Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế và “Ông già ngồ ngộ”

Khi tôi từ đơn vị chiến đấu được gọi lên làm việc tại nhà số 4 Lý Nam Đế (1955), tôi còn rất trẻ. Trẻ nhất, nên tôi chú ý nhìn lên người già nhất: đó là nhà thơ Thanh Tịnh. Từ thời Pháp thuộc (trước 1945), ông đã là một văn nghệ sĩ, rồi theo cách mạng, ông vào bộ đội. Về đây, ông làm chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ Quân Đội một thời gian dài. Rất kính mến, tôi thường lên thăm phòng riêng – nơi vừa ở vừa làm việc của ông – một ông già có sức hấp dẫn và ngồ ngộ…

Ai cũng biết trên đường kháng chiến, nhà thơ Thanh Tịnh có biệt tài nói chuyện trước đám đông, lôi cuốn nhất là những bài độc tấu vừa kể vừa đọc thơ ứng khẩu của ông rất có ý nghĩa tuyên truyền, vui cười rộn rã… Trong những anh em trẻ tuổi như tôi, tôi thấy chỉ có Phùng Quán là tiếp thu được nghệ thuật độc đáo của ông, nhưng Phùng Quán lại có khẩu khí phẫn nộ và nhiều lời thơ buồn khiến người ta cảm động.


Nhà thơ Thanh Tịnh (đứng giữa) năm 1957.

Khi mới về Hà Nội (1954), Thanh Tịnh tuổi chưa tới ngũ tuần. Buổi sáng, ông vẫn xuống đường đúng còi tập, đi đều bước theo điều lệnh đội ngũ như anh em. Dáng ông cao lớn, nổi lên giữa đội hình trung đội một người lính già.

Ông hay mặc thường phục, về mùa đông có chiếc khăn phu-la đỏ to choàng cổ. Dáng vẻ thong dong, khoan thai nhưng đôi chân bao giờ cũng mang đôi giày “săng đá” da cao cổ đế cứng nện cồm cộp. Thỉnh thoảng ông lại thổi phù một hơi dài và mạnh như bị hụt hơi. Anh em gặp chào ông, ông quen miệng lớn tiếng chào lại bằng một tiếng Nga “Na-rốt” (có nghĩa là “nhân dân”). Hình như học tiếng nói của Lênin, ông chỉ nhớ nhất có từ ấy.

Có rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ ngoài quân đội đến thăm ông. Căn phòng của ông rộng 16 mét vuông trên gác, nền gỗ lim sạch bóng có một cái giường cá nhân trải chiếu với bốn cọc màn. Chăn gối, ban ngày ông gom hết vào trong tủ chìm.

Phòng ông trang trí rất tỉ mỉ, hài hòa, trong đó có bức tranh “Trên mồ liệt sĩ Đ.B.P” của tôi vẽ bằng bột màu khổ 0.60x0.90 khung kính, có rất nhiều hoa rực rỡ trên mộ cùng các cảnh sắc thiên nhiên, có lẽ thay thế cho phòng ông không có lọ hoa tươi cắm thường ngày. Với khá nhiều những mảnh đẹp của các lọ gốm, sứ không nguyên vẹn, lung linh nhiều màu men Đông Thanh, men ngọc, da lươn, men dạn, men chảy, men lạ mịn màng và sành xù xì… với nhiều quà kỷ niệm ông đã được tặng nho nhỏ xinh xinh.

Ấy vậy mà ngay từ phút đầu ai cũng phải chăm chú tới vài chục phút đầu đi tham quan quanh gian phòng nhỏ. Điều quan trọng là nghe ông giới thiệu, khoe hiện vật của ông – ông khéo nói về đồ cổ đến nỗi trong đó có ít đồ cổ thật thôi mà người xem trở nên ngây thơ tưởng như tất cả đều không có đồ cổ giả. Điều quan trọng là thưởng thức được một cách thích thú. Một trong những khách ngây thơ thích thú nhất – mà tôi thấy đó là cô gái mười tám tuổi Xuân Quỳnh.

Bấy giờ Xuân Quỳnh đang là diễn viên múa của đoàn văn công Nhân dân Trung ương, chưa thành nhà thơ. Hồn nhiên, ríu rít quanh người anh bộ đội lớn, một bậc thầy nghệ thuật… cái gì cô cũng hỏi, tin là thật và hào phóng những giọng cười khen!


Các văn nghệ sĩ quân đội tại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội - 1958.

Tuy nhiên, tôi cũng rất nhớ lần Thanh Tịnh vừa đi Nhật về, có nhà văn Hồ Phương tới thăm ngay. Biết Hồ Phương đã từng xem một số đồ cổ phòng này rồi, Thanh Tịnh vẫn tìm được cách giới thiệu thêm một số thứ rất hay mới sưu tầm được…

Lát sau, không thấy Hồ Phương nói gì, Thanh Tịnh hỏi: “Sao Phương không nói gì? Phương có thích không?… Phương thích cái nào nhất?” Rất hóm hỉnh, Hồ Phương chỉ về phía làm việc: “Phương thích nhất cái này!” Thì ra đó là cái Radio Transistor, đài bán dẫn mới nhất của Nhật. Bấy giờ Hà Nội đang hiếm, đang rất cần cái đồ-không-cổ này.

Ông già “ngồ ngộ” ấy rất quan tâm tới những tranh vui tôi vẽ cho các báo quân đội. Ông gợi ý nên thế nào thì “tâm lý” hơn, khôi hài hơn hay châm biếm, đả kích mạnh hơn. Ông phân tích cho tôi hiểu thêm về sự hài hước trong cuộc sống xã hội cũng như ở chính sinh hoạt hằng ngày của mình.

Tôi thường cùng ông đi ăn phở. Tôi không để ý cách ăn. Không chú ý khi nghe ông: “Nguyễn Tuân nói đúng: ăn phở thì phải nóng, bát phở phải bốc khói mới thơm ngon…” và nên ăn bằng đũa, không cầm thìa… như thế gọn và “Việt Nam” hơn. Tới bây giờ ăn phở Hà Nội tại Sài Gòn… tôi vẫn nhớ tới ông.


Mùa hoa Hà Nội. Ảnh: Khôi Ngô.

Nhớ tới ông thì nhiều chuyện lắm. Nhưng có hai chuyện này không phải nhỏ, vì nó liên quan tới tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế.

Một là khi thay đổi khuôn khổ tạp chí:

Một số năm hòa bình, tạp chí đã từng ra khuôn khổ lớn, có khi là khổ vuông 20x20cm. Khuôn khổ nào thì báo vẫn đẹp. Nhưng khi chuyển sang thời chiến, có nhu cầu thay đổi. Tòa soạn còn đang lúng túng về thủ tục, tờ trình, lý do… chưa biết làm thế nào… không biết Tổng cục thuận duyệt cho không?

Tôi biết Thanh Tịnh rất thân với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Một thiếu tá với một Đại tướng mà gặp gỡ thăm hỏi chuyện trò rất bạn bè. Thanh Tịnh đã tìm gặp Đại tướng. Ông thận trọng đề xuất ý kiến. Xin thu nhỏ tạp chí vào khuôn khổ 13x17cm thì vừa với túi áo quân phục (bốn túi) của cán bộ, cho tiện thao trường hay chiến trường đều dễ mang theo, do đó chiến sĩ cũng dễ được đọc… Đại tướng vui vẻ gật đầu quyết định ngay…

Hai là chuyện “an cư lạc nghiệp”:

Cơ cấu hoạt động đã đi vào nề nếp thì bỗng có tin Cục doanh trại quyết định: tạp chí với phòng văn nghệ phải dời đi để dành villa này (số 4 Lý Nam Đế) cho một số gia đình cán bộ cao cấp tới ở.

Ở đây đúng chỗ cho một bộ mặt cơ quan văn hóa rồi, là nơi thuận tiện cho rất nhiều mối quan hệ giao lưu và ngoại giao… lại phải đi đâu? Không thể quay vào ở trong thành sau mấy vọng gác nghiêm ngặt… hay ra ngoại thành, hay vào phố chợ - làm sao giải thích được cho mấy người không hiểu? Thanh Tịnh cũng bí. Ông đã nghĩ tới Nguyễn Chí Thanh, nhưng Đại tướng đã chuyển ra ngoài quân đội sang phụ trách Ban nông dân toàn quốc rồi, mà có gặp thì việc này phải giữ kẽ… cũng ngại cấp trên hiểu lầm chúng ta vì động cơ cá nhân, cục bộ nên muốn cưỡng lệnh trên, vậy biết làm sao đây?

Rít một hơi điếu cày dài, thả khói… bỗng nhiên ông ngẫu hứng ngâm thơ:

“Tiễn anh một chén quan hà
Anh vừa ra khỏi, nó đuổi nhà chúng tôi”

Chẳng hiểu sao mà hai câu thơ đó lại tới tai Nguyễn Chí Thanh. Đại tướng đang hút dở điếu thuốc lá bỗng dừng. Ông quay sang trợ lý: “Tại sao? cậu tìm hiểu thử xem!” Ngừng một giây suy nghĩ rồi ông lại tiếp lời: “Sang nói với Tổng cục chính trị: phải để nguyên căn nhà số 4 Lý Nam Đế cho các văn nghệ sĩ”. Mọi người vui mừng lắm. Riêng Thanh Tịnh bị bất ngờ. Ông không thể biết ai đã kể với Đại tướng? Tôi thì tôi cho rằng cái cậu nào “mách lẻo” đó, thật không đáng trách.

Rồi thấm thoắt thoi đưa đã hơn nửa thế kỷ. Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế với những thế hệ qua đây đều cảm thấy “an cư lạc nghiệp” vì ngôi nhà đã nổi tiếng như nhiều thành đạt trong văn học nghệ thuật của quân đội ta.

PHẠM THANH TÂM