Người đương thời với Phạm Quỳnh và Nam Phong

*Bác sĩ Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Trần Trọng Kim

Xét riêng về văn học, theo cụ, tạp chí Nam Phong có thể có ích cho một số người nửa Nho nửa Pháp, vốn học trung bình. Cụ có viết trong Nam Phong phần phụ lục tiếng Pháp về y học vào quãng 1921. Vì thế, cụ có quen biết ông Phạm Quỳnh và nhớ lại có khuyên ông không nên ra làm quan. Lúc đó, tuy biết Nam Phong thân Tây, nhưng cụ vẫn tưởng Phạm Quỳnh dù sao vẫn là người làm văn hóa.

Về sau, Phạm Quỳnh làm quan vào kinh, có thái độ hống hách phong kiến, dân chúng không ưa. Chẳng hạn đi Đà Nẵng, bắt làm cổng chào, đón rước linh đình, hoặc tổ chức ăn mừng tứ tuần thật to trong khi dân đói và chiến tranh sắp xảy ra. Cụ né tránh không muốn gặp lại ông Quỳnh trong thời gian ông làm quan. Sau đảo chính 9/3/1945, khi tiếp thu bộ Lại của ông Quỳnh, cụ thấy một tủ sắt niêm phong kỹ của viên cố vấn chánh trị người Pháp, cụ ra lệnh mở và đã đọc những tài liệu, hồ sơ cất giấu trong tủ. Đó là những tài liệu ghi các việc người Pháp chỉ thị cho Phạm Quỳnh thi hành và họ đã dùng những chữ rất khinh bỉ để gọi Phạm Quỳnh như một tay sai dễ bảo, trung thành.

Cụ không muốn nói rõ những chữ đó là chữ gì, cũng không muốn kể lại những việc Pháp ra lệnh cho Phạm Quỳnh làm là những việc gì, nhưng cụ có nói một câu để tóm lược tất cả: đó là những việc làm của một người phản quốc; thế là đủ hiểu và cụ nói tiếp từ đó tôi thực sự hoàn toàn thất vọng và khinh Phạm Quỳnh.

(Trích theo Nguyễn Văn Trung trong Trường hợp Phạm Quỳnh – tủ sách Tìm về dân tộc – Nam Sơn, Sài Gòn, 1975)

* Ông Phan Văn Dật, Giáo sư ĐH Văn khoa Huế

- Lúc đó ông có để ý đến lập trường chính trị của Nam Phong không?

- Có. Vì chúng tôi biết có sự hiện diện của Louis Marty và nhất là khi ông Phạm Quỳnh diễn thuyết đề tài “Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc”, dư luận cho rằng Phạm Quỳnh là người “đề huề” với Pháp. Chữ “đề huề” đây có nghĩa mỉa mai là “hùa theo”.

- Có thể nói là khi đọc Nam Phong, chúng tôi rất phục tài Phạm Quỳnh, nhất là về Pháp văn mà ông ta viết trong các phụ trương, nhưng chúng tôi cũng như nhiều người khác đều tức giận vì thấy lập trường chính trị của ông khi ông chửi Nguyễn Khắc Hiếu trong bài Mộng hay mị.

pic

Thành phần đọc Nam Phong: phần đông là trí thức và nhà Nho, nhất là các quan tùng sự tại lục bộ (như cụ Phạm Liệu đọc Nam Phong rất kỹ, cụ Vương Tứ Đại, Thượng thư bộ Công cũng đọc kỹ và có đủ bộ Nam PhongĐông Dương tạp chí. Lý do khiến người ta đọc Nam Phong là vì thiếu sách báo vào thời đó. Những người làm cách mạng không đọc.

