Năm ngoái, đúng vào dịp Tết nguyên đán, tôi về quê và được gặp ông bác bên đằng mẹ. Bác cũng vừa từ Quảng Ninh về quê ăn Tết. Đó là bác Trần Duy Tặng. Bác Tặng nay đã ngoài chín mươi tuổi, nhưng hãy còn khoẻ mạnh, minh mẫn lắm.
Đến tận bây giờ, bác Tặng vẫn còn tự hào rằng bác là người đầu tiên, được đọc truyện Chí Phèo của cha tôi. Bác bảo: “Ngày xưa, bác hay sang chơi với chú Thuật, em trai nhà văn Nam Cao”. Hôm nào, cha tôi ở nhà, bác thường mượn sách, báo của cha để đọc. Lần ấy, khi đến chơi nhà, bác thấy cha tôi ngồi lì trong buồng mấy hôm liền. Rồi bỗng một ngày, cha tôi gọi bác vào buồng, đưa cho bác một tập giấy chi chít những chữ là chữ và bảo: “Anh viết đẹp, anh chép lại hộ tôi cái này nhé!”. Bác rất vui, cầm về nhà, rồi cặm cụi ngồi chép. Chỉ hai, ba ngày đã xong, và đem trả lại. Bác nói, lúc ấy cha tôi đặt tên truyện là Cái lò gạch cũ. Sau này nhà in đổi tên thành Đôi lứa xứng đôi. Và mãi về sau, mới đổi thành truyện Chí Phèo. Nhưng tên các nhân vật thì trước sau, vẫn giống nhau lắm!
Bác còn kể, khi truyện in thành sách, cha tôi đưa về nhà mấy cuốn. Đám bạn bè của bác và của cha tôi đều tranh nhau đọc. Riêng bác, bác cứ tủm tỉm cười rất là khoái chí và nói:
- Tớ đã được đọc từ đời tám hoánh nào rồi ấy chứ! Và bác bảo: sách ra chẳng bao lâu, thì chả hiểu do đâu mà cả làng đều biết. Mọi người kháo ầm lên: “Cậu giáo Tri, con ông phó Huệ là nhà văn rồi cơ đấy! Truyện của cậu ấy được in thành sách rồi kia kìa”. Rồi cũng từ chuyện này mà đám kỳ hào có máu mặt ở trong làng đã xỉ vả ông nội tôi rằng: “Không biết dạy con, để nó viết sách chửi cả làng”. Họ còn doạ, sẽ cho cha tôi vào tù… Tiếp theo dân làng bàn tán nhiều lắm: Những rằng: ai là Bá Kiến, ai là Chí Phèo, ai là Thị Nở, ai là Binh Chức, Lý Cường. Cả một thời gian cứ xôn xao làng nước… Rồi bác xác nhận: Bá Kiến thì đích thị là ông Chánh Bính, bố vợ của bác rồi! Chỉ có Chí Phèo thì không giống hẳn một ai ở làng. Có tới ba người mang dáng dấp Chí Phèo, tuy mỗi người chỉ giống một ít thôi ấy là:
- Người thứ nhất tên Chí: Ông này cha mẹ ở làng, nhưng không có vợ con nhà cửa. Hàng ngày ông lang thang ở chợ, đi mổ lợn cho những nhà chuyên giết lợn, bán thịt. Xong việc, ông không đòi tiền, chỉ xin họ một đoạn cái phèo của con lợn và lít rượu. Có hai thứ đó, là đủ bữa ăn của ông. Tối đến, sau khi đã uống rượu xong, ông khật khưỡng đi đến bất kỳ cái lều nào ở chợ để ngủ. Ai trông thấy ông cũng cất tiếng trêu đùa: “Anh Chí đi đâu đấy?”. Ông chủng chẳng trả lời: “Đi phèo đây”. Chẳng hiểu vì lý do “cái phèo lợn” hay “đi phèo đây” mà người ta gọi ông là Chí Phèo. Chứ ông không ăn vạ, cũng chẳng rạch mặt bao giờ.
