Bầu trời vần vũ những cụm khói bông. Những tiếng reo hò, hoan hô: - Quân và dân ta đánh giỏi! Nhiều chiếc máy bay giặc Mỹ xâm lược đã bốc cháy, kéo theo những cột lửa dài lao ra biển…
Ấy là năm 1965 còn in đậm trong ký ức mỗi người dân xứ Thanh. Bị thua đau, liên tiếp ở chiến trường miền Nam. Hòng cứu vãn tình thế nguy khốn ở miền Nam, Mỹ đã dựng nên sự kiện vịnh Bắc Bộ và nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá các tuyến giao thông huyết mạch: cầu Đò Lèn, cầu Hàm Rồng, bến phà ghép… Khi ấy anh thanh niên tuổi 20, thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc, đang dạy học ở quê hương. Quê ở xã Cầu Lộc - huyện Hậu Lộc - tỉnh Thanh Hóa, một vùng đồng nước chiêm trũng, nước váng gạch cua, anh chứng kiến cảnh đạn bom tang tóc ập xuống bà con xóm làng… Cũng như bao thanh niên cùng trang lứa lớp lớp theo lời Đảng, Bác Hồ kêu gọi: người cầm súng xông ra trận, người là thanh niên xung phong nơi tuyến lửa, người là giáo viên trên trận tuyến thầm lặng…
Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy, thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường. Thầy Trạc tình nguyện lên dạy học ở Pù Nhi - huyện Quan Hóa, nơi xa xôi hẻo lánh nhất tỉnh Thanh, một xã “trắng” về giáo dục. Thế là ba lô: những tập sách giáo khoa, những trang giáo án… hành trang lên đường… Đất nước có chiến tranh, phương tiện ngày ấy không có, cuốc bộ là thượng sách. Hành quân đường trường, qua đèo qua dốc… chí đã quyết là sẽ đến… Đang ở nơi đồng bằng, đến môi trường mới: rừng núi thâm u, những cánh rừng hút mắt, những đỉnh núi bốn mùa mây trắng vấn khăn…

Cuộc sống đời thường thiếu đủ thứ trong sinh hoạt, nơi đây bà con dân tộc thiểu số còn quá nghèo, lạc hậu. Trường lớp tuềnh toàng, phên che, lán dựng buổi đầu. Đêm xuống chỉ nghe tiếng lá xào xạc, tiếng chim, nai tác cũng đã thấy ưu tư. Buổi đầu lớp học chỉ có 10 em nhỏ, chủ yếu là con cháu trưởng bản. Bàn, ghế là ván, luồng ghép đóng lại, ngôn ngữ giao tiếp thầy trò không hiểu nhau. Học sinh cứ bỏ lớp dần. Nhiều đêm khi chòm sao Tua rua đã chênh chếch phía trời tây, thầy Trạc vẫn còn thao thức: - Chẳng lẽ bó tay, để lớp không người, không trò sao?
Đêm trong rừng chỉ có ngọn đèn dầu leo lét, ánh sáng đỏ quạch. Lòng cũng thoáng se se… Nhưng lòng quyết tâm đã phát sáng như có ngọn lửa trong tim, thầy bắt đầu ê a như trẻ nhỏ, bập bõm học tiếng Mông… Thầy cùng lao động, lên ngàn đẵn củi với bà con, gần gũi giao tiếp, học hỏi. Thầy học người già, người trẻ. Thầy học ngày rồi đêm, bắt đầu là những câu thoại, xã giao. Hết ghi chép lại phát âm, hằng trăm lần nhuần nhuyễn trong đầu. Thầy cần mẫn học, phát âm, quyển vở học đã ghi dày những con chữ tím nghiêng nghiêng nét. Vừa học tiếng vừa tiếp cận dạy trò, có lúc thầy phát âm chưa chuẩn lơ lớ… cả trò và thầy cùng cười vui…
Như cây xanh giữa rừng xuân lá biếc, sức trẻ giúp thầy hòa nhập nhanh. Khi đã có vốn liếng là tiếng H’Mông, thầy có thể giao tiếp và dạy các em bằng hai ngôn ngữ. Bước đầu thầy dạy tiếng phổ thông bằng cách thông qua các bài hát, điệu múa để tạo sự thích thú, say mê cuốn hút học sinh. Quản chi rừng thẳm, núi cao, đèo dốc… Mùa mưa, một dòng suối cũng duềnh lên như một dòng sông lớn. Không quản ngại, lưng cõng sách vở, thầy lặn lội đến từng chòm bản cheo leo, mở từng lớp nhỏ. Kiên trì bám bản, biết mấy gian nan. Bằng cách trên, phải tập hát múa cho các em. Lại phải qua hai mùa hoa đào núi nở. Đến năm thứ ba, các em mới được con chữ.
