Người từ trong truyện cổ bước ra

LTS: Được tin Anh hùng Lao động Hồ Giáo mất, ở số Hồn Việt trước chúng tôi đã có một bài ngắn vĩnh biệt ông. Nhưng như thế quả thực chưa đủ với một người như ông - một con người đã để lại những ấn tượng sâu xa trong lòng nhiều thế hệ chúng ta…


Cái tài đặc biệt ở Hồ Giáo là thuần phục trâu bò 

Người anh hùng ấy đã tiếp tôi trong căn phòng nhỏ thuộc khu tập thể của người độc thân trong nông trường trâu lai Sông Bé. Căn phòng chỉ kê đủ một chiếc giường cá nhân và một chiếc bàn, một chiếc ghế đặt cạnh cửa sổ. Vậy là đủ cho một người…! Khách đến, anh hối hả sang phòng bên mượn thêm ghế. Anh có vẻ bối rối vì sự viếng thăm hơi đột ngột của khách. Anh cười, nụ cười có pha chút ngượng ngập, khi nhìn mặt bàn trống trơn, lăn lóc cái ấm nhôm ám khói và mấy cái ly nhựa cũ mòn của mình:

- Uống đỡ miếng nước trắng. Mấy cô cậu tới bất thần, không có trà thuốc chi…

Chúng tôi cũng thấy bối rối khi bất chợt nhìn lướt căn phòng. Cái ba lô cũ và cái rương nhỏ bằng da trâu đã sờn rách đặt ngay ngắn trên giường, cái thùng gạo bằng sắt tây trong kẹt cửa ra vào… Hình như bắt được ý nghĩ thầm kín của khách, anh Giáo đã đỡ lời:

- Cái ba lô này theo tôi từ thời 9 năm đến giờ. Còn cái rương tôi xách từ Ba Vì về đây. - Rồi anh cười như thanh minh: Ở một mình, sắm sửa chi cho rườm.

Tôi nói với anh rằng chúng tôi muốn thực hiện một bộ phim ngắn về chân dung của Anh hùng Hồ Giáo. Chúng tôi sẽ ghi lại toàn bộ nếp sống, sinh hoạt của anh hằng ngày. Và như vậy, cố nhiên sẽ làm rộn anh rất nhiều, mong anh sẽ vui lòng giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ… Nói chung là tôi hết sức dè dặt khi tiếp xúc với anh, vì trước khi lên đường tôi đã nghe được nhiều chuyện về kỷ luật lao động nghiêm túc mà anh đã tự đề ra cho bản thân mình. Đã không ít cậu quay phim bị anh quát khi định chàng ràng ống kính vào lúc anh lo cho chú nghé con vừa ra đời. Trâu mẹ cứ hục hặc mãi với cái vật đen ngòm lia lia trước mặt, không lo liếm con làm cho con nghé phát run vì lạnh. Nóng ruột quá, anh đã quay lại nạt mấy anh chàng chạy re hết… Vì vậy mà giới truyền hình, điện ảnh từ đó đâm ra ngán anh ra mặt, hễ cứ nhắc đến Anh hùng Hồ Giáo là coi như ai cũng lắc đầu… Trước khi đến gặp anh hôm nay, dù đã thông qua Ban giám đốc Nông trường rồi, nhưng Dũng quay phim kiêm đạo diễn vẫn dòm tôi lo ngại:

- Chị phải liệu lời nhé. Không thì ổng đuổi chạy không kịp đấy.

Cho nên, dù tôi rất thận trọng trong từng lời, nhưng dường như anh chàng cứ như ngồi trên lửa, nhấp nhổm mãi với nét mặt căng thẳng. Rồi bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, lễ phép chưa từng thấy, Dũng nói tiếp lời tôi:

- Thưa chú, bọn cháu xin hứa sẽ cố gắng hết sức để không làm phiền chú nhiều. Chú cứ làm việc bình thường, cháu sẽ quay…

Dũng bỗng ngưng bất thần cái lý lẽ thuyết phục mà anh chàng chắc hẳn đã sắp đặt ghê gớm từ lâu trong đầu. Có lẽ anh chàng chợt thấy hình như nó rất thừa thãi khi bắt gặp nụ cười cởi mở hết sức trên gương mặt người đối diện. Hai bàn tay đen rám của anh Hồ Giáo xoa xoa vào nhau một cách hồn nhiên và anh nói với chúng tôi bằng một giọng hết sức trịnh trọng của người đang sắp nhận một công tác quan trọng:

- Tôi cứ làm việc của tôi, còn thì các cô cậu cứ quay. Tôi sẽ thực hiện tất cả những yêu cầu của các cô cậu trong công việc của mình. Đó là nhiệm vụ của tôi mà.

Rồi anh đứng dậy sốt sắng hỏi ngay:

- Đi ngay giờ hỉ?

Nhưng bất chợt anh hơi lúng túng một chút khi nhìn lại mình. Và anh nói nhanh:

- Đợi tôi thay áo đã…

Bây giờ thì tôi không thể cố tình phớt lờ được nữa khi nhìn lại cái áo lao động vá víu tả tơi của người anh hùng. Tôi hỏi mà không dám nhìn anh, sợ anh ngượng:

- Chú vẫn mặc áo này ra đồng thường ngày hả chú?

Anh vẫn cười hồn nhiên:

- Ừ, nhưng bữa nay quay phim mà, để tôi kiếm cái áo lành hơn chớ.

Tôi lặng thinh một chút, đưa mắt nhìn Dũng hội ý. Và tôi quyết định tức khắc:

- Không, không, chú không cần phải thay áo đâu. Bình thường chú đã như thế nào thì chú sẽ lên phim như thế ấy. Chúng cháu muốn ghi lại thật chân thật là chú kia chứ không phải là một nhân vật nào khác đâu…

Vậy là bắt đầu từ hôm đó, chúng tôi bám theo anh khắp nơi trong nông trường, trên đồng cỏ bạt ngàn xanh tươi dưới ánh nắng vàng như lụa của bình minh. Đấy là hình cảnh của anh, rất đẹp, rất thơ, hình ảnh đã sống trong óc tưởng tượng của bao lứa tuổi thanh niên! Ở đó, người ta nhìn thấy anh đứng giữa đất trời, bước từng bước thảnh thơi, dịu dàng, âu yếm bên cạnh đàn nghé mới lớn, hiền lành, ngoan ngoãn như những chú nai tơ… Trông anh trẻ trung, linh hoạt hẳn, trông anh lúc này có khác nào ông bụt trong những câu chuyện cổ tích… Anh vuốt ve, mơn trớn chú nghé này thì chú nghé khác đã chạy đến dụi mõm vào lòng anh ghen tị. Ở anh, dường như có một sức hấp dẫn gì vô cùng kỳ bí đối với đàn gia súc. Anh cười với chúng, xoa xoa đầu chúng, nụ cười như có một phép thần, thu phục hết thảy những chú trâu nào dù tính khí bất thường quạu quọ nhất. Cái phép thần thông ấy là gì vậy? Tôi cứ thắc mắc hoài với anh câu hỏi ấy. Sao mà dường như mọi loài vật như đều hiểu tiếng nói của anh, đều quấn quýt bên anh như là tình ông cháu vậy. Cả con chó, con mèo, con gà, con vịt của hàng xóm nuôi chung quanh cũng vậy. Mỗi lần anh chuẩn bị đi đâu là chúng nó kéo theo anh lết thết như một đội hành quân vậy.

Các cô hàng xóm trẻ quanh khu tập thể anh ở cười khúc khích trêu anh:

- Chú Hai oai thật, đi đâu cũng có cả bầy gia súc đi theo bảo vệ.

Rồi quay sang tôi, một cô tên Mai nói, với nét mặt ra vẻ bí mật: - Ông già có phép thần đấy chị ạ. Mà ổng giấu, ở đây chẳng ai học được đâu.

Nhưng anh đã cười hề hề, trả lời tôi bằng một câu ngắn, đơn giản: - Con nhỏ cứ giỡn thôi chứ phép thần chi. Thú vật nó biết hết chớ, hễ mình thương nó thì nó thương lại thôi.

Rồi sợ tôi chưa hiểu hết, anh nói thêm:

- Ai bảo trâu bò ngu thì thật bậy. Thú vật không đứa nào “ngu ngốc” cả. Nó hiểu hết, nó biết người nào thương nó thiệt, người nào làm cho qua chuyện thôi. Cứ dòm cái mắt nó nhìn là biết ngay nó muốn cái gì. Tại mình vô tâm không chú ý, chớ khi nào nó buồn, nó giận, nó vui nó đều biểu lộ ra bằng mắt cả.

Chúng tôi theo anh ra nông trại, anh chỉ vào một con trâu to nhất bầy, đen kịt đang khịt khịt mũi vào tay anh như đứa trẻ làm nũng. Anh gãi gãi nó mấy cái rồi nói:

- Con này là con Cát Na, con trâu Mura đầu tiên của bà Gandhi tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi lãnh nuôi từ năm 1978 đến giờ. Nó khôn lắm, nó là đầu đàn, nên bữa nào thả trâu tôi cũng chỉ dặn nó thôi. Bữa nào tôi dặn về sớm là bữa đó y rằng nó dẫn cả bầy về lúc còn xế nắng. Còn hôm nào đồng ít cỏ cho đi ăn xa, về trễ được thì bữa đó tối mịt nó mới dẫn bầy về…

Và anh cười cười âu yếm vỗ vào hông một “chị” trâu cũng to không kém đang dựa đầu vào anh:

- Còn con Cát Hưng này là con lứa đầu của con Cát Na. Nó cũng ghê gớm lắm. Không vừa đâu. Bữa nào tắm nó mà nó cứng đầu bị tôi nạt cho mấy câu là nó giận không thèm về, làm tôi phải đi kiếm tới tối mò. - Anh vỗ vỗ vào má nó như trách yêu: Tôi xách đèn đi kiếm nó, kêu nó, nó nghe mà không thèm trả lời. Phải kêu miết gần cả chục tiếng, nó mới “ò” lên một tiếng rồi chạy tới. Té ra, nãy giờ nó ở trong bụi cây sát bên mình mà mình không thấy. Lì vậy đó. Nhưng lúc đó có mắng rầy gì thì cũng cun cút mà theo về thôi.

Bây giờ, đứng trong chuồng trại, người từ trong truyện cổ của thảo nguyên đã thật sự bước ra khỏi mọi huyền thoại… Anh hùng Hồ Giáo, năm nay đã 60 tuổi, nhưng vẫn rắn chắc, sinh động như một người ở tuổi tráng niên. Anh làm việc không hề theo một giờ khắc nhất định nào của một người lao động bình thường. Bởi anh nuôi trâu bằng một tấm lòng của người mẹ chăm sóc cho con. Thử hỏi có người mẹ nào tính giờ làm việc bên cạnh đứa con đang đau ốm. Vì thế, thật không có gì ngạc nhiên nếu như mọi người thấy anh túc trực suốt ngày đêm bên cạnh con trâu ốm. Nửa đêm trời mưa gió, người ta vẫn thấy anh đội áo lò mò ra chuồng thăm xem con Cát Hưng, hay con Hà Ly đã đẻ chưa. Ở đây, chỉ có trâu của Hồ Giáo nuôi mới được đặt tên và hiểu được tên mình, còn ngoài ra ở những chuồng trại khác người ta chỉ đánh số và con trâu cũng không cần biết nó tên là gì, bởi có ai thừa thời giờ để nâng niu chăm sóc, nói chuyện, gọi tên nó hằng ngày như anh đâu. Lạ thật, bình thường vậy đã đành, nhưng ai có thể tin được rằng anh đã hy sinh ngày cưới của mình để ở lại với con Hà Ly, vì chưa biết nó sẽ lâm bồn lúc nào. Tuấn, phụ quay, anh chàng vừa “vui duyên mới” cách đó không lâu đã giật nảy cả người, trợn mắt nhìn anh:

- Trời đất ơi, bộ ở đây không có ai trực thế cho chú sao? Chú bỏ… ơ… ơ vậy rồi ngày cưới làm sao?

