Trước khi ra Thăng Long tiêu diệt quân Mãn Thanh, bằng đôi mắt “phượng hoàng đại ngàn Tây Sơn”, Quang Trung đã tính trước: “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã tính sẵn. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được quân Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà báo thù. Đến lúc ấy, chỉ người khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao. Không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được” (Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch, H.1970, tr.262).
Ngoại giao thời Tây Sơn do Ngô Thì Nhậm đứng đầu đã làm theo phương châm ấy của Quang Trung. Nó đã nâng cao vị thế của nước ta và ngăn chặn một cuộc chiến tranh xâm lược mới (“Động binh chín tỉnh để trả thù”) của triều đình Mãn Thanh.
Dưới đây, mời các bạn đọc một số văn thơ ngoại giao thú vị ngày ấy.
1. Biểu trần tình 1
Cẩn tấu về việc giãi chút lòng thành, trông lên Hoàng đế soi xét, cúi xin trừng trị kẻ gian dối để yên ủi người qui phụ, đánh đuổi kẻ hôn bạo để giúp dân sinh. Đó là nguyện vọng ân cần rất lớn của tôi.
Kính nghĩ: Đại Hoàng đế bệ hạ, chịu mệnh sáng trời, làm vua muôn nước, ở ngôi 50 năm, ơn to rộng khắp, Trung Quốc ngoại di tất cả cùng một phong hóa. Nước An Nam tôi ở thiên về cõi nóng nực, thấm nhuần thanh giáo đã lâu. Thế mà từ khi họ Lê mất quyền, chính quyền về kẻ quyền thần, trong nước ly tâm, tình dân oán hận. Tôi là một kẻ áo vải gặp thời nổi lên đối phổ, chỉ vì cái người trốn tội là Nguyễn Chỉnh, chạy đi tố cáo để xin quân. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1786) mới có việc ở Lê thành, gặp khi vua trước nhà Lê mất, tôi phò cháu nối dõi là Duy Kỳ lên ngôi, rồi lại về Nam, vốn không phải có ý lấy nước.
Thế rồi vua nối ngôi nhà Lê không nghĩ gì đến chính trị trong nước, tặc thần Nguyễn Chỉnh lộng quyền ra uy, giết hại những người trung lương, người trong nước không chịu nổi, tôi xin ra quân trị loạn, tôi nghĩ nước là nước của thiên triều phong cho, đâu dám tự ý bỏ đi.
Mùa đông năm Đinh Mùi (1787) sai sứ đến hỏi xem ai là người “giúp Kiệt” ở hai bên tả hữu mà vua nối ngôi nhà Lê đã bỏ nước trốn ra ngoài, tự vơ lấy cái lo vào mình. Mùa hạ năm Mậu Thân (1788), tôi lại đến Lê thành, lại lập con vua Lê trước là Duy Cận làm giám quốc, đã sai hành nhân gõ cửa quan, đem tình hình trong nước để tâu lên, mà những bề tôi nhà Lê trốn đi bám vào chủ mẫu đi xin cứu viện trước.
Đốc bộ đường Tôn Sĩ Nghị là đại thần ở nơi phong cương, không xét rõ được tình hình ở xa, đem cái cớ đằng kia bỏ nước, cái cớ đằng này vào nước, tâu rõ với Đại hoàng đế, đợi hầu xử phân, để yên biên cảnh ngăn thềm loạn. Lại chỉ nghe lời nói người đưa vào trước, đem tờ biểu của tôi xé ra vứt xuống đất, truyền hịch trong cõi, lấy việc lập lại nhà Lê làm tiếng, đổ tội cho tôi, cất quân ra cửa quan, hứa sẽ cắt cỏ nhổ cả rễ, buông tay giết hại, thỏa bụng tham tàn. Tôi ở nơi hẻo lánh mãi cuối trời, đường sá xa xôi, không biết việc đó có phải Đại hoàng đế sai khiến không? Hay là tự bề tôi ở cương trường làm trái chế sắc để cầu công đó?
Tôi nghe có binh mã ra cửa quan, tự nghĩ từ trước đến nay một tấm lòng chân thành, sợ mệnh trời thờ nước lớn, đã bị bề tôi ở biên khổn ngăn trở, vứt đi không được thông đạt lên. Sau đấy, binh đao một khi đã mở ra, tai họa không phải là ít, mới họp những bề tôi cũ nhà Lê lại, và kỳ lão trong nước, hỏi kế sách để nộp cống khoản xin giảng hòa, muôn người cùng nói một lời: Theo về với tôi.
Tôi vốn không phải tham đất đai lợi lộc, thực có từ chối mà không thể thôi được. Nhân ủy cho gia tướng là Trần Danh Bính đem ba đạo bẩm văn của con vua là Lê Duy Cận và thần dân, cùng với bồi giới tám người, gõ cửa đến viên môn, khẩn xin Tôn Sĩ Nghị đóng quân ở trên cửa ải để tra rõ tình hình nước. Lại gia tướng của tôi là Ngô Hồng Chấn đã bắt được quân đi tuần dương là bọn Hách Thiệu 40 người, cùng cho đi tất cả, để đạo đạt cái ý cung thuận, mà Sĩ Nghị nhất thiết không xét chi đến, giết Trần Danh Bính và giết cả binh đinh đi tuần dương, giam giữ lai sứ, đuổi quân kéo thẳng đến Lê thành.
Tướng hiệu của tôi thu quân về Nam, Sĩ Nghị thừa thế đuổi giết rất nhiều, còn người nào ở nơi làng mạc đều bị bắt hết, giết hại đến hơn nghìn người. Người trong nước ai ra sức qui phục tôi, cũng nhất loạt giết cả.
Ôi! Lấy dân đen ở góc bể, đâu không là con đỏ của triều đình, Đại Hoàng đế đã thương đạo hóa thành, đâu phải hiếu đại hý công, sinh sự với nơi xa ở ngoài để cho dân không có tội hãm vào chỗ gươm giáo, mà Sĩ Nghị không tuyên dương được đức giáo của người trên, giết người coi như cỏ rác, không những chuyên hiệu một mình tôi, lại muốn vơ tất cả các vây cánh mà giết đi. Nói ở trong các cáo văn để mọi người nguy ngập sợ hãi. Tuy lấy một dãi bãi bể dân quân binh giáp không đương được một phần trong muôn phần của trung triều. Nhưng cái suối sâu ở đằng trước, con hổ dữ ở đằng sau, tính mọi người sợ chết, đều nghĩ để cố gắng lên.
Tôi không trách lời chê ném con chuột (1) mới lấy dân đinh năm, ba ấp cùng đi theo. Ngày mùng 5 tháng giêng năm nay tiến đến Lê thành, còn mong Tôn Sĩ Nghị hồi tâm, may ra được cơ hội lấy ngọc bạch thay can qua, chuyển giáp binh làm xiêm áo. Tôi hạ lời cầu yết kiến, đều không trả lời, cùng chồng chất lên nhau mà chết đầy cả đồng, lấp cả sông. Còn những nhà dân chạy tránh ra ngoài thành, lại theo quanh thành lập đồn như trước. Sĩ Nghị không cấm được, hiếp dâm đàn bà con gái, cướp bóc chợ búa, nhân dân oán đến cốt tuỷ, cho nên tàn sát kỳ hết. Ngày tôi vào thành, lập tức cấm chỉ nhân dân trong cõi, có thấy quân thua trận chạy, không được giết bậy, nhất thiết phải đưa đến Đô thành, gồm hơn nghìn người. Tôi cho ở vào một chỗ, cấp cho lương thực.
Trộm nghĩ: trong khoảng binh cách, đấng thánh nhân chắc cũng không dừng được. Đại hoàng đế ở sâu chỗ cửa tùng, việc ở ngoài Tôn Sĩ Nghị không từng tâu lên, che lấp cả thông sáng của nhà vua để sự thể suy di đến như thế. Tôi thực không dám lấy càng con bọ ngựa mà giương với xe. Nhưng mà cửa trời muôn dặm, động có việc gì thì bị bề tôi ở biên khổn hiếp chế, không thể nhẫn nại được, hình như là kháng hành.
Trộm nghĩ: nước tôi là Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay, thế đại đổi thay không phải là một họ, có thể làm được phên giậu ở cõi nam, ngay tuy như bọn Ô Mã Nhi, Hoàng Phúc không lợi cho nước nhỏ tôi, lượng thiên triều như mùa xuân, như bể rộng, đại để lược lỗi nhỏ đi, mà cùng đưa đến đại đạo. Như cây đã đứng vững thì vun bón cho, chỉ có chí công, chí nhân mà thôi. Sĩ Nghị không suy xét sự lý cho cùng, gây nên hấn khích phải dùng binh, khiến cho nhân dân mắc phải vòng cay đắng, che bịt người trên, lấn át người dưới đến như thế.
