Di tích lịch sử thời Nguyễn ở Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Trong lần công bố thứ hai về Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (DSVHPVTTG) diễn ra vào ngày 7.11.2003, Huế lại được UNESCO quan tâm với sự công nhận Nhã nhạc cung đình Nguyễn là một trong 28 kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (Chefs-d'oeuvre du patrimoine oral et immatériel de l'humanité). Chuyện Nhã nhạc cung đình Nguyễn dậy lên trong dư luận Việt Nam và thế giới.
1. Sơ lược về Nhã nhạc - ca múa nhạc trong cung đình Nguyễn
1.1. Nguồn gốc và lịch sử.
Nhã nhạc là âm nhạc chính đáng (musique distingué, musique élégante) phân biệt với tục nhạc (musique vulgaire). Nhã nhạc được dịch sang tiếng Anh là Ritual Music. Nhã nhạc dành riêng cho triều đình các nước chịu ảnh hưởng Nho giáo như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Tục nhạc là âm nhạc của trăm họ trong dân chúng, hay cũng có thể hiểu là dân nhạc.
Tuy xuất phát từ một thuật ngữ gốc Nhã nhạc của Trung Quốc, nhưng mỗi nước có một cách đọc riêng và phiên âm theo mẫu tự La-tinh riêng nên Trung Quốc viết là Yayueh hoặc Yayue, Hàn Quốc viết AhAk hoặc Aak, Nhật Bản viết là Gagaku và Việt Nam viết là Nhã nhạc. Về nội dung, Nhã nhạc của mỗi nước có những bước phát triển riêng và hình thành bản sắc riêng. Những nét riêng độc đáo của Nhã nhạc mỗi nước tạo nên một di sản Nhã nhạc chung rất quý báu của nhân loại.
Nhã nhạc Việt Nam ra đời từ khi nhà nước quân chủ được thiết lập và định hình từ đời Lý (l010-1225) và phát triển trải qua các thời Trần (1225-1400), thời Hồ (1400-1407), thời Lê (1427-1788), Nhã nhạc ở xứ Đàng trong (1558-1774), thời Tây Sơn (1789-1801).
Theo Hoa Bằng, trong sứ bộ 150 người vua Quang Trung cử sang "tạ ơn vua Thanh về việc tặng triều châu và hà bao do chuyến Nguyễn Quang Hiển sang sứ lần trước (Đại Thanh Thực Lục, q.1347, tờ 10). Và đồng thời lại cử sang Thanh một ban văn thự nhạc công đem theo 10 bài từ khúc chúc thọ (khánh chúc thọ từ khúc, thập chương) để biểu diễn, hát mừng vua Thanh về dịp bát tuần vạn thọ"...
"Khi sứ bộ sang đến nơi, dự yến ở ngự điện, bộ Lễ nhà Thanh dẫn nhạc công nước ta vào hát mừng. Vua Thanh đẹp lòng, khen ngợi, hậu thưởng cho tiền tệ; lại sai quan thái thường kén lấy 10 người tuồng hát (lê viên) ăn mặc theo lối nhạc công Nam: đội mão tú tài, vận áo cổ tràng (giao lĩnh y), đồng thời hòa tấu giữa những tiếng đàn, tiếng sênh, tiếng trống". Vua Thanh lại vời nhạc công của ta vào trong cung cấm dạy những người "lê viên" ấy hát tiếng Nam, diễn khúc điệu; vài ngày tập quen" (1).
Theo tài liệu 10 bài từ khúc do Phan Huy Ích soạn. Cũng theo tài liệu, 10 nhạc công Việt Nam được vua Quang Trung cử sang Trung Quốc rất điêu luyện. Muốn đào tạo 10 nhạc công có trình độ điêu luyện đến như thế không thể thực hiện trong thời gian mấy năm vua Quang Trung trị vì ở Phú Xuân được. Do đó ta có thể nghĩ 10 nhạc công ấy là nhạc công cũ trưởng thành dưới thời các chúa Nguyễn cuối cùng. Những nhạc công này và những nhạc công không có mặt trong đoàn sang Trung Quốc sẽ là những người nòng cốt của Nhã nhạc-ca múa nhạc cung đình đầu triều Nguyễn.

