…Sau cuộc khủng bố năm 1908, phong trào cách mạng tạm thời bị lắng xuống; nhưng thực dân Pháp thấy rõ không thể nào dẹp yên được hẳn những nổi dậy âm mưu trong tương lai nếu không diệt được tận gốc mầm mống nổi loạn phản kháng là thái độ bất khuất của tầng lớp sĩ phu; mà người lãnh tụ nổi bật nhất được coi là linh hồn của phong trào cách mạng, phong trào Duy Tân là Phan Bội Châu, hiện còn ở nước ngoài.
Thực dân thừa hiểu rằng, về lâu dài và một cách triệt để, phải đánh đổ tầng lớp sĩ phu lãnh đạo tinh thần và thay thế họ bằng một tầng lớp trí thức tay sai, thông ngôn, thư lại hoàn toàn do Pháp đào tạo theo tinh thần văn hóa Tây phương, chỉ biết tiếng Pháp, làm việc cho Pháp và nhờ được chia xẻ một phần quyền lợi, sẽ phải gắn liền số phận của họ với chế độ bảo hộ. Nhằm thực hiện mục đích đó, Pháp mở trường Thông Ngôn, trường học sơ cấp, trung cấp và sau đó cả đại học.
Nhưng tiêu diệt sĩ phu không phải là một việc làm có thể thực hiện ngay trong chốc lát. Không thể bỏ tù hết, giết hết; cũng không thể thay đổi nhanh chóng tâm trí cả một thế hệ, truyền thống, tập quán của cả một lớp người. Do đó, thực dân Pháp lấy nhiệm vụ cấp bách đề ra trước mắt là phải tranh thủ được tầng lớp sĩ phu còn thấm nhuần nho học bằng cách lấy quyền lợi vật chất ra nhử họ, đưa họ ra làm quan, cộng tác với Pháp - thực tế, đã có một số đầu hàng và quy thuận - nhưng chủ yếu là phải tranh thủ họ về tinh thần, làm sao cho họ phải chịu phục và chấp nhận bảo hộ vì quyền lợi của Việt Nam, quê hương họ, vì lòng yêu nước. Nói rõ hơn, phải có một chính sách chinh phục khéo léo có thể đánh lừa được những nhà Nho yêu nước sẵn sàng chấp nhận chế độ bảo hộ với niềm tin tưởng thành thật rằng đó là một cần thiết, lợi ích cho dân tộc đất nước.
Muốn thế, một mặt thực dân Pháp tìm cách thực hiện những biện pháp về hành chính, thể chế thi cử, giáo dục nhằm cắt đứt liên hệ của sĩ phu với văn hóa truyền thống Nho giáo từ Trung Quốc qua, mặt khác đề ra những chính sách về báo chí nhằm giới thiệu phổ biến văn hóa Tây phương, đặc biệt văn hóa Pháp, nền văn hóa, tư tưởng mà tầng lớp sĩ phu đang thèm khát tìm hiểu, nhưng dĩ nhiên phải được giới thiệu theo lăng kính của thực dân có lợi cho việc biện hộ và duy trì chế độ thực dân.

Bìa Đông Dương tạp chí.
Rút kinh nghiệm từ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp nhận thấy rõ không thể chỉ cấm đoán tiêu cực và đàn áp bằng bạo lực mà phải thỏa mãn những đòi hỏi khai hóa, duy tân cải cách do Đông Kinh Nghĩa Thục khởi xướng; điều cốt yếu là thỏa mãn một cách khác và giành lấy phần chủ động mà thôi. Các sĩ phu muốn mở trường học, cổ động chữ quốc ngữ, xây dựng cho quốc văn, tiếp thu tư tưởng Tây phương, cải cách xã hội, đề cao lòng yêu nước. Được lắm! Đồng ý! Miễn là những công tác đó từ nay do người Pháp chủ xướng, điều khiển và đài thọ, trợ cấp.
Đó là chính sách dùng khí giới địch để đánh địch trên mặt trận văn hóa mà người Pháp sẽ đem thực hiện song song với những biện pháp khủng bố, đàn áp ngăn cấm tiêu cực…
Để đối phó với văn chương cách mạng và tranh thủ dư luận bản xứ nhất là dư luận giới sĩ phu, thực dân đưa ra một chính sách mới mà họ gọi là “Chính sách thực dân bằng sách vở” (Politique de colonisation par les livres) hay là “cuộc chinh phục tinh thần tiếp theo sau cuộc chinh phục vật chất” (conquête morale des habitants après la conquête matérielle du pays) (2).
Để thực hiện chính sách chinh phục tâm trí bằng sách vở, thực dân Pháp nghĩ đến những biện pháp giáo dục và báo chí.

Nguyễn Văn Vĩnh.
Ngay từ năm 1867, khi chiếm Nam Kỳ, thực dân đã cho ra đời những tờ báo đầu tiên như: “Gia Định Báo”, “Lục Tỉnh Tân Văn” ở Nam Kỳ. Nhưng những tờ báo này chỉ là những tờ báo thông tin như những công báo, có tính cách chính thức do những nhân viên công chức Pháp - Việt điều hành, nên ít có tác dụng tuyên truyền chính trị, văn hóa.
Sau đó, thực dân Pháp đặc biệt chú ý đến báo chí và những tác dụng chính trị của báo chí và những tác dụng chính trị của báo chí vì hai sự kiện sau đây:
1. Một vài tờ báo tiếng Việt thành lập như tờ Đăng Cổ Tùng báo, có khuynh hướng yêu nước và đăng những bài với một luận điệu không lợi cho chính sách thuộc địa.
2. Nhưng thực dân lo ngại hơn cả sự phổ biến những báo chí Trung Quốc mà họ gọi là những “tài liệu phiến loạn”. Trung Hoa tuy bị các đế quốc chia xẻ đất đai nhưng không bị trực tiếp đô hộ vẫn còn được tự do nên báo chí có thể tố cáo thẳng tính chất dã man của chế độ thực dân; đồng thời vận động cách mạng công khai dựa vào ngay những tư tưởng Tây phương, mà không cần giấu giếm, hoặc nói ám chỉ xa xôi như ở Việt Nam.
Chắc hẳn nhà cầm quyền Pháp đã căn cứ vào những tờ trình như của Sestier để cho phép xuất bản tờ Đông Dương tạp chí vào năm 1913. Tờ báo do một người Pháp tên là Schneider là chủ nhiệm, mà Phạm Quỳnh gọi là “cha Schneider”, ông tổ của báo chí ở Việt Nam. Schneider sang Việt Nam từ lâu, là người thân cận với các Toàn quyền từ thời Lanessan, có óc kinh doanh, lập được nhiều nhà in, cơ sở ấn loát báo chí tiếng Pháp và tiếng Việt. Ông khéo giao thiệp với các nhân vật lãnh đạo trong giới cầm quyền thực dân nên được hầu như độc quyền trợ cấp hoặc giúp đỡ chuyển báo, mua báo qua những hợp đồng khế ước ký với nhà cầm quyền thực dân trong đó ông cam kết thực hiện những đường lối của nhà cầm quyền. Sau khi thành lập nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp, tiếng Việt ở Nam Kỳ, Schneider ra Bắc và được chính phủ bảo hộ trao phó cho xuất bản tờ Đông Dương tạp chí với sự cộng tác của Nguyễn Văn Vĩnh xuất thân từ trường Thông Ngôn làm chủ bút…
Đông Dương tạp chí ra được một năm thì chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Tình hình chiến sự ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong nước: Từ cuối năm 1914 đến cuối năm 1915 theo báo “Revue Indochinoise” (tháng 11-12/1915) chỉ nguyên ở Bắc đã xảy ra 10 vụ biến động. Rồi sang năm 1916 là vụ bạo động Duy Tân và năm 1917, vụ binh biến Thái Nguyên. Rõ ràng là cuộc vận động tinh thần chưa có kết quả.
