Nguyễn Trãi với hội thề Đông Quan

Tháng giêng Đinh Mùi (1427), vua Lê tới dinh Bồ Đề. Biết cuộc chiến còn tiếp tục, vua xuống dụ cho cả nước tăng cường huy động nhân tài vật lực, chuẩn bị đánh thành, đóng thêm thuyền chiến…

Tại dinh Bồ Đề, vua cử Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm Hành khu Mật viện.

Cho dựng lầu cao bằng tháp Báo Thiên, hằng  ngày vua ngự trên lầu quan sát giặc. Nguyễn Trãi ở tầng hai nhận lệnh soạn thảo thư từ. Trong một bức thư mang danh nghĩa vua Lê, ông viết dụ hàng thành Tam Giang, có đoạn: “Bảo cho tướng hiệu cùng quân nhân trong thành biết: Lũ ngươi có vài trăm quân, giữ một thành trơ trọi, mà muốn kháng cự với ta thì sao được. Thành của các ngươi không cao sâu bằng ở Nghệ An, lương thực không súc tích bằng ở Diễn Châu, quân không đông bằng quân ở Nghệ Diễn. Quan chức của các ngươi không to bằng Đô đốc Thái Phúc (chỉ huy thành Nghệ). Thế mà quân các thành Nghệ Diễn và Đô đốc Thái Phúc đều đã ra hàng. Phàm quan quân cùng vợ con, tài sản (người ra hàng) không bị xâm phạm mảy may”.

Nguyễn Trãi còn viết thư cho các tướng ở các thành khác. Gửi Đường Bảo Trinh, khiến Trinh bỏ thành Thị Cầu ra hàng. Trãi còn đưa viên hàng tướng nhà Minh họ Tăng vào dụ được Lưu Thanh, viên chỉ huy thành Tam Giang (ngã ba Hạc) ra hàng. Dẫu vậy ông vẫn coi việc thuyết dụ Vương Thông là hệ trọng hơn. Bởi Thông đã xin giảng hòa, nhưng “chó đen giữ mực” vẫn xông ra trận. Quân Thông bị đánh bại, Thông ngã ngựa suýt bị bắt. Viết thư cho Thông, Nguyễn Trãi dùng lời lẽ của vua:

“Nếu ông còn do dự chưa quyết hòa, tôi sẽ cho một vạn quân đánh gấp, thế không thể ngăn, đến lúc ấy thì không còn cứu được nữa.

Tôi tính chẳng gì bằng cách cho quân ông khải hoàn, để hai nước thoát khỏi cái khổ can qua.

Ông còn là vị nguyên soái có văn học, há lại không biết dân có tội gì mà nỡ để cho họ gặp tai họa lâu đến trăm năm mà không dứt ư?

Ngày nay, nước Nam binh tướng nhiều, tâm lực đều nhau, chiến sĩ càng tinh, kẻ sĩ trí mưu, các tướng vũ dũng, chẳng khác gì cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau vậy”.

Vương Thông đang phải suy nghĩ nấu nung về những lời thư sâu sắc như trên, thì ở dinh Bồ Đề, vua Lê hay tin nhà Minh cử Liễu Thăng làm Tổng binh, cầm mười vạn quân và năm nghìn ngựa sang cứu viện Đông Đô. Thăng được phong đến tước Hầu, đại diện vua Minh, toàn quyền vùng Giao Chỉ; tuổi trẻ chí hăng, lòng đầy kiêu ngạo, muốn tiến gấp, đánh mạnh, lập công cao. Nguyễn Trãi đoán định như thế, liền viết thư khích cho Thăng thêm kiêu ngạo chủ quan, dễ mắc sai lầm.

Cùng lúc, vua Lê cử các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lĩnh, Đinh Liệt, Lê Thụ đưa một vạn quân tinh nhuệ và năm thớt voi đến bí mật mai phục ở ải Chi Lăng. Trước đó, vua đã sai tướng Lê Lựu đến ải Pha Lũy (Nam Quan). Nay Lê Sát đến bàn mưu, cho Lựu ra đánh, giả thua nhử quân Minh đuổi theo vào nơi quân Nam đã dàn trận.

