Nhớ anh nhớ mãi cách làm người

Sau ngày giải phóng đất nước, tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi ngắn với vị kiến trúc sư (KTS) tài danh và cũng là nhà cách mạng lớn Huỳnh Tấn Phát. Chúng tôi nói với nhau về người bạn chung là KTS Nguyễn Hữu Thiện (tác giả công trình Thư viện tổng hợp và nhiều ngôi chùa lớn ở TP Hồ Chí Minh, bạn đồng học và đồng chí hoạt động cách mạng với ông). Con người ông toát ra niềm lạc quan cách mạng, luôn tin tưởng về một ngày mai tươi sáng của đất nước tuy còn gặp muôn vàn khó khăn sau ngày giải phóng.

Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu

pic

Câu lạc bộ Hải quân Pháp do KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế

KTS Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại Bến Tre. Ông từng học các trường trung học Mỹ Tho và Pétrus Ký ở Sài Gòn, sau ra Hà Nội học kiến trúc.

Ông tốt nghiệp thủ khoa kiến trúc khóa 1938 tại trường Mỹ thuật Đông Dương. Đối với nhiều giới ở Sài Gòn, ông từng là một kiến trúc sư tài ba và có đông thân chủ, cả Pháp lẫn Việt, vào đầu các năm 1940, với văn phòng đặt ở số 68-70 đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu). Ông thiết kế khá nhiều biệt thự, từ Hà Nội đến Đà Lạt, Sài Gòn… Ngôi biệt thự số 150 đường Nguyễn Đình Chiểu (nay là nơi ở của lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh) vẫn còn đó và sử dụng khá tốt. Thiết kế của nhà kiến trúc trẻ Huỳnh Tấn Phát thời đó không mang dáng dấp nệ cổ kiểu các KTS Đông Dương đồng nghiệp thời 1930-1940, mà đã dứt khoát theo hướng hiện đại, phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới nắng gắt, mưa nhiều phía Nam.

Mới còn tập sự ở văn phòng kiến trúc sư người Pháp Chauchon, ông đã được giao thiết kế Câu lạc bộ Hải quân (nay là Văn phòng 2 Phủ Thủ tướng, trên đại lộ Lê Duẩn). Đây rõ ràng là một kiến trúc hiện đại kiểu phương Tây giữa Sài Gòn vào cuối những năm 1930. Năm 1941, ông đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế trung tâm hội chợ - triển lãm Đông Dương tại vườn Ông Thượng (Tao Đàn) do Toàn quyền Pháp Decoux tổ chức.

Tuy vậy, ông lại không quan tâm làm giàu với nghề kiến trúc, và từ đầu những năm 1940 đã chuyển hướng dứt khoát sang hoạt động cách mạng. Ông sáng lập tờ báo Thanh Niên chống Pháp và Nhật. Cùng nhóm Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước… ông hoạt động trong các phong trào yêu nước chuẩn bị khởi nghĩa năm 1945 ở Nam Bộ: “Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến… Nóp với giáo, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước…”.

Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn nhớ lại:“Đúng 10 giờ đêm, Huỳnh Văn Tiểng và tôi đi bộ ra xem Huỳnh Tấn Phát xây đài xong chưa, thì hóa ra đúng 10 giờ đã mọc trên ngã tư Bonard-Charner (nay là Lê Lợi-Nguyễn Huệ) sừng sững, cao vọi, sáng rực một cột vuông uy nghi, giới thiệu cho đồng bào chính quyền cách mạng sẽ được tuyên bố 10 giờ sáng ngày 25 tháng 8 trong cuộc tập họp có vũ trang của một triệu đồng bào thành phố và ngoại ô đứng chật ních ba đại lộ ngày nay là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, và quảng trường Cuniac (nay là Quách Thị Trang). Tiếc rằng ngày nay ta không có tấm ảnh nào của công trình của Huỳnh Tấn Phát xây dựng đêm 24 tháng 8, một công trình mà hồi đó Phạm Ngọc Thạch bảo là giống lâu đài huyền thoại trong chuyện cổ tích, xây dựng một đêm xong”.