Hồ Giáo cười hề hề gõ gõ lên đầu con Hà Ly: - Cái “chị” này đẻ khó có tiếng. Không có tôi ở đây thì mẹ con nó sao qua khỏi được. Đã vậy mà tính tình còn hung hăng, người lạ tới là nó “phì phì” liền, ai người ta dám vào tiếp nó.

Anh âu yếm vuốt ve Hà Ly, rồi như tự nói với chính mình:

- Ngày cưới ai không quan trọng, nhưng làm sao vui cho được khi ruột gan cứ cồn cào như lửa đốt. Ngày cưới thì mình còn đợi chứ còn nó làm sao đợi ngày đẻ. Tội cho nó chớ!

Kỳ lạ chưa! Một người ở tuổi anh còn nhắc đến chuyện cưới xin? Nhưng làm sao có thể khác hơn được khi mà 40 năm tuổi trẻ của anh đã hoàn toàn dành cho việc chung. Và mãi đến bây giờ tuy đã lập gia đình, đã có con gái 7 tuổi, anh cũng chưa hề biết cách sống riêng cho cuộc đời riêng của mình. Mười năm chiến đấu trên chiến trường Khu 5, 30 năm lang thang từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác. Cuộc sống một mình kéo dài quá lâu. Một mình trên đồng cỏ. Một mình âm thầm chuyện trò với đàn gia súc. Một mình thui thủi sớm chiều vo gạo, nhóm lửa nấu cơm. Mấy cọng rau ngoài đồng hái về và mấy con khô kho thật mặn, uống một tô nước lã. Vậy là xong. Vậy rồi tất tưởi ra đồng cắt cỏ, tất tưởi đến với bầy trâu…

Buổi trưa, chúng tôi đến quay cảnh anh nhóm bếp nấu cơm. Nồi cơm độn 4-5 củ khoai, mới đào, nhưng khi mở nắp ra anh đã len lén cất đi. Mấy cô gái hàng xóm hiếu kỳ bu chung quanh, vừa nhìn thấy nồi cơm mới xới đã reo lên như một phát hiện mới:

- Ôi chao, bữa nay ông già chơi sang, ăn cơm không độn mày ạ.

Có tiếng khúc khích:

- Ôi giời, thì là quay phim mà lỵ, ai lại để cho Anh hùng ăn độn. Coi sao được.

Tôi chợt nghe như có tiếng se sẽ sau lưng, giọng hơi nghẹn lại:

- Chị quay làm gì cái cảnh khổ của ông già. Giá mà biết trước, bọn em đã chung nhau cho mâm cơm có thêm một lạng thịt, có phải hơn không?

Tôi quay lại nhìn vào mặt cô gái. Cô vẫn đứng yên đó nhìn trân trân vào tôi bằng đôi mắt mọng đỏ. Và cô nói tiếp, vẻ bức bối:

- Mỗi ngày nhìn chú Hai, em thương ổng đứt ruột. Chị coi, ở đây ai cũng làm đủ thứ phụ thêm vào mới đủ sống. Còn ổng thì suốt ngày chỉ biết có mấy con trâu.

Một cô nói chen vào:

- Tháng nào thím Hai lại không gửi từ Quảng vào nào là cá khô, là đường, là bánh… Thương ổng vậy mà 10 năm nay ổng chỉ về ăn tết với bả có 2 lần. Làm vợ Anh hùng đâu phải dễ hở chị.

