Người Washington nhớ mùa hoa Hà Nội

TRẦN HỮU TÒNG

… Sau ba mươi lăm năm, tôi gặp lại người tù binh - “giặc lái” ấy. Năm đó, Lodge – tên ông ta - mới hai mươi sáu tuổi. Lodge ngỡ ngàng cầm tấm ảnh từ tay tôi rồi “ồ” lên một tiếng rõ to khi nhận ra mình trong ảnh. Lodge đeo cấp hàm trung uý không lực Hoa Kỳ. Ông ta ngước mắt nhìn tôi và đã nhận ra tôi. Tôi đội mũ cối, mặc quân phục đang ghi vào cuốn sổ tay những lời khai đầu tiên của Lodge. Đó là tấm ảnh chụp từ tháng 3/1965, lúc chiếc phi cơ F100 – phi cơ Lodge bị bắn hạ trên vùng trời sông Gianh…

Khi chiếc phi cơ bị bắn hạ, Lodge nhảy dù xuống bìa rừng và bị thương ở mu bàn tay phải. Lodge bị công an vũ trang và dân quân bắt. Lodge chỉ vào miệng, vào bụng và ra hiệu… đói lắm. Một chị dân quân trao cho Lodge nắm cơm đeo bên hông và một chị khác băng vết thương cho ông ta. Lodge được đưa ngay về Hilton – Hà Nội (Hilton là tên một tập đoàn kinh doanh khách sạn lớn nhất Hoa Kỳ. Giặc lái lúc ấy gọi hài hước nơi giam giữ của họ là “Hilton – Hà Nội”).

… Mắt Lodge vẫn nhìn trân trân vào tấm ảnh, rồi quay lại nhìn tôi, ông ngước nhìn vào khoảng trời Washington buổi chiều vẩn đầy khói đục như lục tìm lại những ký ức xa xưa. Ông hỏi tôi:

- Tôi nhớ rồi, ngày ấy ông là nhà báo…

- Vâng, ngày ấy tôi là nhà báo, từ Hà Nội vào…

- Ồ. Vui quá. Ông lại đánh thức những kỷ niệm ngày tôi ở “Hilton – Hà Nội” dậy rồi. – Lodge cởi mở và nói – Đó là những ngày bi thảm nhất đời tôi. Và cũng có thể được gọi là những ngày “may mắn” của đời tôi đấy. Nó đã mở ra tầm nhìn cho tôi. Tôi đã hiểu được Hà Nội – Việt Nam…

Lodge nói:

- Ấn tượng mạnh mẽ không bao giờ quên của tôi là được chứng kiến những ngày đêm cuối tháng 12/1972, không lực Hoa Kỳ oanh tạc Hà Nội. Sau này, tôi mới biết rõ có 193 pháo đài bay – gần nửa số pháo đài bay của Hoa Kỳ - 1077 phi cơ chiến thuật tức là 100% không lực Hoa Kỳ ở Đông Nam Á đã tham chiến. Đêm đầu tiên (18/12/1972) đã có đến 5430 tấn bom dội xuống, gây thảm họa cho Hà Nội. Thưa ông, đó là cuộc dội bom chưa từng có trong lịch sử chiến tranh ở một thời điểm ngắn xuống vùng đất hẹp. Nhưng quả là không một nơi nào trên trái đất này như Hà Nội.


Tác giả (tháng 3/1965, thứ nhất từ trái sang)
và Trung úy Lodge (thứ ba từ trái sang).

Ngày đó, ngôi sao điện ảnh Jane Fonda đến “Hilton – Hà Nội” biểu diễn, tôi và một số người nữa đã viết thư gửi cô đưa về cho Tổng thống Hoa Kỳ: “… Tổng thống đừng gây ảo tưởng cho người Hoa Kỳ nữa. Chúng tôi đã tìm thấy một điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng nổi. Không một sức mạnh nào đè bẹp được họ, mà chỉ gây thêm kinh hoàng, ác mộng cho phi công Hoa Kỳ…”. Thưa ông, ngày ấy chúng tôi đã chứng kiến cả trăm điều kỳ lạ. Chúng tôi nói với nhau “Cuộc chơi này Việt Nam sẽ thắng”.

