“Tiên học lễ, hậu học văn” là câu cách ngôn vốn có từ xưa mà mấy thập niên vừa qua, các trường học trong Thành phố, trong các tỉnh huyện đều kẻ thành khẩu hiệu chữ to, màu đỏ trên cao dễ nhìn để nhắc nhở học sinh mình. Phải học lễ trước rồi hãy học văn.
Lễ là một trong năm đức lớn: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhân là biết thương người, Nghĩa là làm theo lẽ phải. Nhân nghĩa là cái gốc rễ lâu đời bám sâu vào lòng đất mẹ, Nguyễn Trãi từng nêu bật trong Bình Ngô Đại Cáo:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”
Lễ là cái cột vững chắc của người Việt Nam để đối nhân xử thế. Mối quan hệ giữa người với người thật cần thiết và quan trọng mà Lễ là cái gạch nối, là trung tâm sau Nhân Nghĩa trước Trí Tín. Lễ đứng giữa, sắp đặt như vậy là lô-gích của thánh hiền.

Trong đạo xử thế, chữ Lễ bao hàm ý nghĩa rộng trong đó có cả Nhân Nghĩa và Trí Tín. Lễ là khiêm tốn nhún nhường, không làm tổn thương lòng tự ái của ai. Kẻ dưới giữ lễ với người trên, người trên không dám thất lễ với kẻ dưới.
Chuyện xưa kể rằng: “Trên đường đi, Khổng Tử gặp một đứa bé. Đứa bé cúi đầu chào ông, ông lấy mũ xuống chào lại. Học trò theo ông là Tử Cống, Tử Lộ bèn nói: Thầy mà cũng chào đứa bé ư? Khổng Tử đáp: Đứa bé chào ta, ta không chào lại, vậy là ta không giữ lễ bằng nó”. Chí lý thay!
Đối với học sinh, chúng ta giáo dục các em biết kính trọng ông bà cha mẹ trong gia đình, kính trọng thầy cô ở học đường và kính trọng lễ độ với người lớn ngoài xã hội. Học sinh phải học đạo lý làm người trước rồi mới học văn chương, phải có nền tảng gốc rễ vững chắc rồi mới có cành lá xanh tươi.
Vẫn biết ngày xưa học văn thường chú trọng tầm chương trích cú – ánh sáng khoa học kỹ thuật chưa rọi đến phố phường đừng nói là đến lũy tre xanh. Ngày nay ta phải hiểu Văn trong câu cách ngôn là kiến thức tổng quát gồm cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội...
Để có kiến thức tổng quát đó, trước hết phải học Lễ, Lễ không phải là một khái niệm trừu tượng mà nó được biểu thị bằng lời nói, hành vi rõ rệt: Đi thưa về trình, chào hỏi cung kính, lễ độ với cha mẹ, thầy cô, khi đối diện đàm thoại với người lớn tuổi phải tôn trọng, khiêm tốn thật thà. Những cử chỉ đó rất đẹp, đầy tính nhân văn. Nếu cho rằng Văn là những gì đẹp đẽ thì Lễ ở đây cũng chính là Văn.
Xưa, học trò thầy Chu Văn An khá đông, nhiều người làm nên sự nghiệp. Lê Quát làm quan Hữu Bộc Xạ, Phạm Sư Mạnh làm quan Nhập Nội Hành Khiển, khi có lỗi tự mình đến nhà thầy với quần áo vải thô nằm phủ phục dưới đất để thầy răn dạy. Đâu có gì là quá quắt?
Thời nay đã khác xưa nhiều nhưng “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn là một chủ đề lớn, một phương châm học tập trong nhà trường. Lễ là đạo đức. Người xưa bảo “Đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhân”. Bác Hồ dạy: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, người có tài mà không có đức là người vô dụng”. Xem đó đủ biết lễ nghĩa đạo đức quan trọng thế nào.
Vậy mà thời gian gần đây, trong nhà trường của ta ở nhiều nơi đã xảy ra bao nhiêu việc buồn: trò đánh thầy bị thương tật, trò bắt nạt cô giáo, trò xông vào lớp dạy sỉ nhục rồi rượt đánh thầy cô. Một số bậc phụ huynh dẫn con em đến lớp chửi thầy cô trắng trợn. Còn thầy cô thì xử tệ với học sinh, bắt ép học sinh học thêm để lấy tiền, đổi điểm lấy tiền, đổi điểm lấy tình, thậm chí còn hiếp dâm học sinh nhỏ tuổi. Báo chí từng đăng những tin rất đau lòng như thế.
Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ngày nay, liệu còn giá trị không?
Sách có câu: “Thần thí kỳ quân, tử sát kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố”. Nhưng cớ gì thì không thể chấp nhận những sự việc kể trên. Trách nhiệm này thuộc về ai? Gia đình? Nhà trường hay xã hội? Có lẽ thuộc về cả ba, phải có sự phối hợp đồng bộ cả ba thì mới hiệu quả.
Hiện nay ở nước ta, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng cao? Bài toán này phải giải như thế nào cho đúng, cho thuyết phục, có kết quả công nhận được? Làm thế nào để câu khẩu hiệu trên được thực hành một cách nghiêm túc, đúng mực, để khi ta nhìn vào nó ta không áy náy hay xót xa mắc cỡ. Rất mong có sự phối hợp đều tay đồng lòng. Chúng ta phải chữa bệnh ngay, chứ để lâu ngày thì biến chứng thành mãn tính, sẽ có nhiều hậu quả xấu hơn.