Năm 1946, Huỳnh Tấn Phát được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và hướng dẫn đoàn thanh niên miền Nam ra thăm thủ đô Hà Nội.

Trong chiến tranh Việt - Pháp, công tác bí mật ở Sài Gòn, ông bị Pháp bắt giam. Năm 1949, thoát ly ra chiến khu, giữ chức Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, trực tiếp phụ trách Đài phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.

Nhà hoạt động chính trị có tâm và có tầm

Sau Hiệp định Genève 1954, ông được bố trí ở lại Sài Gòn hoạt động, làm việc tại văn phòng của người bạn là KTS Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1960, ông thoát vào chiến khu tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 6/1969, được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Nghề kiến trúc vẫn đeo đẳng ông ngay cả khi rất bận rộn với công tác cách mạng. Bạn bè ông qua hai cuộc kháng chiến đều nhắc lại việc ông đã sử dụng vật liệu thô sơ như gỗ rừng, tranh tre nứa lá xây dựng nên những hội trường bề thế cho các đại hội lớn trong vùng giải phóng. Hiện nay thị trấn Lộc Ninh vẫn duy trì được khu nhà của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do chính ông thiết kế. Trong vùng chiến khu luôn bị bom đạn Mỹ tấn công, ông vận dụng kiến thức kiến trúc để bố trí các khu cơ quan giải phóng thật an toàn cho đồng đội.

pic

Phác thảo thủ phủ Lộc Ninh

Ông Mai Hoàng Lê, trợ lý KTS Huỳnh Tấn Phát trong chiến khu, ghi rằng: “Trong rừng sâu và điều kiện chiến tranh, căn cứ của cơ quan Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam cũng như cơ quan khác đều xây dựng đơn giản, bằng cây lá rừng. Nhưng quan sát kỹ, căn cứ của Chính phủ cũng có nét khác. Điều quan trọng hơn là anh Tám Chí (bí danh của ông Huỳnh Tấn Phát) chỉ đạo chúng tôi nghiên cứu bố trí thế nào cho tránh được bom rải thảm của máy bay B-52 Mỹ; nếu có đánh trúng điểm thì chỉ lướt qua sườn, không đập vào toàn bộ cơ quan... Trong việc chọn căn cứ, anh Tám Chí đích thân chọn điểm và xem xét cách bố trí. Trong cặp anh thường có cái la bàn, một bản đồ quân sự để nghiên cứu xem xét việc xây dựng cứ”.

Kỹ sư Huỳnh Kim Trương, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học-Kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cũng viết rằng:“Khi còn ở Chiến khu B2, anh Bảy Hồng tức đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam thường đến găp anh Tám Chí để thảo luận công việc. Thấy anh Tám mặc dù bận trăm công ngàn việc của Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời, vẫn tranh thủ thời gian phác thảo một nhà khách mà chính phủ dự định cất tại “thủ phủ Lộc Ninh”. Là bạn học cũ cùng trường Trung học Mỹ Tho với anh, thấy anh Phát cặm cụi vẽ, đồng chí Phạm Hùng vỗ vai nói vui:“Anh Tám nên nhớ mình đang là Chủ tịch Chính phủ chớ không phải là kiến trúc sư văn phòng 68 Mayer ở Sài Gòn đâu nhé!” rồi hai anh cùng cười xòa, chuyển sang công việc trước mắt”.

