Gặp NGƯT - nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan và nghệ sĩ Hải Phượng sau đêm khép lại chương trình Đại hội Đàn tranh châu Á lần 2 tại TPHCM. Cũng trong những ngày này, Hải Phượng lại tiếp tục cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang biểu diễn nghệ thuật ở xứ hoa anh đào, nhân chương trình kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.
- Thưa nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan, vừa là một trong các thành viên tổ chức và cũng là người tham gia chỉ đạo biểu diễn đàn tranh của CLB Tiếng hát Quê hương, xin cho biết nhận xét của bà về cuộc hội ngộ đàn tranh châu Á?
- NGƯT - nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan: - Có thể nói rằng, với 29 nhạc sĩ nước ngoài tham gia lần này, hầu như đều có mặt các nghệ sĩ bậc thầy đàn tranh châu Á như GS Ishise Akiko (Nhật Bản), GS Lee Chae Suk (Hàn Quốc), GS Wei Tue Don (Đài Loan)…
Qua các đêm biểu diễn, nhạc hội đàn tranh đã tạo được ấn tượng khá tốt đẹp từ phía khán giả cũng như qua con mắt của bạn bè. Ví dụ đoàn nghệ sĩ Nhật Bản với sự điều khiển của GS Ishise Akiko đã hòa tấu tác phẩm Vầng trăng khuyết đỏ; đoàn Hàn Quốc với phần độc tấu Mái chùa trên cao và tam tấu Tháp chuông đồng hồ; đoàn Trung Quốc với tam tấu Thiên cầm trong dòng nước, bài tứ tấu đàn guzheng Điệu trúc tím v.v… một cuộc hội ngộ âm nhạc đàn tranh thật thú vị!

Hòa tấu đàn tranh “Lý ngựa ô”. Ảnh: Thùy Dương.
- Các nghệ sĩ nước ngoài nhận xét về đàn tranh của chúng ta như thế nào, thưa bà?
- Về phía Việt Nam giới thiệu âm nhạc truyền thống dân tộc qua tiếng đàn tranh lần này mở đầu với bản hòa tấu Xàng xê. Chương trình dành cho đàn tranh Việt Nam tiếp theo cũng giới thiệu tương đối bài bản cả phần truyền thống lẫn phần phát triển với Ngũ đối hoàn cung, Cổ bản dựng, Tò vò, Mơ về Bến Ngự, Diễn tấu Lý chim quyên.
Theo nhận xét của các GS Lee Chae Suk, Wei Tue Don… đều cho rằng tiếng đàn tranh của Việt Nam gảy lên có âm sắc thật réo rắt, nhấn chiều sâu nghe rất hay. Nó khác với âm sắc đục của đàn koto Nhật Bản hay âm sắc đục hơn của đàn guzheng Trung Quốc với dây đàn bọc sắt, kích cỡ đàn to hơn và cũng khác cây đàn kayagum Hàn Quốc với âm sắc khá mạnh mẽ, mãnh liệt…
Chính nhờ âm sắc riêng nên chúng ta có được bản hòa tấu đàn tranh các nước bài Lý ngựa ô trong đêm bế mạc thật đặc sắc và xúc động. Khán giả hôm đó đã đứng lên vỗ tay mãi. Đó cũng là cách chúng ta quảng bá văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam đến bạn bè một cách… ấn tượng khó quên! Sở dĩ chúng tôi chọn hòa tấu bài Lý ngựa ô, gửi đến các đoàn là vì một kỷ niệm cách đây 5 năm sau lần tham gia biểu diễn nhạc hội đàn tranh cùng các nhạc sĩ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Chuyện là thế này, hôm đó nghệ sĩ mỗi nước đều tự gảy bài dân ca bộc lộ “bản sắc riêng” tại một làng nghề mỹ nghệ truyền thống Đài Loan. Khi tiếng đàn tranh của Nhật Bản gảy lên, mọi người reo là Sakura; nhạc sĩ Hàn Quốc thử đàn một giai điệu dân ca, mọi người bảo là khúc Arirang… Thế nhưng, đến khi tôi gảy bài Trống cơm, không một ai biết; tôi gảy tiếp bài Lý ngựa ô, họ cũng lặng im và vỗ tay một cách lịch sự!
- Qua cuộc trưng bày đàn tranh các nước tại Cung Văn hóa Lao động cũng như các đêm biểu diễn trình tấu, cảm nhận của bà về quan niệm bảo tồn âm nhạc truyền thống dân tộc và phát triển của đàn tranh các nước ra sao?
- Gần như đàn tranh cải tiến ở nước nào cũng đều gia tăng dây đàn so với đàn tranh cổ. Ví dụ đàn kanyagum cổ 12 dây, mới 25 dây; đàn koto cổ 13 dây, mới 17 dây; đàn tranh cổ 16 dây, mới 22 dây. Nhưng, tất nhiên âm sắc là bản sắc riêng của mỗi dân tộc, không thể nào thay đổi. Hiện nay, mỗi nước đều tồn tại hai quan niệm: một mặt chú trọng bảo tồn nguyên gốc đàn tranh và một mặt tìm cách phát triển, cải tiến đàn tranh hiện đại…