Đội Nhã nhạc cung đình Huế được Giáo sư Nguyễn Hữu Ba
và GS.TS Trần Văn Khê tập họp vào đầu những năm sáu mươi.
(Ảnh trích lại từ Musique de tous les Temps (Belgique), tháng 11/1973).
Các vua Nguyễn đã kế thừa Nhã nhạc - ca múa nhạc cung đình của các triều trước, tổ chức lại và phát triển để dùng trong các lễ lạt và để giáo hóa phong tục. Vua Minh Mạng đã cho khắc đôi câu đối ở Duyệt Thị Đường như sau:
“Âm nhạc tinh trần hòa kỳ tâm nhi dưỡng kỳ chí Nghiêm xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi" |
Dịch nghĩa:
Âm nhạc bày ra hòa được lòng và dưỡng được chí/ Tất cả bày biện, ta hãy tiếp thu những điều phải, điều hay và nhìn những cái sai lầm trong đó để răn mình. |
Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế (Musique de Cour) là một điển hình cho âm nhạc bác học, phản ảnh nhận thức thẩm mỹ, tư duy triết học, vũ trụ quan và nhân sinh quan của con người Việt Nam xưa. Nhã nhạc cũng là biểu tượng của Vương triều, của sự bình yên cho quốc gia.
Các hoạt động của Cung đình Nguyễn sử dụng đến Nhã nhạc là:
Các hoạt động bình thường: Trong các cuộc Tế giao, Tế ở các Miếu (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, Tả Miếu, Hữu Miếu, Văn Miếu...), tế Tịch điền, tế Tiên nông, lễ Ban sóc (phát lịch), tết Nguyên đán, lễ Đại triều (2 lần/tháng), Thường triều (4 lần/tháng), các lễ Vạn thọ (Sinh nhật vua), lễ Thánh thọ (sinh nhật Hoàng Thái hậu), lễ Tiên thọ (sinh nhật Hoàng Thái phi), Thiên xuân (sinh nhật Thái tử), lễ Thiên thu (sinh nhật Hoàng hậu)...
Các hoạt động bất thường: Lễ Đăng quang, Lễ tang của các vua và các hoàng hậu, đón tiếp sứ thần, yến tiệc...
Tùy tính chất tùng lễ mà chọn loại nhạc thích ứng như:
- Giao nhạc.
- Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa...
- Ngũ tế nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông...
- Đại triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc...
- Thường triều nhạc.
- Yến nhạc; dùng nhạc mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần...
- Cung trung nhạc biểu diễn trong các cung Hoàng thái hậu và Thái Hoàng thái hậu...
1.2. Nghệ thuật Nhã nhạc-ca múa nhạc cung đình nhà Nguyễn.
Nhà Nguyễn đã tuyển chọn tất cả các nhạc khí có giá trị của dân tộc để đưa vào dàn nhạc cung đình. Tùy trường hợp phục vụ, mà chọn lựa Đại nhạc hay Tiểu nhạc.
Nếu sử dụng Đại nhạc thì có ít nhất 42 nhạc cụ, còn Tiểu nhạc gồm 8 nhạc cụ. Trong dàn nhạc cung đình có đủ các nhạc cụ thuộc bộ hơi (sáo, kèn), bộ dây (nhị, nguyệt, tỳ...), bộ gõ (trống, chuông, sánh tiền...).
Âm nhạc trong Nhã nhạc chắt lọc từ các làn điệu mạnh mẽ, tươi vui từ phương Bắc và những làn điệu nhẹ nhàng, sâu lắng của phương Nam. Tiết tấu rất phong phú.
Khi tấu nhạc, các nhạc khí trong một dàn nhạc với những thang âm khác nhau, song thang âm nào cũng được thể hiện và không lấn át nhau. Do vậy, khi dàn nhạc hòa tấu đều nghe rõ các màu âm của các thanh âm từ trang nhã, tiếng trong, tiếng đục, tiếng khoan, tiếng nhặt, khi dồn dập, khi khoan thai, khi rộn rã, khi ưu tư...
Nói cách khác, "Nhã nhạc hòa tấu theo phương thức chiều ngang, hòa hợp các màu âm của các nhạc khí trên cùng một lòng bản không một tiếng nhạc khí nào che lấp màu âm của các nhạc khí khác" nên người nghe thưởng thức được âm thanh của tất cả các nhạc khí trong dàn nhạc cung đình.
Cùng với âm nhạc trong âm nhạc cung đình Nguyễn, có các vũ điệu, đặc biệt trong hát bội, các vũ điệu được cách điệu mang tính tượng trưng, khái quát cao. Lời ca chứa đựng trong các nhạc chương được soạn thảo chuẩn mục, sâu sắc, có tính bác học.
Trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Nội Các Triều Nguyễn đã dành cho Bộ Lễ trọn quyển 99 (2) để viết về Nhạc chương và Nhạc khí của âm nhạc cung đình Huế. Với 50 trang sách (bản dịch từ tr. 68 đến tr. 118) đã ghi được lời ca của 80 bài nhạc cung đình Huế với tên từng bài như sau:
Nhạc chương 7 bài: Lý Bình, Túc Bình, Khánh Bình, Di Bình, Hòa Bình, Bảo Thành.
Lễ Thượng Thọ 6 bài: Bình Thành, Doãn Thành, Mỹ Thành, Khánh Thành, Doãn Bình, Siển Bình.
Tế Giao 10 bài: An Thành, Triệu Thành, Đăng Thành, Mỹ Thành, Thụy Thành Vĩnh Thành, Doãn Thành, Hi Thành, Hựu Thành Khánh Thành.
Tế các miếu, 10 bài: Hàm Hòa, Gia Hòa, Tường Hòa, Dự Hòa, Ninh Hòa, Mỹ Hòa, Túc Hòa, An Hoà, Ung Hòa.
Tế Thái Miếu, 9 bài: Hàm Hòa, Gia Bình, Tường Hòa, Dự Hòa, Ninh Hòa, Mỹ Hòa, Túc Hòa, An Hòa, Ung Hòa.
Tế Hưng Miếu, giống như Tế Các Miếu có 9 bài: Hàm Hòa, Gia Hòa, Tường Hòa, Dự Hòa, Ninh Hòa, Mỹ Hòa, Túc Hòa, An Hòa, Ung Hòa.
Tế Thế Miếu, 10 bài: Hàm Hòa, Gia Hòa, Tường Hòa, Dự Hòa, Ninh Hòa, Mỹ Hòa, Túc Hòa, An Hòa, Cung Hòa, Khánh Hòa.
Đàn Xã Tắc, 7 bài: Diên Phong, Tuy Phong, Tư Phong, Mậu Phong, Hòa Phong, Dụ Phong, Khánh Phong.
Tế miếu đế vương các đời, 6 bài: Cảnh Huy, Diễn Huy, Sùng Huy, An Huy, Minh Huy, Thọ Huy.
Tế Văn miếu, 6 bài: Cảnh Văn, Chiêu Văn, Ý Văn, Hiển Văn, Bình Văn, Huy Văn.
Về nhạc Doãn Thành trong lễ Thượng thọ giống với Doãn Thành trong lễ tế Giao nhưng lời khác. Một số bài khác cũng trùng và khác như thế. Nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể biết được trên 60 bài nhạc cung đình khác nhau.
Sách Hội Điển là điển lệ mẫu mực của triều Nguyễn mà cũng chỉ ghi tên bài và nội dung lời ca. Qua đó ta có thể nói âm nhạc cung đình vốn nó chỉ có thế và nó vẫn còn giữ được như thế. Còn ký âm ra nhạc bằng ký âm pháp truyền thống hò xừ xang xế cống. . . là việc của các thầy nhạc, họ ghi ra để cho riêng họ và dùng làm giáo trình dạy học trò mà thôi. Và, mỗi thầy có cách ghi riêng và thường giấu kỹ.
Cụ Hoàng Xuân Hãn từng sưu tầm được một bản ký âm nhạc cung đình Huế (khoảng năm 1863) và Giáo sư Trần Văn Khê đã sử dụng trong một bài viết, ta thấy bản ký âm đó rất đơn giản và cũng chỉ là bản chép tay.

Nhạc công Nhã nhạc vận thường phục thời Bảo Đại.
(Ảnh tư liệu nước ngoài do Nguyễn Đắc Xuân sưu tập).
1.3. Những người có công với Nhã nhạc và ca múa nhạc cung đình nhà Nguyễn.
Ngày xưa, những người có công và tác giả các ngành nghệ thuật nói chung và Nhã nhạc - ca múa nhạc cung đình Nguyễn nói riêng ít được nêu tên. Tìm kiếm trong tư liệu lịch sử và tài liệu điền dã chỉ tìm được những tên người sau:
1. 3.1. Những người có công được xem như các tổ:
Đào Duy Từ (1572-1634) người Thanh Hóa, có công mang nghệ thuật ca vũ nhạc của Đàng Ngoài vào phổ biến ở xứ Đàng Trong; Can Cung Hầu một vị sư người Trung Quốc được vua Minh Mạng mời sang Phú Xuân dạy nhạc, múa, hát. ông là thầy dạy các làn điệu hát Khách hay điệu Bắc; Đào Tấn (1845-1907), người Bình Định, thầy tuồng và tác giả nhiều vở tuồng lịch sử có giá trị thời Tự Đức, Lê Quý Đồng (1851- ?), người Thừa Thiên Huế. . .
1.3.2. Các nhạc sĩ, các đội trưởng và các nhạc công:
Theo Đào Duy Anh “Đội nhạc chánh của vua là nơi tẩu trạch họp những tay giỏi âm nhạc trong nước, mà những ca công và tài tử ở Giáo phường cũng phần nhiều nhờ các thầy ở đội Nhạc chánh dạy cho (Tống Văn Đạt và con là Đội Chín ở triều Tự Đức)" (3). Cũng theo Đào Duy Anh “Nhiều nhà quí phái như ông Hoàng Nam Sách (tức Nguyễn Phúc Miền Ổn 1833-1895, hoàng tử thứ 61/78 của vua Minh Mạng), ông Phò Trần Quang Phổ ở đời Tự Đức là tay danh cầm xưa nay không ai hơn nổi” (4).
Tên các đội trưởng đội Nhạc chánh trước triều Thành Thái chưa tìm được. Từ triều Thành Thái trở về sau mới tìm được tên các ông: Đội Hồ (túc Nguyễn Văn Hồ ?-?); Đội Tiêu (túc Nguyễn Đắc Tiêu 1879-1962, làng Dã Lê Chánh, xã Thủy Vân, Hương Thủy, TTH), Đội Thức tức Lê Văn Thức (?-?), Đội Hòa tức Lê Văn Hòa, con trai Đội Thức, ?-?); Đội Thị tức Nguyễn Đình Thị 1905-1990, cháu ông Đội Tiêu.
Tên các ông nhạc công: Lê Nhữ Tiếp (các loại kèn), Đinh Đó (đàn Tỳ), Trần Lư (đàn Tam), Nguyễn Thiện (đàn Nguyệt), Đinh Hữu Khai (đàn Nhị), Lê Đối (phách Ngô), Nguyễn Đoan (Tang âm), Trần Cấn (Địch). Ba người còn tại thế là Lữ Hữu Thi (sinh năm 1910, nhà ở đường Đặng Tất, Huế), Lữ Hữu Cử (sinh năm 1919, em ruột ông Lữ Hữu Thi), nhà ở đường Tăng Bạt Hổ, Huế), Nguyễn Viết Bàn (hiện sống tại làng Dã Lê thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, TTH) (5).
1.3.3. Những người có công trong việc nghiên cứu, gìn giữ, giới thiệu ca múa nhạc cung đình Nguyễn:
Sau ngày chế độ quân chủ ở Việt Nam cáo chung (8.1945), ca múa nhạc cung đình nói chung và Nhã nhạc nói riêng cũng tan theo. Đến năm 1949 Cựu hoàng Bảo Đại "hồi loan", bà Từ Cung - thân mẫu của Cựu hoàng, tìm cách phục hồi ca múa
nhạc cung đình để phục vụ trong các tế lễ của Nguyễn Phước tộc. Đội Nhạc chánh và đoàn Ba Vũ (đội ca múa cung đình) được phục hồi. Nhưng đội Nhạc chánh chỉ hoạt động được một thời gian ngắn ba bốn năm mà thôi. Riêng đội Ba Vũ thì giữ
được cho đến nay.
Có thể nói bà Từ Cung (tức bà Hoàng Thị Cúc), là người có công lớn nhất trong việc gìn giữ Nhã nhạc và ca múa cung đình triều Nguyễn. Sau đó là bà chúa Nhất (tức Nguyễn Phúc Tốn Tùy 1872-1955, con gái trưởng của vua Dục Đức, chị cả của vua Thành Thái (6), nhạc sư Nguyễn Hữu Ba (1913-1997), Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê (sinh năm 1921, hiện sống ở Pháp), Giáo sư Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh (hiện sống tại Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế v.v...
1.4. Tên gọi các tổ chúc Nhã nhạc và ca múa nhạc cung đình Nguyễn qua các thời kỳ:
Tuy cùng một nhiệm vụ phục vụ tế lễ, các cuộc thiết triều, các cuộc chiêu đãi yến tiệc và vui chơi trong Nội cung, Nhã nhạc (nhạc lễ) và ca múa nhạc cung đình Nguyễn được đặt trong các tổ chức mang những tên khác nhau trải qua các thời kỳ. Có thể dẫn ra như sau:
- Hòa Thanh Thự: Do Đào Duy Từ lập, là cơ quan quản lý 3 đội (thời các chúa Nguyễn), "mỗi đội có một xuất đội và 120 người lính đều thuộc quyền viên Phó quản điều khiển. Vũ sinh tuyển cả con trai và con gái. Đội nhất và đội ba trông coi về nhạc, đội nhì trông coi về ca và vũ (7).
- Trường Trường Xuân: "Triều Minh Mạng (1823) có lập trường Trường Xuân, sau đổi tên Thanh Bình Thự (1826), đến triều Thành Thái lại đổi ra Võ Can Đội, hiện bây giờ (triều Khải Định) đổi làm trường Thanh Bình" (8). Dù tên được đổi qua các thời kỳ nhưng các tổ chức này có nhiệm vụ đào tạo và quản lý các nhạc sĩ, nhạc công, diễn viên của cung đình Nguyễn.
- Đội Hòa Thanh: Cuối đời Khải Định (1924), ban nhạc lễ của Nam triều có tên là Đội Hòa Thanh - mà hai nhạc công cuối cùng của đội còn lại là các cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử.
- Đội Nhạc chánh: Cuối triều Nguyễn, để phân biệt với âm nhạc của bá tánh (dân nhạc), âm nhạc của cung đình Nguyễn có cái tên thường gọi là Nhạc chánh (9).
2. Nhã nhạc cung đình Nguyễn trước thế giới và cơ quan UNESCO
Trước khi được UNESCO công nhận, Ca múa nhạc cung đình Huế nói chung và Nhã nhạc Huế triều Nguyễn nói riêng đã được thế giới biết đến khá nhiều. Trong bài viết này xin ghi lại một số sự kiện sau đây:
Hồi nửa đầu thế kỷ XX, trong các Bảo tàng Con người (Musée de l'Homme), Bảo tàng Guimet, Bảo tảng Nước Pháp Hải ngoại (Musée de France d’Outre-mer), Đài phát thanh Pháp (Radio - France), đã có nhiều đĩa Nhã nhạc và ca Huế 78 vòng của các hãng đĩa Pathé Phono, Béka, Culumbia phát hành.
Năm 1954, nhân viên Đài Phát thanh Pháp sang Việt Nam thu thanh các bài nhạc cung đình: Đăng đàn kép, Đăng đàn đơn, Bông, Mã Vũ, Man, Phụng Vũ, Thập thủ liên hoàn, có cả tiếng ca của cô Minh Mẫn (với bài Tương Tư), tiếng tán tụng của các nhà sư Phổ Quang, Mật Nguyện (một thời Cúng Ngọ)... ghi lại trong 9 đĩa lớn 30 phân đường kính và tốc độ 33 vòng.
Năm 1963, Viện Nghiên cứu âm nhạc theo phương pháp đối chiếu ở Tây Bá Linh tài trợ cho nhạc sư Nguyễn Hữu Ba và Tiến sĩ Trần Văn Khê chụp ảnh, ghi âm, phân tích ca, nhạc vũ kịch Huế, viết lời giới thiệu bằng tiếng Pháp, dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức.
Năm 1969, công trình trên được ghi vào một đĩa hát 33 vòng do Hãng đĩa Barenreiter - Musicaphon phát hành tại Đức năm 1969 và nhận được Giải thưởng lớn Deutscher Schallplatten Preis ngay trong năm 1969.
Năm sau 1970, Hàn Lâm Viện đĩa hát Pháp (Académie du disque francais) lại tặng một giải thưởng lớn khác trong loại giải thưởng lớn về Dân tộc Nhạc học (l'Ethnomusi - cologie) cho đĩa trên. Từ trước đến giờ, chưa có đĩa hát nào được liên tiếp hai giải thưởng lớn như vậy.
Năm 1981, tại Huế, ông Amadou Mata M’bow, Tổng Giám đốc UNESCO, xem chương trình Ca vũ nhạc cung đình, đến tiết mục “Lân mẫu xuất lân nhi" ông có nhận xét: "Từ trước đến nay, tôi chưa có lần nào xem múa lân mà lòng xúc cảm như hôm nay".
Năm 1994, trong dịp UNESCO triệu tập Hội nghị quốc tế về Di sản văn hóa vùng Huế, hai dàn Đại nhạc và Nhã nhạc cung đình Huế, đội Ca múa cung đình do La Cẩm Vân điều khiển đã giới thiệu một chương trình ca vũ nhạc cung đình rất đặc sắc, do GS.TS Trần Văn Khê giới thiệu chương trình bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cho quan khách quốc tế thưởng thức. Tất cả các đại biểu đều hoan nghênh nhiệt liệt.
Cũng trong năm 1994, Giáo sư Yamaguti thay mặt Ban tổ chức Nhạc hội Nhật Bản mời Đoàn ca vũ nhạc cung đình sang Nhật dự Liên hoan Ca Vũ Nhạc mùa hè tại Tokyo năm 1994.
(Trong dịp đó, Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK giới thiệu nhạc cung đình Việt Nam trên màn ảnh nhỏ. Chương trình được Trường Đại học Osaka dùng để minh họa những bài giảng về nhạc cung đình Việt Nam).
Và sau nhờ đó hai Giáo sư Yamaguti và Tokumaru xin được Toyota Foundation tài trợ cho một phái đoàn nghiên cứu gồm 9 thành viên và GS.TS Trần Văn Khê được mời làm Cố vấn sang Việt Nam nghiên cứu Nhạc cung đình Huế, ghi âm ghi hình làm tư liệu cho Trường Đại học Osaka (Có dành một bản sao cho Việt Nam).
Cùng trong năm 1994, nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và GS.TS Trần Văn Khê tổ chức một chuyến giới thiệu tại Nhà Văn hóa Thế giới Ca nhạc Huế, Nhạc cung đình Huế và 4 buổi Nhạc Phật Giáo Huế có sự tham gia của Thượng tọa Từ Phương và 4 vị sư khác từ Huế sang.

Đội Nhã nhạc trong lễ phục đánh thổi trước sân điện Thái Hòa.
(Ảnh tư liệu nước ngoài do Nguyễn Đắc Xuân sưu tập).
Năm 1995, Nhà Văn hóa Thế giới phát hành 2 dĩa CD về ca nhạc Huế, nhạc cung đình Huế và nhạc Phật Giáo theo truyền thống Huế. Dĩa này được tạp chí “Thế giới âm nhạc" (Le Monde de la Musique) đánh giá cao nhất "Choc" (Chấn động). Có nghĩa là người nghe đĩa hát này, thấy thích thú như bị “chấn động”.
Sau đó tiếp tục Trường âm nhạc Huế, Dàn nhạc cung đình còn có nhiều lần sang Pháp giới thiệu ca vũ nhạc Huế tham gia các Nhạc hội, và được khán thính giả bên Pháp hoan nghênh.
Năm 1996, Japan Foundation Asia Centre tài trợ mở một lớp đào tạo nhạc công và chuyên viên nghiên cứu Nhã nhạc Cung đình Nguyễn (Lớp học kết thúc tháng 6.2000).
Ngày 9.4.2002, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định cho lập hồ sơ Nhã nhạc Cung đình Nguyễn để đề nghị UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Ngày 24.7.2002, Chính phủ chấp thuận để tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ Nhã nhạc Cung đình Nguyễn để đề nghị UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại.
Tháng 8.2002, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Viện âm nhạc Việt Nam, ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về âm nhạc Cung đình Huế với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài, đặc biệt có Tiến sĩ Noriko Aikawa – Trưởng ban Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO tham dự, Hội thảo nhằm đánh giá và tìm các giải pháp thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản âm nhạc.
Cùng với Hội thảo, bộ hồ sơ âm nhạc cung đình Việt Nam: Nhã nhạc (triều Nguyễn) với sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc TTBTDTC Huế, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa... đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua lần 1 vào tháng 9-2002 và lần 2 vào đầu tháng 12-2002 và gửi đến UNESCO để đề nghị công nhận là Kiệt tác Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Ngày 7.11.2003, UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Nguyễn là một trong 28 Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Nhạc cung đình Nguyễn đã thể hiện trình độ điêu luyện chinh phục được giới thưởng nhạc và các nhà nghiên cứu âm nhạc thế giới khó tính nhất, đã được mời lưu diễn ở Âu Mỹ nhiều lần. Do đó, nhã nhạc cung đình Huế có một giá trị đặc biệt, có bản sắc riêng, có qui mô hàng quốc gia khác với các loại hình âm nhạc khác ở các địa phương trên nước Việt Nam (10).
Bởi vậy, trong phần nhận định về Nhã nhạc cung đình Nguyễn, Hội đồng UNESCO đánh giá: "Nhã nhạc Việt Nam mang ý nghĩa "âm nhạc tao nhã” được trình diễn tại những ngày lễ trọng đại. Trong các thể loại âm nhạc đã được phát triển tại Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc mang tầm quốc gia".
Ông Matsuura, tổng Giám đốc UNESCO nói: "Mục đích của việc công bố này không đơn thuần chỉ là thừa nhận giá trị của một vài yếu tố của di sản phi vật thể, mà đòi hỏi các quốc gia phải cam kết thực hiện các kế hoạch nhằm phát huy và bảo vệ các kiệt tác được ghi vào danh mục".
Trước tin vui này, ông Hồ Minh Tuấn, Ủy Ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam cho biết:
- "Đây là một niềm vinh dự lớn đối với Việt Nam. Lần đầu tiên Di sản Văn hóa phi vật thể của ta được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Hơn nữa, Nhã nhạc Huế lại nằm trong quần thể Di sản Văn hóa Huế. Như vậy, chúng ta có quần thể Di sản Văn hóa cả Vật thể và Phi vật thể thuộc Cố đô Huế" .
GS.TS Tô Ngọc Thanh, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, tác giả tập Tư liệu Âm Nhạc Cung Đình Việt Nam (Nxb Âm nhạc, 1999), người đã góp nhiều công sức với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc lập hồ sơ Nhã nhạc trình UNESCO, nhận xét: "Nhạc cung đình Huế, lần này được công nhận, đã làm nên một “mối duyên đẹp" vì Cố đô Huế đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới."
3. Cần phân biệt và hiểu đúng Nhã nhạc và Ca múa nhạc cung đình Nguyễn
Qua trình bày trên, Nhã nhạc cung đình Nguyễn có nguồn gốc từ Nhã nhạc Trung Quốc. Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu Nhã nhạc của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hiện nay thì Nhã nhạc triều Nguyễn chỉ hạn hẹp trong phạm vi âm nhạc tế lễ mà thôi.
