Người Nhật “xếp hàng” cầu phúc đầu năm ở đền Minh Trị

Nước Nhật đang chìm trong đau thương do động đất và sóng thần, kéo theo những vụ nổ khủng khiếp của các nhà máy hạt nhân. Tuy trong hoàn cảnh báo động khẩn cấp, điện và thực phẩm khan hiếm, nhưng người Nhật vẫn giữ được sự bình tĩnh hiếm thấy ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Người ta vẫn xếp hàng rồng rắn để chờ mua thức ăn, không có nạn cướp bóc, hôi của, lợi dụng cơ hội để kiếm chác, làm giàu. Tinh thần kiên cường của người Nhật đã làm cả thế giới kính phục.

Hồn Việt xin gửi đến bạn đọc một nét văn hóa đáng yêu của người Nhật khi đi lễ hội. Trong một ngày, hàng triệu người đã kiên nhẫn xếp hàng để đến lượt mình, không ai chen lấn làm náo loạn khung cảnh thiên nhiên của ngôi đền...

Lâu đài Minh Trị Thần Cung (Meiji Jingu) - thường được gọi là đền Minh Trị - ở thủ đô Tokyo là một trong những nơi được nhiều người viếng thăm nhất. Hàng năm, trong ba ngày đầu năm, có tới 3 triệu người Nhật tới đây cầu phúc, tức trung bình 1 triệu người mỗi ngày…


Ba ngày đầu năm, mỗi ngày trung bình có khoảng 1 triệu người
đến viếng đền Minh Trị.

Minh Trị Thần Cung được xây dựng hồi đầu thế kỷ trước, trong khuôn viên rừng yoyogi rộng 70 ha, nằm ở quận Harajuku trung tâm thủ đô Tokyo, để tưởng niệm Hoàng đế Minh Trị (mất năm 1912) - người có công mở ra thời đại phát triển mới cho đất nước - và vợ ông là Hoàng hậu Shenko (mất năm 1914). Hoàng cung được chia làm 3 phần chính: nội cung, ngoại cung và khu trưng bày, tưởng niệm. Ngày nay, Minh Trị Thần Cung được coi là một trung tâm văn hóa lớn ở thủ đô Tokyo.

Tôi chỉ lưu lại Tokyo trong thời gian rất ngắn, nhưng đúng vào dịp đón năm mới của người Nhật nên không muốn bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi được chứng kiến một trong những sự kiện văn hóa, tâm linh lớn nhất diễn ra hàng năm của người dân nơi này.

Trưa ngày mùng 1 Tết, chúng tôi lấy tàu điện ngầm thẳng tới nhà ga Harajuku, nơi có những bến tàu chỉ mở cửa vào dịp lễ đặc biệt như thế này. Sau vài bước chân, khách hành hương vừa xuống tàu đã tới khuôn viên vườn yoyogi. Tôi hiếm khi được thấy cùng lúc một lượng người đông đảo như vậy, đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, rất nhiều khách du lịch thuộc mọi chủng tộc, mọi màu da. Tôi cũng chưa kịp hình dung sẽ vào được trong đền bằng cách nào giữa biển người ấy.

Một anh bạn du lịch người pháp kể, do đã có “kinh nghiệm” đi cầu phúc ở một ngôi đền khác hồi năm ngoái, năm nay anh đến đền Minh Trị từ tối hôm trước để “rút ngắn thời gian xếp hàng”, thì thấy sân đền… vắng tanh, ngoài một đội cảnh sát đang làm những công việc chuẩn bị cần thiết cho ngày mai. Chỉ khi gần tới nửa đêm, người ta mới dần đông lên, để được nghe đủ mười hai tiếng chuông ngân và để được là những người đầu tiên đến cầu phúc ở đền.


Chú thỏ trên tấm biển báo hiệu mọi người dừng chân trước cửa vào sân đền.

Qua khỏi chiếc cổng cao vọi làm bằng gỗ thông lớn nhất Nhật Bản, dòng người càng đậm đặc, hầu như chỉ “chảy” theo một chiều về phía đền. ai nấy phấn chấn chen chân nhưng không chen lấn. Tiếng nói chuyện rì rào, không ồn ào. Không một hàng quán bên đường. Một sợi thừng nhỏ căng dài dọc mép bên trái đường, đánh dấu “lối thoát hiểm” trong trường hợp khẩn cấp. Trong thời gian “xếp hàng”, tôi thấy vài người cao tuổi, vài cô gái, bị thương hay bị ngất, được y tá, bác sĩ đưa ra ngoài cấp cứu bằng con đường “độc đạo” chạy theo chiều ngược lại này. Sợi thừng có vẻ mong manh, nhưng không một ai đi phạm sang phần đường ấy.

Từng chặng, từng chặng lại có một băng rôn dài chạy bắc ngang trên đầu, chỉ dẫn cho khách biết sơ đồ đường vào sân đền và lối ra sau khi hành lễ xong. Khách không vào đền một cách “tự phát”. Dòng người được “cắt” thành từng khối bởi những hướng dẫn viên tay giương cao một tấm bảng có hai mặt vừa ghi chữ vừa vẽ hình (cứ như là các khối diễu hành vậy!). Khi chú thỏ xinh xắn trên tấm bảng giang hai tay làm hiệu “stop”, mọi người dừng lại. Người hướng dẫn quay ngược tấm bảng, xuất hiện hình chú thỏ làm dấu cho phép đi, khối người mới bước tiếp. Khối trước vào thăm xong, theo cửa hông ra ngoài rồi, mới đến lượt khối tiếp theo tiến qua cổng vào sân đền. Mỗi “khối” như thế ước tính cũng hàng trăm người. Vài chiếc xe đặc biệt của lực lượng cảnh sát đậu bên đường, nóc xe là chòi quan sát. Viên cảnh sát đứng trên cao chăm chú theo dõi đám đông, kịp thời can thiệp khi cần thiết.


Khách xếp hàng chờ vào đền cầu phúc đầu năm.

Người xếp hàng không có thì giờ để… sốt ruột. “Không khí xếp hàng” thật… tưng bừng. Hai màn hình cực lớn đặt xa xa trước mặt, phát đi những hình ảnh, bài hát, điệu nhạc vui nhộn, cả những “màn” quảng cáo nữa. Người Nhật dường như rất thích thú với những chương trình truyền hình năm mới như thế này - đó là những chương trình nổi tiếng và đã rất quen thuộc đối với họ. Mọi người cười, nói, chỉ chỏ, hát theo…, chúng tôi không hiểu tiếng cũng vui lây.

Rồi chúng tôi đã ở trong sân đền lúc nào không hay. Cũng như cả triệu người Nhật đến thăm đền ngày đầu năm hôm ấy, tôi ném một đồng 5 yên vào phía trước bàn thờ, thành kính cầu các đấng linh thiêng phù hộ cho gia đình tôi một năm mới an khang, cát tường. (Thử tính sơ bộ số tiền mà 3 triệu người trong ba ngày tết đã đóng góp cho đền!).

Ra khỏi sân đền bằng cửa bên hông, con đường dẫn chúng tôi đến khu ẩm thực, bán hàng lưu niệm. Tôi mua “thiệp” chúc tết bằng gỗ truyền thống của người Nhật, mua rượu sake, trà xanh… những sản phẩm có mang dòng chữ “Meiji Jingu”, như những món quà kỷ niệm. Bốn-năm tiếng đồng hồ trôi qua, tôi tưởng như mình vừa được làm một chuyến viễn du xa lắm, sâu lắm, để mong chạm được vào gốc rễ nền văn hóa truyền thống của con người đất phù Tang...

Bài và ảnh: NINH HÀ NGUYỄN QUỐC