- Người thứ hai tên Trinh. Ông này không rõ quê quán ở đâu, cũng chẳng biết cha, mẹ là ai. Ông chính là “đứa trẻ” người ta nhặt được ở ngoài lò gạch. Ông uống rượu nhiều như người ta uống nước. Mỗi khi say ông lại chửi trời, chửi đời, chửi mọi người mà nếu ai “động” đến ông ấy thì ông ăn vạ. Chẳng ai dại gì dây với ông. Nhưng ông có vợ và một đàn con đông đúc.
- Còn một người nữa tên là Trần Hữu Đào. Ông này là cậu họ của nhà văn Nam Cao. Đồng thời chính ông là anh canh điền, đi ở cho nhà ông Chánh Bính (nhân vật Bá Kiến). Ông Đào rất hiền lành và khoẻ mạnh. Ông có vợ, con. Vợ ông là một trong hai người được nhà văn chọn để xây dựng nên nhân vật Thị Nở. Bà Nở lấy ông Đào, đương nhiên trở thành mợ của nhà văn Nam Cao.
Về quan hệ của ông Đào và bà vợ ba ông Chánh Bính. Nhà văn Nam Cao chỉ nói: “… Hắn nhớ đến “bà Ba” cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân, mà lại phải bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thoả nó, chứ có yêu gì hắn đâu.
Hồi ấy, hắn hai mươi. Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại, bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ, lại sợ…”. Nhưng ở làng Đại Hoàng thì rất nhiều giai thoại về chuyện đó. Có người kể: “… Một trưa hè, chồng đi vắng, sai con ở đi hái nhãn, chỉ còn một mình ở nhà, vợ Chánh Bính (Bá Kiến) gọi ông Đào (Chí Phèo) lên, đưa cho Đào một cái quạt rất to, cán dài. Bà sai ông Đào quạt cho bà, nhưng phải quạt thật mạnh. Ông Đào quạt, bà Ba mặc yếm lụa vàng, không thắt dải ngang, váy lụa đen, nằm trên phản, chân quay về phía ông Đào.
Ông Đào quạt cái thứ nhất, bà Ba giục: quạt mạnh vào. Ông Đào quạt cái thứ hai mạnh hơn, thì yếm bà Ba hở ra và quần lụa tốc lên. Ông Đào đỏ mặt, chuyển đứng về phía đầu bà. Bà liền xoay người lại cho chân về phía ông Đào đứng và lại giục.
- Quạt nữa đi!
Chí Phèo quạt cái thứ ba, gió cũng phối hợp với cái giẫy lụa khéo léo của người nằm. Toàn bộ những cái cần che đậy trên người bà đã phô bày, hở hang ra hết. Bà bảo:
- Thằng khỉ!
Lúng túng ông Đào run run đáp:
- Lạy bà! Con không dám.
- Bà cho dám! Tiếng bà cất lên…
Người ta lại bảo: “Tưởng rằng chỉ có trời, bà Ba và ông Đào biết việc này. Nào ngờ, vẫn còn một người nữa biết. Đó là ông Loan. Người hầu tráp của ông Chánh Bính. Là vì hôm ấy, ông Chánh Bính đi hát cô đầu. Ngồi tiếp ông là một cô đào rượu, khoảng mười chín, đôi mươi béo mũm mĩm. Mỗi lần chuốc rượu cho khách, bộ ngực đồ sộ, nóng hổi của cô áp sát vào cụ Chánh. Còn lúc bình thường tay trái cụ Chánh luôn đặt lên đùi non cô và đưa lên vuốt phía trên… Mê mẩn, cụ Chánh lấy tiền để thưởng cho cô đào, mới nhớ ra cái ví để quên ở đầu giường bà Ba từ tối hôm trước. Cụ liền sai ông Loan về lấy. Ông Loan về và đã chứng kiến toàn bộ hành động của bà Ba và ông Đào.
