Người ba lần viết lời quốc ca

ĐÀO HÙNG(*)

Chưa khi nào và chưa ở nước nào trên thế giới có trường hợp, dù ở hai thể chế khác nhau, nhưng lời bài quốc ca của Tổ quốc lại duy chỉ có một người viết mà người giành quyền viết này lại là trên nguyên tắc thi tuyển.

Đó là Sergey Mikhalkov, nhà thơ kinh điển thiếu nhi mà biểu tượng là trường ca Chú Stepa, kể về một người khổng lồ tốt bụng luôn hướng và khuyến thiện trẻ nhỏ, tác giả lời quốc ca Liên Xô cũ (1943, 1977) và Liên bang Nga ngày nay (2000).

Đúng như người đứng đầu nhà nước Nga Dmitry Medvedev khẳng định, ngoài tài năng của Mikhalkov được thể hiện rực rỡ qua những vần thơ, những trường ca nổi tiếng cho trẻ em và nuôi dưỡng nhiều thế hệ lòng yêu nhân dân và tổ quốc, còn có một mảng di sản tinh thần khác không thể không nhắc đến. Đó là lời cho bài quốc ca hùng tráng.


Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva - Nga

Mùa hè 1943, khi cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, nhà nước Xô Viết mở cuộc thi sáng tác quốc ca để thay thế quốc tế ca đang là quốc ca Liên Xô từ sau Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917. Mikhalkov và nhà báo quân đội Gabriel Ureklyan tham gia thi viết lời. Nhà thơ giữ vai trò chính, còn Ureklyan góp ý.

Sau khi văn bản lời ca được hoàn tất và gửi đi, ít ngày sau, nhà thơ Mikhalkov được mời về Moskva gặp ban lãnh đạo nhà nước tại điện Kremli. Điều bất ngờ với nhà thơ, trong cuốn sách dày hơn 100 trang in rất nhiều văn bản lời quốc ca của nhiều nhà thơ, nhà văn gửi đến dự thi, duy chỉ có lời ca của Mikhalkov được ban lãnh đạo đứng đầu là Stalin phê duyệt.

Tuy nhiên, lời ca của ông chưa phải là cuối cùng, người đứng đầu nhà nước đã cùng Mikhalkov thảo luận nhiều lần. “Tôi đã 7 lần làm việc với Stalin về lời quốc ca, lần lâu nhất là từ chiều đến 5 giờ sáng” - nhà thơ nhớ lại. “Trong quá trình thảo luận vị lãnh đạo luôn nhấn mạnh quốc ca phải toát lên lòng yêu nước, sức mạnh và niềm tin chiến thắng của dân tộc”.

Cùng thời gian đó, các nhạc sĩ toàn Liên Xô cũng được đề nghị tham gia thi phổ nhạc cho lời thơ Mikhalkov. Sau nhiều lần ráp với phần nhạc của các nhạc sĩ tham gia thi được tiến hành vào cuối 1943, cuối cùng, bài ca chính thức của nhà nước Xô Viết với phần giai điệu của nhạc sĩ Aleksangdrov được chính thức phát trên đài phát thanh toàn Liên bang lúc giao thừa theo giờ Moskva ngày 01/01/1944.

20 năm sau, kể từ sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin (Tháng 4/1956) quốc ca Liên Xô chỉ dùng nhạc, mà không dùng lời, thì vào giữa những năm 1970 nhà thơ Mikhalkov lại được tuyển chọn để chỉnh sửa lại lời quốc ca Liên Xô.

Cũng ít ai nghĩ rằng, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, trong vòng 10 năm, quốc ca Liên Xô bị loại bỏ và thay vào đó là nhạc của nhà soạn nhạc Nga thế kỉ 19 Glinka, vào năm 2000 nhà nước và Quốc hội Liên bang Nga lại tổ chức thi sáng tác lời quốc ca Nga.


Tổng thống Nga Vladimir Putin trao Huân chương Phụng sự Tổ quốc hạng 2 cho ông Mikhalkov ngày 13/3/2003.

Tác giả Chú Stepa vẫn lại được tuyển chọn để biên tập lại lần thứ 3 và đã được Hạ viện Đuma Quốc gia Nga thông qua cuối năm 2000 và được dùng với phần nhạc quốc ca cũ.

Trước một trọng trách như vậy, nhà thơ Mikhalkov kể, tôi lo lắng không biết nên viết như thế nào để hợp thời đại và lòng người. Mỗi ca từ phải mang tính phổ quát và hàm chứa sâu sắc. Đây là cả một công sức”.

