Đi trên con đường mang tên Nguyễn Thị Nhỏ, tôi giật mình nhớ lại món nợ đã gần 7 năm. Đó là ngày 23/10/2003, chị Mộng Oanh - con gái bà Nguyễn Thị Nhỏ đã gặp tôi, cung cấp thêm rất nhiều chi tiết về người mẹ anh hùng nhưng cũng đầy khổ đau, bất hạnh. Có nỗi đau bà giấu kín trong tim, mang theo xuống đáy mồ. Bài viết này, như một nén hương tưởng niệm những bậc tiền nhân đã dấn thân, sẵn sàng nhận lấy hy sinh, gian khổ, nuốt lại đắng cay, uẩn khúc cuộc đời riêng...
Những bậc cao niên ở Đức Hòa đã từng tham gia cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 vẫn không quên hình ảnh người phụ nữ trẻ tuổi can đảm đã đi đầu đoàn biểu tình, tay giơ cao lá cờ đỏ búa liềm. Phía sau cô gái là những hàng biểu ngữ in chữ trắng trên nền vải đen: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”, “Chống sưu cao thuế nặng”, “Lính không được vào làng”, “Phản đối vô cớ đánh đập”...
Trong tiếng trống giục giã, đoàn biểu tình hàng ngàn người từ các xã đổ về, hợp lại ngã ba Tân Phú thẳng hướng về Bàu Trai. Địch chĩa súng vào đoàn người nhưng cô vẫn không nao núng. Đó là Nguyễn Thị Nhỏ.
Bà sinh năm 1908, tại Long Hồ, Vĩnh Long. Cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi đàn con ăn học. Hoàn cảnh ấy giúp bà sớm hiểu biết và chia sẻ những công việc khó nhọc với mẹ.
Tuổi còn nhỏ, bà đã xông xáo, dạn dĩ, thích nghe người lớn kể chuyện quốc sự. Sau khi đậu sơ học, bà được bổ nhiệm dạy trường nữ ở Hương Điểm (Bến Tre). Năm 1927, bà được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, cùng đứng chung hàng ngũ với Quản Trọng Linh, Quản Trọng Hoàn (Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, bị kết án tử hình khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại).
Bà được đưa đi dự lớp huấn luyện tại tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Sa Đéc. Cũng từ đó, bà rời trường đi làm cách mạng, được sinh hoạt chung với các đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Phát và thường xuyên liên lạc với Châu Văn Liêm ở Chợ Mới (Long Xuyên). Giữa năm 1929, bà cùng ông Nguyễn Văn Phát được điều lên công tác tại cơ quan kỳ bộ đóng ở số nhà 14, đường La-ca-đơ (Sài Gòn - Chợ Lớn), chịu trách nhiệm cộng tác biên tập, in và phát hành Báo Công - Nông - Binh, tờ nội san Bolshevik và tài liệu Đại hội lần thứ nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.
Công việc đang tiến triển, địch đánh hơi và cho mật thám vây bắt bà cùng các đồng chí Giáp, Cương, Phát, Đồng... Địch đưa Nguyễn Thị Nhỏ giam ở Khám Lớn Sài Gòn, dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng bà quyết không khai nửa lời. Bà và ông Phát một mực khai nhận là vợ chồng, chủ ngôi nhà 14 đường La-ca-đơ và bà là người ở tỉnh lên Sài Gòn làm công việc nội trợ gia đình. Được 6 tháng, do không đủ chứng cớ, bọn mật thám buộc phải thả bà...
Tranh thủ lúc được tha, bà tìm cách liên lạc với ông Châu Văn Liêm (tên lúc này là Việt) là Bí thư Kỳ bộ thay ông Phạm Văn Đồng đã bị thực dân Pháp bắt. Lấy lí do “đi thăm chồng” do ông Phát vẫn còn bị giam giữ, bà được tổ chức cử vào Khám Lớn để liên lạc, truyền đạt chủ trương, quyết định của Đảng từ ngoài vào nhà tù.
Các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và một số cán bộ của Đảng trong khám lớn bấy giờ nhận được quyết định kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng là nhờ Nguyễn Thị Nhỏ đem quyết định từ ngoài vào.

Bà Nguyễn Thị Nhỏ (còn được gọi là Sáu Điếc, Sáu Việt Hoa) - nguyên Phó Bí thư
Tỉnh ủy Tỉnh Chợ Lớn.
Ngày 3/2/1930, ba tổ chức cộng sản ở 3 miền thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Nhỏ. là một trong số lớp người đầu tiên ở Nam kỳ đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Sau đó bà nhận nhiệm vụ về Đức Hòa cùng một số đồng chí xây dựng chi bộ Đảng đầu tiên. Cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 với yêu sách: “Bãi bỏ thuế thân”, “Hạ giá hàng hóa cần dùng”, “Tăng lương, bớt giờ làm việc cho thợ thuyền và binh lính” đã bị quân Pháp đàn áp dữ dội.
Đồng chí Châu Văn Liêm thay mặt đoàn biểu tình 5000 người, dũng cảm đứng ra đề nghị chúng giải quyết yêu sách cho đồng bào, đã ngã xuống trước mũi súng quân thù, khi mới vừa 28 tuổi. Tổ chức cử bà Nguyễn Thị Nhỏ thay đồng chí Châu Văn Liêm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn.
Tháng 11/1931, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn - Lê Quang Sung bị sa vào tay thực dân Pháp, cùng với các đồng chí còn lại trong Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Nhỏ chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo, khôi phục và phát triển phong trào ở tỉnh Chợ Lớn, địa bàn hoạt động có lúc sang cả tỉnh Tân An.
Sau đợt giết Cả Dươn và Quản Mây, hai tên phản động, bà Nhỏ bị bắt cùng với chị Nguyễn Thị Lối, một trong những nữ đảng viên đầu tiên của Đức Hòa do bà Nhỏ dìu dắt.
Lọt vào tay địch lần thứ hai, bà bị tra tấn man rợ hơn trước. Chúng áp dụng cực hình treo ngược bà lên trần nhà vừa đánh vừa xối nước muối ớt lên mình bà, dùng điện gí vào thân thể, nung đỏ lưỡi thép ép vào da thịt, mà chúng gọi là “ăn chả rán”. Nhưng tất cả đều vô hiệu.
Biết bà là một nhân vật quan trọng, chúng đem nhiều chiến sĩ cộng sản của ta bị bắt ra đối chất, mong tìm manh mối. Đồng chí Hà Huy Giáp, lúc đó trong Xứ ủy Nam kỳ sau này kể lại: “Thái độ của chị Nguyễn Thị Nhỏ lúc ấy thật là gan góc. Tôi bị bắt giam ở bót Pô-lô trong Chợ Lớn. Chúng đem về Catina đối chất với chị. Catina là cơ quan tra tấn lớn nhất của Pháp ở Nam Kỳ. Chỉ cần một cái gật đầu của chị Sáu Nhỏ là tôi sẽ phải lên máy chém”. Nguyễn Thị Nhỏ đã kiên cường chịu đựng những ngón đòn tra tấn của địch để bảo toàn bí mật tổ chức.
Ngày 2 tháng 9 năm 1933, thực dân Pháp đưa 120 chiến sĩ cộng sản ra xử tại phiên tòa “Đại hình đặc biệt” ở Sài Gòn. Nguyễn Thị Nhỏ và các đồng chí Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Diễu, Phạm Hùng, Lê Văn Lương... bị thực dân Pháp đưa ra phiên tòa xét xử. Nguyễn Thị Nhỏ là phụ nữ duy nhất đứng lên tố cáo đanh thép chế độ tàn bạo của thực dân Pháp.
Sáng ngày 9/5, thực dân Pháp tuyên án tử hình 8 người, trong đó có Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ; 19 án tù khổ sai chung thân; 79 án tù từ 5 năm đến 20 năm.
Bà nhìn sang các đồng chí, mỉm cười kiêu hãnh sau khi nghe bọn Pháp kêu án. Tên cò Tây hỏi: “Tại sao kêu án tù nặng vậy mà bà còn cười?”. Bà trả lời cứng cỏi, đanh thép: “Tôi có khóc cũng không ai thả tôi, người cách mạng không bao giờ khóc với kẻ thù”. Vụ án này gây chấn động chính trị mạnh trong toàn Nam Kỳ và lan rộng ra cả nước, gây làn sóng bất bình trong nhân dân tiến bộ thế giới.
Do sức ép dư luận trong nước và ở Pháp, với sự can thiệp của luật sư tiến bộ người Pháp Cancelleri, sau đó thực dân Pháp buộc phải hạ mức án của 8 án tù tử hình xuống còn khổ sai chung thân, riêng Nguyễn Thị Nhỏ lãnh án 15 năm tù khổ sai.
Giữa năm 1935, một đoàn đại biểu Mặt trận Bình dân Pháp đi thị sát các nhà tù ở Đông Dương. Trong đoàn, nữ nhà báo tiến bộ Pháp Louis Marie Ferreux tìm gặp bà Nhỏ tại Khám Lớn. Câu chuyện của các nữ tù nhân Việt Nam bị đối xử tàn bạo trong nhà tù được đưa lên công luận Pháp và thế giới.
