Người đô thị quyết định phát triển đô thị bền vững

Các đô thị Việt Nam hiện nay đã được định hình từ thời Pháp thuộc (kể cả Thủ đô Hà Nội và Cố đô Huế). Sau hai cuộc kháng chiến (1975), Việt Nam lo giải quyết hậu quả chiến tranh nên vấn đề quy hoạch, mở rộng và quản lý các đô thị chưa được quan tâm. Có thời, một số nơi đào lề đường để trồng khoai sắn, nuôi gia súc ngay trong các khu tập thể, mở nhiều nhà máy ngay trung tâm thành phố để sản xuất hàng hóa, thành phố Đà Lạt trồng thông trên Đồi Cù…

Mãi cho đến thời Việt Nam bắt đầu hội nhập, đặc biệt là sau ngày Việt Nam vào WTO (2006), vấn đề đô thị mới nổi lên một cách nóng bỏng. Xã, phường phấn đấu lên thị trấn, huyện lỵ phấn đấu lên thị xã, thị xã phấn đấu trở thành đô thị (thành phố) loại 4, đô thị loại 3, loại 2, loại 1 trực thuộc tỉnh và rồi mục tiêu cuối cùng vươn lên thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Trong khi đa số lãnh đạo và cán bộ trong chính quyền Việt Nam hiện nay xuất thân từ nông thôn, chưa hề được đào tạo công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển, quản lý đô thị bao giờ.

Vì thế, các địa phương phải nhờ những cơ quan chuyên môn ở các thành phố lớn hoặc ở Trung ương giúp lập hồ sơ cho địa phương để xin xét duyệt công nhận đô thị. Hầu hết các bộ hồ sơ đều đề cập đến các vấn đề qui hoạch, môi trường, hạ tầng cấp thoát nước, cây xanh, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người một cách chung chung… Chưa quan tâm đến sự khác biệt giữa người nông thôn và người đô thị, giữa người của các đô thị khác nhau, giữa người của các đô thị có đặc điểm riêng. Ví dụ: Dù ở gần nhau nhưng tính cách người Hội An khác người Đà Nẵng, người Đà Nẵng khác người Huế, người Huế khác người Hội An… Nếu không thấy sự khác biệt đó để gìn giữ và phát triển thì sẽ làm mai một thế mạnh của các đô thị ấy.

Dân nông thôn với tầm nhìn bị bó hẹp, không có kiến thức đô thị thì khi họ trúng vào ghế lãnh đạo thành phố, đặc điểm chung của đô thị cũng khó giữ kể chi đến đặc điểm riêng. Giao cho một chiếc xe mà không có người biết lái thì xe không bị đổ bên phải thì cũng nhào bên trái, không tông chết người thì cũng húc vào núi nát xe. Vì thế, một địa phương có được xét duyệt lên đô thị hay không, ngoài bộ hồ sơ các địa phương thuê người viết nêu trên, vấn đề tiên quyết là xem xét sự hiểu biết về quản lý và phát triển đô thị của lãnh đạo địa phương đó như thế nào, bộ máy quản lý đô thị đã được đào tạo ra sao, đã có chương trình, kế hoạch, lộ trình giáo dục chuyển đổi dân nông thôn làm dân đô thị hay chưa (?).


Ảnh minh họa

Mỗi thành phố được hình thành với những đặc điểm riêng của nó. Đặc điểm riêng đó tạo bởi lịch sử, địa thế, môi trường và con người đã tạo nên tính cách của nó. Bởi thế không có thành phố nào giống thành phố nào. Ví dụ thành phố Huế: Đó là mảnh đất đầu mối mở nước từ Thuận Hóa vào đến Cà Mau, Kinh đô thời quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, Kinh đô của Phật giáo xứ Đàng Trong, có cảnh quan tuyệt đẹp hai bên bờ sông Hương, có hai di sản văn hoá của nhân loại, có thế mạnh về văn hóa du lịch, giáo dục đại học, y tế chuyên sâu nổi tiếng quốc gia, quốc tế.

Muốn phát huy được thế mạnh ấy, khi tỉnh Thừa Thiên Huế được chuyển đổi thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương, ngoài bộ hồ sơ và những thành phần dân đô thị như các thành phố khác vừa nêu trên, thành phố Huế mới còn phải có: 1. Đội ngũ trí thức - chuyên viên có hàm lượng chất xám ngang tầm với các thành phố Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; 2.Tầng lớp nhân dân được giáo dục văn hóa để gìn giữ và phát huy nếp sống văn hóa của Cố đô và hai di sản văn hóa của nhân loại.

Muốn có được điều này đòi hỏi lãnh đạo Thừa Thiên Huế phải có tầm nhìn của thế kỷ XXI kèm theo các chủ trương, chính sách, kế hoạch và phải đầu tư thích đáng mới mong có được. Nhưng chưa nghe lãnh đạo Thừa Thiên Huế đặt vấn đề này, vì thế, hiện nay những người có tâm huyết với Huế rất băn khoăn trước đề án của tỉnh Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới.

Người đô thị quyết định cho sự phát triển đô thị bền vững. Các địa phương dù được Trung ương, được tỉnh duyệt cho lên đô thị các loại, hoặc trên nữa mà chưa có con người đô thị thì chỉ là một sự đổi tên với một quyết định cho phép nông dân chuyển đất sản xuất nông nghiệp ra làm khu dân cư buôn bán nhỏ lẻ mà thôi.

Kỳ sau: Hoạt động ở đô thị với phong cách nông dân, chuyện cười ra nước mắt.


Bài liên quan:
SONG NGUYỄN