Nhà báo, nhà văn lớn JEAN LACOUTURE (1921-2015) - Tấm lòng đối với Việt Nam

 Sáng sớm ngày 17-7-2015, báo Pháp Le Monde thông tin nóng: “Jean Lacouture, nhà báo và ngôi sao trước tác, chứng nhân ưu ái của thế kỷ, đã qua đời hôm qua 16-7-2015 thọ 94 tuổi. Ông xuất thân từ giới bảo thủ, sớm trở thành một người cánh tả dấn thân cho việc loại trừ chủ nghĩa thực dân từ sau thế chiến thứ hai”.

Nhân tố nào đã tạo nên sự chuyển hóa ấy?

Từ điển Bách khoa mở của Pháp fr.wikipedia giải đáp luôn. Câu dẫn nhập mục từ vốn đã có về Jean Lacouture cập nhật ngay hôm ấy: “Jean Lacouture, sinh ngày 9-6-1921 tại Toulouse, mất ngày 16-7-2015 tại Roussillon là nhà báo, nhà văn, nhà sử học Pháp dấn thân cho sự nghiệp cánh tả sau lần gặp nhà cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh”.

Lần gặp đó diễn ra ngày 7-3-1946 tại ngôi nhà số 18 phố Ngô Quyền (Hà Nội), trước quen gọi Bắc Bộ phủ. Chàng phóng viên trẻ của báo Caravelle, tùy viên báo chí của tướng Leclerc, Anh hùng giải phóng Paris năm 1944, được De Gaulle phái sang cầm đầu đạo quân viễn chinh Pháp với tham vọng khôi phục chế độ thực dân lên ba nước Đông Dương. Hai mươi năm sau, trong cuốn Hồ Chí Minh, cuốn tiểu sử đầu tiên viết về Bác Hồ (Nhà xuất bản Seuil, Paris, 1967), Jean Lacouture thuật lại chi tiết cuộc gặp cùng những cảm nhận của mình. Ông giữ suốt đời ấn tượng về “cụ già với đôi mắt sáng như có ngọn lửa đốt từ bên trong, vầng trán mênh mông dưới mái tóc hoa râm, từ khuôn mặt đến vóc dáng đều tỏa sáng một nhân cách cao quý”... “Và, giống như nhiều người khác được trang bị còn tốt hơn tôi, tôi bị cụ hút hồn” (tr.101-103).

Sáu mươi năm sau, tại cuốn sách nhìn lại cuộc đời tác nghiệp của mình(1), phác họa chân dung hơn 90 chính khách và nhà văn hóa lẫy lừng thế giới mà ông đã có dịp gặp, làm việc, phỏng vấn..., từ Kim Nhật Thành của Triều Tiên, Sékou Touré nước Guinée, Mohammed quốc vương Ma Rốc, đến Robert Kennedy của Hoa Kỳ, Arafat nhà lãnh đạo Palestine, Pierre Mendès-France Thủ tướng và François Mitterrand Tổng thống Pháp, văn hào Albert Camus Giải thưởng Nobel văn học, nhà báo Beuve-Mery người sáng lập nhật báo Le Monde, nhà văn Jules Roy tác giả cuốn Trận Điện Biên Phủ v.v..., Jean Lacouture lại dành những tình cảm tôn kính nhất viết về “Bác Hồ, hồn nhiên tự tại” - đầu đề bài viết. Ông lại dùng cụm từ bị hút hồn. “Cụ bắt đầu nhìn anh, anh đã cảm thấy cụ hấp dẫn. Cụ nói chuyện với anh, anh bị cụ hút hồn. Suốt cuộc đời tác nghiệp của mình, tôi chưa từng gặp vị chính khách nào mà tự thân toát ra một phong thái giản dị tự nhiên thánh thiện tới mức ấy” (tr.54-55).

Tại cuộc gặp tháng 3 năm 1946, Bác Hồ nói với chàng phóng viên trẻ: “Nhân dân một nước như nước Pháp của bạn, từng cống hiến cho thế giới biết bao tác phẩm văn học viết về tự do, nhân dân Pháp bất kỳ lúc nào có thể tìm thấy ở chúng tôi, cho dù điều gì xảy ra đi nữa, những người bạn. Những người dân thường Pháp mô tả trong các tác phẩm của Victor Hugo hay của Michelet có nhiều điểm tương đồng với người dân thường Việt Nam chúng tôi lắm, giống nhau như anh em vậy. Hoàn toàn khác những người Pháp được cử sang làm đại diện đất nước bạn tại xứ này... Này, ông bạn trẻ, chủ nghĩa thực dân thực là quá tồi tệ, cho nên mới làm cho con người ta sa đọa tới mức ấy!”.

Những tên thực dân sa đọa ấy, qua thực tiễn Việt Nam, Jean Lacouture đã nhận rõ mặt: Đó là Đô đốc D’Argenlieu, Cao ủy Pháp tại Đông Dương, là Léon Pignon, Ủy viên chính trị và hành chính, là viên tướng thuộc địa Valluy..., những tên thực dân cáo già đã dùng mọi thủ đoạn lừa dối nhân dân Pháp, chính giới Pháp, báo chí Pháp nhằm áp đặt trở lại chế độ thuộc địa lên nước Việt Nam độc lập, tự do bằng bất cứ giá nào(2). Trong khi tướng Leclerc, một quân nhân dũng cảm, trực tính, kiêu ngạo lại nhận thức được tình hình. Trong mấy bức điện khẩn mật liên tiếp gửi về Pháp sau lần hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3 năm 1946, tướng Leclerc khẩn khoản: “Với lực lượng quân sự như chúng ta có hiện nay, không thể nào chiến thắng nổi Việt Minh. Phải tìm cách thương lượng để giải quyết vấn đề. Và người đối thoại của chúng ta, về phía Việt Nam, không thể ai khác ngoài Hồ Chí Minh”. Tháng 12 năm 1946, sau sự cố ở Hải Phòng, tình hình hết sức căng thẳng. Bác Hồ gửi điện khẩn cho người bạn cũ là Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đương nhiệm, đề nghị giải quyết các cuộc va chạm bằng biện pháp thương lượng nhằm cứu vãn hòa bình và quan hệ giữa hai nước. Hơn ba tháng trước, tại Paris, Bác đã nói với Marius Moutet khi hai người tìm cách thu hẹp các bất đồng tiến tới ký Thỏa ước tạm thời ngày 14-10-1946: “Vâng, vấn đề này [vấn đề Việt Nam] có thể giải quyết xong trong ba tháng hoặc ba mươi năm. Nếu các bạn cứ một mực áp đặt chiến tranh lên chúng tôi, các bạn có thể giết chết mười người chúng tôi trong khi chúng tôi chỉ có thể gây thương vong cho một người phía bạn. Song, cả với cái giá ấy đi nữa, người chiến thắng rốt cuộc là chúng tôi”. Bác Hồ vẫn chuộng giải pháp hòa bình. Trong khi bọn thực dân tại Sài Gòn theo sự điều hành của chính D’Argenlieu, đã viện lý do kỹ thuật, kìm bức điện chậm đến 11 ngày, để cho cuộc chiến nổ ra, đến khi chính phủ Pháp nhận được thư Chủ tịch Hồ Chí Minh thì coi như mọi sự đã rồi. Jean Lacouture đã chứng kiến, ông có vô vàn tư liệu về những câu chuyện như thế. Ông sáng tỏ chân lý từ câu nói của Bác Hồ: Tại sao nước Pháp lại cử những con người biến chất tồi tệ đến mức ấy làm đại diện cho mình ở nước ngoài?

