Nhớ một đồng chí kiên định và thẳng thắn

Thế là Mai Thúc Lân đã ra đi. Tin anh từ biệt bạn bè để lại trong tôi những kỷ niệm về người bạn kiên định và thẳng thắn, một người bạn thân thiết của Báo Nhân Dântrong những ngày đầu đổi mới, nhưng cũng không có gì đột ngột.

Nói không đột ngột vì còn nhớ cách đây hơn mười năm, sáng chủ nhật 25-7-2004, Giáo sư Mai Quốc Liên, em anh đến nhà tôi chơi cùng nhau nói chuyện khí phách trong thơ Cao Bá Quát rất hào hứng mà Trung tâm Quốc học Việt Nam đang in toàn tập thì thấy Mai Quốc Liên cứ nhấp nhỏm. Tôi hỏi "Ông đi đâu mà vội thế?", Mai Quốc Liên nói thật là đến nhà ông anh ăn bữa cơm gia đình để tiễn anh ra nước ngoài chữa bệnh và rỉ tai tôi: "Anh Lân bị bệnh trọng ở giai đoạn cuối". Đó là một tin bất ngờ với tôi. Lúc đó tôi bị gẫy chân đang phải tập đi nạng, định cùng Liên đến thăm anh Lân, người bạn cố tri. Liên can, nói đây là bữa cơm gia đình, Lân chưa biết bệnh tình, thấy tự nhiên anh đến thăm lại sinh nghi ngờ thêm khó cho chữa bệnh. Tôi nghĩ bụng, cái bệnh này khó hy vọng khỏi.

Liên ra về, tôi ngồi vào bàn viết vài kỷ niệm với Lân nhưng đã mười năm rồi mà Lân vẫn khỏe, lại còn viết hồi ký cho nên gặp nhau, tôi nói đùa "khéo họ đoán nhầm bệnh của ông" nhưng bạn bè trong tổ y tế 5 nói là họ chẩn đoán đúng. Thế cho nên bây giờ xem lại bài viết cũ, đã 10 năm để bổ sung.

Tôi và Mai Thúc Lân quen nhau đã lâu do sự phân công vì cùng quan tâm một lĩnh vực, bắt đầu từ khi tôi ở Ban Biên tập Báo Nhân Dânphụ trách thông tin, bình luận mảng nông nghiệp còn anh là Trưởng ty Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách nông nghiệp, rồi Chủ tịch tỉnh Hà Bắc, vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước mà giới báo chí hay gọi là "thời kỳ bình minh của đổi mới trong nông nghiệp". Rồi cùng tham gia BCH Trung ương Đảng, cùng là đại biểu Quốc hội, sinh hoạt với nhau trong mười năm của thời điểm sôi động gối đầu hai thế kỷ, đã cùng nhau chia sẻ các quan điểm trên diễn đàn cũng như tâm tình với nhau bên hành lang về cả những vấn đề chưa đủ độ chín chắn để nói công khai.

Như trên đã nói, tôi với Mai Thúc Lân quen và quan trọng là đồng cảm với nhau ở lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm. Những chuyện anh kể trong hồi ký về chống lụt khi vỡ đê Cống Thôn, việc cải tạo đất bạc màu ở Trung Hòa, Hiệp Hòa mà chúng tôi thường đùa vui công thức "4 L" (lúa, lang, lợn, lạc) thì tôi đều có mặt. Nhưng ấn tượng nhất là cùng nhau đấu tranh cho chủ trương khoán sản phẩm nông nghiệp, ủng hộ sự ra đời Chỉ thị 100 của Ban Bí thư cuối năm 80 đầu năm 81 của thế kỷ trước. Lúc đó, ai ủng hộ khoán sản phẩm đều là những người dũng cảm, kiên quyết làm theo ý muốn của nông dân, nhưng với Lân thì anh lại sinh hoạt trong một tập thể còn có ý kiến khác nhau mà anh chưa phải là nhân vật chủ chốt thì còn khó khăn hơn. Rồi lại nhớ, anh cùng Thường vụ Tỉnh ủy Hà Bắc chuẩn bị hội thảo do anh Sáu Hậu, Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì để kiến nghị những vấn đề quan trọng góp phần vào việc ra đời Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988 tiến xa và căn bản hơn Chỉ thị 100 về đổi mới trong nông nghiệp.

Trong những lần làm việc với nhau, đặc biệt ở Hội thảo Côn Sơn cuối năm 1980, trong khi một số người còn ăn nói nước đôi thì anh tỏ thái độ dứt khoát ủng hộ khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Thái độ bộc trực, thẳng thắn, đôi khi có phần gay gắt của Lân đã gây ấn tượng với tôi và chính vì thế mà chúng tôi hay tâm sự với nhau.
Khi anh cùng tôi tham gia BCH Trung ương và trong Quốc hội 10 năm càng thấy rõ cái tính thẳng thắn của anh. Ở hội nghị, anh ít phát biểu, nhưng khi phát biểu thường tỏ thái độ dứt khoát, tuy nhiên thái độ thường gay gắt với những ý kiến mà anh cho là không đúng với đường lối, không hợp lòng dân, đặc biệt với tệ tham nhũng, lãng phí...

Trong giờ nghỉ giải lao, có lần tôi tâm sự với anh: "Cái tính thẳng thắn của cậu cộng với cái bệnh hay cãi của dân xứ Quảng rồi thêm cái giọng gay gắt, cho nên vấn đề nào cậu nêu lên cũng căng như sợi dây đàn".

Anh cười nói: "Mình cũng biết thế nhưng bằng này tuổi rồi cũng khó sửa. Chẳng lẽ thấy sai lại không nói?".

Cho đến khi anh được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội, tôi lại thấy anh ít phát biểu như khi còn là đại biểu như chúng tôi, cho nên có lần tôi nói trêu anh: "Xem ra lên cao rồi cậu hiền lành hơn?". Anh lại cười nói: "Mình lại có chỗ để nói thẳng thắn trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trao đổi ý kiến với các bộ trưởng". Tôi cũng nghe thấy đúng như thế. Thế rồi một hôm anh chủ tọa phiên họp Quốc hội, tôi phát biểu giữa chừng bị anh cắt ngang, không cho nói tiếp. Tôi giận lắm.

Nghỉ giải lao, tôi tìm anh hỏi: "Sao cậu không cho tớ nói tiếp?". Anh lại cười, vỗ vai tôi: "Xin lỗi cậu vì cậu nói quá giờ. Để cho cậu nói thì làm sao giữ được kỷ cương cuộc họp?". Nghe anh nói cũng phải, nhưng vẫn ấm ức. Mai Thúc Lân là con người thẳng thắn, thẳng thắn đến mức không biết sợ, không biết "khôn khéo".

Những người như thế thường được nhiều người quý nhưng cũng có một số người không thích, một số người "gờm". Viết đến đây tôi lại nhớ tới câu nói của Trần Thủ Độ: "Một trăm kẻ dạ vâng không bằng một người nói thẳng" mà tôi đề từ trong một cuốn sách của tôi. Và lại thấy tiếc về sự ra đi của Mai Thúc Lân, một con người trung thực và thẳng thắn, vì anh vẫn ít hơn tôi bốn tuổi.

HỮU THỌ

Theo Nhân Dân