Tôi hỏi thử: - Các em ở đây có ai biết hát bài ca ngợi anh Hồ Giáo không?

Có tiếng xô đẩy nhau:

- Có chứ ạ, ai lại không biết. Bọn em thuộc từ bé. Buồn cười là hồi mới vào đây, đứa nào cũng đi kiếm coi mặt anh Hồ Giáo. Bây giờ thì quen rồi, chỉ lo thương ổng mà nhiều khi quên mất ổng là Anh hùng Hồ Giáo.

Các cô gái không hề nhắc gì đến những bài học năm nào họ đã học về anh. Cũng không nói thuở ấy các cô đã hình dung về anh như thế nào. Nhưng nhìn vào mắt họ, tôi hiểu.

Ở đây, không còn có câu chuyện cổ tích nào nữa. Không có bầu trời khoáng đạt của đồng cỏ, nắng vàng, cũng không có phép màu kỳ bí nào nữa. Trước mắt các cô, anh Hồ Giáo vẫn là một người hết sức đáng kính trọng, là một ông bụt nữa. Nhưng lại là một ông bụt mà mỗi khi nhìn, các cô cứ muốn phát khóc…!

Cô gái tên Mai cứ níu lấy tay tôi mà hỏi:

- Em chắc trên đời này không có mấy ai tốt như chú Hai. Không có mấy người như ổng đâu chị ơi! Vậy sao ổng lại khổ như vậy hả chị?

Ai có thể trả lời được câu hỏi của Mai?

Tôi bước vào phòng anh. Bây giờ trời đã tối hẳn. Ngọn đèn lù mù trên vách, anh đang ngồi hí hoáy ghi chép. Những cuốn sổ dày cộm lên thành một chồng cao, mỗi cuốn được nắn nót tên một con trâu anh đang chăm sóc. Tôi cầm một quyển sổ lật ra xem. Bất ngờ một tấm ảnh rơi xuống mặt bàn. Tôi vừa cầm lên, anh đã nói ngay:

- Cháu gái đó. Nó tên Hồ Thị Tuyết Minh. Má nó sanh xong, cứ đợi tôi về miết để đặt tên cho nó.

Em bé gái trong ảnh rất giống anh, xinh xắn và dễ thương như một con búp bê. Ngọn đèn dường như tối đi một chút, nhưng anh vẫn kín đáo quay đi như để che giấu cái gì vừa trào lên trên mắt. Tôi không nói được câu nào ngoài lời khen vô vị:

- Cháu dễ thương quá hả chú.

Mắt anh chợt sáng lên, lấp loáng dưới ánh đèn. Rồi anh lật bật mở nắp chiếc rương cũ trên giường, lôi một tấm vải màu hồng có điểm những cành hoa nho nhỏ, trải rộng ra khoe: - Cái này may áo đầm cho cháu coi có được không cô?

Không đợi tôi trả lời, anh đã nhét vào tay tôi xấp xoa nội đen bóng với vẻ đầy ngượng ngập:

- Con có thì mẹ cũng có, chớ sao. Đó là khoản cỏ voi tôi trồng thêm bán cho nông trường đấy.

Bất giác tôi liếc nhìn cái áo đã sờn cũ anh đang mặc và chiếc áo lao động đã giặt sạch te tua máng trên sào. Và tôi chợt nhớ đến buổi quay hồi ban chiều. Đồng cỏ lất phất mấy cọng cỏ lau, bóng anh lầm lũi đi về phía mặt trời lặn. Nắng chiều hất nhẹ lên gương mặt trầm tư, trĩu nặng… Trời sẩm tối, mặt trời chìm xuống hẳn, và bóng anh đổ dài giữa hoàng hôn mênh mông. Dường như có một sức nặng vô hình nào trĩu xuống, tôi bỗng thấy như đôi vai anh rung thật khẽ. Máy vẫn kêu sè sè thu hình dáng xa dần của anh. Lúc ấy không ai nhìn thấy rõ gương mặt anh. Vì chúng tôi chỉ cốt lấy cảnh và anh chỉ là một điểm xuyết cho khuôn hình cuối của phim. Máy quay đã ngừng từ lâu, chúng tôi đứng chờ anh trở lại. Nhưng anh vẫn cứ đứng thần người như bức tượng…!