Ngộ ra sự thật, nhà trí thức trẻ được đào tạo tại các Trường Dòng (cấp tiểu học, học Trường mang tên Đức Mẹ Maria - Les Marianistes, cấp trung học Trường mang tên Chúa Jésus - Les Jésuites), trong tay nắm ba bằng đại học văn chương, luật và chính trị học, đành “ngậm ngùi cay đắng” (chữ của ông) giã từ Việt Nam. Về Pháp, ông làm đặc phái viên báo chí, sang Bắc Phi ủng hộ hết mình cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Algérie gạt bỏ ách thực dân.

Jean Lacouture dành cho nhân dân và đất nước ta cảm tình đặc biệt nồng hậu. Ông được Bác Hồ tiếp và làm việc nhiều lần. Ông chứng kiến những sự kiện rất quan trọng. Ông có mặt tại cuộc mít tinh ngày 7-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về sự cần thiết và tác dụng của việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, “tạm thời không được lòng dân cho lắm”, với nhân dân thủ đô. Ông là một trong số ba nhà báo Pháp theo dõi và đưa tin về cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đô đốc D’Argenlieu trên tuần dương hạm Suffren đỗ ngoài khơi vịnh Cam Ranh, trên đường Bác Hồ từ Pháp trở về. Ông theo dõi cuộc mít tinh lịch sử tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 23-10-1946, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích với nhân dân ta về việc ký kết Thỏa ước tạm thời với Pháp ngày 14-9-1946 tại Paris: Bác nói “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Jean Lacouture đã tường thuật tỉ mỉ cuộc mít tinh. Lúc đầu, tình hình có vẻ không thuận, bởi do một số phần tử xấu xúi giục, xuyên tạc việc ký thỏa ước, không ít người dân phân vân. Sau khi nghe Bác Hồ nói chuyện, biển người dự mít tinh vỡ òa trong tiếng hô không dứt: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

Ông cảm thông sâu sắc và hoàn toàn chia sẻ cảm tình của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tên gọi thân quý “Bác Hồ”. “Có một điều không ai có thể phủ nhận ở Chủ tịch Hồ Chí Minh: ấy là nỗi đam mê thuyết phục người khác, là ước mong cực kỳ dân chủ: làm sao cho dân chúng nghe theo bằng lòng tin chứ không phải bằng áp đặt”. Ông thú vị với bức thư Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu. Ông bình thơ Nhật ký trong tù. Ông dẫn mấy câu nhà thơ Thanh Hải viết từ miền Nam, mà ông nhầm là “một nhà văn Sài Gòn”, bày tỏ ước mong của nhân dân miền Nam được gặp Bác ngày đất nước thống nhất qua lời em bé: Bác cười thân mật biết bao/ Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu. “Trong mối liên hệ giữa Bác Hồ và nhân dân Việt Nam - Jean Lacouture viết - có sự khác xa quan hệ được tạo dựng nên giữa các nhà lãnh đạo khác với quần chúng nước họ, có một cái gì đó riêng biệt của Bác Hồ, tuyệt nhiên không ai có thể làm thay. Ấy là không bao giờ viện tới quyền lực, lúc nào cũng với lời lẽ ôn tồn - sự quyến rũ và sức hấp dẫn của Bác Hồ là chỗ đó”.

Một lần, tại Hà Nội, giữa hai lần báo động máy bay Mỹ ném bom, Jean Lacouture đang làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì cửa phòng hé mở. Bác Hồ nhẹ nhàng bước vào: “Giống hệt như mười lăm năm trước, bước chân Người đi vẫn nhẹ nhàng, còn nhẹ hơn tiếng sột soạt bộ quần áo may bằng vải kaki Bác mặc trên người. Bác mỉm cười đưa tay ra hiệu bảo chúng tôi cứ ngồi yên: “Thủ tướng nói về đường lối của Chính phủ thì hay hơn tôi. Tôi ghé sang đây như một người bạn cũ, trò chuyện với anh đôi điều về những ngày qua. Thế nào, Paris có gì mới nào, hở anh bạn?”.