Vì thưa ông – Lodge hào hứng nói – không một nơi nào dưới bom đạn mà trẻ em Hà Nội vẫn đội mũ rơm lũ lượt đến trường; không một nơi nào như người Hà Nội biết làm hầm kèo chữ A để chống lực xô rung của bom. Không một nơi nào trên trái đất này như người Hà Nội sau trận phi cơ oanh kích, khói bom chưa tan thì trên đường phố người đã tấp nập đi lại, cười nói râm ran. Công nhân lại đến nhà máy bằng xe đạp và đeo súng chéo sau lưng, công chức mặc áo màu lá cây lại đến công sở, chợ vẫn họp đều – Tôi biết được điều này là nhờ “Hilton – Hà Nội” ở gần một cái chợ lớn.

Cũng chưa có một nơi nào như người Hà Nội dám vác súng máy cao xạ lên nóc nhà cao tầng để chờ phi cơ Hoa Kỳ; Người Hà Nội còn biết thả bóng bay đầy trời để cản trở tầm nhìn của phi công xuống thấp – Lodge giơ hai tay lên quá đầu phác một cử chỉ minh họa… Rồi, thật là kỳ lạ - Lodge vung tay, nói say sưa như diễn giả - đêm đêm đèn điện trên đường phố của Hà Nội trong chiến tranh vẫn sáng trưng, loa trên các phố vẫn hát và nhiều lần chúng tôi nghe rõ tiếng reo hò của cả Hà Nội vang dậy át tiếng rú của phi cơ, tiếng rung gầm của bom nổ. Ấy là lúc dân chúng nhận được thông tin phi cơ Hoa Kỳ bị bắn hạ. Thưa ông, dạo đó đêm nào trên bầu trời Hà Nội cũng sáng rực vì pháo đài bay B52 bị bắn cháy.

- Ồ, ông ơi – Lodge đập nhẹ vào cánh tay tôi – Còn điều này thì không thể nào làm tôi quên được Hà Nội. Dọc con đường phía trước “Hilton – Hà Nội” có loài cây cổ thụ nở hoa. Hoa toả hương thơm át cả khói bom, át cả mùi khét của thuốc nổ. Hoa thơm đẫm nhất là về khuya khi sương xuống.

- Qua những điều ông đã biết, ông có suy nghĩ gì về nền văn hoá của nước chúng tôi và của nước ông?

Lodge im lặng một lúc, rồi ông chậm rãi nói:

- Hồi tháng tư năm ngoái, có một vị tướng nhà báo. Tên ông ta là Nguyễn Đình Ước, nghe đâu ông từng là chủ bút một tờ báo lớn ở Hà Nội sang trường đại học Texas dự “Hội thảo về chiến tranh Việt Nam”. Ông là vị tướng đầu tiên của Hà Nội đến Hoa Kỳ đấy. Một số thương gia muốn hiểu biết về Việt Nam cũng được mời dự. Tôi có mặt trong những ngày hội thảo đó. Vấn đề cần được giải trình đầu tiên: Một cường quốc khổng lồ giàu bậc nhất thế giới mà thua một dân tộc bé nhỏ, kinh tế nghèo nàn. Điều chua cay đó là vì đâu? 2,5 triệu tài liệu và hàng nghìn tập hồ sơ về chiến tranh được đưa ra. Ông tướng nhà báo Việt Nam đã chỉ ra rằng: Việt Nam thắng vì không phải chỉ có lòng dũng cảm đơn thuần mà Việt Nam có một nền văn hoá bền vững. Cả ngàn năm Việt Nam bị nước ngoài đô hộ mà vẫn giữ nguyên được nền văn hoá giàu bản sắc của mình! Ông Kissinger đã phải kêu lên: “Nếu các ông chỉ có lòng dũng cảm không thôi thì các ông sẽ bị đè bẹp. Các ông thắng vì cả một dân tộc thông minh. Đó là con đẻ của một nền văn hoá lâu bền. Điều đó Hoa Kỳ không có…”.

Từ khi ở “Hilton – Hà Nội”, tôi đã được biết người Việt Nam coi nhau là Đồng bào. 226 quốc gia trên thế giới không có nước nào người dân lại coi nhau là đồng bào cả. Sau khi đọc xong lịch sử Việt Nam, tôi mới hiểu ra rằng các ông có một truyền thuyết đẹp nên mọi người ý thức về cội nguồn chung là cùng trong một bào thai của một bà mẹ sinh ra. Và, có lẽ đó là gốc rễ của văn hóa các ông…

Tôi hỏi:

- Ông có biết sự thật chuyện hơn 400 phi công của Hoa Kỳ được về đoàn tụ với gia đình không?

Lodge chậm rãi nói:

- Khi về Washington, đọc tờ New York Times, tôi mới biết rõ điều đó. Thật đáng buồn…

- Tờ báo ấy trong số ngày 18/11/2000 – Tôi nói với Lodge – đã đăng tải lại nội dung bài đó với đầu đề: “Món nợ bị lãng quên đối với Việt Nam”. Bài báo kể rằng, lúc đàm phán hòa bình ở Paris những năm 70, các nhà thương thuyết Hoa Kỳ đồng ý bồi thường chiến tranh cho Việt Nam 3,25 tỉ USD trong thời gian 5 năm, cộng thêm cấp bổ sung từ 1-1,5 tỉ USD bằng lương thực và hàng hóa. Đáp lại việc đó, Việt Nam ký hiệp định hòa bình và thả hết tù binh là phi công đang bị giam ở Hà Nội. Nhưng rồi Hoa Kỳ đã bội ước, xoá bỏ cam kết. Song Hà Nội rất nhân đạo và cao thượng đã thả hết tù binh để họ được về đoàn tụ với gia đình…

Lodge gật đầu – Đúng thế. Tôi biết chính xác điều ấy – Tôi được biết những ngày cuối tháng 4/1975, chiếc phi cơ trực thăng chở những người Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn tới Hàng Không mẫu hạm trên biển Đông. Anh ta đã thấy đèn đỏ báo động trên bàn điều khiển của máy bay nhấp nháy liên hồi khi bay qua vùng đất bộ đội Hà Nội đã tiến chiếm. Ánh đèn tín hiệu đó cho thấy tên lửa đã bắt gọn mục tiêu trong tầm bắn. Nhưng không có một quả đạn nào được phóng ra. Và, không có một chiếc trực thăng nào bị bắn hạ…

Chúng ta kính trọng sự thiện chí và nhân đạo của Hà Nội. Rồi ít ngày sau khi Sài Gòn thất thủ, bộ đội Hà Nội tràn ngập. Họ đi từ sứ quán này đến sứ quán khác lần lượt thay cờ nước ngoài bằng lá cờ chiến thắng của Việt Nam. Nhưng họ đã đi qua sứ quán Hoa Kỳ mà không kéo cờ của họ lên đó. Một phóng viên Hoa Kỳ, ông là Phân xã trưởng của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông ở Sài Gòn – Nayan Chanda - hỏi một sĩ quan cao cấp của Hà Nội “Vì sao các ông bỏ qua sứ quán Hoa Kỳ?”. Nhà báo đó trả lời: “Bởi chúng tôi không muốn làm nhục Hoa Kỳ. Họ sẽ quay trở lại”.

Chúng ta càng kính trọng sự cao thượng và biết nhìn xa của Hà Nội… Lodge kể tiếp rằng: Ngày ở “Hilton – Hà Nội”, tôi đã được nghe và khi về Washington thì tôi biết rõ, từ cuối thập kỷ 60, lúc chiến tranh gia tăng, cụ Hồ Chí Minh đã gửi thông điệp cho Tổng thống Hoa Kỳ: “… Chúng tôi sẽ tiễn đưa các vị rời Việt Nam. Và, khi chiến tranh kết thúc, các vị sẽ được nghênh đón trở lại vì các vị có công nghệ và chúng tôi cần đến sự giúp đỡ của các vị…”.

Ngày còn ở trong “Hilton – Hà Nội”, chúng tôi được biết người dân, người lính Việt Nam lúc đó chỉ được ăn bột mỳ nhào nước lã nắm lại bằng quả ping-pông, rồi luộc chín cùng với một loại củ của loài cây mọc ven rừng và nõn rau nổi ở ao hồ. Còn tù binh chiến tranh chúng tôi được ăn súp thịt, bánh mỳ, phô-mai. Và, trong một tuần có bữa chúng tôi được ăn thịt lợn sữa quay, có đôi lần được uống bia nhãn “Trúc Bạch”. Chúng tôi nhớ điều ấy. Và, mong rằng những người Hoa Kỳ có lương tri đừng quên điều ấy… Người Việt Nam nhân ái và cao thượng đã nghĩ đến đường dài hôm nay…

- Ông có giữ được kỷ vật gì về Hà Nội không? – Tôi hỏi Lodge.

- Có chứ. Mùa Xuân năm 1973, tôi từ biệt “Hilton – Hà Nội”. Tôi nhớ lúc đó là mùa những khóm hồng, tôi cùng các anh lính gác Việt Nam vun trồng đang ra nụ, nở hoa. Tôi được cấp bộ quần áo vải gắn nhãn “Nhà máy Dệt 8/3”; cái túi xách tay cũng gắn nhãn “Dệt kim Hà Nội” và các thứ đồ dùng: tuýp kem chải răng in nhãn “Ngọc Lan – Nhà máy xà phòng Hà Nội”. Tôi còn xin được cái mũ rơm có tết bông hoa hồng trên chỏm, chiếc lược chải đầu làm bằng sắt phi cơ Hoa Kỳ bị bắn hạ và chiếc quạt nan. À, à… - giọng Lodge sôi nổi hẳn lên - Trước lúc ra sân bay tôi còn xin thêm được bức tranh mà tôi rất thích. Bức tranh vẽ người đàn bà tươi cười nâng cao gấu váy hứng hai quả dừa to bự… Ba mươi lăm năm rồi, tôi đặt tất cả những thứ đó vào tủ lưu niệm của tôi – Lodge cười cởi mở - Vậy là đến đất Việt Nam, tôi được người đàn bà cho nắm cơm cứu sống. Rời Hà Nội, tôi có bức tranh người đàn bà ngửa váy hứng dừa.

- Tôi sẽ tặng ông tấm ảnh này…

- Ồ. Rất cảm ơn. Đây là kỷ vật vô giá đối với tôi – Hai tay Lodge nâng tấm ảnh lên một cách trân trọng. Ông ta hôn tấm ảnh đến ba lần.

- Nhắc đến Hà Nội, thưa ông Lodge, ông nhớ đến cái gì nhất?


Mùa hoa sữa ở Hà Nội

- Tôi nhớ lắm những đêm mùa thu, loài hoa như tôi đã nói với ông, từ những cây cổ thụ tỏa hương thơm dịu ngọt lẫn với hương vị chua mát, quyến rũ. Chúng tôi gọi đó là “hoa con gái”. Và một mùi hương cũng từ một loại cây cổ thụ khác có hương vị thơm mát, pha chút hắc nồng. Chúng tôi gọi đó là “hoa con trai”. Mùi thơm “trai - gái” đó đã làm cho chúng tôi rạo rực nhiều đêm không ngủ, cứ ngóng về phía song sắt chờ ngọn gió. Mùi hoa gợi cho tôi nhớ Washington, nhớ nhà. Lodge nói tiếp:

- Hà Nội trong bom nổ vẫn thơm ngát hương hoa. Hương của cuộc sống. Cái xứ sở này kỳ lạ làm sao! Ôi! Còn thú vị biết chừng nào những đêm được đi xem các nghệ sĩ Hà Nội múa hát. Lúc ấy, tôi mới biết Hà Nội có nhiều cô gái đẹp. Vóc dáng các cô mảnh mai, mái tóc mượt mềm như suối chảy dài sau lưng. Những cô gái Hà Nội mặc áo dài thướt tha, thắt lưng, nở ngực sao mà thần tiên đến thế. Có thể nói họ đẹp nhất trên thế gian này -Lodge đưa cả hai tay lên phát một cử chỉ tán thưởng và cười rộng mở - Ngày đó nếu tôi là khách du lịch hoặc là một thương gia như bây giờ tôi sẽ xin được làm con rể Hà Nội như ông Pete Peterson…

Tôi nói với Lolge rằng:

- Chiếc áo dài đẹp mà ông được chiêm ngưỡng đó đang được UNESCO xét để công nhận là di sản văn hoá thế giới - Tôi hỏi đùa Lolge - Thế bây giờ…?

- Tôi già rồi. Đã ngoài sáu mươi rồi. Nhưng tôi sẽ cố tìm mua một chiếc áo dài để đưa vào phòng lưu niệm…

… Lodge tiễn tôi về. Ông cầm chặt tay tôi và nói rằng, có lần ông đã nghĩ đến việc sẽ đầu tư một dự án để góp phần xây dựng Hà Nội. Nhưng rồi bạn bè ông còn tính toán về sinh lợi và các thủ tục đầu tư. Còn ông thì đang ngập ngừng do dự vì chưa vượt qua được sự mặc cảm… Mặc dù Lodge biết rất rõ Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều tỉ USD, đứng thứ 9 trong danh sách các nước đầu tư vào Việt Nam. Lodge cũng biết cả việc một phần “Hilton - Hà Nội” - nơi ông ở năm nào, nay đã thành “Hanoi Tower” cao đến 30 tầng, lớn nhất Thủ đô…