Nguyễn Tuân trong kháng chiến (*)

Trong chiến dịch đường 4 sông Thao, tôi theo bộ đội hành quân đánh đồn Đại Bục, Đại Phác. Tôi được Ban chỉ huy tiểu đoàn cho theo dõi họp hành từ lúc chuẩn bị, lập sa bàn rồi hành quân tiếp cận vị trí…

Khi nằm trên đồi theo dõi hành quân, ta mở đợt tấn công, nhìn rõ, nghe rõ trọng pháo, súng máy của ta rót vào đồn, đồn địch bốc cháy mù mịt, tôi đã khoái lắm. Đến khi chỉ huy ra lệnh xung phong, kèn trống nổi lên thúc quân tới tấp thì tôi phấn khích quá cũng rút ngay một cành cây nện vào trống thật lực.

Chỉ trong mấy chục phút quân ta hạ xong đồn Đại Bục. Tôi theo chân xung kích vào chào cờ ngay giữa sân đồn địch đang mù mịt khói thuốc súng. Tự nhiên tôi liên tưởng công việc của người lính đánh đồn với công việc của nhà văn.

Anh lính đánh đồn mà tổ chức trinh sát thật giỏi, chuẩn bị sa bàn thật chính xác, phối hợp giữa các binh chủng thật nhịp nhàng, chỉ huy thật cương quyết thì việc hạ đồn sẽ nhanh gọn và nắm chắc trong tay.

Nhà văn cũng vậy thôi, nếu anh đi sâu vào cuộc sống, anh đọc nhiều để nắm vững kiến thức, anh thu thập tài liệu thật phong phú, tất nhiên cũng phải có năng khiếu, thì việc anh làm ra tác phẩm cũng chỉ là việc ngày giờ.

Trong đợt hành quân này, bộ đội chi bộ, họ cũng mời tôi đi họp, tôi nghĩ có lẽ mình được xếp vào diện đối tượng từ hồi đó. Nhưng cho đến hồi đó cái tính ngang ngang của tôi chưa dứt được.

Tôi nhớ trong một cuộc họp liên chi bộ tôi còn phát biểu là: tôi tự tìm đến chủ nghĩa Mác qua việc tìm đọc sách Mác-Lê nin chứ không có ai hướng dẫn bảo cho tôi cả.

Sau chiến dịch sông Thao trở về ông Chính Hữu, lúc này là chính trị viên Trung đoàn Thủ đô hỏi tôi: "Sao cậu lại không vào Đảng nhỉ?". Tôi hỏi lại: "Có cần thiết, và có thể vào Đảng được không?". Chính Hữu khẳng định lại: "Cậu nên vào Đảng". Như vậy người đầu tiên gợi cho tôi ý nghĩ cần phải vào Đảng là Chính Hữu.

Tính cách của tôi và Chính Hữu là hoàn toàn trái ngược nhau: tôi thì ngổ ngáo, ngang ngạnh mà Chính Hữu thì hiền lành, chuẩn mực. Vậy mà tôi có thể rất quý và tin Chính Hữu vì tôi nghĩ rằng Chính Hữu hiểu tôi, không nhìn tôi về những cái bề ngoài.

Đầu năm 1950, Nguyễn Huy Tưởng bảo tôi viết đơn xin vào Đảng. Tôi hỏi lại: "Tao thấy mọi người vào Đảng, có ai làm đơn đâu?". Nguyễn Huy Tưởng cười thông cảm và bảo: "Ai vào Đảng cũng có đơn, cậu là Tổng thư ký, viết đi".

Dự định Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng là hai người giới thiệu vào Đảng. Nhưng đến ngày tổ chức lễ kết nạp 8/4/1950, Nguyễn Đình Thi bận đi Đại hội Liên hoan thanh niên thế giới Bu-ca-rét, anh Tố Hữu ở T6 (mật danh của Ban tuyên huấn Trung Ương) về dự lễ và nhận luôn là một trong hai người giới thiệu tôi.


