* H.V: Sau tiểu thuyết Thượng Đức đã được in đến lần 3, ông lại có cảm hứng viết về trận đánh khốc liệt ấy, xin ông cho biết cái gì đã lôi cuốn ông trở lại đề tài này?
- NHÀ VĂN NGUYỄN BẢO: Tôi tham gia chiến dịch Thượng Đức năm 1974 mà mãi tới gần 40 năm sau tôi mới bắt tay viết Thượng Đức, đủ biết những sự kiện, những con người và sự khốc liệt của các trận đánh ở đây đeo bám tôi biết chừng nào! Đỉnh máu như là một phần tiếp theo của Thượng Đức, không thể nào khác, có điều cách viết không còn như cũ, tôi sẽ nói rõ ở phần sau.
Tuy nhiên, Thượng Đức được in lại lần 3 trong một khoảng thời gian ngắn đã khiến cảm hứng trong tôi như được nhân lên. Đặc biệt một số cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 2, cán bộ chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Đại Lộc đã động viên tôi, khích lệ tôi rất nhiều.
* Người đọc nhận thấy lần này ông có những đổi mới quan trọng trong kết cấu của tiểu thuyết. Chẳng hạn cho hai nhân vật Ngọ (bên ta) vàHán (nguyên sĩ quan dù) đối thoại đểđa dạng hóa cách nhìn hiện thực khách quan…
- Viết trực diện về chiến tranh hiện nay là một thử thách. Với tôi, vùng đất và con người ở Đại Lộc - Quảng Nam “vốn liếng” cũng còn kha khá nhưng Thượng Đức cũng đã ngốn gần 700 trang rồi. Tiếp tục “đào” dễ sa vào đường mòn cũ. Bởi thế suy nghĩ tìm một cách biểu hiện mới như là một đòi hỏi khắc nghiệt. Nhưng mọi sự sáng tạo đều bắt nguồn từ thực tiễn. Thực tiễn là người thầy gợi nên những ý tưởng mới lạ. Nhân vật Hán và nhân vật Ngọ (hai nhân vật chính trong Đỉnh máu) gặp nhau và đối thoại với nhau suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết là sự mách bảo của thực tế cuộc sống. Sau khi cuốn Thượng Đức ra đời một số người cả bên ta cả phía bên kia viết thư hoặc gọi điện thoại hỏi tôi rất nhiều điều liên quan đến số phận một số nhân vật trong tiểu thuyết. Cũng có người muốn cung cấp thêm một số tư liệu. Anh bạn người Quảng Nam dẫn tôi đến gặp và trò chuyện với một sĩ quan dù tham chiến trên ngọn đồi 1062 hiện đang sống ở Đà Nẵng. Nhận thấy con người này có cá tính lại khá tinh tường về cuộc chiến trên 1062, lần nào vào Đà Nẵng tôi cũng đến gặp. Trò chuyện thân tình, có lúc căng thẳng, có lúc vui, có lúc buồn, cũng có khi giận dỗi nhau về cách nhìn nhận cuộc chiến. Kết cấu của cuốn tiểu thuyết đã hình thành từ câu chuyện có thật ấy. Kết cấu này vừa đa dạng hóa cách nhìn vừa toát ra tính khách quan khi đối thoại, tranh luận. Mặt khác cũng mở ra nhiều thuận lợi cho người viết khi chạm vào các vỉa của cuộc chiến và hậu cuộc chiến.
Cũng cần nói thêm rằng, trong Đỉnh máu tôi vẫn tiếp tục bám sát nguyên mẫu, trung thành với tất cả những gì đã diễn ra trên 1062. Một số nhân vật đã xuất hiện ở Thượng Đức tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh 1062. Tôi quan niệm: Dù là tiểu thuyết chăng nữa sự thuyết phục người đọc vẫn ở sự thật, nói cách khác sự phản ánh giống như sự thực vẫn là tối thượng đối với người sáng tác. Hư cấu là để sự thực được thực hơn. Nếu Thượng Đức là cách viết truyền thống, sự kiện nhân vật xuất hiện theo thời gian thì Đỉnh máu phức tạp hơn. Thủ pháp đồng hiện được lựa chọn ngay từ đầu. Quá khứ, hiện tại đan xen nhau. Để tránh sự dây dưa dài dòng, tôi dùng phương pháp cắt dán của điện ảnh… Về nội dung: xung sát trên 1062 dai dẳng hơn, quyết liệt hơn Thượng Đức. Đúng như Nguyễn Thanh Tú, tác giảbài viết Đỉnh máu - một hoán dụ ám ảnh trên Văn Nghệ Quân Đội (tháng 10/2012) nói: “Đỉnh máu mới hơn so với Thượng Đức ở chỗ đẩy vấn đề về gần với bản chất của bất cứcuộc chiến nào: chấn thương. Dĩ nhiên một tác phẩm khác viết về đề tài này cũng là một cách nói đến chấn thương, cũng gắn liền với đổ máu, mất mát, cái chết…, nhưng ở Đỉnh máu đã cố gắng tạo ra một cơ chế và một mã diễn ngôn riêng”.
