Vua Lê Thái Tông (1423-1442) chỉ trị vì được 8 năm thì mất. Vua mất một cách đột ngột tại Lệ Chi Viên vào năm 1442, hưởng dương 20 tuổi. Trước đó vào ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), vua đi tuần duyệt quan ở thành Chế Linh và theo lời mời của Nguyễn Trãi (1380-1442), vua đã ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8, vua về đến Lệ Chi Viên và qua một đêm thì vua băng. Khi vua băng, có mặt người thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ bên cạnh nhà vua. Triều đình bắt tội Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi với tội danh “cố ý sát hại nhà vua”. Sau đó, toàn thể gia đình của Nguyễn Trãi bị triều đình tru di tam tộc. Vụ án trọng đại đó, người đời sau gọi là “Vụ án Lệ Chi Viên”, còn gọi là “Vụ án Vườn Vải” hay “Vụ án Trại Vải”. Nhiều người đương thời cho là Nguyễn Trãi đã bị giết oan.

|
Bác sĩ Bùi Minh Đức |
“Vụ án Vườn Vải” này cho đến ngày nay, sau hơn 560 năm, vẫn còn gây thắc mắc cho nhiều người đọc lịch sử, trong số đó có chúng tôi. Câu hỏi được đặt ra là: Vua Lê Thái Tông qua đời một cách đột ngột là do nguyên nhân nào?
Truy tìm nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông
Nhiều giả thiết về nguyên nhân của cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông đã được các người đời sau nêu lên như “vua bị cảm lạnh”, “vua bị bạo bệnh” hay “vua bị sốt rét”.
Tuy nhiên, đối với chúng tôi những người bác sĩ y khoa ngày nay, thì những nguyên nhân mà người đời xưa đã nêu ra đó có thể đã không đúng với sự thật. Bị cảm lạnh hay bị sốt rét cho dù là sốt rét cấp tính, bệnh nhân cũng khó có thể chết một cách đột ngột, chỉ “qua một đêm”, như trong trường hợp của vua Lê Thái Tông. Lịch sử cũng có ghi nhà vua “bị bạo bệnh”, vậy “bạo bệnh” đó là bệnh gì? Do đó, chúng tôi muốn đi tìm nguyên nhân cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông căn cứ vào những hiểu biết của y khoa tân tiến ngày nay phối hợp với các tư liệu lịch sử có giá trị.
Chúng tôi đã dựa vào các tư liệu lịch sử chính thống còn lưu lại đến ngày nay, gồm có:
1. Đại Việt sử ký toàn thư (bản khắc năm Chính Hòa thứ 17 (1697), NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993), tập II.
2. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (Viện Sử học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, NXB Giáo Dục, 1998), tập Một.
Chúng tôi cũng đã tra cứu các tư liệu của y khoa hiện đại, nhất là về mục “Chết đột ngột” (Sudden death) và mục “Đứng tim, Ngừng thở” (Cardiac and Respiratory Arrest) qua các sách chuyên sâu về Nội khoa để giải thích các sự kiện lịch sử này.
Chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp lý luận theo kiểu logic để có thể suy diễn từ các sự việc có ghi trong các tư liệu lịch sử (historic facts) và để tiến dần tới nguyên nhân bệnh lý về cái chết của vị vua còn quá trẻ này.
Diễn tiến sự việc
Theo Đại Việt sử ký toàn thư (quyển XI, Kỷ nhà Lê) thì sự việc bắt đầu như sau:
“Nhâm Tuất (Đại Bảo) năm thứ 3 (1442), ngày 27, vua đi tuần về miền đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời vua ngự chùa Côn Sơn (Ghi chú: Chùa này có tên là Tư Quốc, tương truyền do nhà sư Pháp Loa đời Trần xây dựng. Chùa làm ở núi Côn Sơn - huyện Chí Linh - tỉnh Hải Dương ngày nay) ở quê hương của Trãi.
Tháng 8 ngày mồng 4, vua về đến vườn Vải huyện Gia Định (Ghi chú: Nguyên văn là Lệ Chi Viên - huyện Gia Định; sau là huyện Gia Bình - nay là một phần của huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc), bỗng bị bạo bệnh rồi băng.
Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung, phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về.
Ngày mồng 6 tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Thị Lộ giết vua.
Ngày 12, đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi, tôn Hoàng Thái tử Bang Cơ lên ngôi. Lúc ấy vua mới 2 tuổi. Lấy năm sau làm Thái Hòa năm thứ nhất.
Ngày 16, giết Hành Khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ.
Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy”.
