Sau nhiều năm chiến tranh gian khổ, có lúc người ta hay bàn tán, so sánh về tiêu chuẩn, chế độ, quyền lợi; về cấp, chức nhỏ - to... khá là khập khiễng. Nhưng với nhà thơ Thanh Tịnh lúc bấy giờ (1960) có lẽ cách nhìn hình tượng là “chính xác”, hồn nhiên và vô tư hơn cả?
Ví như có lần cùng cầm bát đũa tới nhà ăn, ông hỏi nhiều anh em cán bộ và chiến sĩ cũng đang lanh canh gõ bát chờ cơm: - Mỗi bữa, bạn ăn được mấy bát? Nhiều câu trả lời hăng hái.
- Bọn em ăn ít nhất là ba bốn bát, khi ngon miệng có thể tới bảy bát... - Ồ, thế thì theo chế độ Đại táo là đúng rồi! Một bếp nhỏ (Tiểu táo) làm sao nấu một lúc cho hàng ngàn kiện tướng ăn to nói lớn như chúng ta!
Thanh Tịnh cười hóm: - Tôi cũng như các bạn. Tôi đã sơ bộ quy kết một số điều mà thực tế chúng ta đang thực hiện như sau, nghe nhé:
- Cấp to: ăn bếp nhỏ. Cấp nhỏ như chúng ta: ăn bếp to. Cấp to: thường nói nhỏ - Cấp nhỏ: nói lớn, hô hét vang động thao trường và hát cũng to. Cấp to: ở nhà nhỏ - Cấp nhỏ: ở nhà rộng, nhà rõ to (doanh trại lớn). Cấp to: nằm giường nhỏ - Cấp nhỏ: nằm giường to. Cấp to: súng nhỏ - Cấp nhỏ: mang súng cực to (pháo và tên lửa chẳng hạn!). Cấp to: ra chiến trường đi xe nhỏ - Cấp nhỏ: Ra trận phải chở bằng xe to.
Và khi về nhà, Cấp to: lấy cô vợ nhỏ, vợ bé - Còn cấp nhỏ: thì lấy cô vợ cũng... thật to…!... “đã” chưa? Vậy hóa ra có bao nhiêu cái TO, cái “Vĩ đại” thì các cấp nhỏ chúng ta đã giành hết cả rồi! Nói chung, các cấp to bao giờ cũng sẵn tính khiêm nhường thế đấy.