Nguyễn Đình Thi, nghệ sĩ - chiến sĩ

Triển lãm 70 năm Văn hóa cứu quốc tại Hà Nội vừa qua là dịp để kỷ niệm một văn kiện văn hóa lịch sử: Đề cương văn hóa Việt Nam và tác giả lỗi lạc Trường Chinh. Đồng thời cũng là dịp để tưởng nhớ Một nền văn hóa mới – tác phẩm lý luận hướng dẫn bản Đề cương mà người chấp bút là Nguyễn Đình Thi  (1924 - 2003) – nhà văn hóa tài danh ra đi cũng vừa tròn 10 năm.

Dấn thân vào lửa cách mạng

Năm 1941, anh sinh viên Luật Nguyễn Đình Thi chính thức trở thành một chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật.

Thời ấy, học Luật xong gần như nắm chắc cái chức tri phủ, tri huyện. Thiếu nữ tân tiến mơ ước “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Người chồng tương lai phải có bằng cử nhân. Cả xứ Đông Dương lúc ấy chỉ có độc một trường đại học. Giấc mộng tuổi trẻ “vinh thân phì gia” đã hiện rõ. Hơn thế do thành tích thi xuất sắc, chàng sinh viên ấy còn được Nhà nước bảo hộ nhắm nhe cho sang Pháp du học. Bà mẹ anh được công sứ Pháp mời lên Nhà khách Chính phủ trải thảm nhung đỏ đón nhận Bằng khen cho con và kèm thêm một phiếu học bổng du học. Viên công sứ hứa sẽ trọng dụng, dành cho Tiến sĩ Luật học khi về một địa vị xứng đáng!
Không ai biết anh là người đang đi “ngược chiều” với con đường tầm thường của những thân phận “ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” chỉ biết vo tròn “Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp” (Chế Lan Viên). Nguyễn Đình Thi chối bỏ tất cả, không chấp nhận cái bả “vinh hoa phú quý” lóa mắt đó. Cũng không chịu viết cho tờ báo Tây Le courrier làm bồi bút.

pic

Nhà văn Nguyễn Đình Thi thời trẻ

Mắt anh đang nhìn thẳng vào những thảm cảnh xã hội, những thân phận bất hạnh đầy rẫy. Tai anh đang nghe những tiếng rên la, kêu khóc nghèo đói. Và dữ dằn hơn, là những hồi còi báo động, những tiếng gầm rú của B-26 Mỹ và Thần phong của Nhật. Kinh hoàng khủng khiếp là những tiếng bom nổ ì ầm khắp nơi.

Nguyễn Đình Thi đi tới tổ chức Văn hóa cứu quốc bằng một quá trình giác ngộ, vận động mau lẹ nhưng chắc chắn ngay từ đầu.

Anh đến với cách mạng trước hết với tư thế người trí thức, nhà khoa học. Nghiên cứu khảo luận triết học từ cổ điển đến hiện đại để tìm lịch sử khoa Triết làm đối chứng, khảo nghiệm qua con đường công khai (in sách, phát hành). Nhưng bí mật nghiên cứu chủ nghĩa Mác và là người mác xít chân chính lớp đầu tiên. Nói chân chính bởi đấy là nhà khoa học hiểu biết không chỉ bằng sách vở mà bằng cả thực tiễn đời sống, từ sách vở ra cuộc đời và từ trang đời vào trang sách.

Vào cách mạng còn với tư cách của nhà xã hội học, nhập vào cực nhọc cần lao, lặn tới đáy sâu khốn khổ. Chất liệu của Diệt phát xít là bao cảnh mắt thấy tai nghe “Loài phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình” dẫn đến nạn đói khủng khiếp trong lịch sử. Bài hát ấy vang lên như vỡ tung lồng ngực những ngày tổng khởi nghĩa rồi kháng chiến và sau này được chọn làm nhạc hiệu cho Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam bao năm chính là được chắt ra từ máu một tâm hồn phẫn nộ ngút trời và nước mắt của một trái tim xúc động vô hạn với hàng triệu kiếp người oan nghiệt xấu số.

Trên ngã ba thời cuộc, anh đã tìm được đường đi và dấn thân hoạt động bí mật là lẽ sống chính xác nhất, thiêng liêng nhất. Mặc dù hai lần bị bắt, mặt dù bị giam cầm và tra khảo, anh vẫn giữ khí tiết bằng một bản lĩnh chính trị vững vàng. Có thể đánh đổi tính mạng vì lẽ sống cao đẹp nhất. Chấp nhận hy sinh là quyết định cao cả, quyết liệt nhất. Chưa đủ trải nghiệm trên trường tranh đấu nhưng Nguyễn Đình Thi đã nhận thức được như tâm trạng của người bạn thơ kiên cường Tố Hữu mà hình ảnh đang bị truy nã toàn xứ từ 1942: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (Trăng trối).

Tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh, sắt sẽ dần dần trở thành thép. Đó là quá trình rèn luyện bước đầu của người thanh niên có học còn non trẻ để trở nên người trí thức cách mạng kiên cường.

Nhà văn hóa tương lai do có một “cốt thép” cách mạng tiếp thu được ánh sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đã soạn thảo tác phẩm nổi tiếng Một nền văn hóa mới có ý nghĩa như một cương lĩnh hành động của Hội Văn hóa cứu quốc và trở thành Tổng thư ký đầu tiên của hội.

Nguyễn Đình Thi đã đi đúng đường lịch sử và lịch sử đã chọn đúng một đại diện xứng đáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyển lựa Nguyễn Đình Thi như một người học trò nhỏ ưu tú và từ đó đặt vào những cương vị quan trọng tại Quốc hội và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Nguyễn Đình Thi xuất hiện như một chính khách trẻ đầy tiềm năng và triển vọng.

Vững tay vũ khí xung kích

Nguyễn Đình Thi đi vào cách mạng như một chiến sĩ văn hóa xuất sắc bằng tất cả trí tuệ và lòng quả cảm hiếm có. Đó là người nắm vững vũ khí văn nghệ như một người lính chiến đấu kiên cường trên mặt trận chỉ biết “xung phong” khi có hiệu lệnh tiến công. Theo nghĩa đen, còn là nhà văn khoác áo lính đeo bám sát sao sự nghiệp kháng chiến anh hùng.

Đi thực tế chiến đấu là phong trào được phát động từ sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc 1948. Văn nghệ sĩ tòng quân có ý nghĩa thực sự với một đội ngũ trong buổi “nhận đường” cách mạng, kháng chiến. Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… theo chân  bộ đội. Nguyễn Đình Thi coi đến với bộ đội là một lẽ sống thực tế thiết thân.

Ngoài Bắc, trong Nam, nhà văn có mặt khắp nơi thao trường và chiến trường suốt 30 năm qua chống Pháp rồi chống Mỹ. Thâm nhập đơn vị không phải là khách mời mà như người nhà. Sĩ quan biệt phái không đeo quân hàm nhưng thực sự tham gia bàn thảo kế hoạch, nghiên cứu sa bàn và dĩ nhiên thông thuộc chiến lược, chiến thuật kỹ càng nhất. Thời chống Pháp, Nguyễn Đình Thi đã lăn lộn với chiến sĩ qua nhiều chiến dịch, từ Sông Lô đến Trung du, Thượng Lào rồi Điện Biên Phủ. Nhà văn đã theo chân bộ đội tác chiến, đến tận chiến hào đánh lấn, chứng kiến cảnh “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” mà Tố Hữu chỉ được nghe kể. Đến thời chống Mỹ, nhà văn đi thị sát hầu hết các binh chủng hiện đại nhất: tên lửa, phòng không, không quân. Năm 1974, Nguyễn Đình Thi làm trưởng đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế chiến trường miền Nam với mã số A 218P như một đoàn cấp tướng. Vào Trường Sơn, có “con chim lửa” Phạm Tiến Duật tháp tùng. Trên đường đến Bộ Tư lệnh, đoàn xe bị bom dội trúng đội hình. Chiếc U-oát mới tinh bị bom tan tành, cả đoàn hút chết. Nguyễn Đình Thi nói hôm ấy là ngày sinh thứ hai trong đời của mọi người. Đoàn vượt Đồng Tháp Mười, qua lộ 4 xuống tận Mỹ Tho. Sau hơn một tháng nằm tại chiến trường Mỹ Tho, đoàn mới trở về Trung ương Cục.

Cảm xúc tràn đầy, Nguyễn Đình Thi thường sáng tác rất nhanh. Sau 40 ngày ở chiến dịch Trung du là Xung kích – cuốn tiểu thuyết kháng chiến đầu tiên xuất hiện. Điện Biên Phủ mới để lại dấu ấn thoáng qua trên thơ, còn được chất chứa làm tác phẩm văn xuôi để đời. Lá đỏ được phổ nhạc ra đời ngay trong chuyến đi lịch sử trên đường mòn Hồ Chí Minh 1974-1975. Theo Phạm Tiến Duật kể, Nguyễn Đình Thi từng trằn trọc nghĩ suy về hình ảnh hằng nghìn cô gái Thanh niên xung phong làm đường vất vả. Và chiếc lá săng lẻ đầu mùa khô đỏ như máu ngẫu nhiên rơi xuống trước mặt anh. Nguyễn Đình Thi nhặt lá gấp vào sổ tay để hôm đó anh biến thành thơ. Bài thơ được gửi kèm chiếc lá đỏ ra tận Hà Nội như một “kỷ niệm đỏ” trong đời xông pha chiến trường. Những sáng tác về chủ đề chiến đấu ở mức độ thành công nhất định từ Thu Đông năm nay, Người chiến sĩ, Bên bờ sông Lô đến Xung kích, Vào lửa, Mặt trận trên cao đều giàu có chất liệu thực tế được viết ra từ trải nghiệm cá nhân thực sự, là những dòng tâm huyết nóng bỏng của nhà văn đã sống với tư cách người trong cuộc. Những sáng tác ấy có hơi thở của ngòi bút đẫm trong mùi khói lửa đạn bom. Đó là cái vốn quý giá mà ít người có được. Nhiều nhà văn đã “phát ghen” với Nguyễn Đình Thi về chuyện đi chiến trường. Nghe nói cả Bác Hồ và Võ Đại tướng, để bảo vệ cán bộ cao cấp chủ chốt, đã có lệnh “hãm bớt” đà lao xuống mặt trận của Nguyễn Đình Thi.

Thế đấy, Nguyễn Đình Thi đã vào đời, nhất là vào chiến đấu như một người lính thực thụ. Nhà văn không nằm trong biên chế quân sự nhưng là người cầm bút như cầm súng. Mảng viết về chiến đấu (thơ, truyện, tùy bút…) cũng có tính chất khám phá, mở ra cách viết mới về chiến tranh cách mạng. Xung kích được giải thưởng Văn nghệ 1951-1952 của Hội Văn nghệ Việt Nam coi như nhà văn đóng vai trò “xung kích” trong văn chương. Mặt trận trên cao được dịch ở Pháp (Front du ciel - Paris, 1968) và từ đó ra thế giới qua tám thứ tiếng. Vấn đề không phải là tác phẩm đã miêu tả đặc sắc về các trận không chiến hiện đại mà chính là nêu lên một triết lý khái quát nhất: cuộc đấu trí về quân sự trên cả đấu lực, sự thắng thế của chiến tranh chính nghĩa trên chiến tranh xâm lược, sức mạnh kỳ diệu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Qua thời chiến tranh đến xây dựng nhà văn vẫn vững ý thức xung kích khám phá, khai thác sâu vào các chủ đề chính yếu nhất: Đất nước, Dân tộc, Cách mạng. Vỡ bờ muốn vươn lên sử thi. ThơKịch nhiều cách tân nghệ thuật, giàu triết lý, tìm kiếm những vấn đề nhân sinh xã hội rộng lớn về con người có ý nghĩa nhân loại trong một thế giới mới, mang tính thời sự-thời đại.

Tung hoành mặt trận trên cao

Sau Cách mạng, Nguyễn Đình Thi trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt văn nghệ, văn hóa. Phạm trù văn nghệ, văn hóa, giáo dục… là thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội. Đây là mặt trận đấu tranh về chính trị tư tưởng, văn hóa nghệ thuật tức mặt trận không có tiếng súng, mang đặc thù riêng. Kẻ thù ở đây không hiện hình bằng xương bằng thịt mà tinh vi, ẩn khuất qua quan niệm, phát ngôn, qua hình ảnh, biểu tượng nghệ thuật. Kẻ thù tư tưởng là kẻ thù giấu mặt, phải tinh tường soi xét bằng một trí tuệ mẫn cảm, sắc bén.

Nguyễn Đình Thi là một vị tướng trong hàng tướng lĩnh tài năng, từ những ngày đầu cách mạng và kháng chiến đã chỉ rõ những rào cản, những vướng mắc về quan niệm tư tưởng và nghệ thuật, giúp văn nghệ sĩ “Nhận đường” trong cuộc giao tranh đầu tiên. Đặc biệt với thế hệ tiền chiến đang cần đổi chiều, đổi hướng. Đổi đời, đổi thơ (văn, nghệ thuật) là một quá trình. Đó là đổi thay quyết liệt “Từ cái tôi đến cái ta”, “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” – nói theo Chế Lan Viên. Biến đường lối văn nghệ cách mạng thành hiện thực quả là hành trình đầy nhọc nhằn và dũng cảm của văn nghệ sĩ. Lại phải vượt qua những thử thách sống còn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và xã hội chủ nghĩa. “Khẽ xoay chiều ngọn bấc”- cũng theo Chế Lan Viên – từ “Ta là ai?”  đến “Ta vì ai?” là một sự trăn trở vật vã đớn đau: “Đẻ cái sống đau gần như cái chết”.

Tranh luận, hội thảo, chỉnh huấn, phê bình dân chủ thực chất cũng là một cuộc đấu tranh. Nguyễn Đình Thi đã có trải nghiệm thực tế qua cuộc mổ xẻ bản thân trong Tranh luận thơ 1949. Tuy nhiên người chỉ huy xông pha “hòn tên mũi đạn” trận chiến văn đàn phải biết chấp nhận mọi gian khó, hiểm nguy. Có mổ xẻ và thậm chí cả đại phẫu. Với bản thân, chịu những bức xúc, dằn vặt hằøng nhiều năm phải biết coi thường: sự chờ đợi trong niềm tin là đức tính kiên nghị của người chỉ huy (sáng tác Kịch của Nguyễn Đình Thi là minh chứng)(1).

Để được như vậy chắc Nguyễn Đình Thi cũng thấm thía như cảm nhận chung của người làm văn nghệ câu triết lý của nhà thơ lớn Chế Lan Viên “Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc, ra hoa mà còn để mang thương tích”.

Trong cuộc đấu tranh chung, Nguyễn Đình Thi cũng nêu một tấm gương kiên cường trong cuộc phản công chủ nghĩa xét lại trên cả phạm vi trong nước và trên thế giới. Rồi cả những đấu tranh lúc âm thầm lúc bùng nổ chống chủ nghĩa công thức, sơ lược hoặc tô hồng, bôi đen, khuynh hướng phê bình xã hội học như căn bệnh trầm kha dai dẳng một thời.

Nhà văn là một trong những người “đứng mũi chịu sào” góp sức chèo lái con thuyền văn nghệ qua nhiều sóng gió, thác ghềnh để xuôi dòng ra biển cả văn hóa cách mạng. Thành tích ấy đã được khẳng định: “…Với uy tín cá nhân cao, sức tập hợp rộng rãi và tính kiên định cách mạng, nhà văn Nguyễn Đình Thi có công lao to lớn xây dựng, phát triển nền văn học-nghệ thuật của đất nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua”(2).

Đấu tranh để loại bỏ những sai trái, tiêu cực, lạc hậu, phản tiến bộ. Cái được là ánh sáng, cái mất là bóng tối. Tuy nhiên chống để mà xây và xây dựng mới là điều quan trọng nhất.

Bản thân Nguyễn Đình Thi phải là một người góp phần xây dựng đường lối chung cũng như phải làm ra cương lĩnh hành động cho bản thân. Cái khó là kết hợp lý luậnthực tiễn, là thống nhất nóilàm để tạo niềm tin và uy tín cá nhân. Vị tướng chỉ huy phải trước hết thực thi xuất sắc nhiệm vụ của người lính chiến. Những công trình lý luận Mấy vấn đề văn học, Công việc của người viết tiểu thuyết… cũng là những thể nghiệm sáng tác thành công được đúc kết để chia sẻ và hướng dẫn như những khuyến cáo, khuyến dụ chân tình.

Những diễn văn, diễn thuyết, những bài giảng thường xuyên hàng năm ở các khóa bồi dưỡng Trường Viết văn Nguyễn Du hoặc Đại học Văn hóa là những công trình kết hợp riêng-chung như vậy. Do đó, Nguyễn Đình Thi còn làm được nhiệm vụ của người thầy, truyền thụ và đào tạo có suy nghĩ độc lập, sáng tạo những chính kiến, những tuyên ngôn giá trị thuyết phục đồng thời mời gọi tranh luận dân chủ.

Nguyễn Đình Thi, người nghệ sĩ-chiến sĩ xứng danh vị tư lệnh tài năng trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

 

--------------------

* PGS-TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (H.V.)

(1) Xem Đoàn Trọng Huy, Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX-Tập 2 (Nguyễn Đình Thi…), NXB Giáo Dục, 2007.

(2) Nhiều tác giả, Nguyễn Đình Thi - cuộc đời và sự nghiệp – (Điếu văn lễ tang) – Hội Nhà văn - Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2004 .

Đoàn Trọng Huy*