Thái độ của các nhà Nho ở Huế đối với Phạm Quỳnh:

Học sinh trường Quốc Học và một số người thời đó gọi Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là Nguyễn Phản Quốc và Phạm Hót Tây. Ông Phan Khôi thì gọi Phạm Quỳnh là “học phiệt” vì Phạm Quỳnh có giọng ngạo mạn khinh người: trong cuộc bút chiến với ông Nam Minh về các vở kịch của Molière và Corneille, Phạm Quỳnh đã viết “Tôi không chê ông Nam Minh là người vô học”.

pic
Cụ Phan Bội Châu

Thái độ khinh ghét Phạm Quỳnh càng tỏ rõ khi cụ Phan Bội Châu về an trí ở Huế, nhiều học sinh Quốc Học đã đến với cụ Phan. Phong trào yêu nước rất sôi nổi. Tôi còn nhớ có cô Nguyễn Khoa Bội Lan, cô Lài và một số thân hữu đã tình nguyện lo cơm nước cho cụ Phan.

Những người chủ trương Thần Kinh tạp chí cũng rất ghét Phạm Quỳnh.

Thái độ và tác phong của Phạm Quỳnh ngoài xã hội đã gây nên nhiều ác cảm: khi làm Thượng thư, ông thường diễn thuyết nhiều về cuốn Dictionnaire Politique của Charles Maurras. Trong nhà ông có rất nhiều sách đẹp và quý từ Pháp gởi về. Ông thường đi chung với Toàn quyền Pháp sau mỗi buổi diễn thuyết, “tutoyer” nói chuyện thân mật, cử chỉ này làm cho các quan Nam triều rất ghét. Người ta cho biết rằng: có lần Phạm Quỳnh đưa một văn thư thúc vua Bảo Đại ký, vua Bảo Đại bất đồng, cố ý lờ đi, Phạm Quỳnh rất tức giận, lầm bầm “cứ làm thói trẻ con này”, các thị vệ nghe câu đó rất lấy làm khó chịu.

Nói chung, ở Huế, người ta sợ Phạm Quỳnh, xem Phạm Quỳnh như con mắt do thám của Pháp nhằm canh chừng cử chỉ của vua Bảo Đại.

Tôi có cảm tưởng như Phạm Quỳnh mang hai bộ mặt (double personnalité): bên ngoài xã hội ông kiêu mạn, hống hách ưa lung lạc mọi người và rất phong kiến (ngày giỗ ở nhà ông, biệt thự Hoa Đường ở bờ sông An Cựu, người ta thấy có đủ nhân viên của bộ Học (Giáo dục) mặc áo rộng khệ nệ bưng lễ vật đến dâng cúng) nhưng lúc ở nhà, trong gia đình, ông tỏ ra rất nho phong: luôn luôn dùng lễ để đối xử với người làm, ông dạy dỗ con cái rất hay. Ông rất đàng hoàng, ngay cả lúc ăn cơm ở nhà cũng mặc áo chỉnh tề.

- Tác dụng chính trị của Nam Phong(chủ đích của Pháp) có thành đạt không?

- Không. Vì Phạm Quỳnh đã quá lộ liễu (trong hai bài diễn thuyết về Charles Maurras và Pétain). Khi người ta đọc cuốn Vers une constitution, người ta thấy rõ Phạm Quỳnh là một công cụ của Tây.
Dân chúng Huế không ưa nghe Phạm Quỳnh nói chính trị mà chỉ ưa sự hoạt bát, hùng hồn, văn vẻ của Phạm Quỳnh.

Thái độ khinh ghét Phạm Quỳnh về phương diện chính trị đã bộc lộ rõ rệt trong cuộc biểu tình của dân Huế vào năm 1945 khi Nhật đảo chánh Pháp. Dân chúng hô đả đảo Phạm Quỳnh và ủng hộ Ngô Đình Diệm.

Kết quả: Phạm Quỳnh bị bắt tại nhà dẫn đến Hiền Sĩ (20 cây số Tây Bắc Huế) thì bị bắn. Một du kích địa phương đã kể lại: khi bị bắn, Phạm Quỳnh chỉ kêu một tiếng “Ối giời ơi” mà thôi.