Sau này, ông Loan rời làng ra ở với người con cả ở ngoài thành phố Nam Định. Một lần ông về làng chơi với người con út ở làng. Hôm ấy, có người bạn thân của con trai đến chơi. Hai người bạn lâu ngày gặp lại nhau. Họ nói hết chuyện trên trời, dưới biển, thì đem chuyện ông Đào ra bàn tán. Ông mới tủm tỉm cười mà rằng:
- Tớ biết một chuyện còn hay gấp mấy lần, truyện giáo Tri viết cơ. Chúng mày biếu tớ chai rượu, tớ kể cho mà nghe. Hai thanh niên nghe chuyện xong, dù ông Loan đã dặn dò kỹ lưỡng, là phải giữ mồm, giữ miệng. Nhưng câu chuyện trên vẫn nhanh chóng lan ra khắp làng.
Người ta lại đồn rằng, chính do chuyện ấy mà ông Đào phải vào tù. Và rằng cụ Bá hay ghen nhưng sợ bà Ba nên không dám nói. Không biết thực hư ra sao. Nhưng một thời ông Đào phải đi tù, thì đúng sự thực.
Lại nói về ông Chánh Bính (tức nhân vật Bá Kiến) ông này là một con người khôn ngoan, lọc lõi ở làng. Từng làm lý trưởng, rồi lên chánh tổng. Ở thôn quê khi ấy, mấy dòng họ có máu mặt luôn tranh giành quyền lực với nhau, cho nên cũng chẳng dễ gì giữ được vai vế. Nhưng sở dĩ ông vẫn đứng vững được là nhờ biết cương, biết nhu đúng lúc. Ông có tới năm bà vợ, mười bốn người con: năm trai chín gái. Trong truyện Chí Phèo thì nhà văn Nam Cao bảo rằng: cuối cùng Chí Phèo đâm chết Bá Kiến. Nhưng trong thực tế, ông Chánh Bính sống mãi đến ngày tổng khởi nghĩa.

Nhà văn Nam Cao
Khi đó, nhà văn Nam Cao làm chủ tịch xã Nhân Hậu. Hàng ngày nhà văn đến các nơi công cộng để hội họp hoặc mít tinh. Mỗi khi gặp Chánh Bính, ông ta vẫn kính cẩn: “chào ông chủ tịch ạ!” rất trịnh trọng. Không còn thấy dọa sẽ cho đi tù như hồi nào nữa. Vả lại sau cách mạng, gia đình ông Chánh Bính cũng có nhiều thành viên tích cực tham gia kháng chiến như: con rể cả là ông ký Ban từng là bí thư chi bộ xã từ ngày đầu cách mạng. Con rể nữa là bác Tặng từng tham gia cách mạng rất sớm, nay là lão thành cách mạng. Con rể thứ ba là thầy Phấn (cùng dạy học với nhà văn Nam Cao - là nhân vật San trong tiểu thuyết Sống mòn) từng đi Nam chiến đấu, lên đến cấp đại tá, bây giờ vẫn còn khoẻ mạnh, đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Con trai thầy Phấn cũng vào bộ đội đánh Mỹ và trưởng thành trong chiến đấu.
Và ngôi nhà của ông Chánh Bính (là nơi bà Ba và ông Đào từng để lại nhiều chuyện vui cho làng) nay vẫn còn nguyên vẹn. Đó là ngôi nhà cổ với những gian chính, gian phụ. Gồm có mười sáu cây cột gỗ lim rất to, chân kệ đá tảng có khắc hoa văn rất cầu kỳ. Hiện ngôi nhà còn nguyên vẹn những rui, mè dọc, ngang. Những cánh cửa, những bức bàn và cả cái mái ngói rêu phong cùng bức dại che nắng được làm toàn bằng những thanh gỗ lim rất độc đáo, thật hiếm thấy ở đồng bằng sông Hồng.