Bản thảo Cỏ độc lập được Hội Nhà Văn cho phép xuất bản năm 1946.
Năm 2007, con gái cụ - họa sĩ Nguyễn Thu Giang
in lại tác phẩm này trên giấy dó.

Thế là trên bước đường cách mạng của tôi, anh Lành là người trong từng giai đoạn đã có những tác động tế nhị mà quan trọng.

Nhớ hồi đầu cách mạng, một hôm Hoài Thanh xuống phố Cầu Mới nói với tôi: "Nhà thơ Tố Hữu muốn gặp anh, anh thấy thế nào?".

Tôi trả lời: "Tôi đã đọc và cũng thích thơ Tố Hữu. Kể ra gặp nhà thơ xứ Huế ấy mà cùng nhau đàm đạo văn thơ cũng hay đấy nhỉ!".

Hoài Thanh nói: "Anh Tố Hữu muốn bàn công chuyện với anh đó". Chả là hồi này tôi còn e ngại, ngủng ngẳng với cách mạng, chưa thật sự theo Việt Minh. Chắc là anh Tố Hữu đoán biết điều đó nên muốn gặp tôi để lôi kéo tôi đi làm cách mạng.

Tôi định thử anh Lành chơi bèn nói với Hoài Thanh:

- Thế thì ta hẹn gặp nhau ở nhà Thủy Tạ nhé! (tôi biết hồi này Thủy Tạ là nơi đi lại của những phần tử khá phức tạp, nào tây đầm, nào tay chân các đảng phái phản động đều tụ tập ở đây ăn uống). Hoài Thanh nghe tôi hẹn như vậy hơi e ngại nói rằng để về hỏi ý kiến anh Tố Hữu đã. Hồi này anh Lành đang ở trong nhà kho bạc cũ phía sau vườn hoa Chí Linh.

Không ngờ anh Lành lại nhận lời. Anh đã gặp tôi, cùng chạm cốc ở Thủy Tạ. Tôi thấy anh Lành có bản lĩnh, chịu chơi, tôi bắt đầu nể anh, từ chỗ có cảm tình với anh Lành tôi có cảm tình và theo cách mạng.

Tiếp sau đó là việc anh Lành tổ chức cho tôi cùng một số anh em văn nghệ sĩ theo bộ đội Nam tiến. Rồi đầu kháng chiến, tôi về Thanh Hoá, anh Lành cũng dẫn dắt tôi cùng Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Lương Ngọc, Chu Ngọc xúm vào làm tờ báo Chống Giặc.

Việc tôi từ Thanh Hóa lên Việt Bắc rồi đến Đại hội Văn nghệ toàn quốc tôi được cử làm Tổng thư ký, tôi nghĩ là đều có sự sắp xếp của anh Lành.

Ở Việt Bắc, có lần anh Lành rủ tôi lên thăm Bác, nhưng lúc ấy nghĩ rằng mình chưa làm được gì, tôi lần chần và nói với anh Lành. "Ông cho mình từ từ, để mình in được một tập sách tử tế mang lên biếu Bác thì chắc là vui và hay hơn".

Vậy mà sau này tôi cứ vẫn sục sặc với anh Lành về việc này việc khác. Ấy, cái tính của tôi nó vẫn kỳ cục khó chịu vậy.

Cuối năm 1950, tôi về công tác khu III - Tây tấn công Hòa Bình, cơ sở Hội Văn nghệ khu III phải chuyển về đóng trong thành nhà Hồ, địa phận khu IV- về đây tôi tham gia chấn chỉnh, củng cố Hội Văn nghệ khu III.

Ngày 13/2/1951 tôi được tuyên bố là đảng viên chính thức ở chi bộ thông tin khu III. Cuối năm 1951, tôi lại trở lên Việt Bắc.


(*)

Tên bài do Hồn Việt đặt, trích từ Tuyển tập Nguyễn Tuân - Tập III, tr.508-510.

Bài liên quan: