Bao lâu nay, những người dân sống tại khu phố 8, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân quen - ông già làng. Bởi ông chính là người đã và đang giữ hồn văn hóa cho một bộ phận người Nùng ở Lâm Đồng, ông tên Vy Văn Dèn.
Nhiệt tình, vui vẻ nhanh nhẹn khác hẳn với cái tuổi 68, không ít lần ông chỉ cho chúng tôi xem gia bảo của gia đình và cũng là vật bảo của người Nùng, đó là một hòm sách quý viết bằng chữ Hán và chữ Nôm của người Nùng. Ông Vy Văn Dèn cho biết, ông là người Nùng chính gốc, quê Lục Ngạn - Bắc Giang, gia đình ông vào Lâm Đồng năm 1954. Trong khoảng thời gian sinh sống ở Lâm Đồng, cụ thể là ở Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, ông và nhiều gia đình người Nùng khác vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc mình. Cụ thể là những nghi lễ trong tang ma, thờ cúng ông bà tổ tiên và tục thờ các vị thần trong ngôi nhà của người Nùng.
Ông cho biết, trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều gia đình người Nùng có ý muốn bỏ hết các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Song được sự vận động của Hội người Nùng và của ông mà nhiều gia đình vẫn giữ được những bản sắc văn hóa truyền thống. Cụ thể trong việc bảo tồn tín ngưỡng văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần.
Khi chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu Người Nùng ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, thì được biết trong thời gian đó cũng có một đoàn nghiên cứu của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG TPHCM cũng đến xin sao chụp những thư tịch của của người Nùng mà hiện nay ông đang giữ.
Được biết, những tài liệu này đã được nhiều chuyên gia của Việt Nam và của Trung Quốc nghiên cứu mà cũng chưa thể giải mã hết. Nhưng đối với ông, khi nói về những giá trị văn hóa của dân tộc mình thông qua những sách liệu cổ này, chúng tôi thấy ông hào hứng hẳn lên, vì đó là niềm tự hào dân tộc, cái mà người ta vẫn gọi là bản sắc văn hóa. Song, phải thừa nhận rằng, đó là những tư liệu quý giá còn giữ lại được đến hôm nay. Đối với ông, nó là một cái gì đó lớn lao và quý báu lắm.

Ông Vy Văn Dèn và những quyển sách quý bằng chữ Hán chữ Nôm
của dân tộc Nùng.
Không chỉ là người còn giữ được rất nhiều các cuốn sách chữ Hán - Nôm của người Nùng ở Bắc Giang bao gồm các sách về thiên văn, y lý số, thơ văn, ông Dèn còn cùng đồng bào Nùng lập nên các phong trào rất ý nghĩa như phong trào hũ gạo tình thương, nghĩa tử nghĩa tận…; những phong trào này đã góp phần không nhỏ trong việc đoàn kết đồng bào Nùng trên địa bàn.
Ngoài việc lưu giữ nhiều sách liệu quý của dân tộc mình, ông còn là một người sống hết lòng vì hàng xóm láng giềng. Vốn am hiểu chữ Hán và chữ Nôm, nên trong các đám tang ma, hiếu hỷ đều có nét chữ của ông, từ bài văn cúng, đến những câu đối chúc mừng, và cũng chính vì cái lẽ ấy mà người ta gọi ông là người giữ hồn văn hóa cho người Nùng.
Quả đúng như lời người dân nói, tiếp chúng tôi tại nhà riêng số 203, đường Hoàng Văn Thụ, khu phố 8, thị trấn Liên Nghĩa, ông Dèn đã không ngần ngại cung cấp cho chúng tôi tất cả những vốn liếng văn hóa người Nùng ở Bắc Giang cũng như văn hóa người Nùng ở Liên Nghĩa. Ông nói và kể cho chúng tôi nghe về nhiều nét văn hóa của người Nùng mà hiện nay nhiều gia đình đã đánh mất, và ông cố gắng ngày ngày đi nhặt nhạnh ghi chép và lưu giữ lại như để tri ân với tiền nhân. Với chúng tôi, những việc ông đang làm cũng là công việc của một nhà nghiên cứu, nhưng đối với ông, dù có phải là một nhà nghiên cứu hay không thì ông vẫn cứ làm, bởi theo quan niệm của ông, làm để học, để dạy cho con cháu, và làm để giữ lại cho đời những mảng màu văn hóa còn sót lại của người Nùng.
Quả thật, khi tiếp xúc với ông chúng tôi mới thấy hết được những công việc mà ông đang làm thật giống như một người “góp nhặt sỏi đá” để làm nên mảng văn hóa của người Nùng thêm phần ý nghĩa hơn. Đặc biệt, ông lại là người không giấu nghề, mà cố gắng đem những hiểu biết của mình để truyền dạy cho học trò, những người sẽ chạy tiếp bước cho ông để bảo tồn những nét văn hóa cổ truyền còn sót lại của đồng bào Nùng nơi đây.
Khi chúng tôi hỏi về công việc và những ấp ủ sắp tới thì được ông cho biết, sẽ cố gắng giải mã và biên soạn những tài liệu cổ này ra tiếng Việt để sau này con cháu biết đến mà học, và còn nhiều những trăn trở khác mà ông không nói ra, nhưng có lẽ chúng tôi đã hiểu phần nào. Bởi ông đang âm thầm lưu giữ những nét văn hóa của dân tộc mình, về những cái còn và đã mất, vì ông là người mà như người dân vẫn nói “người giữ hồn văn hóa của người Nùng ở Liên Nghĩa - Đức Trọng - Lâm Đồng”. Tạm biệt ông và chúng tôi cầu chúc cho ông luôn khỏe mạnh để viết tiếp những trang văn hóa của người Nùng còn dang dở nơi đây.