Sau cái chết của Phạm Quỳnh, dư luận Huế về phía trí thức: tiếc một người có tài có học có thể để lại dùng vào việc khác; về phía quần chúng: thản nhiên.

Theo tôi, qua những hành động bất nhất như lúc đầu chửi Nam Triều rồi sau lại ca ngợi, qua Pháp khi ghi vào Sổ Vàng ở Marseille, ông đã chế nhạo vua Khải Định… Phạm Quỳnh là người có tài có học nhưng không có thái độ trí thức.

(Trích theo Nguyễn Văn Trung – sđd)

* Đông Tùng (72 tuổi – khoảng trước 1975)

Toàn bộ vấn đề đối với tạp chí Nam Phong trong đời tôi được khu biệt ra 2 thời kỳ hoàn toàn trái ngược nhau:

A/ Từ cuối năm 1926 trở về trước

B/ Từ cuối năm 1926 trở về sau, nghĩa là từ khi tôi trốn Pháp qua Trung Hoa trở về sau.

Từ năm 1926 trở về trước:

Tôi biết tạp chí Nam Phong từ năm 1920 cùng một nhóm người quen biết…

Tôi cũng như nhiều người khác cho tạp chí Nam Phong là một cơ quan văn hóa rất có giá trị về các phương diện: tư tưởng, Việt ngữ, lịch sử, văn chương cả Hán và Việt, bởi vậy chúng tôi đã đọc hầu hết các bài trong Nam Phong.

Chúng tôi đọc Nam Phong để tìm hiểu:

- Các chủ nghĩa dân chủ Tây phương qua các bài dịch chữ Tây của ông Phạm Quỳnh.

- Các áng cổ văn rất giá trị (bằng chữ Hán) mà Nam Phong đăng tải lại.

- Các bài thơ Việt hay Hán trong mục Văn Uyển.

Nói tóm lại vào thời kỳ này, chúng tôi coi Nam Phong và ông Phạm Quỳnh là một thần tượng văn hóa.
Từ năm 1926 trở về sau:

Tháng 10 năm 1926, tôi trốn Pháp qua Quảng Châu (Tàu) thụ huấn chính trị với ông Nguyễn Ái Quốc. Trong lớp huấn luyện chính trị đó có loạt bài “chính sách độc ác của thực dân Pháp cai trị Đông Dương” (Pháp nhân cai trị Đông Dương chi ác sách).

Tới tiết mục Văn hóa: Sau khi trình bày về các sách về văn hóa của Pháp tại Đông Dương, ông Quốc có đề cập tới tạp chí Nam Phong. Ông cho rằng, Nam Phong là một cơ quan văn hóa của phòng chính trị phủ Toàn quyền Đông Dương mà Phạm Quỳnh là người thực hiện với một số phần tử phản bội như Nguyễn Bá Trác, Sở Cuồng Lê Dư… vì thế Nam Phong đương nhiên là một cái loa để quảng cáo cho cái chiêu bài “Văn minh khai hóa” của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Thực tình mà nói: Các ý kiến của ông Quốc đưa ra trong lớp học tập chính trị tại Quảng Châu từ đầu năm 1927 như vừa kể trên vẫn chưa hoàn toàn làm tiêu tan mối thiện cảm của chúng tôi đối với tạp chí Nam Phong.

Nhưng từ khi các chính đảng ra đời như: Việt Nam Quốc dân đảng, Tân Việt cách mạng đảng, Hội kín Nguyễn An Ninh, không có một chính đảng nào là không công kích lên án tạp chí Nam Phong và ông Phạm Quỳnh, ngoại trừ có khuynh hướng như kiểu họ Phạm.

Xét cho cùng, người ta công kích rất đúng:

Sau đại chiến thứ nhất, kinh tế mẫu quốc băng hoại, ở Đông Dương Pháp mở phiếu quốc trái, thì trên Nam Phong có những bài: “Rồng Nam phun  bạc”.

Trong khi các nhà văn yêu nước Việt Nam viết:

“Cha thì đi lính cho Tây

Chúng bắt đi lính bỏ thây nước người

Bây giờ mẹ hóa con côi

Kể sao chi xiết khúc nôi đoạn trường”

Và:

“Năm một nghìn chín trăm mười bốn

Cõi Âu châu thành chốn chiến tranh

Bốn năm trời đất tan tành

Máu sinh linh chẩy còn tanh đến giờ

Bọn đế quốc bất nhân lắm tá

Đem ta làm thịt cá mà chơi

Chốc đã hơn bốn năm trời

Non cao xương trắng bể vơi máu hồng

Thảm nỗi vợ, mất chồng hóa bụa!

Tủi điều con, mất bố mồ côi”

Và:

“Hỡi ai ai đó? bắt chồng ta đi

Chồng ta có tội tình chi

Mà bắt đi lính đánh thuê nước người”

Trong khi đó thì trên tạp chí Nam Phong với bút hiệu Chương Dân, Phan Khôi đã từng được nhà Ngô tại miền Nam truy tặng là nhà chí sĩ cách mạng vào năm 1957, viết một loạt 4 bài thơ Cổ phong trường thiên dài trên 100 câu. Sau khi cực lực tán dương ca ngợi binh hùng tướng mạnh, đại bác tàu bò của Pháp trong đại chiến thứ nhất, cụ Phan Khôi đã kết luận:

“Từ nay sẽ đàng hoàng nhàn hạ

Chứ còn đâu vất vả binh đao?

Mai kia giặc Đức thế nào?

Tòng chinh đã có con đầu của ta”

Càng chứng tỏ bộ mặt thực của Phạm Quỳnh cũng như nhóm Nam Phong là khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nam Phong không ngần ngại đề nghị thực dân Pháp phải thẳng tay trừng trị những tên vong ân dám làm phản loạn, khuấy rối trị an.

Trên đây là tất cả công lao của ông Phạm Quỳnh đã phục vụ cho bọn Pháp ở Đông Dương trên tờ Nam Phong, để có:

“Giấc Nam Phong khéo bất bình

Bừng con mắt dậy, thấy mình Thượng thư”

(Báo Phong Hóa, Hà Nội, 1936)

Vì những sự thực quá trần truồng như  ban ngày kể trên, đã đem chúng tôi tới một ý niệm coi thường tờ Nam Phong, vì dứt khoát cho nó là một công cụ của thực dân Pháp.              

(Trích theo Nguyễn Văn Trung – sđd)

* Giáo sư Trần Văn Giàu: Chủ nghĩa quốc gia của Phạm Quỳnh là chủ nghĩa quốc gia ăn xin 

Phạm Quỳnh cố đi tìm một lý tưởng khả dĩ một mặt lôi kéo thanh niên và trí thức, mặt khác lại không làm cho người Pháp lo ngại, mà chắc chắn là chặn bớt đường cách mạng. Hãy đọc mấy đoạn trong bức thư ngỏ của Phạm Quỳnh gửi Pôn Raynô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đăng trên báo Nam Phong số 166, tháng 10/1931: “Trong khoảng hai ba mươi năm nay chúng tôi có tiến hóa về đường trí thức, đường tinh thần, kết quả là đã nhận chân về mình, nhận chân về cái quốc gia của mình, sinh ra cái tư tưởng về nước về nhà mà tư tưởng này không thích hợp với cái chế độ hiện hành, nó không thể làm cho tấm lòng hoài vọng của chúng tôi được thỏa mãn… Chúng tôi là một dân tộc đương đi tìm một Tổ quốc mà chưa thấy Tổ quốc ở đâu”.

pic
GS Trần Văn Giàu

Tìm nhân cách, tìm quốc thể, tìm Tổ quốc mà lại đi thỉnh cầu quân xâm lược! Đi ăn xin ăn mày một cái Tổ quốc để mà thờ, bức thư ngỏ viết tiếp: “Bẩm quan tổng trưởng, Tổ quốc ấy đối với chúng tôi không thể là nước Pháp được. Lời nói đó xin ngài đừng mếch lòng, nó không hàm một ý nghĩa bất lương gì cả. Người An Nam không thể coi nước Pháp làm Tổ quốc được vì trước đã có Tổ quốc của mình rồi. Mà cái Tổ quốc đó, nước Pháp có thể vì chúng tôi khôi phục lại được là ban cho chúng tôi một hiến pháp thế nào cho cái quan niệm quốc gia của chúng tôi được phát triển ra, cho chúng tôi cũng có cái đời làm nước xứng đáng ở trong phạm vi đế quốc Pháp… Chúng tôi chỉ thỉnh cầu quan lớn có một điều, một điều rất thiết tha quan hệ hơn cả các điều khác là xin ngài cho chúng tôi một cái Tổ quốc để chúng tôi thờ”!

Chủ nghĩa quốc gia của Nam Phong là chủ nghĩa quốc gia ăn xin!

Trong Nam Phong số 105, Phạm Quỳnh lấy “cái họa cộng sản” đang phát triển mạnh mẽ và mau chóng để xin Pháp cho “chủ nghĩa quốc gia” điều kiện để chống trả lại cách mạng: “Sự phát triển của phong trào cộng sản trên toàn cõi Đông Dương càng chứng tỏ rằng bởi vì thiếu một chủ nghĩa quốc gia nên cộng sản mới nảy nở như thế ấy”. Té ra cái chủ nghĩa quốc gia, cái Tổ quốc để mà thờ đều là nhằm ngăn trở phong trào cách mạng giải phóng của dân tộc!

Nam Phong và Phạm Quỳnh cho rằng không có chính sách nào thích ứng hơn là bảo hộ…

Phạm Quỳnh chủ trương chế độ “quân chủ lập hiến”“chủ nghĩa tôn quân” (tôn vua) và đưa ra cả một tràng lý luận để bảo vệ chủ trương ấy trên báo Nam Phong số 175, tháng 8/1932. Nào là: Dân chủ cộng hòa là xu thế chung của thế giới nhưng“cứ trình độ quốc dân ta ngày nay thì quân chủ ở nước ta vẫn là cần”, “Vua không phải là một người như người khác. Vua tiêu biểu cho một cái nghĩa lớn là nghĩa quan hệ của người ta với nước nhà, nòi giống mình, vua biểu hiện của quốc gia, của chủng tộc”.

Phạm Quỳnh cho là trình độ dân ta thấp, dân không hình dung được nước là gì, nên yêu nước không đậm đà được, trái lại dân dễ nhận hình tượng của vua, cho nên trung với vua có thể là tha thiết, mà vua là biểu hiện cho nước thì trung với vua tức là yêu nước vậy: “Nước đã tiêu biểu ở vua, thì dân có chỗ ngưỡng vọng và tôn quân tức là yêu nước vậy”!

Nào là không thể lập tổng thống được, vì Pháp không cho phép. Vả lại tổng thống không bằng vua, “vì là ông vua thế tập đời đời kế nghiệp, coi vận mệnh nước nhà là vận mệnh mình, vận mệnh cả nhà, cả họ mình, đối với nước vẫn có một cái tình nghĩa thiết tha thâm trầm hơn”.

Phạm Quỳnh “mượn cái địa vị tôn nghiêm của quốc dân” để “làm nơi ký thác cho quốc hồn”. Phạm Quỳnh và phe nhóm chủ trương dùng mọi tàn dư của phong kiến để phục vụ cho trật tự Pháp Việt để chống lại mọi sự chuyển biến của cách mạng, chứ không có gì lạ.

Phạm Quỳnh không quên thanh minh với người Pháp: “Tôn vinh không phải là vận động mánh khóe, mưu tính những việc đâu đâu không ích gì cho nước nhà mà lỡ ra có hại đến ngôi vua. Tôn quân là cứ trung thành với bảo hộ… quốc dân cũng như quốc quân quyết không thể rời bảo hộ mà thành lập được”.