NS Hải Phượng. Ảnh: Đào Hoa Nữ.
Đàn tranh Việt Nam do sợi dây mỏng mảnh nên âm sắc rất thanh thoát, réo rắt, mang tâm tình sâu lắng của con người Việt Nam. Thế nhưng, về chất lượng bền, chắc của dây đàn, trục đàn cũng như âm thanh, âm sắc của dây đàn là một vấn đề mà nghệ sĩ Việt Nam lúc nào cũng lo canh cánh…
Chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh GS Ishise Akiko di chuyển cây đàn tranh bằng cách nắm mạnh dây đàn và nhấc bổng lên. Thật ngạc nhiên và đáng nể làm sao về độ chắc của dây đàn. Dây đàn tranh của chúng ta mong manh lắm!
- Về điều này, quan niệm của Hải Phượng như thế nào?
- Chúng tôi tham dự lần này cũng học hỏi được nhiều điều hay qua bạn bè các nước. Tôi đang là giảng viên Nhạc viện TPHCM và được mời tham gia nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2 cùng nhạc sĩ Phạm Trà My ở Nhạc viện Hà Nội và Mai Thị Hồng Nga ở Nhạc viện Huế.
Nhạc hội đàn tranh là dịp chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với bạn bè đồng nghiệp. Được biểu diễn hòa tấu chung cũng là điều rất hạnh phúc đối với nghệ sĩ trẻ chúng tôi. Đó cũng là nhờ sự hỗ trợ lớn của nhiều người tâm huyết với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Thực tế, khi tiếp xúc với bạn bè ở nước ngoài, tôi cũng nhận thấy họ có hai luồng suy nghĩ khác nhau về vấn đề bảo tồn âm nhạc truyền thống.
Theo xu hướng thứ nhất, họ cũng có lò đào tạo hẳn hoi và “giữ chặt” vốn cổ không thay đổi. Bên cạnh đó, nhóm cải biên luôn hướng về âm nhạc hiện đại. Quan niệm của chúng tôi có tính dung hòa. Có nghĩa là khi trình diễn, chúng tôi quan tâm, đặt nặng phần bài bản cổ mang bản sắc văn hóa sâu xa của dân tộc. Đồng thời, ở phần thứ hai, chúng tôi sẽ giới thiệu sự phát triển của âm nhạc truyền thống trong xã hội hiện đại, thời hội nhập.

Nghệ sĩ Hải Phượng. Ảnh: Bảo Long.
Riêng về vấn đề cải tiến dây đàn, tôi cũng đồng ý với mẹ tôi (nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan), bởi đây cũng là điều bức xúc của những người sử dụng nhạc cụ. Khi đi diễn xa, chất lượng cây đàn, dây đàn thật quan trọng.
Tôi nhớ cảm giác khi hòa tấu ở Festival Huế vừa qua, tuy có băn khoăn về việc chuyển dịch nhạc cụ nhưng khi trình tấu thì thật thoải mái vì không khí lễ hội vui vẻ. Thế nhưng, nếu biểu diễn trong một nhạc hội đàn tranh các nước thì người sử dụng đàn có cảm giác chưa thi thố hết sở trường âm nhạc; chưa khám phá đến tận cùng các cung bậc, âm sắc của nhạc cụ dân tộc. Sở dĩ cứ canh cánh điều ấy vì chúng tôi e ngại dây đàn… dễ đứt!
- Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan và Hải Phượng, Chúng tôi xin san sẻ về những vấn đề này và hy vọng trong một tương lai gần, đàn tranh Việt Nam sẽ được nghiên cứu cải tiến chất lượng về độ bền, chắc chắn của đàn và dây để âm sắc vẫn giữ được độ “mỏng mảnh”, réo rắt nhưng sâu lắng và thật“chắc khỏe”.