Nhà văn Dương Thu Hương hôm 21.4.2023 đã được ban giám khảo giải thưởng Cino Del Duca trao giải "nhà văn lớn mà tác phẩm và nhân cách độc đáo chứa đựng thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại ".
Trên mạng xã hội, hàng vạn người chúc mừng, tung hô coi sự vinh danh này như một vinh quang cho nữ nhà văn tiêu biểu của Việt Nam. Tôi biết, trong số họ, chừng ba phần tư chưa bao giờ đọc Dương Thu Hương.Cũng có người nói :" từ khi Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp không viết nữa tôi chẳng có gì để đọc". Thực ra điều đó chẳng có gì lạ, xưa nay cái gì bị cấm đoán vẫn có sức hấp dẫn.Người ta đọc vì tò mò, tán thưởng những gì vốn kiêng kị, nhạy cảm bỗng nhiên có ai đó dám đem ra mà đùa bỡn...
Chúng ta cũng không nghi ngờ tài năng và nhân cách của nữ nhà văn, đọc Dương Thu Hương, ta cùng chung với nhà văn những cảm xúc, những mảnh đời, những uẩn ức, những thân phận, những người mà cuộc Cải cách ruộng đất hay thời kỳ cách mạng ấu trĩ và sai lầm, đã làm xói mòn lòng tin với cuộc sống, với chế độ xã hội. Dương Thu Hương không bịa chuyện, không bôi nhọ, phỉ báng. Những hiện tượng xã hội, những con người mà bà gom lại để làm nhân vật cho tất cả các tác phẩm của mình trên thực tế cuộc sống đều có và cũng hoàn toàn không phải cá biệt. Điều đáng tiếc là những gì bà phát biểu ở ngoài kia, ở đằng sau Văn Chương và những trang viết của bà kìa.
Cái gì làm nên tư tưởng của một nhà văn? Vốn văn hóa, nhân cách, nhận thức chính trị... tất cả những cái đó không thể thay thế cho TRÍ TUỆ. Văn hóa Nho giáo, tam cương, ngũ thường gồm nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trong đó có chữ TRÍ. Không có đủ trí tuệ, không thể có nhận thức đúng, sao có thể có chữ Tuệ trong tư tưởng.
Cách nay 70 năm, nhà văn Nam Cao viết truyện ngắn Đôi mắt, ông kể về một chuyến công tác đã ghé thăm người bạn cũ là nhà văn. Khi những trí thức yêu nước tích cực tham gia vào công cuộc kháng chiến thì nhà văn họ Hoàng bàng quan đứng ngoài cuộc, chăn ấm nệm êm, vun vén cho mình bản thân mà Nam Cao gọi là một tay chợ đen có tài. Hoàng kể cho Nam Cao về một tay dân quân mù chữ mà cứ suốt ngày soát giấy người ra vào làng, một anh chàng du kích kéo tre đi rào làng kháng chiến say mê giải thích về ba giai đoạn kháng chiến... về một ông chủ tịch xã vốn bán hàng cơm chỉ giỏi đánh tiết canh, về một anh vệ quốc quân mắt toét gọi lựu đạn là nựu đạn. Với một đôi mắt đầy hoài nghi, đầy định kiến, Hoàng không nhìn thấy đằng sau cái hồn nhiên của người nông dân Việt Nam là cả một tinh thần hăng hái tham gia đánh giặc. Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người nông dân bỏ lại đằng sau vợ con đói khát đi chiến dịch thồ hàng, mở đường gánh gạo, những chàng vệ quốc quân áo nâu sồng mũ tre nan hăng hái ra mặt trận, trong số những người lính nông dân ấy, bao nhiêu người đã anh dũng hi sinh.
Đem những bức xúc cá nhân vào cái nhìn dân tộc, đất nước, Dương Thu Hương gọi trí thức Việt Nam là đám giẻ rách, chẳng còn phân biệt được thù và bạn: "kẻ thù không phải là lũ mắt xanh mũi lõ, kẻ thù là đám da vàng mũi tẹt. "
Đem nỗi hận thù cá nhân, nhà văn chẳng còn coi ai ra gì, tự mình xếp hàng cùng với những kẻ hôm qua còn ca ngợi, còn tự hào với đất nước, với dân tộc, nay trở cờ chống lại chính lý tưởng của mình. Hội Nhà văn, những người cả tuổi thanh xuân tươi đẹp đã lăn lộn trên mọi chiến trường khốc liệt để viết, cũng bị Dương Thu Hương gọi là lũ bồi bút
Ngưu tầm ngưu, nữ văn sỹ tìm cho mình những người bạn mới: Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Tín, Thư Hiên... Đáng kể trong nhóm này có Giáo sư văn học, thầy giáo ĐHSP Hà Nội Nguyễn Đăng Mạnh. Trong cuốn hồi kí của mình, Nguyễn đã xúc phạm cả danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc, Bác Hồ.
Giải thưởng văn học nước ngoài luôn có những tiêu chí ngoài Văn Chương, người ta vinh danh một nữ văn sỹ đang chống lại đất nước mình, nhân dân mình. Cái gì đã làm "một nhà văn lớn với nhân cách độc đáo" đặt những thứ hão huyền lên trên Tổ Quốc, đất nước và nhân dân mình ?
- Lê Sĩ Bình -