Cuối những năm 1960, Bác Hồ không được khỏe, phải đi chữa bệnh ở nước ngoài. Jean Lacouture sang miền Nam, tìm gặp và phỏng vấn một sĩ quan cao cấp Mỹ đang giúp chế độ Sài Gòn “bình định” đồng bằng sông Cửu Long. Viên sĩ quan ngán ngẩm: “Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc kháng chiến. Những người nông dân châu thổ quyết chiến đấu tới cùng chống chế độ Sài Gòn bởi họ hoàn toàn tin theo Cụ Hồ. Nhưng Cụ Hồ đã cao tuổi. Cụ mất đi, nông dân hụt hẫng về tinh thần, chúng tôi khắc chiến thắng”. Tháng 9 năm 1966, tức là trong quá trình hoàn chỉnh lần cuối cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh trước khi đưa in, Jean Lacouture sang Washington gặp “một trong những người Mỹ thông minh nhất và thành thạo nhất về tình hình châu Á”. Người Mỹ ấy nói: “Cũng như ông (J.L.), tôi ngưỡng mộ ông Hồ Chí Minh. Đó là một nhân cách hấp dẫn, có thể nói quyến rũ nữa, một nhà yêu nước suốt đời không bao giờ nghĩ tới lợi ích riêng tư. Tuy nhiên, ước mơ của cả cuộc đời ông Hồ là thống nhất nước Việt Nam, ước mơ ấy sẽ không thực hiện được. Bởi người Mỹ chúng tôi quyết không để cho ông làm... Tôi rất tiếc cho ông Hồ, việc đó sẽ không xảy ra đâu” (ý nói bởi Bác Hồ đã cao tuổi - tr.250-251).

Và tác giả cuốn sách phản bác: “Ai mà biết trước được? Bác Hồ sau nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng, nay đã cao niên. Có thể Bác sẽ không được tận mắt nhìn thấy nước Việt Nam thống nhất từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, nhưng Bác đã đào tạo nên một lớp học trò được tôi luyện trong đấu tranh, lớp người ấy sẽ tiếp chân Bác hoàn thành sự nghiệp”.

Jean Lacouture được phương Tây coi như một người am hiểu nhất tình hình Việt Nam. Bộ Đại từ điển bách khoa mới của Pháp, xuất bản lần đầu năm 1996 Encyclopedia Universalis, và cùng lúc, Đại từ điển bách khoa Anh Encyclopedia Britanica tái bản, đều nhờ ông viết mục từ “Hồ Chí Minh”. Ông đã dồn tâm huyết thực hiện sứ mệnh ấy, vẫn theo tinh thần mấy dòng in ở bìa cuốn Hồ Chí Minh, có bổ sung phần về nhà thơ, nhà văn hóa đậm tính nhân văn:

Từ nửa thế kỷ nay

Dưới hai chục bí danh khác nhau

Người sáng lập nước Việt Nam

Vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ cách mạng

Của những người dân thuộc địa.

Từ khu phố Mouffetard đến Quảng trường Đỏ

Từ Điện Biên Phủ

Đến cuộc chiến tranh chống Mỹ leo thang

Nhà cách mạng đã tiến hành

Cuộc chiến đấu dài lâu nhất

Chống cái trật tự thế giới bị áp đặt bởi các siêu cường.

* * *

Nhà báo, nhà văn Jean Lacouture qua đời, để lại một sự nghiệp đồ sộ với hơn 70 tác phẩm. Cùng với báo chí, ông nổi bật trong ngành sử học qua loại hình tiểu sử danh nhân. Sau thành công của cuốn Hồ Chí Minh, ông liên tiếp cho ra đời một loạt tiểu truyện các chính khách đương đại: Léon Blum, Piere Mendès-France, François Mitterrand, John F. Kennedy, Nasser..., có những bộ dài gần hai, ba ngàn trang sách khổ lớn, như tiểu sử De Gaulle (3 tập), François Mitterrand (2 tập), Jésuites (2 tập)... Hầu hết được dư luận, trước hết là các bậc trưởng lão ngành sử học, đánh giá cao. Viện sĩ Viện Hàn lâm, Chủ tịch Viện Lịch sử đương đại Pháp René Rémond (1918-2007) đọc xong De Gaulle, nhận định: “Một bộ sách tuyệt vời. Tại Pháp từ trước đến nay chưa từng có tài năng nhà viết tiểu truyện nào thể hiện cao tới mức ấy!” - tuần báo L’Express. Nhà sử học và phê bình văn học Henri Guillemin (1903-1992) hạ một từ: “Bậc thầy!” - nhật báo Le Monde. Một Viện sĩ Hàn lâm khác, nhà sử học Pierre Nora (sinh năm 1931) khẳng định: “Sau 800 cuốn sách viết về De Gaulle, đây là tác phẩm hay nhất!” - nhật báo Le Matin v.v…