Khâm Định Việt sử thông giám cương mục viết về vụ này như sau:
“Nhâm Tuất tháng 7, mùa thu. Nhà vua đi tuần phía đông, vào chơi chùa núi Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi ở: Nhà vua tuần hành phía đông, duyệt võ ở Chí Linh, Nguyễn Trãi đón mời, nhà vua đến chơi chùa núi Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Trước kia, Nguyên Đán, Tư Đồ đời Trần, về hưu ở núi Côn Sơn. Núi này có chùa gọi là Tư Quốc, phong cảnh rất đẹp và u tĩnh. Trãi là cháu ngoại Nguyên Đán. Năm 60 tuổi, Trãi nghỉ việc, về ở tại Côn Sơn.
Tháng 8. Nhà vua về đến huyện Gia Định, mất: Nhà vua ở ngôi 9 năm, thọ 20 tuổi. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ Lê Trãi, người đẹp mà lại hay chữ. Nhà vua nghe tiếng, vời đến, phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm cho hầu ở bên, nhân đó, sàm sỡ với Thị Lộ. Đến đây, đi tuần phía đông, xa giá quay vể đến trại Vải, làng Đại Lại, huyện Gia Định thì mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất. Trăm quan giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về kinh đô. Nửa đêm vào đến trong cung, mới phát tang. Người ta đều nói Thị Lộ giết vua, bèn bắt giết Thị Lộ.
Thái tử Bang Cơ lên ngôi: Nhà vua mới 2 tuổi, do các đại thần là Lê Khả và Lê Xí v.v… cùng lập lên (túc là Lê Nhân Tông)”.
Nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông theo lịch sử
Về nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông, chúng ta thấy trong cả hai quyển Sử đều nói như nhau: Thị Lộ giết vua. Vua mất ngày mồng 4 tháng 8, đến 16 tháng 8 tức chỉ 12 ngày sau thì Nguyễn Thị Lộ đã bị giết (theo Cương mục). Phải chăng sự hiện diện của Thị Lộ “suốt cả đêm bên cạnh vua” đã khiến cho ai cũng hiểu lý do vì sao mà nhà vua mất nhưng chẳng ai dám nói thẳng ra? Phải chăng ai cũng đã biết sự liên hệ giường chiếu thầm kín của vua với Nguyễn Thị Lộ trước đó, như Đại Việt sử ký đã ghi “Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm , Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị” và Cương Mục cũng đã ghi “…ngày đêm cho hầu ở bên, nhân đó, sàm sỡ với Thị Lộ”? Và vì có mặt bên cạnh vua trong đêm đó, mà ai cũng hiểu vai trò của Nguyễn Thị Lộ trong chuyện giường chiếu với nhà vua, một chuyện không thể nào tránh khỏi được. Và vì chuyện giường chiếu đó mà nhà vua đã qua đời.Xem ra, các quan trong triều đình đều đã biết rõ nguyên nhân cái chết của nhà vua nhưng chẳng ai dám nói thẳng ra mà thôi. Vì vấn đề tế nhị nên họ đã phải nói khác ra là nhà vua bị “bạo bệnh” (theo Đại Việt sử ký) hoặc bị bệnh sốt rét (theo Cương mục). Theo y khoa ngày nay, cả hai lý do này đều không đứng vững vì ngay với bệnh sốt rét cấp tính cũng khó lòng mà chết chỉ trong một đêm, nhất là trước đó trong các tư liệu lịch sử không thấy có ghi dấu hiệu nào là nhà vua bị bệnh sốt rét. Và cũng vì bị nhiều người trong Hoàng cung ganh ghét, nhất là với các bà vợ của nhà vua, nên Nguyễn Thị Lộ mới nhanh chóng bị thủ tiêu.
Cũng vì vậy mà trong Đại Việt sử ký đã có lời bàn thêm: “Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi. Thái Tông yêu nó mà thân phải chết. Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?” .
Tuy nhiên thật ra nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy hai quyển sách lịch sử nêu trên cũng đều đã nói rõ ra tất cả các sự việc đã thật sự xảy ra như thế nào rồi. Đại Việt sử ký viết, “về tới vườn Vải, vua thức suốt đêm với Thị Lộ rồi băng” và Cương Mục thì viết “Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất”. Qua các lời ghi trên, các bộ chính sử đã nói ra rõ ràng sự việc xảy ra lúc đó: Nhà vua đã vì hăng say tình dục suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên nên đã bị chết thình lình, chết một cách đột ngột đang khi hành sự.
Như vậy, nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông đã quá rõ ràng: Nhà vua đã chết khi đang hành lạc tình dục với Nguyễn Thị Lộ.
Nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông theo Đông y
Cái chết thình lình của người đàn ông khi đang làm tình đã được các nhà Đông y gọi là “Thượng mã phong”. Thông thường trong những trường hợp này, người đàn ông đang hăng say làm tình thì chết cứng thình lình ngay trên mình người phối ngẫu và vì thế mới có chữ “thượng mã” là “trên mình ngựa”. Theo Đông y, sở dĩ có Thượng mã phong là vì người đàn ông đã bị kiệt sức bất thình lình. Sự việc xảy ra thường do các trường hợp sau:
1. Người đàn ông đã quá hăng say tình dục sau một khoảng thời gian dài xa cách với lòng ham muốn lên tột độ.
2. Người đàn ông đang bị yếu sức hoặc vừa mới khỏi bệnh, “đau mới dậy”, chưa lại sức.
3. Người đàn ông vừa mới đi dưới mưa ướt về hoặc đang bị cảm lạnh.
4. Người đàn ông đã bị quá hồi hộp, bị quá kích thích vì tình trạng giấu đút, thường là với những người phối ngẫu khác lạ chứ không phải vợ mình. Vì thế phần lớn các vụ Thượng mã phong thông thường không xảy ra trong nhà của các đương sự đang ở, mà lại xảy ra trên những chiếc giường lạ và ở các nơi xa lạ khác.
Với vua Lê Thái Tông, có lẽ nguyên nhân thứ nhất “quá hăng say tình dục” và nguyên nhân thứ tư “quá hồi hộp, quá kích thích với người phối ngẫu khác lạ” đã là những nguyên nhân xảy ra và gây ra cái chết của nhà vua. Nhà vua có thể đã quá hăng say tình dục trong đêm ở Lệ Chi Viên, với Nguyễn Thị Lộ một người không thuộc Nội cung của mình và là một người khác lạ, lớn tuổi, sành sỏi và nhất là trong một tình trạng giấu diếm che đậy. Nhà vua bị hồi hộp và bị kích thích là phải.
Nhà vua đi tuần tra từ ngày 27 tháng 7, ghé chùa Côn Sơn và ghé nhà của Nguyễn Trãi rồi lên đường trở về kinh. Đến ngày mồng 4 tháng 8, nhà vua tới Lệ Chi Viên. Cả thảy là 7 ngày. Trong thời gian 7 ngày đó, chắc hẳn nhà vua đã không có được nhiều cơ hội riêng tư để gần gũi Nguyễn Thị Lộ. Vì thế, khi đến Lệ Chi Viên, nhà vua đã tự để mình quá phóng túng với người tình trong chuyện giường chiếu. Nhà vua đã buông xuôi, đắm mình trong sắc dục với Nguyễn Thị Lộ tại Lệ Chi Viên “suốt đêm” để đền bù cho bảy ngày vừa qua. Và chính sự phung phí sức lực quá sức trong việc giường chiếu trong đêm hôm đó đã đem lại hậu quả không mấy tốt đẹp về sau cho nhà vua và cả cho Nguyễn Thị Lộ cũng như cho Nguyễn Trãi. Một số lớn sinh mạng của ba họ tộc dính dáng đến Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đều đã bị chết oan cũng vì sự hứng khởi tình dục của nhà vua trong đêm hôm đó.
Nguyễn Thị Lộ lớn tuổi hơn nhà vua và vổn đã có chồng nên có nhều kinh nghiệm về chuyện phòng the hơn nhà vua đang còn non trẻ. Nhà vua đang tuổi lớn lên nên ham mê chuyện tình dục với Thị Lộ là chuyện thường tình, nhưng vì nhà vua đã đi quá đà trong chuyện giường chiếu nên mới xảy ra tai nạn Thượng mã phong.
Nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông theo y khoa ngày nay
Cái chết của vua Lê Thái Tông là một cái chết đột ngột, một cái chết thình lình mà y khoa ngày nay gọi là Sudden Death. Nguyên nhân của cái chết thình lình đó luôn luôn có “Đứng tim” và “Ngưng thở” mà y khoa gọi là Cardiac and Respiratory Arrest. Cả hai thường cùng đi liền với nhau.
1. “Đứng tim” (Cardiac Arrest) thường do hỗn loạn nhịp đập, cơ tim tâm thất đập quá nhanh gọi là “rung tâm thất” (V. Fib=Ventricular Fibrillation) nên không đẩy máu lưu thông được, đưa đến tình trạng “ngưng tuần hoàn” (Circulatory distress). Thông thường, nguyên nhân phần lớn là “nhồi máu cơ tim” cấp tính (Myocardial Infarction) mà ra. Ngoài ra, còn có thể do trường hợp bệnh nhân đã có “cơ tim loạn nhịp kinh niên” (Chronic Ventricular Arrythmias) từ trước và lúc đó mới phát sinh ra “rung tâm thất” (V. Fib), hoặc do hỗn loạn các chất điện phân “electrolytes” như Kali và Calci trong máu hay cơ thể quá lạnh (profound hypothermia), thường là dưới 28 độ C.