Nhờ sự vận động tích cực của Louis Marie Ferreux và tổ chức quốc tế Công hội Đỏ tiếp sức can thiệp, tháng 7/1935 toàn quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải ra lệnh đặc xá Nguyễn Thị Nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Phát, người đồng chí đóng vai “vợ chồng”, cùng bị bắt với bà năm 1929 ở Sài Gòn, lúc làm báo Bolshevik bị đày ra Côn Đảo cũng được trở về đất liền. Cuộc đính hôn trong nhà tù năm nào với mấy dòng đơn sơ, ngắn ngủi đã trở thành hiện thực... Nhưng đó cũng là một “hiện thực” đầy đắng cay, nước mắt.

Bà Nguyễn Mộng Oanh - con gái đầu của bà Nguyễn Thị Nhỏ - kể chuyện
về mẹ. Ảnh: Trầm Hương, năm 2003.
Bà Nguyễn Mộng Oanh – con gái đầu của ông Nguyễn Văn Phát và bà Nguyễn Thị Nhỏ ngậm ngùi kể: “Cha tôi cũng từng là một đồng chí của mẹ, từng bị bắt vào nhà tù đế quốc, đã từng yêu quý, chờ đợi mẹ nhiều năm dài đằng đẵng. Vậy mà khi bên nhau, có với nhau tới 5 đứa con nhưng họ không hề hạnh phúc. Sau khi ra tù, mẹ tôi bị đưa về Long Hồ quản thúc. Cha tôi cũng phải cải trang “đi làm ăn xa” hoạt động. Hoàn cảnh đẩy đưa, ông có thêm người phụ nữ khác nhưng mẹ giải thích “cô Hai thấy cha con vất vả, đem lòng thương, làm bầu bạn với cha, chớ cô không phải làm vợ bé”.
Khi sinh đứa út được 10 tháng, mẹ lâm bệnh nặng, do di chứng những ngón đòn bị tra tấn trong tù, do nỗi đau giấu trong tim bộc phát. Mẹ nằm trên giường, ngóng ra bến sông nhưng bóng cha vẫn biền biệt.
Nghe tiếng chèo va mạn thuyền, mẹ ngẩng lên, ngỡ cha về nhưng không thấy cha, mẹ tuyệt vọng buông mình xuống giường, quay mặt vào vách, trút hơi thở cuối cùng. Đó là ngày 21/11/1946. Năm ấy tôi mới 10 tuổi, trở thành cây cột chống trời nuôi đàn em nheo nhóc. Rồi người vợ sau của cha tôi về thay thế mẹ.
Năm14 tuổi, tôi thoát ly làm cách mạng, rồi lần lượt các em tôi. Riêng đứa em út được một người bác nhận nuôi… Tôi đã cố gắng vượt lên bao thách thức, để xứng đáng với mẹ”.
Chị Mộng Oanh lấy ra từ một quyển sổ ghi chép đã sờn cũ hai bức chân dung. Tôi ngỡ ngàng trước bức chân dung rất đẹp, rất nghiêm trang của bà Nguyễn Thị Nho. Và một bức là di ảnh của liệt sĩ Lê Quang Sung. Chị trầm ngâm nói:
“Chuyện tình cảm của mẹ tôi có nhiều uẩn khúc. Dù đóng vai vợ chồng, dù được các chú bác mai mối với cha nhưng người mẹ dành tình cảm sâu đậm là bác Lê Quang Sung. Cũng dễ hiểu, mẹ và bác Lê Quang Sung từng kề vai sát cánh hoạt động cách mạng, đã chia sẻ bao hiểm nguy, gian khổ, đặc biệt thời gian hoạt động ở Tân An, Đức Hòa, Chợ Lớn… Rồi Bác Lê Quang Sung bị bắt, bị đày ra Côn Đảo, kết bè vượt ngục cùng nhiều đồng chí. Rủi thay, chiếc bè bị rã trên sóng biển, tất cả đều hy sinh…”.
Ôi! Màu cờ đỏ rực trên con đường Nguyễn Thị Nhỏ (ở Quận 5 và Quận 11) - một Phó Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, một Xứ ủy viên Xứ ủy lâm thời khi mới 22 tuổi, người phụ nữ từng bị treo ngược lên trần nhà, bị lưỡi thép nung đỏ ép vào da thịt vẫn không khai ra các đồng chí của mình; người phụ nữ từng bị kết án tử hình, đã đứng lên tố cáo đanh thép chế độ tàn bạo của thực dân Pháp - một con người gang thép nhưng trái tim dạt dào nữ tính, mềm yếu biết bao. Người phụ nữ ấy đã đau đớn, đã khóc thầm, giấu đi những giọt nước mắt, cho đến phút cuối của cuộc đời...
Xin được gửi đến tiền nhân lòng ngưỡng mộ, sự đồng cảm sâu sắc, bởi người phụ nữ khi dấn thân làm cách mạng, đôi vai mảnh mai của họ trĩu nặng sứ mệnh chiến đấu cho độc lập dân tộc và bình đẳng giới. Bà chọn cho mình góc khuất khiêm nhường, thầm lặng mà cao lớn, lồng lộng biết bao!