Như một nhà phê bình văn học cảm nhận, Jean Lacouture viết tiểu truyện những người ông ngưỡng mộ. Song song các chính khách và nhà văn hóa đương đại, ông đến với những nhân tài đã lùi sâu vào dĩ vãng: Montaigne, Montesquieu, Stendhal, Alexandre Dumas, cả ngôi sao điện ảnh Greta Garbo mà ông đặt phụ đề tên cuốn sách là La Dame au Cameras(3)… Bộ lịch sử Các giáo sĩ Dòng Tên Jésuites (2 tập, 1991, 1992) là cuốn “Tiểu sử nhiều người” (une multibibliographie) ông làm là để trả nghĩa những giáo sĩ đã dạy dỗ ông từ lớp vỡ lòng đến tuổi thành niên. Ông dành một chương trong bộ sách nói về việc ra đời chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Công lao ấy không riêng của Alexandre de Rhodes như một số người cố tình áp đặt. Ông quan tâm tất cả những gì có liên quan đến Việt Nam. Gặp cơ hội là ông cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý hiếm, đúng thực tế nhưng ít người biết hoặc bị cố tình che giấu bởi có lợi cho ta. Tác phẩm cuối cùng của đời ông, xuất bản ở tuổi 93, một cuốn tiểu truyện nữa, bối cảnh lại là Việt Nam: Người bạn bị quên lãng của Malraux tại Đông Dương: Paul Monin (1890-1929)(4). Paul Monin là luật sư, nhà báo, bạn của chí sĩ Nguyễn An Ninh. Thời Nguyễn An Ninh làm báo La Clôche fêlée (Tiếng chuông rè), ông cùng nhà văn André Malraux xuất bản báo L’Indochine tại Sài Gòn, 1925 (ít lâu sau đổi tên là L’Indochine enchaînée - Đông Dương bị xiềng) tố cáo chủ nghĩa thực dân, đòi quyền dân chủ cho người Việt Nam.

Jean Lacouture là cây bút đa tài, xuất sắc trên nhiều lĩnh vực. Sức làm việc của ông thật phi thường. Về việc viết tiểu sử danh nhân, nhà báo Antoine Perraud (Đài phát thanh France Culture) ví ông là một con lạc đà nhảy từ đỉnh núi cao này sang đỉnh núi cao khác. Sau Hồ Chí Minh, De Gaulle là François Mitterrand, Nasser, J.F. Kennedy... Ông chia sẻ: “Quả vậy. Mỗi danh nhân là một ngọn núi. Vách núi dựng đứng, hiểm trở. Leo núi nhiều lúc hụt hơi. Không ít lần choáng ngợp. Nhưng, xuất thân từ nghề báo, tôi cố gắng hành nghề sao cho tử tế”.

Thế nào là tử tế? Ông viết lịch sử với phong cách nhà văn nhưng chân thực, có nhận định của riêng mình. Không chỉ dựa vào văn bản, cứ liệu mà còn đi vào cuộc sống. Thể hiện cuộc đời và sự nghiệp De Gaulle 15 năm sau ngày vị tướng qua đời, đã có sáu, bảy trăm cuốn sách viết về ông, bản thân nhân vật cũng đã cho công bố các Hồi ức, Sổ tay, Nhật ký của mình, còn gì để nói, và nói sao để không lặp lại người khác? Trong mười năm nghiên cứu chuyên sâu, Jean Lacouture đã làm hơn trăm cuộc phỏng vấn, đối thoại với các chứng nhân, bạn đồng hành cũng như người chống đối De Gaulle (để viết riêng tập I). Viết tiểu truyện François Mitterrand sau “50 năm quan sát từ xa” và hai năm nghiên cứu chuyên đề, tác giả có hơn chục đối thoại với nhân vật, bảy tám lần dùng cơm tối với nhau tại Điện Elysées, và nói theo cách nói của một nhà báo Pháp, “riêng một mùa thu 1995, trước ngưỡng cửa mồ (lúc này tổng thống đang bị ung thư giai đoạn cuối), Mitterrand vẫn ưu ái dành cho Jean Lacouture năm cuộc đối thoại”.

Đam mê lớn của Jean Lacouture là nghề báo. Một lần gặp ông, sau khi mờ mắt vì cố đọc xong bộ sách mấy ngàn trang ông tặng, tôi nói: “Lạ thật. Anh phụ trách phần chính trị đối ngoại của mấy tờ báo, cập nhật thời sự từng giờ, nước nào có chuyện nóng là anh bươn tới luôn, thời gian đâu, sức lực đâu cho anh làm bấy nhiêu sách?”. Ông cười: “Lần tới sang Paris, mời anh ghé tôi chơi. Chúng ta trò chuyện. Câu chuyện này không thể trình bày trong khi mải thưởng thức phở Hà Nội và nhai nem Sài Gòn”.

Bước vào tuổi 90, ông cho in tập chân dung 14 nhà báo lớn của nước Pháp từ xưa tới nay mà ông ngưỡng mộ(5). Tại sao? Ông lý giải: “Thi ca, âm nhạc, thiên văn không cần được bảo vệ. Báo chí, nếu có thể đặt ngang các loại hình trên, thì có”. Bởi báo chí từ khi mới ra đời và ngay cả đến ngày nay vẫn bị một số người nổi tiếng chê bai, dè bỉu. Trong khi “các nhà báo là những chứng nhân lớn [của lịch sử], là những người đầu tiên thông đạt [lịch sử] đến người dân” (Lời nói đầu, tr.10). Hơn ai hết, tác giả cuốn sách xứng đáng là nhà báo lớn thứ 15 của Pháp. “Jean Lacouture là hiện thân của một nền báo chí mạnh, có sức tác động lên các tình huống. Một nền báo chí mà những năm gần đây ông cho là đang trên con đường tiêu vong do phải đối mặt với sức mạnh của đồng tiền” - nhà báo Luc Cedelle, đồng nghiệp lâu năm của Jean Lacouture, thổ lộ trên báo Le Monde hôm được tin bạn qua đời, ngày 17-7-2015.

Cầu chúc ông an nghỉ chốn vĩnh hằng!

 

_____

(1) Jean Lacouture, Une vie de rencontres (Một đời người toàn những cuộc gặp), NXB Seuil, 2005.

(2) Philippe Devillers, Paris Saigon Hanoi, Les archives de la guerre (Paris Sài Gòn Hà Nội, Hồ sơ chiến tranh), NXB Gallimard, 1988.

(3) Một cách chơi chữ. Liên tưởng đến La Dame aux Camélias, tiểu thuyết của Alexandre Dumas con (ta dịch là Trà hoa nữ). Greta Garbo đã thể hiện thành công vai Trà hoa nữ trong một bộ phim Mỹ năm 1936.

(4) NXB Les Indes Savantes, Paris, 2014.

(5) Les Impatients de l’histoire - Grands journalistes français de Théophraste Renaudot à Jean Daniel (Những người nóng lòng với lịch sử - Những nhà báo lớn của Pháp từ Théophraste Renaudot đến Jean Daniel), NXB Grasset, 2009.

PHAN QUANG