Tôi đóng quân ở Long Biên, ngẩng trông cửa trời, có phụng tờ biểu tạ tội trần tình, nhờ phân tuần tỉnh Quảng Tây chuyển tấu lên cho. Cúi nghĩ: Đại Hoàng đế thể đạo trời ban chính hóa, nơi khô héo được tươi tốt, nơi vắng lặng được thấm nhuần, thuận lẽ tự nhiên, tha cho tôi cái tội một ngày không dừng được phải đem binh ứng phó, mà tin cho tôi lòng thành ba lần đến cửa quan nộp khoản trần tấu, đặt người tư mạc lập nên khiên binh, ban ra lệnh mới cho đất, phong cho tôi làm vua nước An Nam, giữ đóng một phương cung kính, phục mệnh chư hầu, để trong nước có người thống nhiếp.
Tôi xin sai sứ đến cửa khuyết, phụng làm phiên thần nộp lễ cống và xin đem những người hiện còn ở đây nộp lại để tỏ lòng chí thành.
Ôi! Đường đường thiên triều so sự thua được với tiểu di, tất muốn cùng binh độc vũ, gieo nọc độc cho dân về việc dùng quân, chắc lòng thánh nhân không nỡ. Vạn nhất việc binh cứ kéo dài mãi không thôi, thế đến chỗ ấy thì tôi không được lấy nước nhỏ mà thờ nước lớn nữa. Tôi cũng phó mặc mệnh trời mà không dám biết đến. Chầu về phương Bắc tinh thần hướng theo, kinh sợ quá đỗi kính tâu lên.
Đỗ Thị Hảo (dịch)

Nguyễn Huệ sai cháu là Nguyễn Quang Hiển vào chầu Càn Long,
được Càn Long ban yến.
2. Biểu trần tình 2
Tôi là một người áo vải đất Quảng Nam, sinh trưởng ở nơi xa khơi hẻo lánh, vốn ngưỡng mộ thanh giáo của Trung Hoa. Gặp thời thế nhiều biến cố, tôi bèn theo đuổi việc chinh chiến. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1786), có việc ở Lê thành, liền đó lại quay về Nam. Mùa xuân năm Mậu Thân (1788), nhân trong nước rối ren, tôi lại đem binh đến.
Năm ấy, tôi đã từng sai người đến cửa ái, đem hết tình hình trong nước tâu bày rõ để chờ Đại Hoàng đế phân xử. Ngặt vì Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị ném thư, đuổi sứ, bưng bít không cho thấu đến Đại Hoàng đế. Nghị lại vô cớ điều động đại binh, gây càn việc hấn khích ngoài biên giới. Việc xảy ngày mồng Năm tháng Giêng năm nay: trước đó tôi đã có tờ trình gởi đến, mong cùng Tôn Sĩ Nghị gặp mặt để hỏi lý do tại sao lại gây việc binh đao, việc ấy phải chăng là do vâng theo sự sai khiến của Đại hoàng đế. Nhưng Sĩ Nghị lại tự đến đón đánh. Y bèn bị những người tùy tùng của tôi đánh bại, quân lính chồng chất lên nhau mà chết không sao kể xiết!
Hiện nay số còn bị bắt giữ là hơn 1000 người. Vì không hiểu tiếng nói, nên chẳng biết ai là tướng, ai là lính. Tôi đã cung cấp lương thực, cho họ ở vào một nơi. Tôi không hề xâm phạm biên giới để phạm tội với thượng quốc, thế mà tấm lòng cung thuận chân thành của tôi đều bị Sĩ Nghị ném vứt đi cả! Y lại truyền thư khắp trong nước, muốn bắt tôi cho kỳ được mới cam lòng ! Nhân đó gây nên mối binh đao, khiến cho sinh linh mắc vào vòng thảm thương độc hại?
Tôi xa lánh ở nơi góc bể, mọi hành động đều bị Sĩ Nghị ức hiếp. Ngày nay sự thế đã thay đổi, tôi phải mang tội oan vì bị gièm pha là châu chấu đá xe! Tiếp được lời dạy của ngài, mắt lòng tôi đều như rộng mở. Ngài quả là kẻ bề tôi cột trụ của Đại hoàng đế, nên có thể tuyên dương đức ý cửa nhà vua, xử lý tình hình biên giới mới thành thực, thiết tha, sáng suốt và gắn bó được như vậy. Còn như Sĩ Nghị mắc tội lừa dối nói sao hết được!
Nay được thịnh tình của ngài ban chiếu đến, xin kính cẩn dâng tờ biểu trần tạ, một lòng mong ngài chuyển dạt lên cho. Ngước đón ân điển của Đại hoàng đế, kính xin giữ phận phiên thần, nộp lễ cống, khiến cho quân, dân khỏi khổ về binh đao. Đó là nguyện vọng lớn của tôi.
Phàm quân đội, cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông; binh lính quí ở chỗ tinh nhuệ, không quí ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng, là thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ chăng phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít đâu. Nếu như sự tình trước đây chưa được giãi tỏ mà thiên triều không chút khoan dung, cố gây việc tranh chiến, thì đó là làm cho nước nhỏ này không được hết lòng cung kính thờ nước lớn, tôi cũng đành phải nghe theo mệnh trời mà thôi! Lại riêng có một bao hịch văn của Sĩ Nghị, thảy đều là những lời lăng nhục, chèn ép, khiêu khích, tiện thể buộc vào nộp ngài, mong ngài soi xét.
3. Tờ chiếu về việc ban ơn
Chiếu cho quan viên và trăm họ trong nước biết:
Dựng nước mở cõi, hoàng thiên mở rộng dư đồ;
Làm phúc ban ơn, vương giả thi hành nhân chính.
Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, vâng chịu mệnh lớn. Nay đã giảng hòa nước lớn, đại lễ đã thành. Bắc Nam thông ngọc lụa đến sân chầu, thần dân mừng áo xiêm ngày thịnh hội. Từ nay thu quân hòa chúng, đều được an ninh. Nghĩ giải quyết việc đã qua, tính toán việc sẽ tới là nghĩa thánh nhân tùy thời. Cho nên đấng nhân quân chịu mệnh trời để được hưởng nước, tất phải vâng ý trời để chình đốn việc làm, cứu tai ương xét hoạn nạn, bỏ ngục tụng, hoãn hình phạt là việc thiết yếu nên làm.
Văn ban, vũ ban triều cũ, do vì trước đây không chịu bái yết, mang án tại đào, đã từng được tha tội. Duy điền sản tịch thu sung công, chưa được giả lại, nên kỳ này xét ai thực đã đến hầu, có quan giám tri kê khai tên họ, thì cho nhận lãnh điền sản cũ về làm kế sinh nhai để khỏi đói rét. Còn những tội phạm phải tù đồ, trừ ngụy án ra, xét tội trạng nào thuộc về tội nặng, hãy tạm giam để đợi tra xét, ngoài ra, thảy đều tha hết để thân oan cho những kẻ bị oan mà lâu chưa được xét.
Hỡi thần dân các ngươi, hãy nên tuân phụng đức ý, chọn đặt chỗ ở, dẹp lòng phản trắc, để cùng hưởng phúc hòa ninh. Phải kính tuân đó!
4. Tờ biểu của hai ban văn võ mừng việc hòa hảo đã thành
Nay cúi thấy:
Cùng Trung nguyên (2) giao hảo, lễ lớn đã thành.
Nhà Minh đường (3) mũ áo thân tình, nơi vương hội bích, khuê (4) rực rỡ.
Hai nước hòa mục;
Chín cõi cùng xuân.
Chúng thần thật lòng vui vẻ, xin kính cẩn dâng biểu chúc mừng.
Cúi nghĩ:
Ngôi tôn vững đặt, quanh chốt Kiền (5) phương Bắc tinh tú chầu về;
Phúc lớn trên ban, thuận mệnh Tốn (6) phương Tây trời trăng rạng tỏ.
Lân bang tỏ kính;
Triều điện mừng vui.
Kính nghĩ Hoàng đế bệ hạ
Bể góp anh tư;
Trời sinh đức sáng.
Văn quẻ Cách (7) hổ biến hợp điềm, dẹp loạn cao hơn công dựng Hạ (8)
Nội quẻ Khôn(9), long tranh dứt việc, trừ hung vượt Quá nghiệp cầm Hồ(10)
Đánh dẹp sáng ngời thánh vũ;
Sửa trị thấu suốt thời nghi.