Ngày xuất quân, Liễu Thăng cưỡi ngựa chiến, phất cờ hiệu, hùng hổ ngạo nghễ, đốc thúc quân tướng xông vào trận địa quân Nam. Đột nhiên, chúng thấy kèn nổi, trống giục, giáo mác sáng lòa, quân Nam ba bề bốn bên xốc tới, đánh chém tơi bời. Tướng chết, ngựa què, hơn một vạn quân Minh rơi đầu. Liễu Thăng gào thét, khua khoắng một hồi, rồi bị chém chết ở chân núi Mã Yên.

Số đông quân Minh còn lại mất chủ tướng, bạt vía kinh hồn, quanh quẩn ở Chi Lăng, liền bị các tướng Lê Lý, Lê Văn An đưa thêm ba vạn quân đến đánh. Cánh Lê Sát cùng vào phối chiến, diệt các tướng giặc Lương Minh, Lý Khánh, chém đầu hai vạn quân Minh, thu nhiều vũ khí, lừa ngựa.

Vua Lê kịp thời sai các quân thủy bộ bao vây đám viện binh còn sót. Chặn hết các cửa ải, không cho chúng tiến lui, ra vào. Quân Nam tiếp tục chiến đấu bắt thêm các tướng giặc Thôi Tụ, Hoàng Phúc, cùng hơn ba vạn quân Minh.

Trong lúc quân Liễu Thăng bị đánh tan tác, đạo viện binh của Mộc Thạnh vẫn nấn ná ở biên giới Vân Nam, bị các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Tung, Lê Khuyển giữ chân ở cửa ải Lê Hoa.

Nguyễn Trãi viết thư “tâm công” Mộc Thạnh, khuyên viên tướng già này chớ vội nhẹ dạ tiến quân, chờ xem Liễu Thăng thắng bại thế nào đã. Đồng thời mật báo cánh Xảo, Khả ém quân mai phục, không vội giao chiến với Thạnh. Xin vua Lê dùng uy thế đánh bại Liễu Thăng để uy hiếp Mộc Thạnh. Vua sai người đem tù binh gồm một viên tướng, ba viên quan, cùng các sắc thư, cờ kiếm, phù ấn của Liễu Thăng đến doanh trại Mộc Thạnh. Quân tướng của Thạnh trông thấy liền hoảng sợ, tháo chạy. Cánh Xảo, Khả kịp thời tung quân Nam đánh giặc, diệt hơn một vạn tên, không kể bọn chết đuối, bắt một nghìn tên. Mộc Thạnh một mình một ngựa chạy thoát.

Vua Lê muốn cho Vương Thông một trận “tâm công” như thế. Sai viên thông sự Đặng Hiếu Lộc áp giải Thôi Tụ, Hoàng Phúc và đám tù binh, cùng các hổ phù, ấn tín, cờ kiếm của Liễu Thăng đến cho Vương Thông thấy tận mắt.

Vương Thông đang ngày đêm mong ngóng viện binh, bỗng thấy tình cảnh bi thảm của Liễu Thăng và Mộc Thạnh như thế thì bàng hoàng, thất vọng. Thông đành phải bàn với Nội quan Sơn Thọ, cử viên Thiên hộ họ Hạ mang thư đến dinh Bồ Đề xin giảng hòa, cho quân Minh về nước.

Nghe tin đó, tướng sĩ và dân chúng nước ta liền xin vua dùng quân mà đánh giặc, không thể tin mà tha vì chúng nhiều mưu mô xảo trá. Vua lại phải xem xét, cân nhắc thêm.

Vào dịp đó, quân ta bắt được và nộp cho Nguyễn Trãi một bức thư bọc sáp của Vương Thông gửi vua Minh, rằng: “Chớ vì một góc đất nhỏ nhoi (Giao Chỉ - An Nam) mà bao phen làm nhọc quân đi muôn dặm. Giả sử dùng tới số quân đông như lần đánh ban đầu, có được sáu, bảy, tám viên đại tướng như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được. Nhưng dẫu có đánh được cũng không thể nào giữ được”. Thế là Nguyễn Trãi biết tận gan ruột Thông, mạnh dạn xin vua cho nghị hòa, quân Minh về nước. Vua nghe theo. Ra lệnh giải vây thành Đông Quan. Cho Vương Thông cử Sơn Thọ, Mã Kỳ đến dinh Bồ Đề làm con tin. Bản dinh cũng cho Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin.

