Nói chung, người ta cho rằng, người Hà Nội là người hào hoa, thanh lịch.
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa (Thơ Chính Hữu) Hà Nội còn nguyên phong thái hào hoa (Thơ Bằng Việt) Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An (Ca dao) |
Hào hoa là thế nào, thanh lịch là thế nào? Hào (豪) là ý khí phi thường, tài sức hơn người (Từ điển Thiều Chửu, tr.573); là hào hiệp, như trong anh hào (英豪), hào kiệt (豪傑)…, ở đây ý còn nói cốt cách cao cả, mã thượng; còn hoa (華) là vẻ đẹp, tinh hoa (精華) nhưng ghép lại hào hoa (豪華) có cái ý chung mà ta vẫn hiểu là phong nhã, hào hiệp.“Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” (Kiều).
Cái chất văn hóa, cái chất nghệ sĩ; nói về đạo đức thì là tính cách tử tế, tinh tế… trong ứng xử. Cái chất ấy được hình thành qua nền văn minh Thăng Long từ đời Lý, qua đời Trần-Lê và đến đời Nguyễn thì đứt gãy vì Thăng Long mất vị trí kinh đô trở thành cố đô. Nhưng cái dòng chảy văn hóa thì không dứt. Thăng Long - Hà Nội vẫn là một trung tâm văn hóa lâu đời, tiêu biểu cho văn hóa cả nước.
Trước hết, hãy nói về cái cội nguồn của cái chất người Thăng Long - Hà Nội mà ta đang bàn. Từ trước đời Lý, trước khi có Thăng Long, thì Long Biên, Đại La… vẫn là một trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, của cả vùng Bắc Bộ Việt Nam, bị Trung Hoa xâm chiếm và cai trị. Trước hết, đó là tố chất của nền văn minh lúa nước, của con người làm lúa nước. Đó là những con người rất hiền, chỉ biết theo mùa vụ gieo cấy và thu hoạch; khác với con người du mục là săn bắn, lều trại và di chuyển…
Con người Thăng Long hay tiền Thăng Long trước hết là con người lúa nước điển hình, với các phong tục, lễ nghi, đạo đức bản địa như thờ cúng tổ tiên, biết ơn tiền nhân, sống thành thôn làng với những quy định chặt chẽ thành văn hay bất thành văn để bảo vệ gia đình, gia tộc, làng xóm. Từ cái làng ấy, họ chuyển ra phố, thành phường, có chuyên môn như hàng Thiếc, hàng Đồng, hàng Mã, hàng Đào, hàng Giấy…; nhưng vẫn giữ bền quan hệ với văn hóa làng quê và những tập tục của làng quê như thờ cúng, gia tộc, cưới hỏi, khao vọng…
Đã xuất hiện tầng lớp trí thức, và cả tầng lớp thư lại rồi quan lại; có “chữ”, không phải từ thời đầu Công nguyên với Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp mà là từ thời Triệu Đà cuối thế kỷ thứ 3, tr.CN, “đem Thi, Thư để giáo hóa phong tục” (theo: Chiêu tuyết Hán tự bách niên oan án - Bắc Kinh, 1994).
Như vậy, ta học chữ Hán từ rất sớm, trước cả Nhật Bản - Triều Tiên hàng mấy thế kỷ. Trung Quốc lúc đó đã là một “dân tộc già”, còn ta là một “dân tộc trẻ”, nói theo khái niệm của Viện sĩ Nga Kônrát, và là một dân tộc trẻ, ta phải tiếp nhận nền văn minh trung tâm của dân tộc già hơn. Chúng ta đều biết rằng, đó là điều có tính quy luật, các dân tộc phát triển không đều nhau, và họ phải tiếp nhận lẫn nhau.
Gần đây, những nghiên cứu mới nhất về cổ sinh học, kể cả việc đối chiếu ADN cho biết, con người từ Phi châu sang Nam Á 20.000 năm trước, rồi từ đó di cư lên vùng Bắc Trung Quốc; hình thành Hán tộc, rồi từ đó họ lại ngược về Nam…
Như vậy, từ xa xưa, người Trung Hoa cũng có gốc từ châu Phi, Nam Á. Tộc Việt dĩ nhiên cũng là từ Phi châu sang Nam Á rồi lên phía bắc sống rải rác từ nam Trường Giang xuống tận Thái Lan, đông tới biển, tây tới Tứ Xuyên.
Văn hóa của người phương Nam, người Lĩnh Nam, người Việt… có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành nền văn minh Trung Hoa. Đây mới chỉ là một giả thuyết, cần được chứng minh dày công hơn, nhưng cũng là một hướng tìm tòi mới, có ích trong khoa học (x.: GS.Kim Định: Việt lý tố nguyên, Nxb An Tiêm - Sài Gòn, 1970 và BS Trần Đại Sĩ (1992) Lĩnh địa thời vua Trưng (Internet).
