Nhà văn, dịch giả Dương Tất Từ và bản dịch thơ "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh ra tiếng Czech

Một bản dịch Nhật ký trong tù nữa (sau hai bản dịch 1970 và 1985) lại vừa được xuất bản ở Cộng hòa Czech (một phần của Tiệp Khắc cũ) do Liên minh các nhà văn Czech với sự hỗ trợ của Hội người Việt Nam tại Czech. Người dịch chủ yếu là nhà văn, dịch giả, chuyên gia về văn hóa Czech của Việt Nam – Dương Tất Từ…

Bản dịch đã được thực hiện từ năm 1961, cách đây đúng 50 năm, đã in trên nhiều báo Tiệp Khắc. Nhưng do nhiều lý do, đến nay bản dịch mới ra mắt công chúng.

Dương Tất Từ là một dịch giả quen thuộc các tác phẩm văn học nổi tiếng của Tiệp Khắc cũ (nay là Czech), với các tác giả J.Fucik, Nesval… Anh có một lối diễn đạt sành điệu tiếng Việt, chẳng những trong từ vựng mà cả trong nhịp điệu. Vì vậy, bản dịch của anh rất dễ vào lòng người, vào tâm hồn Việt.

Anh đã nghiên cứu nền văn hóa Tiệp Khắc, Czech suốt hơn 50 năm qua, lao động bền bỉ, say mê và đã xuất bản hàng loạt công trình nghiên cứu, bản dịch. Bản dịch Nhật ký trong tù này là một sự mở đầu và cũng là điểm dừng chân trên chặng đường dài say mê nhưng gian khó. Anh tâm sự:

Năm 1961, khi tập thơ này mới được Viện Văn học cho dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Hà Nội, ngay lập tức tôi đã dịch ra tiếng Tiệp Khắc, cùng với nhà thơ Jan Noha và đã đăng trên các tạp chí Tiệp Khắc, chủ yếu là báo Sáng Tạo, Những Bông Hoa và Tuần báo Văn Học. Khi ấy, tôi còn là sinh viên, 26 tuổi, đầy nhiệt tình tuổi trẻ. Sau khi tốt nghiệp, tôi về nước công tác tại Viện Văn học.

Khi chia tay, tôi và ông bạn nhà thơ Jan Noha đã hẹn với nhau là sẽ tìm cơ hội xuất bản. Nhưng rồi nhà thơ Jan Noha đã lâm bệnh và qua đời. Ở Việt Nam tình hình chiến sự ác liệt, đời sống hết sức khó khăn, tôi không có điều kiện liên hệ xuất bản, thế là tập bản thảo cứ nằm im trong ba lô, nó đã theo tôi đi sơ tán trên các làng quê Hà Tây, Hà Bắc, lần giặc Mỹ ném bom cạnh phố Dã Tượng, may mà sách vở vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Đến nay đúng là tròn nửa thế kỷ”.

Dưới đây, Hồn Việt in nguyên văn bài viết của nhà thơ Czech Karel Sýs, một trong những dịch giả Nhật ký trong tù, trong bản in tiếng Czech vừa ra mắt.

Nhà thơ Karel Sýs (bìa phải) cùng các bạn đồng nghiệp trong Liên minh các nhà văn Czech trò chuyện thân mật với dịch giả Dương Tất Từ (thứ hai từ trái sang)

Đề tựa

Làm thơ trong cảnh lao tù! Cái bổn phận trớ trêu đối với một tâm hồn tự do khi không thể lìa khỏi thể xác, nó gắn bó với thể xác như chiếc máy ghi chấn động luôn gắn liền với mặt đất và nó chao đảo mỗi lần mặt đất chuyển rung.

Thể xác bị hành hạ – đói, khát, lạnh, ẩm và thiếu thốn mọi bề. Ở đây tất cả đều phải trả tiền – tiền đèn để có ánh sáng, tiền bóng tối cho cái đêm thao thức, rồi cả tiền buổi sáng hiện lên và kéo theo một đêm đen nối tiếp còn tồi tệ hơn vì trông thấy trước.

Thời gian uổng phí chăng? Không, nó không uổng phí. Tinh thần khinh thường xiềng xích và kẻ cầm tù. Tinh thần có mục tiêu của nó và có điều gì đáng nói. Thơ ra đời trong sự khổ đau, cuộc sống êm đềm chỉ còn là sự trống rỗng. Nó giống như cái kim nam châm, dù bão táp cũng không mệt mỏi và nó cứ chỉ về phương bắc, không thể đem sự oan trái để lừa gạt tinh thần, nó luôn trung thành hướng về cực mà số phận đã định sẵn.

Trước khi trở thành một nhà chính trị và người giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã là một nhà thơ. Một người tù và một nhà thơ. Đất nước bất hạnh khi một nhà thơ phải ngồi tù, nhưng may mắn cho một dân tộc khi giải thoát được nhà thơ.

Đặc biệt ngày nay chúng ta đang cần các nhà thơ như cần muối. Chân trời mờ mịt, con người mông lung… Chúng ta cứ như vùng vẫy trong đêm đen.

Nhà thơ không mù quáng, anh ta nhìn thấy những gì người khác không trông thấy. Anh ta bảo vệ những gì người khác lãng quên. Nhà thơ dự cảm thấy ngày mai trong khi những người khác không còn tin vào cái ngày hôm qua nữa và họ sống chỉ vì ngày hôm nay.

KAREL SÝS, nhà thơ

Hồn Việt