Trăm nghe không bằng một thấy. Để mở rộng tầm mắt cho các em, thầy Trạc tổ chức cho con em làng, bản đi thực tế ở miền xuôi. Thời ấy, muôn ngàn gian khó, kinh phí, xe đi lại không có… Đất nước đạn bom rền rĩ, thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ. Vậy mà có lần thầy Trạc còn mạnh dạn đưa các em ra cả thủ đô Hà Nội để mắt thấy, tai nghe. Được đi đây đi đó, mở mang tri thức, không những các em thích thú mà cả các bậc phụ huynh cũng phấn khởi, sướng cái bụng.
Có lần họp dân bản, già làng họ Thào đã rưng rưng: “Người Mèo ta không có cái chữ thì đói, nghèo, lạc hậu truyền kiếp thôi. Người Kinh, hắn có cái chữ làm ra ô tô, điện sáng lóa mắt, phải cho con cháu học cái chữ thôi. Không phải ma ăn hết cái chữ của người Mèo ta đâu…”. Như mưa dầm thấm sâu, dần dần lớp học của thầy Trạc ngày càng đông vui.
Thời ấy thiếu thốn đủ thứ, thầy bỏ cả tiền lương của mình để mua vật dụng cho lớp học. Một mặt thầy vận động các gia đình cho con đi học, mặt khác thầy còn lặn lội đưa 12 em học sinh học lớp 4 của làng bản ra tận tỉnh Bắc Thái học các trường sư phạm 4+3, 7+3, bổ túc công nông để về làm nòng cốt, gây dựng đội ngũ giáo dục cho huyện, tỉnh sau này. Lại có lần thầy đưa 6 em đi học trường pháp lý. Trong điều kiện kinh phí không có, thầy đã lặn lội vượt rừng, núi đến gõ cửa một số cơ quan xin tài trợ để có nguồn kinh phí cho các em ăn học…
Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp trồng người, dạy học nơi vùng biên và từ những năm gian khó ấy, thầy Trạc đã chăm lo gây dựng đội ngũ “khai tâm, khai sáng” cho làng bản hôm nay… Đất nước đã thắm sắc hoa, Pù Nhi từ một xã mù chữ, trắng về giáo dục nay đã thăng hoa đổi đời, mà khởi đầu là cái chữ Cụ Hồ do thầy Trạc và các “kỹ sư tâm hồn” miền xuôi nhen lửa ấm.
Hành trang về nghỉ chế độ của thầy Trạc là: Danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước phong tặng: Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân. Đặc biệt nữa là căn nhà có mái lợp bằng gỗ pơ-mu thắm đượm nghĩa tình do bà con xã Pù Nhi tặng thầy Trạc tại xã Cầu Lộc - huyện Hậu Lộc - tỉnh Thanh Hóa. Một món quà không dễ mấy ai có được cũng là để tri ân mãi mãi về một người thầy tận tâm, hết lòng vì sự nghiệp trồng người, một tấm gương sáng vừa mới đi xa, nhưng tiếng thơm còn mãi thiên thu.