác giả cụ thể, tiêu hủy nhằm giảm lượng sách phải cất giữ. Việc này được tiến hành “nội bộ” nhưng có sự hiện diện của NXB, tác giả cuốn sách bắt buộc phải được thông báo về chuyện đó. Một NXB giải thích: “Các cuốn sách thường được cất giữ 4-5 năm. Đó thường là những cuốn có độc giả, hơn nửa số tác giả có sách thuộc loại này. Trước khi hủy bỏ một cuốn sách, người ta làm “mới” chúng, nhất là những cuốn sách đẹp, để có thể đem bán lại”. Đến lượt những người buôn bán sách hạ giá mua lại và phát hành trong những kênh phân phối khác (bán rẻ, tặng, từ thiện…).
Hủy sách là giải pháp tối hậu, mà các “nhân vật” chính của ngành sách (nhà xuất bản, nhà phân phối…) khó lòng tự làm, phải nhờ tới những “người thu hồi”. Những người này tới mua sách theo ký, giá cả tùy theo thị trường, nhưng ít khi vượt quá 100 Euro/tấn. Đối với trường hợp sách của một tác giả, đại diện NXB có mặt cùng một chưởng khế, thống kê rõ từng tựa sách. Một người khác có nhiệm vụ kiểm tra xem toàn bộ số sách có được hủy bỏ hết hay không, quy trình hủy có được thực hiện nghiêm ngặt và đúng thời hạn hay không… Dẫu vậy, vẫn có thể xảy ra sự gian lận: Bằng chứng là có những cuốn sách người ta lại thấy bày bán. “Người thu hồi” sống được nhờ bán giấy tái chế mà châu Á là thị trường hàng đầu. Biết đâu cuốn sách bạn đang cầm trong tay có thể là “cuộc sống thứ hai” của những cuốn sách được nói ở trên, nhờ một quy trình tái chế mang ý nghĩa môi trường…
“Le grand cimetière des livres” (Nghĩa địa lớn của những cuốn sách).