Hoài Anh là Biên tập viên và dẫn chương trình nói giọng miền Nam đầu tiên trên bản tin Thời sự 19 giờ của Đài Truyền hình Việt Nam. Đôi mắt to đen, khóe miệng xinh xắn và khuôn mặt ưa nhìn, Hoài Anh nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả, đặc biệt là đồng bào xa Tổ quốc (qua các bản tin trên VTV4). Từ một cô gái mềm mại và có phần chậm rãi, Hoài Anh từng ngày bắt nhịp với guồng quay của những người làm thời sự truyền hình và nhịp sống ở miền Bắc.
Không phải nói hộ lời người khác
- Chị có nghĩ rằng, vì vị trí đặc biệt của bản tin Thời sự 19 giờ trên VTV mà Biên tập viên lên hình dễ gây được chú ý?

Người dẫn chương trình, biên tập viên Hoài Anh.
Vâng. Cũng chính vì tầm quan trọng của chương trình và số lượng người xem rất lớn mà sức ép không nhỏ đối với các Biên tập viên dẫn chương trình.
- Dẫn bản tin Thời sự 19 giờ đặt lên vai các Biên tập viên trách nhiệm khá nặng nề, đồng thời là niềm tự hào của không ít người làm báo hình, đặc biệt là các Biên tập viên nữ. Vì vậy, để giữ hình ảnh, có người cho rằng việc xuất hiện ở vị trí người dẫn chương truyền hình khác là không cần thiết nữa. Hoài Anh nghĩ sao khi chị vẫn dẫn song song cả chương trình Chìa khoá thành công?
Tuổi trẻ luôn đầy ước mơ và khát vọng. Tôi thấy thú vị với hình ảnh của tôi ở hai vị trí dẫn chương trình khác nhau. Điều quan trọng là ở mỗi “vai diễn”, mình phải thật sự “nhập vai”, hoàn thành tốt vai diễn đó và tạo được những nét khác biệt phù hợp với từng thể loại chương trình mình đảm nhiệm.
- Nếu phải lựa chọn giữa bản tin Thời sự và Chìa khóa thành công, Hoài Anh sẽ chọn vị trí nào?
Tôi chọn cả hai.
- Nếu “sếp” của Hoài Anh yêu cầu bạn chỉ được chọn một trong hai?
Tôi hy vọng, sếp sẽ không yêu cầu như vậy (cười)!
- Những người làm truyền hình khẳng định “đẳng cấp” không phải bằng việc dẫn chương trình mà bằng những chương trình mình dẫn, bằng những phóng sự được đánh giá cao… Hoài Anh nghĩ gì về nhận xét này?
Vậy anh giải thích thế nào khi đã có rất nhiều tên tuổi của những người làm truyền hình được khán giả yêu mến trong vai trò một người dẫn chương trình? Không phải bỗng nhiên mà người ta vẫn nói, người dẫn chương trình quyết định ít nhất 50% thành công của chương trình. Thêm nữa, những người dẫn chương trình của Đài Truyền Việt Nam đồng thời là những phóng viên, biên tập viên. Họ biên tập và sáng tạo trong từng lời dẫn, từng chương trình chứ không phải nói hộ lời người khác.