Nhưng ở đây, ta đang nói đến việc người Việt ta tiếp nhận văn minh Hán, với Thi Thư (Kinh Thi, Kinh Thư, tức là cái cội nguồn của văn hóa Trung Hoa mãi mấy chục thế kỷ sau đó).
Điều đó làm hình thành từ rất lâu, cái cốt cách nho nhã, phong nhã, thi thư (“con nhà thi lễ”) của người Thăng Long. Tức là con người có học, có văn hóa, có được đào luyện qua một nền văn hóa tối cổ và rất điển hình, có giá trị toàn nhân loại; nền văn hóa Nho gia, và tiếp đó ở Lý-Trần là Phật gia, Đạo gia…; rồi văn học Trung Hoa từ Kinh Thi, Hán, Ngụy, Lục triều, Đường, Tống…, một nền văn học vĩ đại có cả một thời đại Phục Hưng sớm vào thời Đường với Đỗ Phủ, Hàn Dũ… sớm hơn phương Tây 7 thế kỷ (theo Kônrát trong Phương Đông và Phương Tây, Moskva, 1972).

Cô gái mùa thu Hà Nội. Họa sĩ Văn Len.
Vì do học tập sáng tạo, học và ứng dụng vào thực tiễn lịch sử, thực tiễn đất nước, dân tộc… nên Nho giáo đã thành Việt Nho và ta đã có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh…
Như vậy, cái chất nhân văn bản địa của người trồng lúa nước sông Hồng, phối hợp với chất nhân văn phương Đông được Việt hóa rất sáng tạo… là nhân tố chính làm nên bản chất của người Thăng Long - Hà Nội.
Thực tế chiến đấu, xây dựng của cha ông ta hàng ngàn năm, từ chiến đấu chống ngoại xâm Trung Hoa và cả ngoại xâm phía Nam (Chiêm Thành đánh ra Thăng Long), từ việc đắp đê, xây dựng thiết chế làng xã, tổ chức giáo dục, thi cử, hình thành phong tục tập quán, quan, hôn, tang, tế..., làm cho người Thăng Long khi xưa, người Hà Nội sau này có những chuẩn mực văn hóa tốt đẹp, chuẩn mực cao, xét theo sự so sánh lịch sử; mà tổng kết thường tóm gọn là “hào hoa” “thanh lịch”.
Năm 1954, nước ta có biến động lịch sử lớn là tạm chia 2 miền; có tập kết và di cư. Khách quan mà nói thì đó là sự di chuyển của các vùng văn hóa và cư dân hai miền có điều kiện tiếp xúc, giao lưu, học hỏi lẫn nhau về nhiều điều.
Chúng tôi thuộc lớp học sinh miền Nam ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 đó, những đứa trẻ mà “má còn dìu, ngơ ngác biển mênh mang” như thơ Tế Hanh tả. Và bắt đầu từ đó, nhiều người trong chúng tôi học chung với các bạn học sinh, sinh viên miền Bắc, học với thầy miền Bắc, thầy Hà Nội… nên cũng có dịp thể nghiệm và đánh giá, so sánh tính cách của người Thăng Long, người Hà Nội.
Kể ra thì, trước khi ra Bắc, và sống, học tập, trưởng thành ở đó 20 năm, thì chúng tôi cũng đã tiếp nhận nền văn hóa đó qua sách vở, tiểu thuyết, thơ ca. Chúng tôi đọc tất cả Tự lực văn đoàn, Phong Hóa, Ngày Nay; Phổ thông bán nguyệt san, truyện, tiểu thuyết của Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Thơ mới... Và vì thế, nói như thơ Tế Hanh:
“Tôi mơ mộng những người trong tiểu thuyết Và nghĩ thầm ngoài ấy đẹp bao nhiêu! … Có ai gọi tên tôi trong gió bấc Trong gió nồm tôi muốn gởi lời ra”. |
Đẹp ở đây là cái đẹp của tâm hồn con người, những con người lãng mạn, đắm say, tinh tế… trong Thạch Lam, Nhất Linh; những cô gái “dưới bóng hoàng lan”, những cô gái tần tảo gánh cả gia đình nhà chồng và nuôi em trai ăn học, những cô gái như trong Đôi bạn, Đoạn tuyệt… mặc chiếc áo cũ vá khuỷu tay nhưng tâm hồn thao thức mà hiền dịu, sâu thẳm…
Những con người trong thơ trong văn ấy đã ám ảnh tuổi thơ của chúng tôi và bây giờ nó hiện ra trong đời thực với những cô bạn học trò cùng lớp, cùng trường, duyên dáng, tinh tế, sâu thẳm như Trương Quỳnh Như trong truyện nôm cổ điển. Rồi những anh bạn miền Bắc cùng mê văn chương và nuôi mộng văn chương, và nhất là các bà mẹ miền Bắc đã từng rải ổ rơm cho chúng tôi nằm mùa rét hay nấu cho chúng tôi ăn những nồi cơm gạo mới với cá đồng kho vùi đến nhừ trong tro bếp…
Hà Nội, miền Bắc và con người Hà Nội kế thừa con người Thăng Long đó, trong những năm khói lửa chiến tranh chống Mỹ ác liệt đã trở thành lương tâm và phẩm giá của cả dân tộc và của cả nhân loại, đã được chúng tôi sống và chứng kiến. Có năm như năm 1965, Hà Nội tiễn gần 10.000 thanh niên công nhân, sinh viên, trí thức ra tuyến lửa.
