Ngày 18 tháng 2 năm 2005, 20 máy bay ném bom A-7 của Trung Quốc, được sự yểm trợ của 12 máy bay chiến đấu Su 27 Flanker bắt đầu tấn công quân cảng Cam Ranh, mở đầu cho cuộc chiến tranh thứ ba giữa “những người anh em đỏ”. Cũng trong ngày hôm đó, lính thủy đánh bộ Trung Quốc tấn công và chiếm đóng các hòn đảo đang còn tranh chấp ở Trường Sa – binh lính của Philippines và Việt Nam đang đồn trú trên các hòn đảo hoặc bị bắt làm tù binh hoặc bị tàn sát. Hải quân Trung Quốc cũng áp sát và bắt giữ các dàn khoan dầu thuộc sở hữu của các công ty đa quốc gia liên doanh với Việt Nam. Chẳng mấy chốc, lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới bắt đầu bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh khu vực đang có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột toàn cầu.
May mắn thay, đây chỉ là những chi tiết trong cuốn tiểu thuyết Dragon Strike (Đòn Rồng) của hai nhà báo Humphrey Hawksley và Simon Holberton viết gần mười năm trước đây. Tạm chưa nói đến tính “tiên tri” của cuốn tiểu thuyết (hãy nhớ lại cuốn sách Executive Orders (Mệnh lệnh của Tổng thống) của nhà văn Tom Clancy xuất bản năm 1996 - 5 năm trước sự kiện ngày 11/9/2001- mô tả hình ảnh nước Mỹ sau khi một phi công đâm cả chiếc máy bay chở khách vào tòa nhà Quốc hội, giết chết tổng thống, hầu như toàn bộ nội các và chính khách Mỹ), Đòn Rồng còn hơn một cuốn tiểu thuyết, nó giống hơn với một cuộc tập trận với “chiến tranh giả tưởng” trên các siêu máy tính của Lầu Năm Góc, nơi các nước cờ chính trị và quân sự được xây dựng dựa trên những nghiên cứu kỹ càng về các yếu tố địa - chính trị, tiềm lực quân sự và quan hệ quốc tế của các nước trong khu vực.
Những xung đột xảy ra trên thực tế gần đây trên biển Đông càng ngày càng giống với những gì được mô tả trong cuốn tiểu thuyết - đối mặt với một Trung Quốc có lòng tham khổng lồ về tài nguyên và năng lượng, với tiềm lực kinh tế và quốc phòng càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, một tư tưởng dân tộc của tầng lớp “phẫn thanh” càng ngày càng hiếu chiến, hiểm họa của một cuộc chiến tranh đối với Việt Nam có vẻ là không thể tránh khỏi.
Các chuyên gia về quan hệ quốc tế phần lớn đều nhận định rằng, tình huống chiến tranh tổng lực như được mô tả trong Đòn Rồng, khi Trung Quốc ném bom Hà Nội, Hải Phòng, phong tỏa các tuyến đường vận chuyển trên biển, xua bộ binh vượt biên giới Việt Trung là điều khó có thể xảy ra trong thực tế, mặc dù cũng không thể loại trừ. Nhưng một cuộc chiến tranh hạn chế trên biển thì hoàn toàn có thể. Họ lập luận, các cuộc xung đột trên biển ít có tổn thất về thường dân, yếu tố có thể dẫn đến những phản đối của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng hầu như không thể tiến hành “chiến tranh du kích” trên biển - với tiềm lực hải quân mạnh hơn hẳn Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát cuộc chiến tranh này. Khác với Philippines, Việt Nam không có đồng minh quân sự chiến lược và không ký hiệp ước phòng thủ và tương trợ lẫn nhau nào - nên phản ứng (nếu có) của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng sẽ rất hạn chế. Mỹ cũng sẽ chỉ tăng cường thêm lực lượng hải quân, phái tàu chiến tới giám sát và kêu gọi các bên ngừng chiến - đủ thời gian để Trung Quốc tiêu diệt lực lượng Hải quân non trẻ của Việt Nam. Sự leo thang của chiến tranh - nếu có - chỉ xảy ra trong trường hợp Trung Quốc tấn công những cơ sở khai thác dầu khí có sự tham gia của các công ty Mỹ như ExxonMobil, nhưng nếu có, các cuộc gặp gỡ cấp cao cũng đủ sức tháo ngòi nổ xung đột leo thang.
Tình hình (hay nói như truyền thông chính thống là “thế và lực”) của Mỹ đã khác trước. Vào năm 1996, khi Mỹ mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, khi hỏi một người bạn của tôi, Chris Coughlin, cựu chuyên gia tư vấn chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ về điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, anh ta trả lời dứt khoát: “Chúng tôi sẽ tấn công Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan, bất kể quyền lợi kinh tế có bị thiệt hại ra sao. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Vi phạm điều này có nghĩa là vi phạm nền tảng của xã hội dân chủ Mỹ”. Nhưng sau 17 năm, cũng với câu hỏi đó, Chris trả lời dè dặt hơn nhiều: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm mọi biện pháp có thể trước khi cân nhắc vấn đề trợ giúp quân sự”. Việt Nam ở vào một vị thế khác hẳn so với Đài Loan trong tương quan quan hệ với Mỹ, nên như trong Đòn Rồng đã mô tả, phản ứng của Mỹ sẽ chỉ là phản ứng của một kẻ đầu cơ chính trị.
Trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh cục bộ trên biển hay một cuộc chiến tranh tổng lực trên đất liền, Việt Nam có những lựa chọn gì?
Lựa chọn thứ nhất là con đường “chủ nghĩa yêu nước ngây thơ” của một số cái đầu nóng trong các cuộc tranh cãi trên mạng - “đánh, còn cái lai quần cũng đánh”. Nghịch lý là, chính những người đó cũng là những người luôn phản đối cách thức Việt Nam bị cuốn vào cuộc chiến tranh với Mỹ (“chúng ta lẽ ra có thể đã tránh được xung đột với Mỹ nếu chúng ta mềm dẻo hơn”) và những người luôn tuyên bố “trong mọi cuộc chiến tranh/bên nào thắng thì nhân dân đều bại”. Cho nên dễ thấy tại sao chính quyền lại có con mắt nghi ngại như vậy với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Họ tin rằng - và họ có lý do để tin rằng - các cuộc biểu tình chống Trung Quốc chỉ là cái vỏ che đậy cho mong muốn lật đổ chính quyền, hay ít nhất, cũng chỉ là cái vỏ che đậy cho mong muốn thể hiện sự bất mãn của họ với chính quyền hiện nay.
Lựa chọn thứ hai là lựa chọn của một đường lối ngoại giao thực tế hơn. Trước tiên, đó là những nỗ lực “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông. Lý do Trung Quốc khăng khăng “đây chỉ là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc” là để ngăn cản phản ứng không thể kiểm soát được của cộng đồng quốc tế. Với việc “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, Việt Nam sẽ khiến Trung Quốc e dè hơn khi khiêu khích để leo thang xung đột và tránh một “sự kiện vịnh Bắc Bộ” thứ hai trong tương lai. Những cuộc hội thảo về biển Đông gần đây ở Singapore, ở Mỹ cho thấy chính phủ Việt Nam đã đi theo xu hướng này. Điều thứ hai, đó là tăng cường liên kết khối, và trong khi không có đồng minh chiến lược về quân sự, thì những đồng minh chiến lược trong lĩnh vực kinh tế cũng có vai trò của nó. Cho nên, nỗ lực ký kết các hiệp ước đối tác chiến lược với châu Âu, Nhật Bản hay Hoa Kỳ không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - nó có ý nghĩa cả về mặt chính trị, nhất là khi có những chia rẽ trong nội bộ ASEAN về vấn đề biển Đông và không có hy vọng bộ Quy tắc ứng xử mà người ta mong đợi có thể có một ý nghĩa chế tài nào đó với Trung Quốc.
Điều thứ ba, đó là tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, chủ yếu nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc “sẽ không ai là kẻ chiến thắng tuyệt đối trong cuộc chiến tranh này”.
Và điều thứ tư là ngồi mà suy nghĩ, chúng ta sẽ làm gì nếu như hải quân của chúng ta bị tiêu diệt trong một cuộc chiến tranh cục bộ trên biển…