Chắc ít người biết ông là một họa sĩ vẽ chân dung rất có hồn, phác thảo phong cảnh cũng khá nhanh và chính xác. Nay còn lưu lại bức tranh ông vẽ nhà báo nổi tiếng người Úc Burchett khi ông này vào chiến khu phỏng vấn ông năm 1964. Một phác thảo khác thật sống động ghi lại quang cảnh lễ đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên. Họa sĩ kháng chiến Lê Thanh Trừ nhớ rõ:“Ông vẫn giữ được nét vẽ vững chắc, sắc sảo, đầy tinh thần. Năm 1964, khi tiếp nhà báo Úc Burchett tại chiến khu, tiện có tờ giấy, bút chì, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát liền vẽ chân dung nhà báo quốc tế lỗi lạc này để gửi đăng tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng. Hay lần ghé thăm phòng hội họa ở chiến khu (1963), ông cùng với anh em họa sĩ vẽ chơi vài bức chân dung. Người mẫu của ông chính là họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Ông không chỉ vẽ chân dung mà còn vẽ về phong cảnh. Bức Lễ hội đâm trâu ông đã vẽ nhân thăm lại chiến trường cũ Tây Nguyên”.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thống nhất, Trưởng ban chỉ đạo Quy hoạch thủ đô Hà Nội.

Khi là Phó Thủ tướng đặc trách về xây dựng cơ bản, làm Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam ông từng để lại dấu ấn khó phai mờ nơi các cộng sự cả trong Nam lẫn ngoài Bắc như một nhà quy hoạch nhìn xa trông rộng, một nhà kiến trúc tài ba và sắc bén. Ông tâm đắc nhất là phương án quy hoạch thủ đô Hà Nội do ông chỉ đạo nghiên cứu. Theo ông ba thế mạnh của Hà Nội là cây xanh, mặt hồ và di tích lịch sử. Khai thác được các thế mạnh đó thì thủ đô sẽ có những nét nghệ thuật độc đáo. 

Ông mất ngày 30/9/1989 tại TP Hồ Chí Minh.

Góc tưởng niệm Huỳnh Tấn Phát 

Tôi thường ghé thăm ngôi nhà tưởng niệm KTS Huỳnh Tấn Phát. Nhìn từ bên ngoài không ai nghĩ rằng ngôi biệt thự nhỏ xinh xắn và thoáng mát nằm trên con đường Lê Ngô Cát ở qụận 3 TP.HCM này lại chứa một góc tưởng niệm một nhân vật lớn ở miền Nam.

pic

Bàn làm việc của KTS Huỳnh Tấn Phát

Căn phòng lớn nhất ngôi nhà dành trọn làm nơi tưởng niệm ông. Ngoài bàn thờ, không gian được bày biện giống như một bảo tàng thu nhỏ về cuộc đời và sự nghiệp rất đa dạng của một nhà kiến trúc tài năng đồng thời là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của phong trào cách mạng miền Nam.

Ba mặt tường treo kín hình ảnh ghi lại các hoạt động rất phong phú suốt 50 năm của nhà chính trị, bàn tủ quanh phòng thì chứa đầy hiện vật sinh hoạt, tư liệu, gồm chiếc bàn làm việc lớn và cả chiếc bàn thiết kế con con ông từng sử dụng khi còn sống ở Hà Nội. Gia đình nay còn giữ được nhiều bản phác thảo kiến trúc, đặc biệt là cuộn giấy phác thảo phương án quy hoạch thủ phủ Lộc Ninh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do tự tay KTS Phát thực hiện.

Tôi chú ý nhất bức ảnh hai nhà lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Văn Linh cưỡi Honda 67 trong rừng miền Đông Nam Bộ. Và cả bức ảnh ông Phát trong quân phục giải phóng, mang súng ngắn trong chiến khu D.

Đối với nhân dân cả nước và thế giới, KTS Huỳnh Tấn Phát  xuất hiện như một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ. Riêng đối với anh em trong giới kiến trúc, ông mãi mãi được ghi nhớ như một nhà kiến trúc tài ba, rất yêu nghề, có cái tâm lớn, một bậc thầy cao quý, một nghệ sĩ tài ba.

Như lời thơ một người bạn ngày ông vĩnh viễn ra đi năm 1989:

“Nhớ anh nhớ mãi cách làm người

Sống trong nhân ái, chết đời tiếc thương!”.

KTS Nguyễn Hữu Thái