Hoài Anh trong bản tin thời sự.
- Hoài Anh có ý tạo nét riêng Nam bộ cho trang phục mỗi khi lên hình?
Tôi thường buộc tóc lơi và nhiều người đã nhớ đến tôi với hình ảnh đó. Tôi cũng thấy mình là người thích sự đa dạng và khám phá bản thân. Tôi tự tạo ra khá nhiều kiểu tóc khác nhau. Rốt cuộc, có người nhớ đến tôi với hình ảnh mái tóc xoăn, áo dài hoa màu tươi tắn…. Một số người lại nhớ đến tôi với hình ảnh truyền thống, tóc búi, áo dài tơ tằm kiểu hơi cổ trang… Và hình ảnh của tôi càng khác hơn trong chương trình Chìa khóa thành công. Đã có khán giả thắc mắc rằng: trên bản tin Thời sự có một hay hai cô dẫn chương trình nói giọng Nam Bộ? Và cô Hoài Anh trên bản tin có phải là cô Hoài Anh trong Chìa khóa thành công không? (cười).
Tin đồn không phải là tin
- Truyền hình được coi là môi trường cạnh tranh khốc liệt và không ít lời đồn thổi phía sau những gương mặt người dẫn chương trình, biên tập viên. Là người được VTV9 cử đi “tập trận” ở VTV rồi lên hình Bản tin 19 giờ chỉ sau hai tháng, Hoài Anh có nghe những “xì xào” phía sau?
Thứ nhất, chuyến công tác của tôi không phải là “tập trận”, cũng không phải do VTV9 cử đi, mà là đi làm việc theo quyết định của Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam. Thứ hai, như tôi đã nói, tôi không quan tâm đến những lời “xì xào phía sau”. Thực tình, tôi luôn mong nhận được những đánh giá và nhận xét một cách thẳng thắn và khách quan nhất về cách dẫn bản tin, cách phát âm nhả chữ, phong thái của tôi mỗi khi lên hình.
- Hoài Anh có miễn nhiễm với những tin đồn?
Tôi quan niệm, tin đồn không phải là tin, và vì vậy, đừng mất công quan tâm đến tin đồn.
- Là “lính mới”, lại từ Nam ra Bắc nên có lẽ bạn nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tốt đẹp hơn?
Thật sự đến giờ phút này, tôi vẫn cảm nhận mọi thứ xung quanh mình một cách tốt đẹp và gần như thích nghi được với những sự khác biệt. Tôi nghĩ, mình yêu nơi này thì nó sẽ không phụ mình.
- Dường như, Hoài Anh đang muốn “cố thủ” để không đụng chạm đến đồng nghiệp và… “vạch áo cho người xem… hậu trường truyền hình”?
Hậu trường truyền hình? Anh muốn biết điều gì nếu không phải là những khó khăn vất vả của đội ngũ những người làm truyền hình? Là những người quay phim, những phóng viên, biên tập viên có mặt tại những điểm nóng đầy hiểm nguy; là cả những vết thủng trên tà áo dài đến giờ tôi vẫn giữ để nhớ đến sự cố của một lần dẫn chương trình bị pháo hoa làm cháy áo… Những khoảng thời gian lẽ ra được dành cho gia đình và bản thân thì chúng tôi dành cho công việc, vì chương trình và vì khán giả… Hậu trường truyền hình là bao nhiêu điều như thế nên tôi tự hào được đứng trong hàng ngũ này.
- Hoài Anh, như những gì đã thể hiện trên blog, là cô gái nhạy cảm và lãng mạn. Công việc làm truyền hình có làm vơi đi những xúc cảm ấy hay chính vì sự “đụng độ” giữa con người Hoài Anh với thực tế đời sống khiến Hoài Anh luôn muốn trân trọng những khoảnh khắc đáng yêu?
Cảm xúc vẫn luôn tràn đầy trong tôi. Tôi yêu cuộc sống và công việc hiện tại. Tôi là người nhạy cảm, lãng mạn và biết điều, đôi lúc hơi cả nể. Tuy nhiên, tôi cũng là người thẳng thắn và khá nóng tính.

Hoài Anh trong chương trình Chìa khóa thành công.
- Trong giao tiếp, người Nam khá thẳng thắn nói rõ ý mình và thường thì nói gì làm đấy; còn người Bắc “vâng dạ” nhưng có thể lẳng lặng không thực hiện. Chị có trải nghiệm với những tình huống như vậy và… có cảm thấy khó chịu về “đặc tính” đó của người Bắc?
Những khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc tạo ra nét đặc trưng vùng miền độc đáo. Người Nam Bộ thẳng thắn, hồn hậu và phóng khoáng. Người Bắc thanh lịch, sâu sắc. Bản thân tôi cũng là “sản phẩm” của những “giao thoa”: mẹ là người Hà Nội, ba là người miền Nam. Tôi sinh ra và có những năm tháng ấu thơ ở miền Bắc, lớn lên và trưởng thành ở miền Nam, được ít nhiều tiếp thu văn hóa của cả hai miền. Tôi thấy khoảng thời gian này hết sức thú vị khi tôi có cơ hội được sống tại hai miền với những sắc thái văn hóa, lối sống vừa có cái riêng, vừa có cái chung. Điều này giúp tôi tích lũy thêm vốn sống và sự trải nghiệm.
- Cảm ơn Hoài Anh và chúc chị thành công!