Để Gorbachev, Iakovlev… những tên gián điệp nội gián, phản bội… (như tài liệu lịch sử lâu nay chứng minh), lọt vào nội bộ, công phá từ bên trong, làm “con ngựa thành Troie (cheval de Troie)” thì Liên Xô sụp đổ có gì là lạ! Dĩ nhiên còn có những nguyên nhân khác. Nhưng nguyên nhân nào cũng phải thông qua nhân tố con người và con người phát huy nó, con người chủ thể của lịch sử!
Trung Quốc lúc đó chịu một vết thương chí mạng do “Cách Mạng Văn hóa”, nhưng Trung Quốc không đổ, mà vượt qua và đi lên được như ngày nay. Là nhờ có các “nguyên lão” sáng suốt, bình tĩnh, kiên trì.
Liên Xô tiềm lực mọi mặt đều hơn, nhưng “họa từ tường vách”, đổ cái ình. Lịch sử ghê gớm như vậy. Cảnh giác thì ai hơn là cơ chế của Đảng Cộng Sản, mà lạ thay, lúc nó suy, nó để lọt những nhân vật khủng khiếp đến như vậy!
“Biết người biết mặt biết lòng làm sao!”. Vừa tin yêu phải vừa cảnh giác. “Hỡi những con người mà tôi hằng mến yêu, hãy cảnh giác!” (J.Fucik). Con người là một đại lượng dễ thay đổi biết chừng nào!
Gần đây ở ta, từ đánh giá nhân vật quá khứ đến nhân vật lịch sử hiện đại đều có vấn đề. Thứ nhất là cách đánh giá, tiêu chí đánh giá, quan điểm đánh giá chưa thật chuẩn mực, còn tùy tiện, cảm tính, đôi khi bè phái, cơ hội. Thứ hai là tư liệu lịch sử chưa đủ.
Ở ta, nhiều tư liệu, nhất là tư liệu lịch sử đương đại chưa được công bố rộng rãi. Mà tư liệu là không khí của nhà khoa học, nói có sách, mách phải có chứng! Dân tộc ta giỏi làm nên lịch sử, nhất là lịch sử chiến trận, nhưng ghi chép lịch sử thì cực yếu!
Thắng Nguyên Mông ba lần, Đại Việt sử kí toàn thư ghi được mấy trang? Có nhiều khi là lấy “tạm” sử liệu của người ta rồi chế biến, đảo lại.
Đến ngày nay, nhiều cái phải đi tìm “tử công phu”, còn ngay trước mắt thì cứ ang áng, cảm tính, cảm tình, phe nhóm, cứ ca ngợi hết lời, thả sức “như ca ngợi người đã chết”, “vừa chết”, bất chấp thực tế lịch sử sờ sờ còn đó.

Đại Việt sử kí toàn thư.
Công và tội, nhiều khi là “công thủ tội khôi” (công đầu, tội đầu), “thiên thu công tội” (nghìn năm công tội), nhưng đều nói một chiều công, di lụy cho đời sau, con cháu không biết đường nào mà lần, có muốn công bình trở lại cũng khó!
Phải xem xét toàn diện, công minh, khách quan, gạt bỏ ra ngoài mọi yêu ghét cá nhân, khuynh hướng, chỉ tính đến lợi ích toàn cục của đất nước này, nhân dân này. Làm được gì cho đất nước, làm được nhưng có tiêu tốn, lãng phí quá mức cho phép của dân không, đã đem lại lợi ích gì thiết thực cho dân (nếu cần, định lượng).
Và làm được nhưng dựa vào đó mà “được”, “được” cho phần mình và cho gia đình, dòng họ, con cháu mình, “chỉ vụ ích kỷ phì gia, thiên hạ lớn lao chẳng hề đoái tiếc” (Nguyễn Trãi). Sờ sờ ra thế mà nhiều ông nhắm mắt làm ngơ, ca ngợi cho sướng miệng để thỏa ơn riêng, tình riêng, thế thì làm sao đánh giá nhân vật lịch sử được?
Việc này còn nhiều vướng mắc, bí ẩn, không dễ làm ngay. Nhưng càng thận trọng, khoa học, nghiêm túc, công minh giữa cống hiến và khuyết điểm, nhược điểm (có những nhược điểm nhỏ và nhược điểm to làm ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử, phải phân tích đánh giá cho rõ, cho ra).
Môn lịch sử là môn hiện nay học sinh ít thích học, kết quả thi tốt nghiệp Phổ thông vừa qua nó cũng là môn điểm yếu nhất (Lịch sử: 65% bài thi đạt trung bình, cao nhất là Hóa: 96,4%, Văn: 85,84% - số liệu của TP.HCM).
Ngành Lịch sử cũng có lẽ còn là môn yếu nhất ở ta (kể cả Lịch sử Văn học). Nó rõ ràng có những nguyên nhân khách quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan là ở những nhà sử học, những người tham gia vào sử học...
Rõ ràng, sử học còn cần một bước ngoặt.