Xem kho ảnh của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, khá nhiều tướng lĩnh, nhà chính trị, nhà ngoại giao… xúc động khi nhận ra mình trong những bức ảnh nghệ sĩ đã chụp những đoàn quân Nam tiến, chụp những những cuộc chiến đấu của bộ đội Trung đoàn Thủ đô và Tự vệ Hà Nội những ngày máu lửa 1945-1946.
Nguyễn Bá Khoản sinh năm 1917, tại làng Liễu Viên, thuộc xã Nghiêm Xá, nay là xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ làng quê Liễu Viên lên nội thành Hà Nội không bao xa. Thời niên thiếu Nguyễn Bá Khoản đã bộc lộ phẩm chất rất năng động, đã sớm quyết định theo học nghề chụp ảnh; có được nghề ảnh liền gửi ảnh của mình chụp cho các báo chí và nhanh chóng trở thành nhà báo.
Khi mới 20 tuổi, Nguyễn Bá Khoản đã đạp xe vòng quanh Đông Dương theo kiểu “du lịch ba lô” ngày nay, để ghi chép và chụp ảnh về cuộc sống “ở khắp nơi, bạ đâu ngủ đấy, chẳng ngần ngại gì” như khi về già ông kể. Hồi có phong trào Mặt trận bình dân, Nguyễn Bá Khoản đã là nhà báo có ảnh đăng đều trên những tờ báo tiến bộ ở Hà Nội, như Bạn Dân, Tin Tức, Thời Thế…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Ông ghi được nhiều ảnh về các cuộc đấu tranh giữa những người thợ với chủ, trong đó có những bức ảnh về các cuộc mít tinh, biểu tình của hàng ngàn thợ thuyền, đặc biệt là ảnh những người thợ Hà Nội biểu tình trước nhà Đấu xảo nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm 1938. Mạnh mẽ, xông xáo, không ngại gian nguy là phẩm chất nổi bật của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, và chiếc máy ảnh hiệu Prontor 2 gắn bó với ông từ đó, cùng đi suốt con đường số phận ông…
Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong ngày Hà Nội cướp chính quyền, ngoài chiếc máy ảnh trước ngực, Nguyễn Bá Khoản còn đeo bên hông một thanh kiếm Nhật vốn là một chiến lợi phẩm. Ông đã dùng nó chém một nhát vỡ tung ổ khóa trại Bảo an binh của giặc ở số 40 phố Hàng Bài, rồi cùng anh em xông vào, cướp trại Bảo an.
Và chính đôi tay người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã kéo lá cờ đỏ sao vàng lên cột cao trên nóc cổng trại lính giặc, trong tiếng reo hò vang dội của quần chúng. Những năm về già, nhớ lại sự kiện lịch sử này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản đã viết những dòng hồi ức: “Máu chiến sĩ còn sôi trong trái tim tôi. Tôi càng thấm sâu hơn lời dạy của Cụ Hồ “Dù có phải đốt cháy cả Trường Sơn…”.
Lòng vui sướng, lâng lâng, tôi ngước nhìn ngọn cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên nóc cổng của trại lính. Chiếc máy ảnh cồm cộm như nhắc nhở tôi hãy làm nhiệm vụ của một nghệ sĩ, nhưng tiếc thay phim đã hết. Tôi chạy bộ về nhà lấy phim. Chiếc kiếm Nhật cứ lủng lẳng bên hông, có lúc tôi phải lấy tay đỡ để khỏi quẹt xuống đất…”.
Ngay sau khi giành được độc lập chưa đầy một tháng, ngày 23/9/1945, đồng bào Nam Bộ đã bước vào cuộc kháng chiến giữ nước. Khi đó, trên các đường phố Hà Nội giăng những khẩu hiệu: “Thanh niên yêu cầu Chính phủ cho vào Nam Bộ diệt xâm lăng”. Nhà ga Hà Nội có những chuyến tàu hỏa đông nghịt thanh niên xung phong vào Nam chiến đấu, trong số đó có Nguyễn Bá Khoản với tư cách là phóng viên báo Cứu Quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi chống nạn thất học, 02/5/1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản
Có thể nói, ông là người phóng viên chiến tranh đầu tiên của nước Việt Nam ta. Những đoàn tàu ra trận qua từng ga Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh… đều có thêm người trèo lên, Nam tiến. Theo đoàn quân Nam tiến, Nguyễn Bá Khoản đã tham dự những trận đánh rất bi hùng: Thị Nghè, Xuân Lộc, Trảng Bom… và ông đã chụp được rất nhiều ảnh.
Sau khi theo đoàn quân Nam tiến đầu tiên, chỉ hơn ba tháng sau Nguyễn Bá Khoản về Hà Nội, chọn lọc và cho trưng bày 500 bức ảnh. Đây là sự kiện lớn trong cuộc đời nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, cũng là một dấu mốc đáng tự hào của lịch sử Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.
Tháng 9/1945, theo đoàn quân Nam tiến, Nguyễn Bá Khoản là phóng vên chiến tranh nhưng còn có nhiệm vụ rất trọng đại là được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho làm Trưởng phái đoàn thanh tra các mặt trận Nam Bộ. Sau cuộc trưng bày 500 bức ảnh chọn lọc, đầu năm 1946, ông lại vào chiến trường miền Nam với tư cách đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam.
Với những trách nhiệm như vậy, Nguyễn Bá Khoản là một nhân chứng thực sự và cũng là người thư ký ghi lại những sự kiện nóng hổi của một giai đoạn lịch sử quan trọng. Sau chuyến đi Nam Bộ lần thứ hai, về lại Hà Nội, Nguyễn Bá Khoản chọn lựa, đem 200 bức ảnh ra trưng bày. Nhiều bức ảnh trong số này được giới thiệu rộng rãi trên các báo đương thời. Đây cũng là một sự kiện lớn trong đời sống tinh thần Hà Nội vào những ngày ngòi nổ của cuộc kháng chiến toàn quốc sắp bùng ra ngay ở thủ đô.
Tháng 12/1946, bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống xâm lược Pháp, Nguyễn Bá Khoản lại có mặt trên các chiến lũy, trong các lỗ tường giao thông suốt các phố, khắp các chiến tuyến, từ giữa thành phố cho tới ngoại ô phía Nam Hà Nội. Cùng với súng, kiếm và chiếc máy ảnh Prontor 2, con người Nguyễn Bá Khoản bên những chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Thủ đô vừa là gương mặt một phóng viên chiến tranh vô cùng năng động, lại vừa như một người lính cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Đoàn quân Nam tiến. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản
Ông đã ghi lại được những hoạt động tiêu biểu của các chiến sĩ Quyết tử quân ghìm chân địch tại các khu phố, những cảnh tải thương, những hình ảnh chiến sĩ trèo tường Cửa Đông vào công kích giặc… Những bức ảnh của ông chứa đựng những sự sống vừa trần đời vừa anh hùng đến phi thường, đó là Các chiến sĩ quyết tử ở Liên khu I, Đánh xe tăng địch ở Cửa Đông, Chiến sĩ vượt chướng ngại phố Hàng Đường, Tổ chiến đấu chợ Đồng Xuân...
Những bức ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp được trong gần 100 ngày đêm khói lửa này khiến đời sau có thể thấy rất chân thực hoàn cảnh chiến đấu cũng như lòng dũng cảm và mưu trí lạ thường của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và tự vệ Hà Nội. Đó là chướng ngại vật với những sập gụ, tủ chè, bàn ghế trong Phòng tuyến chống chiến xa ở phố Mai Hắc Đế. Đó là hình ảnh những chiếc nồi đất úp trên đường, vừa có thể là những quả mìn chống tăng, vừa có thể là nghi binh, ở Phố Huế. Đó là hình ảnh Công sự chiến đấu trên đê Quảng Bá, là ảnh Hồ Tây sáng rực trong đêm chiến đấu...
Bộ ảnh nguyễn Bá Khoản chụp trong hai lần hành trình Nam tiến là những tư liệu vô cùng quý hiếm, nếu không muốn nói là những hình ảnh duy nhất còn lại cho hậu thế, về những ngày mà nhà văn Tô Hoài gọi là “trang anh hùng ca lẫm liệt”. Những bức ảnh Nguyễn Bá Khoản ghi được trong gần một trăm ngày đêm giữa Hà Nội khói lửa là những tư liệu lịch sử vô giá.