Ngôi nhà ấy cũng có một lịch sử đặc biệt: Bởi nó đã chứng kiến những thăng trầm của bảy đời gia chủ, từng sinh sống trong đó.
Người chủ đầu tiên là cụ Trần Duy Hanh. Cụ Hanh xuất thân ở thôn quê, nhưng cụ biết nhìn xa, trông rộng lại giỏi giang trong kinh doanh, buôn bán nên làm ăn phát đạt. Khi làm ngôi nhà này, cụ dụng công kén thợ ở tận Cao Đà về xây cất.
- Người chủ thứ hai của ngôi nhà là con trai cụ Hanh và người chủ thứ ba là cháu nội cụ Hanh tên là Trần Duy Cát. Cát là người không giữ được nghiệp nhà, anh ta không chí thú làm ăn lại sa vào nghiện ngập. Khi người cha mất rồi, mỗi lần muốn uống rượu, Cát tìm đến Chánh Bính vay tiền. Vốn thèm khát ngôi nhà đã lâu. Chánh Bính sẵn sàng thả mồi, giăng bẫy. Chánh Bính cho Cát vay tiền nhiều lần. Rồi nhân một hôm Cát uống rượu say bí tỉ, Chánh Bính đánh tiếng đòi nợ. Cát không có tiền trả, liền viết giấy bán nhà cho Chánh Bính, để trừ vào món nợ đã vay. Vậy là ngôi nhà ấy đã rơi vào tay Chánh Bính (người chủ thứ tư).
Chánh Bính tuy có năm người vợ và một đàn con đông đúc. Nhưng chỉ có ông và bà Ba sống trong ngôi nhà ấy.
- Người chủ thứ năm của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hậu. Ông Hậu cũng người làng Đại Hoàng. Nhưng ông đi làm ăn ở tận Tân thế giới. Tháng 8 năm 1963, ông về thăm quê. Do có con mắt tinh đời, ông hiểu rõ giá trị của ngôi nhà. Ông liền bỏ ra 4.500đ (ở thời điểm ấy tương đương với khoảng vài, ba chục cây vàng) để mua nó. Ông lại đi tiếp, nên lại giao nhà cho người cháu ruột là Trần Hữu Hoà - một thầy giáo làng đã nghỉ hưu đến ở đó để trông coi. Từ bấy đến nay, ông Hậu vẫn không trở về, thầy giáo Hoà cũng đã qua đời. Vậy là ngôi nhà có chủ thứ bảy là chị Trần Thị Châu, con gái ông Hoà.
Những năm gần đây, khi phong trào săn hàng gỗ cổ nổi lên. Rất nhiều người từ trong Nam, ngoài Bắc tới làng tôi. Họ tìm gặp chủ nhà ngỏ ý muốn mua. Gia chủ cũng đã có lúc định bán. Song lãnh đạo xã Hoà Hậu (quê hương của nhà văn Nam Cao) rất có tâm huyết với việc bảo tồn một hiện vật quí giá, một chứng nhân lịch sử gắn liền với văn chương của người con ưu tú trên quê hương, đã thuyết phục gia chủ đừng bán vội. Cũng rất mừng, chủ nhà cũng là có người thiết tha với việc giữ gìn những hiện vật lịch sử của xóm làng. Do vậy, có lúc ngôi nhà được trả giá rất cao, nhưng nghe theo sự giải thích của lãnh đạo địa phương chủ nhân quyết tâm giữ lại, không bán.
Sau đó, vào cuối năm 2007, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã chi ra một số tiền không nhỏ, so với hoàn cảnh kinh tế của một địa phương còn nghèo, để mua ngôi nhà đó.
Thưa quý độc giả, những chuyện xung quanh tác phẩm Chí Phèo của cha tôi – nhà văn Nam Cao, hãy còn dài lắm! Tôi xin tạm hầu chuyện bạn đọc đến đây.
Nam Định ngày 1/12/2008
Xem thêm: