Mười sáu tuổi nhập ngũ, Trần Hữu Tòng có mười lăm năm trong quân phục và phù hiệu màu xanh lá cây. Tuổi trẻ của Trần Hữu Tòng gắn với miền đất giáp ranh ở vùng biên giới Việt - Lào, trên dải đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt. Rồi hai mươi năm tiếp theo anh làm phóng viên báo Quân đội nhân dân vào thời kỳ đất nước có chiến tranh. Dẫu mười năm cuối đời công chức làm Cục trưởng được đi đến nhiều miền đất xa xôi hơn, hấp dẫn hơn thì những năm tháng ở vùng Nước Sốt - Cầu Treo và ba mươi năm làm phóng viên báo Biên phòng, báo Quân đội nhân dân, với anh, vẫn là một vùng ký ức sâu đậm trong cuộc đời.
Đó có lẽ là lý do để cắt nghĩa vì sao Trần Hữu Tòng dành cả cuộc đời cầm bút của mình cho người lính, cho những con người quanh năm sống với gió núi mây ngàn, chấp nhận mọi sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần để canh giữ biên cương cho Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho nhân dân các miền biên giới; vì sao trong ký ức của anh, những năm tháng đi chiến trường để lấy tin viết bài, anh vẫn cảm giác trong mình còn một món nợ văn chương chưa trả được.
Xuất thân là một người lính biên phòng thực thụ, anh biết và hiểu về cuộc sống của những con người này. Trong anh dậy lên niềm khao khát muốn viết về sự hy sinh thầm lặng của họ trong cuộc chiến đấu với bọn phỉ, biệt kích, với đói nghèo, lạc hậu để giữ từng tấc đất cho Tổ quốc, giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Và anh viết. Ban đầu là viết báo. Sau đó là viết văn.

Bộ đội biên phòng Đồn 585 giúp người Rục thu hoạch vụ lúa đầu tiên.
Năm 1964, Cục Chính trị phân công anh lên Hà Nhì - một bản nằm trên biên giới Việt - Trung - Lào để viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ - người lính biên phòng nổi bật như một tấm gương sáng về công tác vận động nhân dân bỏ thuốc phiện, định canh định cư, học chữ. Rồi sau đó bài báo 2 trang in trên tờ Quân đội nhân dân viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ của anh đến với bạn đọc.
Về cuộc sống của những người chiến sĩ biên phòng, ít ai biết rằng “tối trải lớp lá còn xanh, sáng ra từng đám đã nhuộm đỏ máu bởi sên, vắt cắn đốt. Và dưới lớp lá ấy những chú trăn đất, rắn xanh đến tìm hơi ấm”; “những trận sốt rét tóc rụng hết, đầu trọc lốc như quả bưởi rừng”; là động xai: những vết nứt sâu hoắm trong hẻm núi hoặc lưng chừng núi sinh ra khí gió chướng nghịch mùa, không liền ngay và lại được cỏ dại cùng cây lá mục phủ lên, trở thành cái bẫy cực kỳ nguy hiểm đối với người đi rừng. Những cái chết không ai ngờ có thể đến bất cứ lúc nào với những người chiến sĩ hàng ngày phải đi tuần tra, rồi còn truy kích kẻ địch đột nhập, bọn buôn hàng quốc cấm, là thế.
Những bí ẩn của tự nhiên cùng với kinh nghiệm đi rừng được đan cài trong nhiều truyện đã đưa người đọc đến với vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có. Trần Hữu Tòng đã tạo nên sức hấp dẫn cho những ai muốn hiểu hơn về cuộc sống vừa nguy hiểm vừa lãng mạn của những chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh miền biên giới. Những ai thân quen anh, hiểu anh có thể tìm thấy bóng dáng anh trong một số truyện như Cây kim giao đầu ngọn gió, Ngọt lành xóm núi…
Trong sáng tác, thường là Trần Hữu Tòng thoát ra khỏi ảnh hưởng của người làm báo lâu năm. Tuy nhiên không phải lúc nào anh cũng thực thi điều đó một cách dễ dàng! Cho nên còn một số truyện vẫn bị ảnh hưởng của mô-típ “ta thắng địch thua” cả trong khi thể hiện những trạng thái tâm lý cũng như miêu tả ngoại hình nhân vật.

Tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Anh Trang.
Dẫu vậy, anh bộ đội biên phòng với những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn của họ vẫn là đối tượng mà hầu như anh dành trọn tâm sức của mình để khám phá. Và chỉ có viết về họ, gắn bó với họ, anh mới tìm thấy niềm vui nghề nghiệp, niềm vui của sự đồng cảm và ở đề tài này, ngòi bút của anh tỏ ra sở trường hơn cả.
Ngoài tập truyện đầu tay Bên dòng Păng pơi in năm 1965, được tái bản hai lần vào năm 1972 và năm 1995, từ bấy cho đến nay, anh đã cho in được vài chục đầu sách gồm truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết như Bầy cọp núi, Tín hiệu bình yên, Sau màn sương lạnh, Ngôi sao biên cương, Bí mật cây thập tự vàng, Mùa Bông điệp, Mùa chim cu làm tổ, Cánh rừng hai vầng trăng… Chủ yếu vẫn là đề tài chống biệt kích, tiểu phỉ, xây dựng chính quyền địa phương, giúp dân xây dựng bản làng, vận động nhân dân bỏ thuốc phiện, giữ gìn an ninh biên giới, chống việc buôn bán ma tuý qua biên giới.
Trần Hữu Tòng đã thể hiện nét đẹp của người lính cụ Hồ khi đặt họ trong mối quan hệ với đồng đội, với gia đình, trong tình yêu và cho chúng ta hiểu hơn, quý hơn những con người mà trong cơ chế trị trường, nếu không có những phiên toà xét xử những vụ buôn ma tuý xuyên quốc gia thì không phải ai cũng biết đến những hy sinh thầm lặng của những con người đó.
Rừng thiêng, truyện ngắn được nhận giải Nhất Giải thưởng của Hội Nhà văn kết hợp với Bộ Tư lệnh Biên phòng có thể coi là truyện ngắn tốt nhất trong số những sáng tác gần đây của anh. Xung quanh việc truy tìm sự mất tích bí hiểm của một chiến sĩ, Trần Hữu Tòng đã tạo dựng lại chân dung của người chiến sĩ biên phòng trong tình cảm của đồng đội, của những người dân. So với những truyện khác, Rừng thiêng gọn nhưng tầng nghĩa sâu.
Truyện cho thấy anh đã trăn trở để vượt lên chính mình trong ý thức tìm tòi cách tân nghệ thuật. Tôi nghĩ chỉ có thể là người lính chiến, thông hiểu cuộc sống của những người chiến sĩ vùng biên ải và yêu thương họ đến độ nào mới có những trang văn ấy - những trang văn cô đặc vốn sống, chiêm nghiệm của một đời gắn cuộc sống và tình yêu của mình với những miền đất xa xôi, hiểm trở.