* Cuốn tiểu thuyết có nhiều đoạn cao trào, đầy kịch tính, thểhiện sự khốc liệt sựhy sinh, lòng yêu nước của quân đội nhân dân, cũng hiện sự mù quáng hung hãn của lính dù (cả các sĩ quan cấp cao). Trong tiểu thuyết, bên cạnh chiến trận được miêu tả rất hay, còn có cả những góc tâm tình, tình yêu, diễn biến tiêu cực của một số bộ đội, nhưng điều đó không làm mờ đi những phẩm chất cao cả của người lính. Ông có tỏ ý lo ngại một số người xuyên tạc cuộc chiến. Bằng tiểu thuyết này ông đã xóa đi thâm ý xấu xa đó… Nhưng dù sao bạn đọc cũng chưa thỏa mãn hoàn toàn. Muốn một sự hoàn thiện nghệ thuật thật là khó, do vậy xin ông cho biết ý nghĩa sự đánh giá của mình và phần nào dư luận về Đỉnh máu, về sự hoàn thiện nghệ thuật của cuốn sách (quá trình tâm lý của nhân vật, tính logic, chiều sâu nhân vật)…?
- Tôi rất vui khi nhận được những lời khen và cũng thật sự biết ơn những ai đã chỉ ra những hạn chế trong cuốn sách… Về những góc tâm tình, tình yêu… đã biểu đạt trong tác phẩm cũng là một hiện thực của người lính kể cả hai phía khi xung trận. Những người lính ra đi khi có một mối tình ở hậu phương, những người lính xa nhà chưa kịp yêu và lại nảy nở tình yêu ngay trong khói lửa ngút ngàn của chiến tranh là chuyện thường tình. Những mối tình ấy có thể còn điều này điều kia khiến cấp chỉ huy chưa vừa lòng nhưng nó cũng giúp người lính lạc quan yêu đời hơn, dũng cảm và quyết chí hơn trong những trận đánh sinh tử. Cho cùng, các cán bộ chiến sĩ chúng ta ngã xuống khi tình yêu và cả sự nghiệp chỉ mới là ước mơ hoặc đang dang dở khiến chúng ta kính trọng ngùi ngùi. Sự hy sinh đó càng tôn thêm lòng yêu nước yêu Tổ quốc của họ. Sẽ là thiếu hụt, khi hàng mấy trăm trang sách chỉ mô tả về chiến trận chay.
Còn ngoài ra trong tác phẩm có những diễn biến tiêu cực của một số cán bộ chiến sĩ cũng là một tất yếu. Không chỉ trong chiến tranh mà ngay trong những ngày ta đang sống đây cũng không thiếu những cán bộ, chiến sĩ ích kỷ, cơ hội, vì lợi ích riêng sẵn sàng bán đứng chỉ huy, bán đứng đồng đội của mình. Trước đây vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người viết đã né tránh. Không trách họ nhưng ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa, công cuộc đổi mới đã có hàng chục năm mà sáng tác vẫn chỉ ca ngợi một màu hồng chói lọi thì coi chừng khó thuyết phục. Tôi nghĩ: những diễn biến tiêu cực trong một số cán bộ chiến sĩ không những không làm mờ đi phẩm chất cao cả của người lính nói chung mà còn chứng minh rằng phẩm chất của họ được thực hiện trong những điều kiện cực kỳ khó khăn khốc liệt. Vẻ đẹp của những bông hoa trên những sườn núi cheo leo hiểm trở bao giờ cũng rực rỡ hơn những chốn bình thường.
Đúng là tôi lo ngại khi một số người (có cả bạn bè đồng nghiệp của mình) nghĩ rất trái khoáy về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Điều này vừa đi ngược chân lý vừa vô ơn với máu xương đồng bào, chiến sĩ cả nước đã đổ ra vì độc lập tự do, vì lý tưởng cao đẹp của Bác Hồ. Sự lo ngại này đã được biểu cảm qua cuộc đối thoại của Ngọ và Lê Mã Lương (Đỉnh máu - tr.315). Hiện nay, có khá nhiều thuận lợi đối với sáng tác về chiến tranh. Người viết có thể tái hiện muôn mặt những gì đã xảy ra trong bom đạn, thỏa sức khám phá sáng tạo. Tất nhiên, viết thế nào cho có ích đối với dân với nước là điều hết sức quan trọng. Sẽ là thuốc độc đối với người đọc khi người viết nhìn nhận cuộc chiến chống Mỹ cứu nước bằng con mắt trách móc, thù hận.
Tôi viết Đỉnh máu khi đã thôi công tác ở cơ quan. Thời gian dành cho tiểu thuyết có nhiều hơn so với các cuốn viết trước đây. Khi sáng tác, tôi cố gắng hết sức mình. Lấy cái đó làm niềm an ủi cao nhất. Thượng Đức và Đỉnh máu là sự tiếp tục một đề tài, một vùng đất, những trận đánh trong một chiến dịch. Hai cuốn sách được viết trong thời gian không quá xa nhau nên bạn đọc có xu hướng so sánh hai sáng tác này với nhau. Hơn thua, khen chê của bạn đọc thường không giống nhau. Có người khen Thượng Đức được hơn, cũng nhiều người bảo Đỉnh máu khá hơn. Tôi nghĩ những nhận xét khác nhau là chuyện bình thường. Có người thích cuốn này, không thích cuốn kia và ngược lại, âu cũng là chuyện muôn thuở. Có khi cùng một chi tiết có người ưng, có người không ưng, khen hay chê là quyền của mọi người nhưng đều có ích đối với người viết. Có góp ý của một đồng nghiệp lấy làm tiếc khi tôi dừng quá nhanh ở tình huống Cang gặp lại Hinh ở ngọn đồi 1062 (tr.179-181). Chất bi hài trong trường hợp này cần khai thác nhiều hơn, kỹ hơn… Tôi cho rằng, đó là một ý kiến đúng. Tôi đã thêm vài trang nữa xoáy sâu hơn tâm lý Cang và cảm thấy nhân vật sâu hơn, nhân văn hơn. Rất tiếc là tôi chưa kịp bổ sung thì sách đã được Nhà xuất bản Lao Động tái bản mất rồi, đành chờ dịp khác vậy. Về nghệ thuật biểu hiện, tôi viết Đỉnh máu mất nhiều thời gian, công sức hơn viết Thượng Đức. Một kết cấu nhiều chiều, nhiều điểm nhìn, nhiều điểm nhấn đòi hỏi phải chỉn chu hơn. Tất nhiên, tiến đến một nghệ thuật hoàn hảo là một quá trình không dễ dàng. Có một số nhận xét rằng, đôi đoạn nói về nhà cửa của Ngọ không dính gì lắm với chủ đề của tác phẩm. Không biết nói vậy trúng hay trật nhưng nếu phải viết lại tôi vẫn không thể bứt mấy chục trang này ra khỏi cuốn sách. Nó gắn chặt với kỷniệm của Ngọ một thời sau chiến tranh. Nó là một vấn đềphổ biến bức xúc và nóng bỏng của xã hội ta hiện nay. Hán và Ngọ gặp nhau ở thời bình. Ngoài phần họ nhớ lại chiến trận xảy ra ở cao điểm 1062, họ không thể không quan tâm tới nhau về cuộc sống sau chiến tranh. Tôi đã dành một số trang nói về cuộc sống của Hán ngày hôm nay, sao lại không dành một số trang cho Ngọ? Vấn đề nhà đất ở xã hội ta hiện nay có thể viết thành tiểu thuyết hàng trăm trang. Tôi nghĩ viết về chiến tranh có một phần của hậu chiến tranh, tác phẩm sẽ sâu sắc hơn.
* Ông có tâm sự gì với bạn đọc Đỉnh máu?
- Trước hết, xin cảm ơn tạp chí Hồn Việt đã tạo điều kiện để tôi được giao lưu với bạn đọc của mình. Cũng xin cảm ơn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Quân Đội, báo Văn Nghệ… một số báo, đài, tạp chí khác đã tuyên truyền cổ vũ cho tiểu thuyết Thượng Đức và Đỉnh máu. Xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến những tập thể, cánhân đãđộng viên giúp đỡ tác giả trong quá trình viết và in sách.
Với bạn đọc xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới những người đã đọc Đỉnh máu và chia sẻ với tác giả. Những phê bình góp ý của bạn đọc là món quà vô giá với người viết. Mọi liên hệ xin qua điện thoại: 0903 448 216 – Email: nguyenbao_vnqd@yahoo.com.vn.