Đặng Minh Phương
Nhà văn Phan Thao, chi hội trưởng chi hội Văn Nghệ Liên Khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, nổi tiếng là người cẩn thận, chu đáo, hết lòng vì công việc chung và rất quan tâm đến cán bộ, nhân viên cơ quan, còn việc “riêng” của anh thì hình như anh “quên”, không nói đến.
Năm anh ngót ba mươi lăm tuổi, bạn bè, người thân gợi ý, mai mối, thúc giục anh tìm bạn trăm năm. Kẻ giới thiệu cô này, người giới thiệu cô kia, nhưng anh vẫn “thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”. Có người nói vui: Khi nào phụ nữ đi hỏi đàn ông thì Phan Thao mới có vợ! Nhà thơ Tế Hanh làm mấy câu thơ trêu anh:
Suốt cả đời tôi, tôi chỉ mong
Đàn bà quyền lợi hơn đàn ông
Tôi đợi cô nào đi hỏi quách
Không lo tán tỉnh cũng nên chồng.

Hồi ấy ở cơ quan phụ nữ khu và tỉnh Bình Định có hai chị Bích Hà và Bích Anh đều có nhan sắc và rất “công, dung, ngôn, hạnh”. Giới thiệu với anh, anh cứ lặng thinh như tờ phiếu trắng. Anh Tăng Lộc, cán bộ văn phòng chi hội bày mẹo buộc anh Phan Thao phải tỏ rõ thái độ. Tăng Lộc sáng tác hai câu thơ và đọc to trước anh Thao và anh em cơ quan: Thao thao trôi giữa đôi dòng Bích/ Chọn Bích Hà hay thích Bích Anh?
Rất bất ngờ, anh Thao cười hà hà. Tăng Lộc chớp lấy thời cơ dấn tới: anh Thao đồng ý chị Bích Hà được 50% rồi! Còn 50% nữa là quyền chị Bích Hà, ta vận động các chị bên phụ nữ khu trưng cầu “Hà ý”! Không bao lâu, các chị cho biết kết quả đạt được 100%!
Đám cưới diễn ra ở nông thôn, nơi cơ quan chi hội đóng, rất giản dị, đầm ấm, tươi vui. Nhà thơ Nam Trân ra vế đối và mời đối lại:
Chúc anh sáng tác nhanh, sáng tác nhiều, thao thao bất tuyệt!
Trong khoảnh khắc nhà thơ Khương Hữu Dụng đối lại:
Mừng chị cưới vui mãi, cười vui luôn, hà hà liên miên!