Nguyễn Trãi có dịp cùng Vương Thông bàn bạc thấu đáo việc cần làm. Ông nói: “Cuộc giảng hòa, cho quân Minh về nước là rất hợp ý trời, lòng người, cần phải thi hành nghiêm chỉnh để đạt thành công. Ngài đại diện triều đình, đại diện quân Minh, cần có lời thề nguyền trung thực, để tướng sĩ và dân chúng nước tôi tin nghe mà đồng ý; cũng là để tướng hiệu, quan quân và binh lính nước ngài yên lòng, tránh điều nghi hoặc. Muốn vậy phải mở hội thề trước Trời Đất Thần linh, có đại diện của cả hai bên chứng kiến. Và ngài đích thân đọc lời thề thiêng liêng, long trọng đó”.

Nguyễn Trãi nói thấu lý đạt tình, khiến Vương Thông không thể ngụy biện, chối từ, liền cùng Trãi làm các việc cần thiết để tiến tới hội thề. Trãi thảo tờ hòa ước, với các điều khoản minh bạch, chặt chẽ, cho hai bên cùng theo để đạt tới hòa hữu, mở đường cho quân tướng nhà Minh về nước, chấm dứt nạn can qua, trả lại đất đai cho nước Nam.

Đàn thề đặt ở phía Nam thành Đông Quan. Có đoàn tướng lĩnh quan viên do Bình Định Vương Lê Lợi dẫn đầu, với Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Lê Vân, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Lê Văn An, Bế Khắc Thiệu. Về phía quân Minh, một đoàn tướng lĩnh, quan viên do Tổng binh Thành Sơn Hầu Vương Thông dẫn đầu, cùng Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Trần Tứ, Trần Hựu, Chu Kỳ Hậu, Quách Vĩnh Thanh, Dặc Khiêm, Hồng Binh Lương, Lục Trinh, Dương Thì Tập, Quách Đoan.

Trước đàn thề uy nghiêm, khói hương lan tỏa, đèn nến sáng trưng, Vương Thông mũ áo chỉnh tề, tâm tư thư thái, cúc cung tứ bái, quỳ đọc văn thề. Tới đoạn sau đây thì dọn giọng cho lời rõ, ý đúng: “Nếu (tôi) không giữ lòng thực, tự trái lời thề, không làm theo giao ước lập tức đem quân về nước, mà còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh; cùng là ngày về đến triều, không theo sự lý trong bản tâu mà bàn khác đi, hoặc cho quan quân qua đường cướp bóc dân chúng, thì Trời Đất cùng Danh Sơn, Đại Xuyên và Thần Kỳ các xứ tất đem bọn Tổng binh Thành Sơn Hầu Vương Thông, từ bản thân đến cả nhà thân thích đều làm cho chết hết; đến cả quan quân cũng không một người nào về đến nhà”.

Ngay sau hội thề, vua Lê dụ cho quân tướng của Vương Thông về Tàu: “Cánh đường thủy được cấp 500 chiến thuyền, cho Phương Chính, Mã Kỳ lĩnh nhận. Cánh đường bộ được cấp lương thảo, cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lĩnh nhận. Còn hơn hai vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và hai vạn con ngựa thì do Mã Anh lĩnh nhận. Cho Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo”. Các tướng lĩnh quan viên kể trên đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ rồi về nước.

Vương Thông dẫn quân bản bộ đi sau. Trước khi đi, Thông đến chào từ biệt vua Lê, được vua sai tiễn đưa chu đáo.

Đất nước Nam hết giặc. Nguyễn Trãi thay vua viết bài Đại cáo bình Ngô: - Xã tắc từ đây vững bền. Giang sơn từ đây đổi mới. Muôn thuở nền thái bình vững chắc. Ngàn thu vết nhục sạch làu…

Bút Ngữ