Cũng phải nói thêm rằng, đó là những hình ảnh lịch sử khiến người xem rất xúc động, bởi nó thực đời, chứ không phải là những hình ảnh có sự đạo diễn như các nghệ sĩ nhiếp ảnh sau này hay làm. Buổi sáng ngày 18/12/1947, trước khi xa Hà Nội để lên chiến khu, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trên bờ đê sông Hồng ngóng nhìn về phố phường thân yêu.
Đó là hình ảnh cuối cùng về Hà Nội chiến đấu mà Nguyễn Bá Khoản đã ghi được, rồi sau đó ít phút, ông cùng đồng đội tạm biệt Hà Nội… Sau này, vào những ngày cuối đời, ông từng nói rằng, ông đã đi với bội đội, đã làm “người lính Cụ Hồ” từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, và đã cùng bộ đội chiến thắng trở về Hà Nội năm 1954 cờ hoa rực rỡ. Đó là hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời người nghệ sĩ!
Cùng với Trung đoàn Thủ đô lên Việt Bắc, Nguyễn Bá Khoản hoạt động nhiếp ảnh ở các chiến khu I, II, III và IV. Hơn một năm sau, ông đã gửi một bộ ảnh giới thiệu về cuộc sống kháng chiến của nhân dân Việt Nam với Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới họp tại Praha (Tiệp Khắc) năm 1948. Ảnh của Nguyễn Bá Khoản còn được trưng bày tại cuộc triển lãm “Cần lao thế giới” tại Ba Lan, năm 1948.
Những tác phẩm ảnh tiêu biểu của ông cũng được tham dự triển lãm ảnh Hữu nghị Việt- Trung- Xô, tại Thanh Hóa năm 1952… Chiếc máy ảnh Prontor 2 vẫn đồng hành cùng Nguyễn Bá Khoản suốt những năm kháng chiến, và cả nhiều năm sau này. Với nó, ông đã thành tác giả của nhiều bức ảnh quý giá về Bác Hồ trong những thời điểm trọng đại: Bác đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Bác rời sân bay Gia Lâm lên đường đi thăm Pháp…

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản
Vào năm 1983, báo Lao Động ra số đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1943-1983), lão nghệ sĩ nhiếp ảnh đã gửi tặng bạn đọc báo một tấm ảnh rất đặc biệt. Là ảnh chân dung Bác Hồ gương mặt nhìn nghiêng, tóc cắt ngắn, râu còn thưa, phía sau ảnh có dòng chữ của Bác: “Tặng chiến sĩ Nam tiến”. Tấm ảnh ấy, Bác Hồ trao cho Nguyễn Bá Khoản khi giao cho ông nhiệm vụ Trưởng phái đoàn thanh tra mặt trận Nam Bộ, và đó là kỷ niệm sâu sắc nhất đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, Nguyễn Bá Khoản vẫn gắn bó cùng người bạn đồng hành Prontor 2. Nhưng sức khỏe không còn được như xưa. Cuộc sống ông gặp nhiều khó khăn, khiến sức khỏe càng nhanh sút kém. Làm việc ở cơ quan Bảo tàng Cách mạng, mỗi khi có thì giờ, ông vẫn cùng chiếc máy ảnh Prontor 2 đi săn ảnh.
Những năm cuối đời, người phóng viên chiến tranh danh tiếng xưa đã luôn chăm sóc, giữ gìn những tư liệu ảnh của mình bằng cách cất chúng giữa những lớp lá chuối khô, để chống ẩm mốc. Những tư liệu, phim ảnh có tuổi đời nửa thế kỷ của ông thật khiêm nhường, lặng lẽ sau những lớp lá chuối khô; cùng với cuộc đời ông, cũng thật lặng lẽ, nhịn nhường trong những vất vả riêng mình, bên lề cuộc đời đầy xáo trộn cùng sự đổi mới... Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản từ trần năm 1993.
Ba năm sau, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1, năm 1996) cho 5 tác phẩm ảnh chụp Bác Hồ và kháng chiến. Nhân dịp này, báo Nhân Dân có bài viết, đã mô tả ông “như một con thoi, tung hoành khắp trong Nam, ngoài Bắc. Khi Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, không ngại hiểm nguy, ông có mặt cùng các chiến sĩ ở những nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất, chụp được hàng trăm tấm ảnh mô tả sinh động cuộc chiến đấu muôn hình muôn vẻ của quân và dân ta trong những năm 1945-1946, cho đến đầu năm 1947 và sau này”.