Bài thơ trong trí nhớ
Khoảng trước sau thời kỳ Cách mạng tháng Tám, có một bài thơ được nhiều người đọc cho nhau nghe, đến nay vẫn còn ghi sâu trong trí nhớ tôi. Đây là một bài thơ Đường luật 8 câu 7 chữ, một loại thơ phổ biến.
Là một bài thơ cổ được ưa chuộng và đã xuất hiện 300-400 năm trước, nó ghi dấu thời kỳ vua Lê chúa Trịnh với một số nét đặc trưng của thời kỳ này. Nó còn mang dấu ấn xã hội, phản ánh tâm trạng của tác giả có thể coi như đại diện tầng lớp Nho sĩ thành danh đương thời. Nặng lòng vì ơn nước, có mức sống đầy đủ nếu không phải là dư dật, họ vẫn quan tâm đến các tầng lớp khác, cả hạng người hèn kém nhất.
Bài thơ được ghi lại như sau:
Ba vua bốn chúa, bảy thằng con(1)
Lẩn thẩn xuân thu chín chục tròn(2)
Ơn nước chưa đền, danh cũng hổ
Quan tài sẵn đó chết thì chôn(3)
Giang hồ cung điện trời đôi ngả(4)
Bị gậy cân đai đất một hòn(5)
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa
Sợ ông Bành Tổ tống dòng môn(6)
Phụ chú:
(1) Ba vua bốn chúa: Có thể đây là giai đoạn cuối thời kỳ vua Lê chúa Trịnh. Rất có thể là những vua, những chúa sau đây (ghi theo năm đầu và năm cuối ở ngôi vua ngôi chúa).
Ba vua gồm:
- Lê Thuần Tông (1732 -1735)
- Lê Ý Tông (1735 -1740)
- Lê Hiển Tông (1740- 1786).
Bốn chúa gồm 4 Chúa Trịnh:
- Trịnh Cương (1700 – 1720)
- Trịnh Giang (1720 – 1740)
- Trịnh Doanh (1740 – 1767)
- Trịnh Sâm (1767 – 1782).
Bảy thằng con: “Thằng” không phải là từ xưng hô có tính khinh miệt, mà là từ có tính thân mật đối với người lớp dưới, cũng có thể gọi là “thằng” để đối lập với vua với chúa nói ở đầu câu.
(2) Lẩn thẩn: thiếu sáng suốt, thiếu năng lực (tự chê mình)
(3) Dưới chế độ cũ những gia đình có khả năng và có người cao tuổi thuộc tầng lớp trên thường làm sẵn cỗ quan tài đặt ở trong nhà để khỏi bị động, khi cần gấp rút làm lễ mai táng. Câu thơ cho thấy thái độ bình thản đối với cái chết.
(4) Giang hồ: trong thơ chỉ người sống bên sông, bên hồ, không có nơi cư trú, nếu có thì chỉ là nhà không cố định, dễ bị di chuyển. Đối lập với cung điện, nơi ở và làm việc của vua chúa.
Trời đôi ngả: hai cảnh khác biệt dưới vòm trời.
(5) Bị gậy: đồ mang theo của kẻ ăn xin.
Cân đai: cân: khăn bịt tóc; đai: khăn đeo ngang lưng ngoài áo. Cân đai: lễ phục các quan to. Cả câu: Kẻ nghèo hèn và người quyền quý, khi chết đều nằm dưới nấm mồ.
(6) Bành Tổ: Tên người Thượng cổ tương truyền sống 700 tuổi.
Tống dòng môn: kết nạp vào làm môn đệ (để hưởng tuổi thọ).
Hai câu kết như một nụ cười ngạo nghễ, cho thấy thái độ dửng dưng đối với tuổi thọ.
Bài thơ họa
Người viết bài này coi bài thơ trên thuộc loại quý hiếm cả về nội dung lẫn hình thức. Do muốn kết một mối duyên văn tự, nên đã có bài họa. Bài họa đáng lý không nên công bố vì có những tư liệu thuộc đời sống cá nhân. Nhưng đã được mạnh dạn bỏ qua điều cản trở trên, do khi thấy có sự trùng hợp giữa nhiều chi tiết trong hai bài thơ thuộc hai thế hệ cách nhau mấy thế kỷ.
Bài họa như sau:
Ba vua, mười Chủ, tám người con(1)
Chín tám mon men, nhất bách tròn(2)
Ơn nước nguyện đền, công chửa vẹn
Hóa đài sẵn đó, chết không chôn(3)
Hồn theo gió nhẹ, trời muôn ngả
Hộp đựng tro thơm nấm nửa hòn(4)
Đất nước mừng trên đà kiến thiết
Huyện quê chào đón Khải hoàn môn(5)
Phụ chú:
(1) Ba vua: người viết sinh năm 1915 qua 3 triều vua:
- Duy Tân (1907-1916)
- Khải Định (1916-1925)
- Bảo Đại (1925-1945)
Mười Chủ: Mười Chủ tịch nước bắt đầu từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã hơn mười vị, lấy con số mười chẵn để ghi thay thế.
(2) Nhất bách: một trăm (tuổi).
(3) Hóa đài: tên Đài hóa thân hoàn vũ (điện táng: nghĩa từng chữ: thân thể chuyển hóa trở về vũ trụ).
(4) Tro thơm: di vật sau điện táng đặt vào hộp để mai táng hay để bàn thờ.
Nấm nửa hòn: nấm mộ ở nghĩa trang thôn. Nấm mộ di vật điện tang cỡ nhỏ hơn nấm mộ thông thường.
(5) Huyện quê: Người viết bài này quê trước đây thuộc huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai - Hà Nội), từng có bài báo đề nghị xây dựng Khải hoàn môn tại Ngọc Hồi thuộc huyện này.