Người phiên dịch cho Stalin và Mao Trạch Đông

Lê Sơn (dịch)

Tháng 12 năm 1949, Mao Trạch Đông lần đầu tiên đến Moskva để dự lễ mừng sinh nhật Stalin 70 tuổi. Người được trao nhiệm vụ phiên dịch cho hai lãnh tụ của Liên Xô và Trung Quốc là Nikolai Fedorenko. Sau chuyến công tác đặc biệt đó, ông được chú ý tới và dần dần được cất nhắc lên đến chức Thứ trưởng Bộ ngoại giao Liên Xô. Rồi ông được bổ nhiệm làm đại sứ tại nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Nikolai Fedorenko đang sống ở Bungarie, tại một thị trấn vùng ngoại ô Sofia. Sau đây là cuộc trao đổi giữa Fedorenko và phóng viên báo Diễn Đàn (Tribuna) của Nga.

- Thưa Nikolai Fedorenko, ông đã trở thành người phiên dịch cho Stalin và Mao Trạch Đông như thế nào?

- Đó là số phận. Tôi đã làm tùy viên văn hóa tại đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh. Vào một buổi chiều tháng Mười, tôi được triệu tập khẩn cấp tới phòng chuyên viên của sứ quán và người ta đưa cho tôi đọc một bức điện từ Moskva. Tôi được chỉ định làm phiên dịch cho Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông, trong một đoàn đại biểu lớn gồm Chu Ân Lai và nhiều nhà hoạt động khác mà trước đây tôi đã có dịp làm việc cùng nhau.

Chúng tôi rời Bắc Kinh ngày 6 tháng 12 năm 1949. Tàu hỏa đi mất hơn mười ngày và đến Moskva ngày 16 tháng 12 vào đúng 12 giờ theo tiếng chuông đồng hồ điện Kremli. Hàng nghìn người đã tụ tập tại ga Yaroslavski. Người chỉ đạo nghi lễ đón Mao là Molotov. Từ ga Yaroslavski đoàn xe đến một trong những ngôi biệt thự của Stalin mang tên “Biệt thự Xa xăm”.


Stalin va Mao Trạch Đông

- Có tin đồn rằng Stalin đã kiểm tra Mao rất lâu, hầu như cả tháng trời không tiếp ông. Có đúng thế không?

- Hoàn toàn không đúng. Những tin đồn đại này được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ Khrushev, khi quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc rất căng thẳng. Stalin tiếp Mao ngay trong ngày đầu tiên khi ông vừa tới nơi. Tôi đã đến điện Cremli từ trước.

- Đồng chí Fedorenko, đồng chí ngồi ở đầu bàn - Stalin đề nghị - Tôi và Mao sẽ ngồi đối diện nhau. Và như thế sẽ tiện cho đồng chí hơn. Và đồng chí sẽ không làm phiền chúng tôi – Stalin mỉm cười.

- Ông có sợ không?

- Tất nhiên rồi! Nhưng không hẳn trong lần gặp đầu tiên, mà chủ yếu là trong các lần gặp sau, khi những cuộc dạ đàm kéo dài từ 22 giờ đến 2-3 giờ sáng. Những buổi thức đêm như thế đã diễn ra tại Kunsevo, trong ngôi biệt thự “nhỏ” của Stalin.

- Bầu không khí chung của những cuộc tọa đàm là như thế nào?

- Mao thường nói liền một hơi, dường như ông tường trình về những việc đã làm được. Không có giấy tờ sổ sách gì hết. Stalin biết cách lắng nghe, ông hút tẩu, đi đi lại lại trong phòng, thỉnh thoảng ngắt lời và đặt ra những câu hỏi rất khôn khéo. Stalin có vẻ như đang nghiên cứu, đang cố gắng hiểu vị thủ lĩnh Trung Hoa.

- Những lần giải lao giữa các cuộc tọa đàm đã diễn ra như thế nào?

- Stalin dường như chỉ đạo tất cả. Ông vừa là đạo diễn, vừa là nhân vật chính của các cuộc gặp gỡ. Khi người ta mở cửa bưng vào những món ăn nổi tiếng của Stalin, ông liền mời: “Xin giới thiệu món súp củ cải đỏ. Xin mời đồng chí hãy nếm món súp cá hoặc món thịt nướng!”.

Trong những bữa ăn đêm, Stalin nói chung không uống rượu Vodka. Ông chỉ uống rượu vang nho của Gruzia và chỉ một thứ cốc-tai quen thuộc: ông trộn lẫn rượu vang đỏ và rượu vang trắng trong một bình rượu.

- Chỉ có tôi rót lấy rượu – Stalin nói – Chỉ có tôi mới biết là cần phải rót lúc nào và bao nhiêu.

- Có đúng là Stalin phong danh hiệu Viện sĩ cho Mao Trạch Đông không?

Quả thật có lời đề nghị bầu Mao làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. “Mao Trạch Đông xứng đáng với những danh hiệu cao quý nhất” – Stalin nói, dường như để trả lời đề nghị mà Molotov đã thông báo – “đồng chí hãy soạn thảo văn bản, hãy đưa ra những luận chứng”.

Khi dự thảo không được thực hiện, Stalin đã phản đối. Sau này Molotov trả lời – “Nếu như bầu Mao thì cũng sẽ phải bầu tương tự như vậy tất cả những người đứng đầu phong trào công nhân và cộng sản làm Viện sĩ”.

Việc ký kết Hiệp định đầu tiên giữa Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã diễn ra như thế nào?

- Hiệp định được chuẩn bị và được ký bởi các bộ trưởng bộ ngoại giao Liên Xô và trung Quốc, I.A.Vyshinskơ và Ân Chu Lai. Sự phê chuẩn tất cả các điều khoản chủ yếu được thực hiện bởi Stalin và Mao Trạch Đông trong bầu không khí hòa hợp. Những người đối thoại đã hiểu nhau ngay từ đầu.

- Sau khi kí kết Hiệp định ngày 14/2/1950, Mao Trạch Đông, theo nghi thức, đã tổ chức chiêu đãi nhân danh chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại khách sạn “Metropol”. Stalin có đến dự không?

- Stalin luôn luôn tuân thủ một quy tắc của mình: không đến dự các buổi chiêu đãi tại các khách sạn và trong sứ quán các nước ngoài. Buổi chiêu đãi tại khách sạn “Metropol” theo lời mời của Mao Trạch Đông là một trường hợp ngoại lệ duy nhất trong suốt cuộc đời làm chính trị lâu dài của I.V.Stalin.


Mao và Khurashop

- Ông làm phiên dịch trong các cuộc hội đàm giữa Khrushev và Mao Trạch Đông. Vậy ông có điều gì đáng nhớ?

- Mao không tán thành quan điểm của Khrushev. Ông phản đối việc phê phán tệ sùng bái Stalin, Mao hy vọng sẽ nhận được vũ khí nguyên tử nhưng nguyện vọng đó không được đáp ứng. Những cuộc tiếp xúc đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng: mọi người đã thấy rõ rằng sự đổ vỡ là không tránh khỏi.