Dẫu sao cuộc đời cách mạng của tôi cũng sang một thời kỳ mới, trên cả hai mặt: chính trị và nghệ thuật. Tôi phải tìm mọi cách làm quen với các nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng ở Hà thành. Trong đó có nhiều người chưa vào Hội Văn hóa cứu quốc, có lẽ vì họ không thích bị ràng buộc hoặc tưởng không được tự do sáng tác chăng.
Đảng ta tuy đã có Đề cương văn hóa của đồng chí Trường Chinh từ năm 1943, song anh em ta hình như chưa có kinh nghiệm lắm. Có anh khuyên tôi nên gặp các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Thế Lữ, các họa sĩ lớn như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị…
Đối với tôi đây là việc rất khó vì họ là những người tôi chưa hề quen biết, thậm chí các anh như Xuân Diệu, Huy Cận từng ở trường Quốc học Huế, mà tôi chỉ nghe tên, biết mặt song cũng chưa quen thân. Nhưng việc Đảng đã giao thì phải làm cho được. Có người mách bảo tôi những nơi các văn nghệ sĩ từng lui tới, có người lại bảo làm thân với những người có tài không dễ đâu.
Anh Hoài Thanh tôi đã quen ở Huế, khi ra Hà Nội cũng cho tôi biết có lẽ người khó gặp nhất là ông Nguyễn Tuân, tác giả của Vang bóng một thời khá nổi tiếng. Anh chỉ cho tôi nơi anh Tuân hay đến. Đó là nhà Thủy Tạ ở bờ Hồ.

Chân dung Nhà văn Nguyễn Tuân. Ký họa của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.
Thế là một buổi sáng, tôi tìm đến nơi ấy, thấy một người đứng tuổi, trán cao với đôi mắt tinh anh, đang ngồi trầm ngâm trước bàn với một ly cà phê. Tôi đến gần, ngồi ghế bên cạnh và lên tiếng trước:
- Chào anh Nguyễn Tuân!
Anh ngẩng đầu lên, nhìn tôi một thoáng, có vẻ ngạc nhiên và trả lời khá lịch sự:
- Vâng! Tôi là Nguyễn Tuân đây. Xin lỗi, tôi được nói chuyện với ai đây?
Tôi cười vui xởi lởi:
- Anh thì ai cũng biết. Còn tôi thì làm sao anh biết được. Tôi là Tố Hữu, cán bộ Việt Minh, cái tên tôi không có ý nghĩa gì với anh đâu. Tôi muốn gặp anh, và nếu được làm quen với anh thì hay lắm.
Anh Tuân không nói gì, nhưng có vẻ ngẫm nghĩ, rồi nói có vẻ hài hước:
- Thế là ta quen nhau rồi đấy. Nhưng tôi chưa hiểu anh định nói điều gì vậy?
Lúc này, tôi thấy nên nói thẳng ý nghĩ của mình, không có gì phải e ngại:
- Tôi nghe anh em nói: Tuy Cách mạng Tháng Tám đã thành công rồi mà hình như anh vẫn còn buồn, còn cảm thấy “thiếu quê hương” như anh đã viết.
Anh ta gật đầu, cười tủm tỉm.
- Cũng có đấy. Nhưng làm gì bây giờ?
Tôi liền nói:
- Thôi. Anh Tuân ơi, bây giờ nước mình giành được độc lập rồi, đâu còn “thiếu quê hương” nữa. Biết bao nhiêu việc đang cần người như anh. Bây giờ ở miền Nam, bọn Tây đã khởi sự đánh nhau với ta, muốn chiếm lại nước ta một lần nữa. Ga Hà Nội ngày nào cũng rầm rập những chuyến tàu đưa quân Nam tiến để đánh nhau với chúng. Tôi ở miền Trung mới ra có biết những chiến trường trong đó. Nếu anh thích đến những vùng chiến sự, như Khánh Hòa, Phú Yên xem đồng bào và bộ đội mình chiến đấu như thế nào cũng rất nên.
Đến đây thì anh Nguyễn “ồ” lên một tiếng:
- Nên đến lắm chứ! Để biết bộ mặt bọn giặc thế nào và dân mình chiến đấu ra sao. Nhưng tôi không có cách nào đi được.
Tôi liền nói:
- Không khó gì đâu, chúng tôi tổ chức cho anh và các anh em khác vào đó. Nếu các anh muốn, Chính quyền mình có ô-tô đấy. Vài ba chiếc thì không khó. Thế bao giờ anh định đi?
- Càng nhanh càng tốt, anh nói.
- Thế thì tuần sau nhé? - Tôi hẹn anh - Tôi đến đây đưa anh và các anh em khác đi.
- Thế là đúng một tuần sau, anh Tuân cùng anh Nguyễn Đình Lạp, anh Nguyễn Đỗ Cung và một số anh khác lên ô-tô vào miền Trung, có ghé qua Huế, rồi đi vào vùng Phú Yên. Tôi báo cáo việc này với các anh ở Trung Ương và Hội Văn hóa cứu quốc. Ai cũng nói: Anh làm được thế là tốt đấy. Lúc này, các anh có đi vào Nam mới hiểu được lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của đồng bào chiến sĩ. Muốn sáng tác hay, thì phải hiểu thực tế.
(Trích Hồi ký Một thời để nhớ)
(*) | Tên bài do Hồn Việt đặt. |
Bài liên quan: