Thời đó, chiến tranh, cuộc sống vô cùng giản dị. Ông ở chung nhà với anh chị em cán bộ nhân viên ở Đài, không nhận nhà riêng Bộ trưởng. Đi công tác nước ngoài về, còn dư mấy chục đô-la, ông nộp lại Bộ Tài chính. Là người treo cờ ở Nhà hát Lớn hôm 19/8, Tổng khởi nghĩa, người trí thức Trần Lâm làm Tổng Giám đốc Đài suốt đời, từ hồi nó phát sóng lầu đầu tiên 7/9/1945.
Ông là một trong những cột trụ của công tác tư tưởng suốt 40 năm, là người được “đặc biệt tin cậy”. Đài Tiếng nói Việt Nam suốt mấy chục năm đó có một tác động lợi hại không thể tính được hết! Nó truyền đi tất cả: tin tức, mệnh lệnh, chiến lược và sách lược của kháng chiến – cách mạng, văn hóa – văn nghệ… Thậm chí có lúc nó được dùng để truyền “mật lệnh” chiến đấu vào Nam. Nó là người giữ lửa, người nhen nhóm phong trào, người làm công tác đối ngoại, địch vận (buổi phát thanh tiếng Anh cho lính Mỹ với “Hana” – cô gái Hà Nội mà lính Mỹ rất hâm mộ giọng đọc tiếng Anh truyền cảm...).
Đài là một Bộ Tư lệnh chiến đấu, xây dựng mà ông Trần Lâm là Tư lệnh. Lịch sử cuộc chiến tranh 30 năm phải được viết lại, với phần “công tâm” (chữ của Nguyễn Trãi: “Đánh vào lòng người”), trong đó có phần đóng góp trọng yếu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và ngay từ trong những ngày kháng chiến chống Mỹ đói nghèo, ông Trần Lâm đã nghĩ đến việc xây dựng Đài Truyền hình, cử người sang Cuba học kỹ thuật, và đến năm 1970 thì phát sóng từ 58 Quán Sứ. Ngày nay, truyền hình và phát thanh có được cơ ngơi to lớn, có được hệ thống từ trung ương đến địa phương, đều là “công cả” của ông Trần Lâm và các cộng sự thời ấy.
Có nghe có người tù Côn Đảo kể chuyện áp tai nghe Đài Tiếng nói Việt Nam ở ngoài đảo xa thời ấy để giữ vững niềm tin, chí khí chiến đấu, mới biết Đài, tin tức của nó còn cần hơn cả cơm ăn…
Có đứng dưới mưa ở một cột đèn đường đêm nghe Tiếng Thơ với giọng ngâm Châu Loan, Trần Thị Tuyết… mới hiểu tác dụng của Văn nghệ trên Đài. Những Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Cao Việt Bách… đã hình thành các bài hát từ ngọn lửa thiêng của Đài. Không có Đài, sẽ không có các bài hát ấy mà ngày nay mỗi khi nghe lại, ta vẫn rạo rực khí phách một thời. Tất cả các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng một thời; từ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi; các nhà văn trên tuyến lửa miền Nam như Anh Đức, Viễn Phương… đã là những cộng tác viên của Đài. Toàn bộ nền văn nghệ kháng chiến – cách mạng đã “lên sóng”. Tiếng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, đọc Lời kêu gọi trong Hội nghị chính trị đặc biệt thời chống Mỹ, những lời chúc Tết – giao thừa… đã vang vọng trên sóng của Đài tới với toàn quân toàn dân.
Ông Trần Lâm là tất cả những cái đó, là linh hồn của những cái đó suốt 40 năm. Vĩnh biệt ông, cũng là vĩnh biệt một thời. Ông ra đi đã mang theo bên mình ký ức của một thời oanh liệt không bao giờ trở lại…
HỒN VIỆT