Trong một báo cáo gửi chính phủ Toàn quyền ngày 15/11/1915, Thống sứ Bắc Kỳ Le Gallen đã đề nghị “Phải tổ chức gấp một cuộc tuyên truyền có phương pháp nhằm thấm sâu vào mọi tầng lớp trong xã hội bản xứ. Mục tiêu ấy chỉ có thể đạt được bằng cách sáng lập ra những tờ báo quốc ngữ có lãnh đạo tốt và có kiểm soát cẩn thận. Tuy nhiên, người ta không thể nghĩ rằng, chính phủ sẽ đứng ra thành lập và trực tiếp quản lý, vì lẽ một cái nhãn hiệu có “tính chất nhà nước” quá sẽ làm dư luận nghi ngờ những tờ báo ấy… Do đó, chúng ta phải nhờ đến một tổ chức làm bình phong cho nhà nước và được nhà nước bảo đảm, tổ chức ấy sẽ tha hồ hoạt động, không gặp khó khăn gì.”(3)
Đông Dương tạp chí, bề ngoài không phải là chính thức, cũng không được lãnh đạo tốt và kiểm soát chặt chẽ vì một đàng Schneider chỉ khéo làm chính trị kinh doanh về nghề in, mà ít để ý đến làm chính trị báo chí, mặt khác Nguyễn Văn Vĩnh có thể là một nhà báo giỏi nhưng lại rất vụng về chính trị. Ngôn ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh, không những không tranh thủ được ai, đặc biệt giới sĩ phu, mà còn gây thêm đố kị, hận thù; Vĩnh tuyên truyền đề cao thực dân Pháp một cách quá lộ liễu, “gia nô” và mạt sát nhà nho, giới sĩ phu thậm tệ, đặc biệt những người làm cách mạng. Khi Đông Dương tạp chí vừa ra đời đã lớn tiếng chửi những chiến sĩ mưu sát, ném bom tại khách sạn Hà Nội giết hại mấy sĩ quan Pháp (26/4/1913) là “lũ sài lang, đồ dối tra, đồ vô học, dùng chước ăn mày” và hăm dọa nếu bắt được thì bỏ dọ lăn sông.
…Trong bài xã thuyết “Gốc luận” (số 2, ngày 22/5/1913), Nguyễn Văn Vĩnh đã bộc lộ tất cả chân tướng của tầng lớp tân học, tay sai, đầy tớ được chủ chia cho ít quyền lợi lên mặt mạt sát những nhà nho chỉ nghĩ đến chuyện làm loạn chống các quan bảo hộ.
Trước hết, Nguyễn Văn Vĩnh thanh minh cho bọn tây học đang bị vu oan: “Thiên hạ có kẻ nói vu ra rằng việc làm loạn mới rồi cũng có bởi tây học. Nhà Nước cho học nhiều quá, hữu tài vô dụng, thành ra một bậc người dở dang, cao không tới thấp không thông, không có chức phận gì nghĩ được bụng ước ao to quá, cho nên sinh ra một đảng ghét Lang Sa, xui xiểm dân An Nam làm loạn.
Điều ấy là một điều lầm to, chúng tôi tưởng nên giải để Nhà Nước rõ kẻo việc làm càn của mấy đứa cuồng dại mà thiệt lây đến những người trung nghĩa nhất với nước Lang Sa ở xứ này”.
Sau khi thanh minh cho bọn Tây học, Vĩnh chĩa mũi dùi đả kích vào giới sĩ phu cách mạng mà Vĩnh gọi là bọn Ngụy Nho:
“Nay lại nói đến những bọn đã ra nước ngoài mà gây loạn mà nó tưởng cách khôi phục lại nước An Nam, thoát ra khỏi Lang Sa bảo hộ để tha hồ mà xâu xé với nhau. Thử xét xem trong bọn ấy, thực không có tay tây học nào, không có đến một người gọi là biết tiếng Lang Sa.
Khởi thủy là bọn Phan Bội Châu là một bọn Ngụy Nho. Bọn ấy thấy nước Lang Sa sang đây, dụng nhân tài một cách mới đã là một sự thiệt hại cho họ, xưa nay chỉ biết lấy mấy chữ chi, hồ làm thang mây lên chốn cung đường. Chẳng được làm quan thì cũng nhờ cái lối cổ nước Nam chuộng Nho, mà hưởng các lợi quyền danh dự riêng trong đoàn thể. Ngày nay vì cách Nhà Nước kén chọn lấy thực tài mà thành ra đồ nghêu ngao vô dụng, chẳng ai mời rước như xưa, thì cũng là một điều hẳn rồi.
Xưa học sách Tàu, lấy đạo Khổng - Mạnh làm cái hoa thơm điểm óc, để tô nhân phẩm mà làm bề trên nhân chúng. Ngày nay có đại Pháp sang, đem những lý tưởng hay mà đối với đạo cũ Á châu thì những lý tưởng ấy họ cũng biết là hay hơn, là thực hơn, nhưng mà lại phải mượn đến sách mới của Tàu mới được biết đến.
Đó là một câu hiềm nữa.
Lang Sa sang đây, mà ta lại phải nhờ có bọn Khang - Lương mới biết được văn minh đại Pháp, văn minh Âu châu. Bởi đó thành ra tiếng người Lang Sa thiểm không dạy. Chớ họ có nghĩ đâu là nước Lang Sa cho mình ăn dần sợ nghẹn.
Mà nghẹn thực, những lý tưởng Lang Sa, tỉ với óc riêng người An Nam, cũng đã khó lựa cho tiêu rồi. Lý tưởng ấy, lại còn qua sách Tàu, gọt đầu, gọt đuôi, pha giữa bổ thêm dịch ra chữ Nho, nó lại càng độc lắm.
Thành ra những tư tưởng chí nhân từ, chí quảng đại, mà nhiều khi hóa những hạt giống gây nên thù oán, giận ghét.
Khi ở ngoài đã kéo thành đảng rồi, ở trong nước bao nhiêu bọn ăn không xưa nay, nghe thấy những lời hẹn ước một mai có lẽ khôi phục được chính ăn không thì khác nào như người gãi chỗ ngứa. Bởi đó mới lại kéo đảng theo sang.
Kế đến lại có người tôn phái, vị chút ghen tuông cái ngai vàng, mà hiềm với Lang Sa, cũng sang thì mới thành ra đảng có đầu. Mà đảng ấy trong nước có kẻ chẳng nhờ được nhờ nhà nước Lang Sa bao nhiêu thì càng loang rộng bấy nhiêu, lấy ngay điều ấy làm cách khua náo cho động lương tâm, phao rằng Lang Sa có tài mà không dạy, chỉ giữ ta trong vòng nô lệ mà thôi.
Những người nhờ được nước Lang Sa mà làm ăn buôn bán, được hưởng cuộc bình yên, thì có ai để tai vào mấy điều tán nhảm ấy làm chi.
Như thế thì ta lòng nào còn phải nghe lời dấy loạn. Ta khôn thì cứ đinh ninh ngồi hưởng phúc văn minh, việc quốc thể, việc chính trị, về sau tự sẽ biến cải, ta khéo thì nên hay, ta dại thì thành dở. Phải nhớ câu: Thời thế tạo anh hùng. Không ai làm ra thời thế mấy đứa vô công, rồi nghề, tự đắc muốn ra tay, ta cũng biết là đồ cuồng dại. Suy học thức chúng nó, xét cách tiểu nhân của chúng nó thi hành thì chúng ta đã hiểu chán là trí trẻ thơ chơi dại. Trông nhân chất người Lang Sa, thì ta đã đủ biết sức ta đâu dám chọi cùng. Ví thử có đem trái phá mà triệt được hết người Lang Sa ở đây, thì chỉ trong 15 bữa thủy quân đem đóng chặt các cửa biển, đạn phá mới tuôn cho một giờ cả nước tan ra tro.
Lẽ rõ ràng như vậy, đứa trẻ con cũng phải hiểu ra, phương chi cả nước có đâu lại dại điều như bọn Phan Bội Châu mà còn mơ màng điều phi lý.