Đoạn trích sau đây trong quốc ca cho thấy một phần suy tư và lao động nghệ thuật của tác giả:

Nước Nga - cường quốc thiêng liêng / Đất nước vĩ đại muôn vàn thân yêu / Ý chí, vinh quang lớn lao / Là thuộc của Người mãi mãi vẹn nguyên…

Như vậy, chỉ riêng lời bài ca chính thức của nước Nga được 3 lần tái tạo bởi nhà thơ kinh điển thiếu nhi Mikhalkov với phần nhạc cũng vẫn của Aleksangdrov đủ chứng tỏ một sản phẩm nghệ thuật làm lay động mọi trái tim luôn luôn là tài sản chung của đất nước.

(Tổng thuật từ các tài liệu Nga)

SỰ NGHIỆP THƠ VĂN VÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

Không chỉ là nhà thơ, Sergey Mikhalkov còn là nhà viết truyện ngụ ngôn, nhà viết kịch, nhà chính luận, nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Trong số nhiều thi phẩm nổi tiếng viết cho trẻ em đất nước Xô Viết, nhiều dân tộc trước đây và Liên bang Nga hôm nay nổi bật có truyện thơ Chú Stepa (1935),

Chú Stepa kể về một siêu nhân Xô Viết khổng lồ có tấm lòng nhân hậu tên là Stepa đã dũng cảm cứu người bằng cách dùng cánh tay ngăn chặn đoàn tàu khỏi bị đổ. Trong tâm khảm độc giả thuộc mọi lứa tuổi ở Nga, đặc biệt là bạn đọc nhỏ, chú Stepa - con người cao thượng khổng lồ hướng và khuyến thiện này luôn được gắn với bộ mặt và nhân cách của chính nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên một số họa sĩ minh họa truyện thơ này đều khắc họa các nhân vật của tác phẩm gắn với khuôn mặt của Sergey Mikhalkov.

Trong mỗi tủ sách gia đình, mỗi góc học tập của các em nhỏ ở Nga ít nhiều đều có một thi phẩm nào đó của Sergey Mikhalkov. Ở nước này, mỗi khi nhắc tới Mikhalkov người ta lại nhớ tới một đoạn hay một câu thơ nào đó như một nét đặc trưng trong trường ca Chú Stepa.


Sergey Mikhalkov

Một trong những đoạn trích như thế trong trường ca là: Chú Stepa tốt bụng / Bằng giọng nói thâm trầm: / Tôi luôn luôn sẵn sàng / Dâng hiến sức lực mình / Làm việc gì, đi đâu / Dù phải xông vào lửa / Hay phải lội nước sâu / Miễn sao mà cứu được / Những ai gặp nguy nan / Đích của tôi là vậy / Phải giúp ích cho đời…

Sergey Makhalkov còn được biết là tác giả hai câu thơ khắc trên mộ chiến sĩ vô danh bên ngọn lửa vĩnh cửu nơi chân tường điện Kremli: Các anh - những anh hùng không tên tuổi / Chiến công các anh sống mãi muôn đời.

Trong suốt đời viết của mình, Mikhalkov đã công bố gần 400 tác phẩm gồm các bài thơ và truyện thơ, những truyện thơ mang sắc thái cổ tích và đồng thoại cho trẻ em, những bài thơ ngợi ca, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân Liên Xô; những vở kịch, kịch bản, chuyện ngụ ngôn và nhiều bài chính luận thể hiện quan điểm của mình.

Những thi và văn phẩm của ông đã được in với số lượng khoảng 300 triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhà thơ cũng là dịch giả của loạt thi phẩm nước ngoài.

Vì những thành tích, những cống hiến xuất sắc và nổi bật vào hoạt động văn học Mikhalkov đã được nhận nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quí khác nhau: Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, 17 huân chương các loại, 1 giải thưởng Lê-nin, 3 giải thưởng Stalin và nhiều loại huy chương.

Cùng với việc cầm bút và lấy nền văn học nhân bản làm nền tảng bút lực của mình, Mikhalkov còn là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Ông là đại biểu XV tối cao Liên Xô nhiều khóa, từng lãnh đạo Hội Nhà văn Moskva, là Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga, thư kí Hội Nhà văn Liên Xô và nhiều trọng trách khác.

Chức vụ xã hội cuối cùng Mikhalkov nắm giữ là vào năm 92 tuổi: Chủ tịch BCH Liên hiệp Quốc tế các Hội Nhà văn.