* Vì sao anh viết Khúc hát những dòng sông?
- Tôi sinh trưởng trong một gia đình Nho học, từ nhỏ đã được rèn dạy về đạo Hiếu. Lớn lên tôi được nghe, được gặp nhiều người Mẹ đáng kính. Yêu văn chương và làm giáo viên giảng dạy Văn học tôi đã say sưa giảng cho các em những tấm gương Bà Trưng, Bà Triệu… rồi chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng), má Sáu, chị Sứ (Hòn Đất), má Bảy (Gia đình má Bảy)… Thầy trò chúng tôi cúi đầu trước vẻ đẹp của người mẹ trong chiến tranh vệ quốc.

|
Nhà văn Nguyễn Thế Quang |
Thế nhưng từ công việc dạy học, tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh, trực tiếp sống với hàng ngàn học sinh tôi càng thấm thía: dạy con người, giáo dục con nên người là điều khó nhất, cần nhất, trước hết và trên hết. Nếu làm không được điều này thì dẫn đến bi kịch cho mỗi gia đình và cả dân tộc. Mà muốn làm được điều đó trước hết là ở những người Mẹ. Vì thế tôi rất mong các nhà văn, bên cạnh những tác phẩm về người Mẹ anh hùng trong chiến trận sẽ mang đến cho thầy trò chúng tôi những hình ảnh đẹp về người Mẹ trong việc nuôi dạy con nên người. Thế nhưng càng trông càng chẳng thấy…
* Và thế là anh viết Khúc hát những dòng sông?
- Chưa hẳn thế. Từ hồi học phổ thông tôi đã mê văn, muốn viết văn. Khi đi dạy tôi có viết vài truyện ngắn. Thế nhưng đọc nhiều, biết mình không có tài nên tôi gác bút. Sau khi về hưu tôi tìm được nhân vật mà tôi gửi gắm được nhiều điều và tôi quyết “dấn thân”. Tiểu thuyết Nguyễn Du ra đời được nhiều bạn đọc đón nhận, tôi tự tin hơn. Vì thế tôi quyết bắt tay viết tiểu thuyết về người Mẹ.
* Tại sao anh lại chọn bà Hoàng Thị Loan làm nhân vật chính?
- Trước hết bà là người Mẹ lớn – rất lớn trong ý chí, trong việc nuôi, dạy con cái. Thời ấy, hoàn cảnh ấy mà dám gồng gánh vào Huế nuôi chồng, nuôi con, không mấy ai làm được. Nhân cách con người chủ yếu hình thành từ tuổi ấu thơ. Từ khi có Nguyễn Sinh Cung, cụ Phó bảng Sắc miệt mài học và thi, Nguyễn Sinh Cung luôn ở bên mẹ. “Đức hiền tại mẫu”, bà đã có ảnh hưởng quyết định tạo nên nhân cách Nguyễn Sinh Cung để sau này phát triển nên nhân cách cao đẹp của Nguyễn Tất Thành rồi Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh. Bà là nguyên mẫu thích hợp cho ý đồ tư tưởng nghệ thuật của tôi. Tôi chọn thể loại tiểu thuyết vì có biên độ lớn và từ những nhân vật lịch sử chân thực tôi tin là có sức thuyết phục bạn đọc hơn.
* Khi viết cuốn sách này điều anh muốn gửi gắm nhất là điều gì?
- Tôi quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử không chỉ nhằm khám phá bản chất lịch sử mà cần hơn là đối thoại với hiện tại. Với cuốn sách này tôi không chỉ mong người đọc hiểu được cái lớn lao của người Mẹ mà điều tôi muốn hơn là phải biết làm mẹ. Tôi thấy hiện nay bà mẹ nào cũng muốn cho con có tài năng mai này mau giàu sang, nhưng hiện tại nhiều người chỉ mới lo làm cho con sướng mà chưa lo dạy con đến mức và cũng chưa biết tìm cách thích hợp để dạy con. Nhìn vào lớp trẻ ngày nay thấy một bộ phận không nhỏ đạo đức xuống cấp quá, tôi rất lo. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” – tương lai của mỗi gia đình và của Đất nước nằm trong tay những người Mẹ và những đứa con. Vì vậy, tôi đã dành hai năm trời và suy nghĩ cả một đời dồn lên những trang viết của mình làm nên cuốn sách này.
--------------------
(*) NXB Hội Nhà Văn, 2013.