Còn như bọn Tây học ta, phải dùng hết chước mà tỏ ra rằng không phải đồ bội nghĩa, để cho các quý quan chớ gieo vạ những tiếng oan.
Ta phải đem những điều hay ta học, mà cổ động cho đồng bào cùng được hưởng, khỏi phải mấy quyển sách Tàu mới biết văn minh Đại Pháp mà lại biết sai”.
Trong nhiều bài xã thuyết sau, Nguyễn Văn Vĩnh tiếp tục đả kích nhà nho về tư cách, tác phong xử thế, nêu những điểm xấu, tiêu cực để chế giễu một cách khinh bỉ. Nguyễn Văn Vĩnh là một người theo tây học hoàn toàn, cho rằng phải Âu hóa mới mong tiến được. Một thái độ về chính trị và văn hóa như thế (dám chửi cả Phan Bội Châu) trước mắt giới sĩ phu, chỉ là thái độ của một kẻ vong bản nịnh hót tâng bốc quan thầy đến nỗi làm cho chủ đọc có lẽ cũng đến phát ngượng, làm sao có thể tranh thủ được tâm trí nhà Nho.
Do đó, cần một tờ báo khác, khôn khéo hơn, nhằm tranh thủ hơn là đả kích, chủ trương dung hòa Đông - Tây hơn là đồng hóa, Âu hóa.

Một trang Đông Dương tạp chí.
Một chính sách khôn khéo cần có những người chủ trương khôn khéo. Những A.Sarraut, Louis Marty đã xuất hiện đúng lúc, kịp thời để thi hành một chính sách “Chinh phục tâm trí” khôn khéo.
Vào khoảng năm 1916-1917, chiến tranh thế giới vẫn còn tiếp diễn, viễn tưởng thua được chưa rõ rệt hẳn về phía nào, thì cuộc cách mạng Nga bùng nổ, đưa đảng Bôn-sê-vich lên cầm quyền, trong khi ở Việt Nam, xảy ra vụ Duy Tân và Thái Nguyên. Trước một tình thế nguy kịch như vậy hoặc chính phủ Pháp gửi thêm binh lính sang Đông Dương; hoặc phải đề ra một đường lối chính trị hiệu nghiệm. Louis Roubaud, một nhà báo đã ghi lại câu nói của một viên tướng Pháp hồi đó: “Có hai giải pháp, một là gửi một đạo quân; hai là cử ông Sarraut sang” (4). Chính phủ Pháp đã chọn giải pháp thứ hai.
Sarraut quả thật là một “khuôn mặt lớn” trong các nhân vật thuộc địa nổi tiếng: trội bật về tài ăn nói hoạt bát, lý luận ngụy biện mỵ dân, dám đề ra những chính sách bề ngoài rất táo bạo, cởi mở như hứa hẹn cho Việt Nam độc lập… làm cho Phạm Quỳnh cảm kích đến nỗi ca tụng triều đại Sarraut là “thời Minh Trị” của Việt Nam, Sarraut còn là một nhà báo đã từng làm biên tập cho tờ “La Dépêche de midi” ở Toulouse’ cho nên không lạ gì khi thấy quan Toàn quyền mới này vừa nhậm chức đã diễn thuyết về báo chí, coi một tờ báo, một cây bút là một sức mạnh phi thường và biết lợi dụng báo chí phục vụ những mục tiêu chính trị.
Chúng ta sẽ thấy, Sarraut không phải chỉ là cha đẻ ra tờ Nam Phong mà còn nắm giữ chi phối nhiều tờ báo khắp Đông Dương và cả Viễn Đông. Sarraut được một người cộng tác khôn ngoan quỷ quyệt không kém Louis Marty, có tài về tình báo, gián điệp vào khoảng năm 1915, được trao phó nhiệm vụ tổ chức một cơ sở tình báo ở biên giới Việt - Hoa nhằm chống lại những âm mưu tấn công do Đức xúi giục. Cơ quan tình báo này sau trở thành Tổng Cục An Ninh Đông Dương dưới sự điều khiển của Marty, Giám đốc sở mật thám phủ Toàn quyền. Marty có lẽ đã có công nhiều trong việc dự thảo những kế hoạch cao cấp phủ Toàn quyền liên quan đến những vấn đề chính trị bản xứ, một tay bắt bớ, đàn áp các phong trào cách mạng, những người yêu nước, một tay tung ra những hội đoàn như Khai Trí Tiến Đức, những tạp chí như Nam Phong, những Ấu trĩ viện, câu lạc bộ… rêu rao khai hóa, hiệp tác Pháp - Nam để phục vụ chữ quốc ngữ, bồi bổ cho quốc văn!
Vào cuối đời Nam Phong, khi Louis Marty được cử đi làm Khâm sứ Ai Lao, Phạm Quỳnh có viết lời giới thiệu đề cao quan thầy; điều đáng lưu ý là Phạm Quỳnh chỉ giới thiệu Louis Marty như một người tha thiết đến văn hóa Việt Nam và kể những thành tích của lòng tha thiết đó. (Báo Nam Phong, hội Khai Trí Tiến Đức…) nhưng không nói gì đến chức vụ Chánh sở mật thám của Marty, mà báo Tây đã khen không thua kém gì “Sở tình báo của Anh” (Intellgence Service). Louis Marty là người thông thạo chữ Nho, tiếng Việt, hình như biết cả hút thuốc lào… Đó là những cửa ngõ quen thuộc của người làm tình báo, mật vụ thường sử dụng. Về tài quỷ quyệt, báo L’Annam của nhóm Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh đã vạch trần những thủ đoạn mà Marty thường dùng để đàn áp những người bị tình nghi chống Pháp khi Marty được cử làm Công sứ Vinh hồi năm 1927 để “bình định tâm trí” một xứ nổi tiếng làm cách mạng. (5)
Chẳng hạn kiểm duyệt thư từ thay vì mất tiền trả cho những tên chỉ điểm do thám, bỏ tiền mua chuộc người làm cách mạng như đã mua chuộc Nguyễn Bá Trác và Phan Bá Ngọc, một người phản đảng, còn một người đã chỉ cho Tây bắt Phan Bội Châu ở Thượng Hải.
Báo L’Annam, khuynh tả nên đặc biệt chú ý những quan thực dân gốc tả phái, cấp tiến như Sarraut cựu đảng viên đảng Cấp Tiến (Parti Radical), Verenne đảng Xã Hội, Louis Marty cựu đảng viên Cộng Sản, anh em với André Marty có chân trong trung ương đảng Cộng Sản Pháp, Thalamas, Giám đốc học chính Đông Pháp, cựu nghị sĩ cực tả…
Có chính sách khôn khéo, có người lãnh đạo khôn khéo, nhưng nếu không có tay sai thừa hành khôn khéo, thông minh, cũng vô ích. Khen cho những Sarraut, Marty đã có con mắt tinh đời, chọn được người đúng ý muốn, đem hết tài năng thông minh phục vụ những chính sách khôn khéo. Thực dân cho Nguyễn Văn Vĩnh trở về nghề dịch thuật và đưa Phạm Quỳnh lên diễn đàn…
(1) | Đầu đề do Hồn Việt đặt. |
(2) | Trong tường trình “Communication à faire à la presse de 1913 và 1916” trích lại bài đã dẫn trang 332. |
(3) | Trích báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ lên Toàn quyền về vấn đề báo chí. Tài liệu ghi chép của Hoàng Văn Lân, trường Đại học Tổng hợp, theo Nguyễn Đình Chú “Thực cuộc đấu tranh giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh chung quanh vấn đề Truyện Kiều”. Nghiên cứu văn học Hà Nội số tháng 12/1960. |
(4) | Le Vietnam. Tragédie Indochinoise. Paris 1913, tr.216. |
(5) | Xem Lettre ouverte au Camarade Louis Marty, ex – Commoniste Re de France à Vinh. Số 150 (21/3/1927) và Deuxième lettre… số 151 (4/4/1927) ký biệt hiệu: Thăng-Mạt –Ty. |