Lỗ Tấn là nhà văn Trung Quốc có tầm cỡ thế giới. Ông từng được đánh giá cao không chỉ ở Trung Quốc.
Độc giả Việt Nam ta cũng rất quen thuộc và hâm mộ ông. Bác Hồ của chúng ta cũng thích đọc Lỗ Tấn và nhiều lần vận dụng thiết thực những danh ngôn sâu sắc của ông.
Lỗ Tấn từng được đề nghị công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Năm 2011 là đúng 130 năm sinh và 75 năm mất của nhà văn Lỗ Tấn. Nhiều nơi ở Trung Quốc đang có những hoạt động để kỷ niệm ông.
Cho đến nay, mặc dù thời đại đổi thay, xã hội biến chuyển, nhận thức và tư duy của con người có nhiều diễn tiến mới, nhiều giá trị xã hội được nhìn nhận lại, song vị trí của Lỗ Tấn trên văn đàn Trung Quốc vẫn vững vàng. Bên cạnh những ý kiến phủ nhận, phê phán, thậm chí phỉ báng nặng nề, vẫn có nhiều ý kiến khẳng định, kiên trì xem ông là một tấm gương tiêu biểu của văn học tiến bộ Trung Quốc.

Nhà văn Lỗ Tấn (25/9/1881 - 25/9/1936)
Trong năm kỷ niệm này, ngoài những sinh hoạt có tính chất lễ lạt của các cơ quan nghiên cứu văn hóa giáo dục và các hội văn học nghệ thuật, còn có những cuộc thi thơ, các cuộc nói chuyện về Lỗ Tấn, các tranh nghị sôi nổi về cuộc đời và tác phẩm của ông, về giá trị và tác dụng tư tưởng của ông.
Có nhiều học giả và giáo sư đại học tham gia hoạt động này. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến trong bài phát biểu của học giả Tiền Lý Quần, giáo sư trường Đại học Bắc Kinh, nhan đề là Ngày nay vẫn rất cần Lỗ Tấn đăng trên Tân Kinh báo ngày 28/5/2011.
Giáo sư Tiền Lý Quần là một trong 10 vị giáo sư được hâm mộ nhất ở Đại học Bắc Kinh. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu về Lỗ Tấn và rất khâm phục Lỗ Tấn. Ông luôn nói rằng, suốt mấy chục năm giảng dạy cho sinh viên, ông đều kiên trì tinh thần và tác phong mẫu mực của người thầy như Lỗ Tấn.
Ông nhấn mạnh rằng, Lỗ Tấn không chỉ là nhà văn hóa lớn mà còn là nhà giáo dục lớn. Tư tưởng giáo dục quan trọng nhất của Lỗ Tấn là vấn đề “Lập nhân”- xây dựng đào tạo con người. Lỗ Tấn không có trước tác chuyên bàn về giáo dục, nhưng trong các tác phẩm của ông có rất nhiều ý kiến sâu sắc đã được các nhà nghiên cứu giáo dục sưu tập, hệ thống hóa thành những quan điểm khoa học rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cụ thể như xây dựng con người nói chung, giáo dục phụ nữ, giáo dục thanh niên, giáo dục nhi đồng, đặc biệt ý kiến về giáo dục nhi đồng rất phong phú và cụ thể ngày nay vẫn có giá trị hiện thực quan trọng.
Giáo sư Tiền Lý Quần còn nêu nhiều ý nghĩa của di sản văn chương Lỗ Tấn. Ông nói: “Lỗ Tấn tự định vị mình không phải là một quốc sư hay một đạo sư gì cả, mà chỉ là một cây cầu ở giữa bóng tối và ánh sáng. Vì phản kháng, không dung sự đen tối nên kiên trì đấu tranh triệt để với những cái đen tối. Ông mong bóng tối sẽ bị ánh sáng thay thế và tác phẩm của ông sẽ “tốc hủ”. Nhưng tôi cho rằng, Lỗ Tấn còn chưa thể “tốc hủ” mà vẫn là “bất hủ”. Chúng ta còn phải đọc Lỗ Tấn nhiều . Ngày nay, chúng ta vẫn rất cần Lỗ Tấn”.
Ở hoạt động thi sáng tác thơ để tưởng nhớ Lỗ Tấn, số người tham gia rất đông, người già làm nhiều thơ thất tuyệt, giới trẻ làm thơ mới. Một điều đặc biệt là các hội thơ nhắc lại rất nhiều lần bài thơ Hữu đích nhân của nhà thơ hiện đại nổi tiếng Tang Khắc Gia, chứng tỏ mọi người còn tưởng nhớ nhiều đến Lỗ Tấn.
Bài thơ đó được dịch như sau:
Có những kẻ Có những kẻ đang sống Có người đã quy tiên Những kẻ đó chết đi Người vẫn còn sống mãi Có kẻ, cưỡi trên đầu nhân dân mà hét: Ôi! Ta vĩ đại làm sao! Có người, nguyện khom mình làm ngựa, làm trâu cho con trẻ cưỡi(1) Có kẻ, khắc tên mình vào đá, muốn lưu danh “bất hủ” muôn đời Có người, nguyện làm cây cỏ dại, sẵn sàng đợi lửa bốc cháy thiêu(2) Có kẻ, hắn sống thì người khác phải chết Có người, mình sống để mọi người được cuộc sống tốt hơn Kẻ cưỡi trên đầu nhân dân sẽ bị nhân dân quật ngã Người nguyện làm trâu ngựa cho dân, được nhân dân mãi mãi ghi lòng Kẻ khắc tên mình vào đá, tên đó sẽ rữa nát nhanh hơn xác chết Còn cỏ dại sẽ tươi mơn mởn khắp nơi, chỉ cần gặp ngọn gió xuân. Kẻ đang sống mà người khác không được sống Kết cục hắn thế nào, rồi cũng thấy ngay thôi Người sống để mọi người được sống tốt hơn Dân chúng sẽ nâng người lên, cao hơn, cao mãi. |
Bài thơ rất giản dị, ngôn ngữ chất phác song dùng lối đối tỷ rất mạnh mẽ mà nổi rõ hình tượng. Nội dung ca ngợi Lỗ Tấn mà lại mang tính triết lý rất sâu. Tang Khắc Gia đã đọc bài thơ này trong lễ kỷ niệm 13 năm ngày mất của Lỗ Tấn. Và ngày nay, người ta vẫn còn đồng cảm sâu sắc với tác giả.

Bảo tàng Lỗ Tấn ở Thượng Hải (Trung Quốc)
Tháng 9/2011
(1) | Lỗ Tấn có câu thơ tự nói về mình: “Phủ thủ cam vi nhụ tử ngưu” (Cúi đầu làm ngựa chú nhi đồng). |
(2) | Lỗ Tấn có tập thơ văn xuôi Cỏ dại, nội dung có ý trên. |