Khi bị “đứng tim” (Cardiac arrest), bệnh nhân sẽ bị bất tỉnh, thở mau và thở không sâu, đưa đến tình trạng thiếu không khí, thiếu Oxygen tức “tình trạng thiếu thở” (Apnea), huyết áp giảm mạnh, mạch không còn bắt được, tim không còn nghe tiếng đập. Chỉ trong vài phút, cơ thể thiếu Oxy và các cơ quan đều sẽ bị thương tổn trầm trọng.
2. “Ngưng thở” (Respiratory distress) thông thường do bị nghẽn đường hô hấp (Airway obstruction) hoặc do liệt các cơ hô hấp. Một trường hợp khác là vì sự lưu thông tuần hoàn của máu bị giảm sút. Nếu ngưng thở lâu, sẽ bị đứng tim vì tình trạng thiếu Oxygen sẽ làm trở ngại hoạt động của cơ tim. Khi gần bị ngưng thở, hơi thở trở nên yếu dần, nhịp thở không đều, tim đập rất nhanh. Lượng CO2 trong máu sẽ gia tăng và máu sẽ ở trạng thái acid (systemic acidemia). Thông thường, lý do là ngộp thở (Asphyxiation), nghẹt thở (Strangulation) v.v…
Trong trường hợp của vua Lê Thái Tông, nhà vua là một người còn trai trẻ, chỉ mới 20 tuổi, nên hầu như không thể nào bị các chứng bệnh về tim hoặc về phổi như đã kể ở trên nhưng chắc chắn trước khi qua đời, trái tim của nhà vua có thể đã bị “rung tâm thất” (V. Fib) theo tiến trình “đứng tim” như y khoa ngày nay đã cho biết. Điều này có thể xảy ra khi nhà vua đã dùng sức lực thể xác quá độ trong lúc giao cấu và chính điều này đã đưa nhà vua đến tình trạng “kiệt lực toàn diện” mà y khoa ngày nay gọi là Cardiovascular Collapsus, tim ngừng đập và máu trong người cũng ngừng lưu thông. Đó cũng là những trường hợp mà Đông y đã nêu ra khi nói đến cảm mạo, đi mưa ướt bị lạnh hoặc bị kích thích quá độ trong giai đoạn tiền tình dục hay trong lúc đang hành lạc, đều là những trường hợp có thể đem đến những kết quả tai hại cho tính mệnh của người đàn ông.
Y khoa ngày nay khi nghiên cứu các trường hợp bị tử vong do sự giao cấu nam nữ gây nên đều cho rằng những bệnh nhân này đều đã bị “kiệt lực” trong khi làm tình và trái tim của các đương sự đã lần lượt trải qua các giai đoạn sau: “tim đập mau” (Ventricular Tachycardia), rồi đến “tim đập loạn nhịp” (Arrythmia) và sau đó đến “rung tâm thất” (V. Fib). Và sau cùng là “cơ tim ngưng đập” (Cardiac Arrest).
Trong trường hợp của vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ, sự liên hệ của họ vẫn là một sự liên hệ kín đáo, giấu diếm để không ai biết, không ai hay và giờ đây ra khỏi Hoàng cung, họ cảm thấy tự do hơn, tự nhiên với nhau hơn, nên vì thế, tình dục của họ đã gia tăng rất nhiều. Riêng vua Lê Thái Tông, với tánh hiếu thắng của tuổi đôi mươi, có lẽ ông đã tự thả lỏng, đem hết sức mình vào chuyện giường chiếu với Nguyễn Thị Lộ để có thể chứng minh cho người yêu vốn lớn tuổi hơn mình biết là mình cũng là một mẫu người hùng rành rẽ mọi chuyện trên đời.
Nhà vua vốn đã không quen vận động thể xác nhọc mệt nên sự cố gắng quá sức khi làm tình đã khiến nhà vua lâm vào tình trạng “yếu sức toàn diện”. Sức khoẻ của nhà vua nhất thời đã bị suy sụp hoàn toàn (Cardiovascular Collapsus), chính lúc đó, trái tim của nhà vua đã rơi vào tình trạng “rung tâm thất” và do đó, nhà vua đã mãi mãi ra đi mà không một ai có thể kịp ra tay giúp vua giải nạn Thượng mã phong mà vua đang bị mắc phải.