Chỉ mấy phút thôi. Rồi anh cũng trở lại là anh. Anh đến bên chúng tôi và cũng bằng một nụ cười hiền, nhưng ánh mắt đượm buồn. Dũng nhìn anh láu táu hỏi luôn:

- Chú Hai nhớ thím rồi, phải hôn chú?

Anh lại cười, nhưng cặp mắt ửng đỏ và với vẻ cởi mở pha chút ngập ngừng, anh nói nhỏ như chỉ đủ cho mình nghe:

- Ừ, cảnh chiều vầy buồn cách chi! Lâu quá có về nhà được đâu. Nhớ con nhỏ quá đỗi…

… Hai tấm vải anh cất lại vào rương. Và bây giờ anh lại tiếp tục công việc đang bỏ dở, chữ viết từng dòng nắn nót…

Tôi chợt cảm thấy hai mắt cay xè khi nhìn bóng anh cần cù in trên vách. Có cách gì cho tôi đừng nghĩ, đừng liên tưởng gì hết khi ngắm nhìn cuộc sống người Anh hùng. Người đã sống như vậy, lặng lẽ như vậy bao nhiêu năm? Với muối, với khô, với cơm độn và với một cường độ làm việc không kể gì đến bản thân. Người đã cho không cả hạnh phúc riêng tư của mình, quên hết tất cả mọi cái thuộc về mình. Vì một lẽ gì rất thiêng liêng mà không làm sao chúng ta có thể giải thích nổi, với theo nổi… Mà kỳ chưa, cái thiện tâm trong suốt ấy hình như sống ở trong anh như một bản năng, hình như chưa có lúc nào anh thử dừng lại một chút để nghĩ ngợi về cuộc sống hiện tại của mình. Anh vẫn làm việc. Vậy thôi. Và hồn nhiên anh kể:

- Có một chú sinh viên lúc trước thực tập ở Ba Vì thân với tôi lắm. Anh ta xuống tận đây định rước tôi về hợp tác với cái nông trại nuôi bò sữa của anh. Hứa lương cao ít ra cũng cả cây vàng một tháng. Nhưng tôi bảo không, tôi có công việc của tôi. Tiền bạc là cái chi?

Và vậy là cả Ban giám đốc nông trường đều ca ngợi anh… Và chúng ta nữa, chúng ta cũng đã ca ngợi Anh hùng Hồ Giáo nào có tiếc chi lời…!?

Thật sự dù không muốn, nhưng tôi vẫn phải nhớ đến những ngày được chiêu đãi ầm ĩ liên tiếp ở gần như tất cả những nơi chúng tôi vừa đặt chân đến. Chao ôi! Có cái gì chặn ngang ở ngực làm hơi thở tôi nặng nề. Sao mà quên được những thùng bia bọt lênh láng chảy dài như suối. Sao mà quên được những chai rượu Napoléon lóng lánh tràn trề thắm đỏ cả chiếc khăn bàn trắng tinh. Những dãy bàn ngang dọc thừa ứ thức ăn… Những ngọn đèn xanh đỏ giăng mắc, chập chờn khuôn mặt người bóng ngời, đỏ lựng…

Tôi cũng đã ngồi ở đấy, cũng tham dự hết lòng. Và vui vẻ đổ tràn những lon bia lên bàn để được sự cổ xúy nồng nhiệt như là đã biết sáng tạo ra một trò chơi vui sang trọng nhất, độc đáo nhất!

Giờ đây, đối diện với anh, tôi chỉ ước có một điều. Có cách gì cho tôi quên được tiếng chạm ly rổn rảng, ầm ào của những ngày hôm ấy…

Năm 1990

NGÔ NGỌC NGŨ LONG