Dùng mưu sâu thu quân, hòa chúng, giáo gươm bọc da hổ chở về (11);
Mở đạo lớn chuộng nhượng, bỏ tranh, chén ngọc giữ tai trâu mời mọc(12).
Bởi chiến hòa quyền ở tay mình;
Mà hòa mục thực ai cũng muốn.
Điện Yên tình thân hương lửa, gấm vóc rạng vẻ ân ban (13);
Đại Việt lòng thực đá vàng, dưa đào trước đưa phẩm tặng (14).
Sáo đàn tấu cung đình điềm tốt;
Ngọc lụa bày đường bệ bay hương.
Ba nghìn năm sử chép tự Hồng Bàng, điển lễ vinh quang ít thấy;
Vài vạn dặm thấm giáo thanh Âu Lạc, tảng nền rộng lớn bồi thêm.
Hòa đồng vui khắp chốn quân thiên;
Ca múa đều yên nơi liêm địa.
Chúng thần, dự hàng đai mũ, mũ miện (15) ngước nhìn.
Vâng lời vua nhà Ôn thất (16) truyền ra, đã thấy gần gũi áo xiêm hai nước.
Thơ Thiên bảo (17) nơi Trạch cung (18) ca rộn, kính chúc ức năm lịch số lâu dài.
Mai Quốc Liên (dịch)
(1) | Ném con chuột: Sách cổ có câu: “Đầu thử kỵ khí”, nghĩa là muốn ném con chuột lại e ném phải các đồ đạc khác. |
(2) | Trung nguyên: chỉ triều đình Mãn Thanh. |
(3) | Minh đường: nơi các chư hầu đến triều kiến. |
(4) | Bích, khuê: hai thứ ngọc các vua chư hầu cầm khi vào triều kiến. |
(5) | Nguyên văn: “Kiền thu”. Kiền (trời), tên quẻ đứng đầu Kinh Dịch. Sao Bắc đẩu (Bắc thần) là “chốt trời”, vì nó đứng yên một chỗ còn các sao khác phải chầu về nó (Khổng Tử - Luận ngữ). Do đó, ví ngôi thiên tử như sao Bắc thần. |
(6) | Tốn (khiêm nhường), tên một quẻ trong Kinh Dịch. |
(7) | Cách (thay đổi), tên một quẻ trong Kinh Dịch. Trong quẻ Cách có câu: “Đại nhân hổ biến” (đại nhân như hổ biến đổi lớp lông ngoài). Lời chú nói : hổ đổi lớp lông ngoài thì đẹp hơn trước, bậc đại nhân thay cũ đổi mới cũng vậy. |
(8) | Hạ: tên một triều đại cổ Trung Quốc. Đời Hạ, gặp lúc loạn, một cựu thần nhà Hạ dẹp được loạn và dựng lại nhà Hạ. |
(9) | Khôn (đất), một quẻ trong Kinh Dịch. Trong quẻ Khôn có câu: “Long chiến vu dã” (rồng đánh nhau ở ngoài nội), ý nói chiến tranh. |
(10) | Hồ: chỉ quân Nguyên - Mông. Ý nói về ba cuộc chiến thắng Nguyên - Mông thời Trần. |
(11) | Vũ vương đánh thắng Trụ, bọc giáo mác trong da hổ chở về. Ý nói đã hết chiến tranh, trở lại thái bình. |
(12) | Khi ăn thề, cắt tai trâu lấy máu. Tai trâu đặt vào mâm ngọc do người làm chủ cuộc thề giữ, “giữ tai trâu” tức là người chủ cuộc ăn thề. |
(13) | Yên Kinh: tức Bắc Kinh. Câu này nói đến chuyến đi của Quang Trung (giả) sang Yên Kinh năm 1790, được Càn Long ban tặng áo gấm đặc biệt. |
(14) | Kinh Thi: “đầu đào báo lý” (tặng quả đào, đáp lại quả lý). Ý nói có đi có lại |
(15) | Trong nguyên văn là “miện lưu”: miện là mũ vua, lưu là giải mũ bằng ngọc. |
(16) | Ôn thất: (nhà ấm) nơi vua ở. |
(17) | Thơ Thiên bảo: bài thơ chúc tụng nhà vua trong Kinh Thi. |
(18) | Trạch cung: nơi tập bắn cũng là nơi tụ tập vương hầu. |
Bài liên quan: