Lính ta trên đường chiến dịch Điện Biên, đều biết có một phóng viên ảnh quân đội cùng hành quân và lăn lộn với chiến trường, đó là Triệu Đại - người tầm thước, hơi gầy nhưng nhanh nhẹn.
Những phút mọi người tạm nghỉ chân, lại là những lúc anh tranh thủ chọn cảnh, chọn người với súng, với xe đạp thồ gạo, với gánh gồng… Lại có lúc trèo lên cây chụp xuống, hay nằm bò bên mép hố bom chĩa ống kính lên… như đứa trẻ mải mê nghịch ngợm. Ai cũng mến vì vừa làm việc, anh vừa pha trò rất có duyên.
Bỗng thấy bóng hình một cô gái dân tộc Sá vận chuyển gùi gạo lớn trên lưng, vừa đi vừa thổi khèn - hay quá, Triệu Đại giương ống kính, nhưng vừa đúng lúc hết phim. Phải thay phim ngay giữa ban ngày. Nhưng cái túi đen "buồng tối cơ động" đâu rồi. Có lẽ, nó đã bị rơi mất từ lúc máy bay địch oanh tạc trên đỉnh đèo vừa qua? Rất tháo vát và thông minh, Triệu Đại bèn tới chỗ mấy dân công đang ngồi, anh nói với một cô gái: "Cô làm ơn cho tôi mượn chiếc khăn… mau lên!". Khi cầm được chiếc khăn đen mỏ quạ trên tay, có chút phân vân, rồi anh bỗng nói với cô ta: "Gấp lắm, cô chịu khó giúp tôi một tý nhé.
Nhanh thôi mà! Cô chụm hai đầu gối lại thế này này…". Cô gái dường như không kịp phản ứng. Triệu Đại vội phủ chiếc khăn đen lên, đoạn nhanh như cắt, anh luồn máy ảnh dưới hai đầu gối chân cô, tháo cuộn phim cũ ra, lắp luôn cuộn phim mới.
Khi cô dân công như sực tỉnh, bắt đầu thẹn vì mấy cô bạn trêu trọc, chụm đầu vào nhau rúc rích cười và đấm lưng nhau thùm thụp… thì Triệu Đại cũng vừa nói "Cảm ơn, cảm ơn", vừa kịp chạy tới chỗ anh cần chụp ảnh.
Sau chiến dịch, gặp lại anh ở Hà Nội, tôi hỏi: "Hôm ấy rồi sao, cậu có chụp được ảnh đẹp không? Cho tớ xem!". "Đẹp lắm! Rất đẹp!". Vẫn quen miệng trả lời ngay, rồi bỗng ngớ người nhớ lại chuyện cấp tập ấy. Anh nheo mắt nhìn tôi, cười trừ: "À, mà xin lỗi, rất tiếc không thể cho bạn xem được, vì cuộn phim ấy bị ẩm… ướt hết cả cuộn phim”.