Thực tế cho thấy trong cung Nguyễn, ngoài Nhã nhạc (nhạc dùng để tế lễ) còn có nhiều loại hình âm nhạc khác để vui chơi, giải trí cho vua, cho các bà Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, các vị đại thần và quốc khách như hát bội, múa lân, múa bông v.v... Đến cuối triều Khải Định trong cung Nguyễn còn có cả "nhạc Tây" với đàn violon, kèn clarinette... Vì thế không thể hiểu Nhã nhạc có thể gồm tất cả các loại hình ca - múa - nhạc trong cung Nguyễn được.
Trong Nhã nhạc không có phụ nữ, nhưng trong ca múa nhạc cung đình Nguyễn thì có đủ nam, nữ nhạc công/diễn viên và cả nam nữ thiếu niên (ban Đồng ấu). Nên chẳng cần phải thống nhất cách hiểu Nhã nhạc là bộ phận âm nhạc tế lễ trong di sản ca múa nhạc cung đình Nguyễn. Hiểu như thế mới thấy rõ được sự tao nhã sang trọng của Nhã nhạc và sự phong phú đa dạng của ca múa nhạc cung đình Nguyễn.
Nhà hát Duyệt Thị Đường không chỉ là nơi diễn xướng Nhã nhạc mà sự thực đó là nơi diễn xướng của tất cả các bộ môn của ca múa nhạc cung đình Nguyễn, đặc biệt là hát bội. Và chúng ta cũng biết rằng, vua quan triều Nguyễn không những thưởng thức ca múa nhạc dành riêng cho cung đình mà còn say mê cả các loại hình ca nhạc của bá tánh như ca Huế, tụng tán trong âm nhạc Phật giáo. Vua Đồng Khánh rất thích nghe chầu văn ở điện Hòn Chén.
Qua lịch sử và thực tế ta có thể phân ra ba loại hình âm nhạc sau đây:
1 Nhã nhạc: âm nhạc dùng để tế và phục vụ các lễ lạt trong cung Nguyễn.
2. Ca múa nhạc trong cung Nguyễn gồm cả Nhã nhạc và các loại hình ca múa nhạc vui chơi đã có trong cung đình như hát bội, múa lân, múa bông.
3. Ca nhạc truyền thống Huế được vua chúa Nguyễn ưa thích: ca Huế, tụng tán trong nhạc Phật giáo, một số làn điệu trong dân ca (như Chầu văn).
(1) | Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn Huệ anh hùng dân tộc, Nxb Bốn phương, SG.1951, tr 234-5. |
(2) | Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Bộ Lễ trọn quyển 99, bản dịch, tập 7, Nxb Thuận Hóa, Huế 1993. |
(3) | Đào Duy Anh, Việt Nam Văn hóa Sử cương, Nxb Bốn phương, SG 1951, tr.293. |
(4) | Như chú thích 1. |
(5) | Danh sách này rất thiếu sót, kính mong các bậc thức giả và gia đình người thân của các nhạc sĩ nhạc công - Nhã nhạc và âm nhạc cung đình Nguyễn bổ cứu. |
(6) | Nguyễn Đắc Xuân, Phủ bà chúa Nhất với văn hóa Huế đầu thế kỉ XX, Kiến thức triều Nguyễn và Huế xưa, t.2, Nxb Thuận Hóa, Huế 2002, tr 18-25 |
(7) | Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huế, Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam. Nxb Hoa Lư, SG 1963, tr.442-3. |
(8) | Đạm Phương nữ sử, Lược khảo về tuồng hát An Nam, Nam Phong số 76, tháng 10/1923. |
(9) | Tên các tổ chức Nhã nhạc và Ca múa nhạc cung đình Nguyễn vừa dẫn mới chỉ là một sưu tập chưa đầy đủ. Chúng tôi nêu lên để các nhà nghiên cứu bổ sung. Rất mong được quan tâm giúp đỡ. |
(10) | Phần 3 trên đây tổng hợp theo tài liệu của GS.TS Trần Văn Khê. |