Chúng tôi chứng kiến những cuộc “chia ly màu đỏ” của những đôi vợ chồng mới cưới tiễn nhau ra chiến trường. Lúc bấy giờ, Hà Nội nén cơn đau, nén căm thù, rèn ý chí gang thép, tất cả vì tổ quốc thống nhất, nhưng vẫn giữ được phong thái của người văn minh, lịch sự, thủ đô của văn hiến nghìn năm, đã từng có những bậc tiền nhân như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi “làm thơ đuổi giặc”, và bây giờ “tiếng hát át tiếng bom”: Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công.
Điều cần nói là do sự thể nghiệm, cả sự va chạm giữa các tính cách, ta có thể nói một đôi điều, nhận xét một đôi điều về tính cách người Hà Nội, cả mặt hay và mặt chưa hay, do sự hình thành trong lịch sử.
Nói chung, tính cách Việt Nam là thống nhất, là sự di chuyển và phát triển trong dòng lịch sử chủ yếu theo cuộc Nam tiến của ông cha ta. Nhưng mỗi địa phương có cái hay cái dở riêng, không dễ tổng kết. Tổng kết không dễ và cũng dễ phiến diện, mất lòng. Phải có những cuộc điều tra xã hội học sâu rộng, phải có những cuộc thảo luận khoa học nghiêm túc, có các cuộc nghiên cứu so sánh với tính cách người thủ đô các nước, càng hay.

Mùa thu và thiếu nữ Hà Nội.
Người Hà Nội và nói chung, người miền Bắc, hào hoa, đúng; thanh lịch, đúng; tinh tế, đúng. Nhưng người Hà Nội có lẽ do trải qua là kinh đô của các vương triều, là kinh đô thì thu thái được tinh hoa các vùng, nhưng là kinh đô cũng dễ có chất thư lại, mà thư lại thì khác với nơi điền dã, mộc mạc.
Thanh lịch là tốt, nhưng không bao giờ nói thẳng, chỉ nói vòng quanh, khéo quá hóa xa chân thật; tinh tế để bảo vệ mình nhưng không được việc chung, vì chỉ có lời nói thẳng, không sợ mất lòng mới được việc. Tinh tế, thanh lịch là quý, nhưng đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, ngại thất lợi… thì nếu là người có trách nhiệm, sẽ khó bề hoàn thành được nhiệm vụ.
Đó là nói chung, chứ còn từng người thì vẫn có cái khác biệt. Không nhất thiết đó là tính cách chung 100%, với ai cũng vậy.
Trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa…; những tính cách của người Hà Nội sẽ phát triển, giao thoa, càng được tiếp thêm nhiều cái tinh hoa và quý giá. Nhưng vấn đề không dễ là Hà Nội ngày nay chỉ có khoảng dưới 10% (có người còn lấy con số thấp hơn, 3-5%) là người gốc Thăng Long - Hà Nội. Còn 90% là người tứ chiếng, người từ muôn phương nhóm họp về, đem theo cả cái hay cái dở của các địa phương.
Cái tốt của người Hà Nội là bao dung, không địa phương chủ nghĩa, không “lên mặt thủ đô”, mà như nước dung chứa tất cả người các miền, anh tài các miền, hễ ai giỏi, ai hay thì đánh giá cao, thì tôn vinh… bất kể nguồn gốc địa phương.
Chính nhờ thế mà Hà Nội thu hút được nhân tài, tinh hoa bốn phương để làm giàu có cho văn hóa của mình. Nói về anh hùng dân tộc thì Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương là người miền Nam, nhưng hy sinh bất khuất cho Hà Nội, người Hà Nội rất kính trọng và xây đền “Trung liệt” để thờ. Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… từ miền Nam ra, rất được Hà Nội kính trọng.
Các thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ từ miền Nam, miền Trung ra như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Hoàng Việt, Nguyễn Sáng, Lưu Hữu Phước, Hoàng Hiệp… được Hà Nội xem như người của mình, ít khi có chút phân biệt Nam - Bắc. Và những vị này cũng xem Hà Nội là quê hương thứ hai, sáng tác cho Hà Nội, gắn lòng mình với Hà Nội, và khi xa “đứt ruột nhớ hoa đào” (Chế Lan Viên)…
Cái phẩm chất “anh cả” đó cũng chính là một phẩm chất đáng quý của con người Thăng Long - Hà Nội 1000 năm và hơn 1000 năm. Nhưng nếu không mang gươm đi mở cõi về phương Nam, không trui rèn trong cuộc mở đất đó những tính cách mới, bổ sung cho tính cách Thăng Long - Hà Nội, thì liệu đất nước chúng ta có được như ngày hôm nay không?