Thề thốt khuyển mã trung thành như vậy mà Đại Pháp vẫn không ưng nghe hết. Phạm Quỳnh trở thành “cụ Thượng” ở Huế nhưng cả đám tôn quân này cố vận động mãi mà Pháp không chịu cho trở lại hòa ước 1884, không ưng ban cho bọn Quỳnh một cái Tổ quốc để mà thờ“Tổ quốc” đó vẫn ngoan ngoãn chịu nằm trong đế quốc Pháp.

(Trích trong Tổng tập Trần Văn Giàu,tập 3, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2008)

*

Mật lệnh của De Gaulle: “Liên lạc với Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh... thành lập chính quyền thuộc địa ở miền Trung Việt Nam”

Sau khi nhân dân Thừa Thiên - Huế tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vài hôm thì có tin sáu lính nhảy dù xuống Hiền Sỹ cách Huế 25 cây số về phía bắc. Ngày 26/8/1945, đồng chí Hoàng Anh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên) cùng anh Phan Tử Lăng và một số cán bộ ra tận nơi xem xét tình hình, được biết chính xác toán nhảy dù do tên quan tư Pháp Castella làm trưởng đoàn, có một quan ba, hai quan hai và một tên đội. Chúng tự xưng là phái bộ của đồng minh nhảy dù xuống để thi hành một số sứ mệnh. Chưa phân biệt được thực hư, đồng chí Hoàng Anh vẫn để bọn nhảy dù ở nguyên vẹn khu nhà chúng chiếm đóng. Chúng bố phòng cẩn mật và hằng ngày dùng điện đài liên lạc với các căn cứ ở Sri Lanca.

Tình hình rất khẩn trương, nếu các lực lượng ở hải ngoại của thực dân Pháp nối liên lạc được với lực lượng phản động của thực dân Pháp đang còn trên nước ta, phối hợp hành động chống phá cách mạng thì nguy cơ sẽ khó lường hết được.

Một phân đội trường Thanh niên tiền tuyến ở Huế được Mặt trận Việt Minh lãnh đạo đã đến bao vây nơi đồn trú của toán lính Pháp nhảy dù và bắt gọn bọn này vào chiều ngày 29/8/1945. Ta thu được 6 túi cá nhân đựng rất nhiều quân trang, dù, lựu đạn, đạn dược, đồ hộp, thuốc men, bạc nén, tiền Đông Dương, sáu cặp sĩ quan đựng bút giấy, tài liệu, đồng hồ, la bàn và nhiều bản đồ in trên lụa.

Trong cặp của tên quan tư Castella, ta thu được nhiều mật lệnh của De Gaulle, của Trung tâm tiền phương chỉ huy sở của quân viễn chinh Pháp ở Sri Lanca, trong đó có một mật lệnh hết sức quan trọng ký tên De Gaulle như sau:

“Mật lệnh”

Quan tư Castella có nhiệm vụ bắt liên lạc với Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh…, với các lực lượng Pháp hải ngoại (FFE) và các lực lượng Pháp nội địa (FFI) để tổ chức chiếm lĩnh các công sở và thành lập chính quyền thuộc địa ở miền Trung Việt Nam.

Tất cả các FFE và FFI đều phải đặt dưới quyền của quan tư Castella.

De Gaulle

Nguyên văn tiếng Pháp:

“Ordre de mission”

Le commandant Castella a pour mission de prendre contact avec Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh..., de prendre liaison avec les FFE et les FFI d’organiser l’occupation et le rétablissement du protectorat sur le Centre d’Annam.

Lé forces FFE et FFI doivent se soumettre sous le commandement du Cdt Castella.

De Gaulle

(Theo hồi ký Người lính già Đặng Văn Việt, NXB Trẻ, 4/2004)


Đặng Minh Phương sưu tầm