Ngày Tết, nghĩ về một thoáng ngập ngừng

Cái thoáng ngập ngừng, là chất đệm ấy, như một chuyển cấp tạo sự gượng nhẹ, đem lại êm thắm, hài hòa. Ở trong khắp mặt sinh hoạt, chúng ta luôn gặp thoáng ngập ngừng ấy. Nhưng thoáng ngập ngừng, buồn thay, đã kéo dài quá cái mức đợi chờ.

Người cán bộ cấp dưới đến nhà thăm người cán bộ cấp trên, và người cấp trên chỉ vào chiếc ghế trước mặt:

- Mời cậu ngồi.

Lời mời ấy vốn thật lòng, nhưng người cán bộ cấp dưới tỏ ra ngập ngừng. Phải đợi câu mời tiếp theo, như một mệnh lệnh:

- Cậu ngồi xuống đi…

Bấy giờ anh ta mới ngồi xuống ghế. Sau những câu chuyện thăm hỏi, bữa ăn dọn lên. Chủ nhà lại mời:

- Gặp bữa, mời cậu dùng cơm.

Người cấp dưới lại tỏ ra ngập ngừng. Chủ nhà chỉ một chiếc ghế, nói như ra lệnh một cách thân tình:

- Nào, cậu ngồi xuống đây.

Bấy giờ, người khách – sau thoáng ngập ngừng – đã ngồi vào bàn, để cùng dùng bữa.

Người cán bộ cấp trên có lòng ưu ái với thuộc cấp mình. Tuy nhiên, nếu người cán bộ cấp dưới chưa nhận lời mời – như là ra lệnh – đã kéo ghế ngồi, chưa nghe lời mời – như cách phán truyền – đã đến bàn ăn, thì người cấp trên dễ cảm thấy bị cú sốc về một thái độ có vẻ như là sỗ sàng. Phải có thoáng ngập ngừng đó, ở trong giao tiếp, để cái thực tiễn bên ngoài tìm gặp được sự hòa hợp với sự cảm nhận bên trong. Nói một cách khác, thoáng ngập ngừng ấy lại là cần thiết để mấy ngàn năm phong kiến có thể trôi qua. Lý trí – ở trong ngôn từ dân chủ của người cán bộ cấp trên – là sản phẩm mới, đã được Cách mạng đem lại mấy thập niên qua, nhưng phần cảm tính về sự phân biệt tôn ti giữa người khác cấp lại có chiều sâu vô thức kéo dài đã mấy ngàn năm.

Cái thoáng ngập ngừng, là chất đệm ấy, như một chuyển cấp tạo sự gượng nhẹ, đem lại êm thắm, hài hòa. Ở trong khắp mặt sinh hoạt, chúng ta luôn gặp thoáng ngập ngừng ấy. Nhưng thoáng ngập ngừng, buồn thay, đã kéo dài quá cái mức đợi chờ.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng các cuộc họp phải luôn kêu gọi những người đến dự ngồi lên các dãy ghế trên, mặc dầu cái hàng ghế đầu đã dành cho các chức sắc cấp cao. Bởi lẽ, đa số vẫn thích tọa vị ở hàng ghế cuối. Lại phải lặp lời mời gọi, nhiều khi còn phải nắm tay, đẩy lưng, thúc ép từng người. Không là một thoáng, nhưng trên nửa thế kỷ qua cái sự ì đọng mang màu khiêm tốn vẫn còn nguyên đấy cả mấy ngàn năm. Đến khi ổn định chỗ ngồi, lại còn giới thiệu họ tên, chức vụ, yêu cầu vỗ tay… làm như là những nhân vật xa lạ gặp nhau lầu đầu. Thiếu đi cái thoáng ngập ngừng, qua các nghi thức rườm rà và cũ kỹ ấy, cuộc họp như giảm bớt phần trọng lượng. Khốn nỗi, mỗi lần giới thiệu cụ thể các vị quan khách trong những cuộc họp đông đảo, thông thường vẫn luôn bỏ sót một người nào đó.

Hiện nay, nhờ sự đổi mới, chúng ta đã bớt dừng lại quá lâu ở mục trà nước trong từng cơ quan, mỗi khi bắt tay vào việc. Khá nhiều cơ quan, trước đây, đã biến thành cái nhà riêng, và người có việc là khách thăm nhà. Thử tính, số tiền của mấy mươi năm ấm chén, ly tách, hộp trà và những con người phục dịch có thể trợ giúp bao nhiêu là hộ đói nghèo? Còn cái vô giá là khoảng thời gian phí bỏ trong các đợi chờ – đợi chờ nước nôi, trà ngấm, lại chờ nước nguội sau khi mời mọc... Ngày nay, giao tiếp đòi hỏi ngắn gọn, cụ thể, sao cho phù hợp ni tấc thời gian của từng vụ việc. Vậy sự lề mề đã hết đất sống rồi sao? Hãy xin chớ vội chia buồn. Trong nhiều cơ quan, sự lề mề ở trong công vụ đã được phần nào đẩy lùi thì nó “tụt hậu” qua phần phục vụ cho các khiếu thích giải trí của những thủ trưởng. Nếu thủ trưởng thích bóng bàn, quần vợt hay là chơi gôn, thì gần như phải huy động cả một tiểu đội phục dịch với nhiều màn, lớp và nhiều thời giờ. Thể thao đang có khuynh hướng trở thành món đồ trang sức sặc mùi xa xỉ ở trong một số cơ quan. Hẳn nhiên, nó có tính cách cung đình.

Ngày nay, vẫn còn không ít cơ quan cắn răng chấp nhận một thoáng ngập ngừng kéo dài bất tận để mà hứng chịu vô số cậu ấm, cô chiêu đã không thạo việc lại rất biếng lười kéo vào chiếm chỗ theo đúng tinh thần chia chác hương hỏa. Đó là những kẻ đi trễ, về sớm, coi các công sở là chốn phòng riêng, hợm hĩnh nhưng vô tích sự, tự coi có quyền ăn hại một cách ngang nhiên trên cái công sức cha, anh từ thời dĩ vãng. Chủ nghĩa công thần đang được kế truyền và được biến dạng qua nhiều hình thức, bất chấp cái lẽ tồn tại và sự cần thiết vươn lên của một chế độ.

Vì vậy, dễ hiểu vì sao sự chống tham nhũng phát động lâu nay mà vẫn thấy nguy cơ tham nhũng không ngừng tăng trưởng. Ở đây, có quá nhiều thoáng ngập ngừng. Dầu ai cũng hiểu quá rõ: tham nhũng chính là xa lộ tốt nhất dành cho cỗ xe diễn biến hòa bình. Và hơn như thế, tham nhũng đang được đồng hóa với diễn biến ấy. Từ đó tệ nạn không ngừng gia tăng, không ngừng biến hóa. Người ta tự hỏi, sau thoáng ngập ngừng kéo dài trên nửa thế kỷ, phải chăng pháp luật mắc bệnh ý chí suy đồi?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Làm sao kể hết cả ngàn lẻ một thoáng ngập ngừng ấy, ở trong cuộc sống thường ngày? Dầu có những người nuối tiếc quá khứ, thèm nghe pháo nổ, nhưng điều đáng mừng là đã cấm pháo trong ba ngày Tết, sau thoáng ngập ngừng kéo dài gần hai mươi năm, kể từ thống nhất quê hương. Còn biết bao điều, hiện đang tồn tại qua các tế lễ, hội hè, qua các hủ tục, dị đoan, qua thù tạc và ứng xử… đáng lẽ chỉ cần dung dưỡng trong vòng một thoáng – đúng với nghĩa ấy – của sự ngập ngừng. Đó là phần việc của văn hóa. Nhưng văn hóa đang lúng túng ở trong một thoáng ngập ngừng.

Còn về văn học? Từ muôn đời rồi, văn học vốn rất xa lạ với việc chiếm ghế, giành quyền, văn học là phi quan chức. Nó nặng về phần tính chuyện dài lâu chứ không bận rộn về phần sự vụ, và càng dị ứng với trò chụp giật. Văn học, hiện nay, lại đang bất định trong sự ngập ngừng. Cả về cơ cấu và về nhận thức. Ngay cả những sự phạm thượng, lộng ngôn bắt gặp đôi khi, cũng là hệ quả của ngập ngừng ấy. Đó là bộ mặt làm như khác đi của sự gàn bướng đã có từ thời cổ đại.

Đất nước không muốn tụt hậu nhưng đông đảo người cầm bút còn đang ở lại phía sau. Con đường rộng mở lên công nghiệp hóa, vươn cao lên hiện đại hóa, đã được bao nhiêu ngòi bút dấn thân? Trên hai mươi năm trôi qua, mỗi người có thể tự kiểm điểm lại để xem sản phẩm có gì, và lợi cho ai.

Chúng ta thật lòng chờ đợi hoan nghênh những người có được thành tựu lớn lao. Nhưng tự xét mình, thấy thật khó lòng tiến về phía trước trên một đôi chân khệnh khạng, và càng khó lòng vươn xa khi phải chựng lại ở trong một thoáng ngập ngừng dai dẳng của bản thân mình, và của chung quanh.

Nhà văn VŨ HẠNH