Nhà văn Việt kiều Mỹ, Phùng Thị Lệ Lý: "Việt Nam vẫn trong tâm não tôi"

Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip, một Việt kiều Mỹ),  người được biết đến là tác giả khá nổi tiếng khi hai tác phẩm When Heaven and Earth changed places (Khi Đất Trời đảo lộn) và Child of war and woman of peace (Đứa trẻ thời chiến và người phụ nữ thời bình) được tờ The New York Times bình chọn “sách best-seller” ở Mỹ vào đầu thập niên 90. Ngay sau đó, đạo diễn lừng danh Hollywood, Oliver Stone đã mua bản quyền và chuyển thể  hai tác phẩm làm thành phim Heaven and Earth (Trời và Đất, 1993). Nhưng đối với bà Lệ Lý, cuộc đời càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi được trở về quê hương, gắn bó suốt hành trình 20 năm hoạt động nhân ái, từ thiện.

pic

Bà Phùng Thị Lệ Lý

1. Trời và Đất đã được chiếu ở Hà Nội 5 lần. Nhưng ở TP Hồ Chí Minh, đây là buổi chiếu lần đầu tiên bộ phim này; và, cũng là lần đầu tiên, tôi có dịp giao lưu cùng khán giả, báo chí thành phố”, bà Phùng Thị Lệ Lý cởi mở trò chuyện sau buổi chiếu phim do Phòng Văn hóa Thông tin - Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Từ cuộc đời viết lên trên những trang sách; rồi, tác phẩm được dựng thành phim, bà Lệ Lý cho biết: tuy tình tiết câu chuyện và các nhân vật được đạo diễn Oliver Stone xâu kết, nhào nặn và được “Hollywood  hóa” nhưng cốt lõi chuyện phim vẫn trung thực với cuộc đời thật của bà.

Tương tự như nhiều vùng quê khác ở miền Nam sau hiệp định Genève năm 1954, xã Hòa Quý - Hòa Vang (ngày nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng), nơi Lệ Lý và gia đình sinh sống, được mệnh danh là “vùng xôi đậu” (ban ngày lính quốc gia kiểm soát, ban đêm là hoạt động của cách mạng). Một lần bị địch bắt, hăm dọa, tra tấn; cho đến khi được chúng thả ra, cô giao liên nhỏ bị nghi ngờ là kẻ phản bội! Chịu oan khuất, bị cưỡng hiếp, tủi nhục, mới 14 tuổi, Lệ Lý phải bỏ trốn vào Sài Gòn “đi ở đợ”. Không bao lâu, cô lại mang thai vì bị gã chủ nhà cưỡng hiếp. Cuộc sống quá bấp bênh, Lệ Lý trở lại Đà Nẵng, làm đủ nghề để nuôi con. Cuối cùng, từ nhiều tình huống đưa đẩy, Lệ Lý nhận lời kết hôn với kỹ sư Steve Butler và theo anh ta sang Mỹ. Miền Nam được giải phóng hơn 15 năm, Lệ Lý trở về quê nhà…

Sau hai lần đoạt giải Oscar giải đạo diễn xuất sắc phim Platoon (Trung đội, 1986) và Born on the Fourth of July (Sinh ngày 4 tháng 7, 1989), đề tài chiến tranh Việt Nam vẫn không bứt rời khỏi suy nghĩ của đạo diễn Oliver Stone. Trời và Đất không mang lại doanh thu cao như hai phim từng thực hiện nhưng điểm khác biệt của phim lần này: Oliver Stone làm phim về chiến tranh Việt Nam thông qua cái nhìn của một người phụ nữ và vẫn theo quan điểm phản chiến của ông. Trong mắt Oliver Stone, người phụ nữ là nạn nhân của chiến tranh. Tuy không dựa vào ý nghĩa thơ ca cổ điển Việt Nam Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên nhưng hình ảnh chiếc nón lá bị gió cuốn bay tơi bời trên cánh đồng rộng mênh mông trong nhịp điệu dồn dập, báo trước điều bất ổn ở cảnh đầu phim Trời và Đất đã cho thấy rất gần gũi với ý nghĩa hai câu thơ Chinh phụ ngâm ở trên. Hình ảnh chiếc nón lá bay mang đầy ý nghĩa ẩn dụ của Oliver Stone: Cuộc chiến tranh trên đất nước Việt Nam không phải do người Việt Nam gây ra. Thực chất, chính do bàn tay can thiệp thô bạo của người Mỹ, sau khi Pháp bại trận, rút về nước. Chiến tranh đã đẩy số phận một cô gái nông dân và nhiều người dân Việt Nam hiền lành đến  bao tình huống bi kịch. Có nghịch lý không khi một con người “có tổ có tông, có cha có mẹ, có nhà có cửa, có đất có vườn, có đồng có ruộng, có trâu có bò, có heo có gà…” vì sao lại phải ly hương, ở nơi xứ lạ, quê người? Bà Lệ Lý nói liền một mạch và cho rằng có sự đồng cảm giữa cái nhìn của tác giả tiểu thuyết và đạo diễn phim, khi Oliver Stone đã cắt nghĩa điều này với người dân Mỹ, để họ có cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc chiến và dân tộc Việt Nam, qua bộ phim Trời và Đất.

pic

Hai tác phẩm của bà Phùng Thị Lệ Lý được dựng thành phim Trời và đất. Ảnh: Thúy Bình

2. Vào những năm cuối thập niên 80, trong văn học Mỹ xuất hiện hiện tượng những người phụ nữ Mỹ gốc Á viết văn. Một số tác phẩm của họ khá nổi đình đám và được dựng thành phim: Amy Tan (gốc Trung Quốc) với quyển tiểu thuyết The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội), xuất bản năm 1989; Le Ly Hayslyp (gốc Việt Nam) với hai tự truyện When Heaven and Earth changed places (Khi Đất Trời đảo lộn, 1989) và Child of war and woman of peace(Đứa trẻ thời chiến và người phụ nữ thời bình, 1993). Hoài niệm về quê hương, quá khứ lịch sử, truyền thống gia đình và cả những mối thâm tình, máu thịt của con người luôn luôn dằn vặt, đau đáu, thôi thúc họ sáng tác. Người châu Á thành đạt và nổi tiếng trên đất Mỹ không phải là điều dễ dàng, nhất là trên lãnh địa viết lách! Không phải là người được học hành đàng hoàng, có học vấn tương đối như những người phụ nữ gốc Á viết văn khác, Lệ Lý đã tự học, tự đọc nhiều sách và nghiền ngẫm bao nhiêu điều trong cuộc sống, trong tất cả mối quan hệ của mình. Lệ Lý cho rằng triết lý Phật giáo với tinh thần Á Đông đã ảnh hưởng sâu sắc quan niệm sống và được thể hiện qua tác phẩm của bà. Kể chuyện đôi nét về phim Trời và Đất, bà cho rằng, tất nhiên, liên quan đến câu chuyện những nhân vật trong tác phẩm, sự lựa chọn diễn viên trong phim cũng phải là những diễn viên châu Á hoặc gốc Á sống trên đất Mỹ. Thật trái khoáy, nếu xét về góc độ nào đó, trong phim Phúc Lạc Hội, nữ diễn viên Việt Nam Kiều Chinh được đạo diễn Wayne Wang giao vai một người mẹ Trung Quốc thì ngược lại, ở Trời và Đất, Oliver Stone lại chọn Trần Xung (Joan Chen), nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng (từng tham gia phim Hoàng đế cuối cùng của đạo diễn Bernardo Bertolucci), vào vai người mẹ Việt Nam! Bà Lệ Lý kể khi nhận vai này, Trần Xung đã “đi thực tế”, đến vùng quê Hòa Quý, sống cùng mẹ ruột của Lệ Lý trong hai tuần lễ để tìm hiểu tính cách, con người của bà cụ trước khi bước vào bối cảnh phim, quay ở Thái Lan. Tuy chưa lột tả hết chiều sâu tâm tư một bà mẹ Việt Nam, nhưng nữ diễn viên này đã đóng tròn vai của mình. Riêng trường hợp vai nữ chính được giao cho Lê Thị Hiệp, một cô gái gốc Đà Nẵng, sang Mỹ cùng gia đình từ năm 6 tuổi. Đây cũng là lợi thế của một nữ diễn viên “tay ngang” khi cô vẫn còn giữ được nét thuần Việt và “chất quê” đất Quảng. Bà Lệ Lý đã “truyền” cho Lê Thị Hiệp những trải nghiệm và dạy cô hát ru. Đảm nhận vai nhân vật nữ trung tâm, cô đã thể hiện hình bóng của bà, xuyên suốt từ lúc còn là cô gái nhỏ hồn nhiên, thích múa, hát những bài ca cách mạng đến lúc trở thành người phụ nữ 45 tuổi, sống trên đất Mỹ…

3. Hiện tại đang sống ở Mỹ, nhưng mỗi năm, bà Lệ Lý thường xuyên trở về Việt Nam. “Việt Nam vẫn trong tâm não của tôi. Tôi không mất gốc Quảng Nam, vẫn nói giọng Quảng đặc sệt; tôi thuộc rất nhiều ca dao, dân ca và cả thơ ca cách mạng Khu 5 từ năm 12 tuổi”,  bà chân thành bộc bạch.

pic

Bà Phùng Thị Lệ Lý với khán giả sau buổi chiếu phim Trời và Đất, do Phòng Văn hóa Thông tin - Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh

Giờ đây, sau hơn 20 năm trở lại Việt Nam với cuộc hành trình từ thiện, từ dự án Đông Tây hội ngộ đến Làng Toàn cầu, bà Lệ Lý vẫn nhiệt tình với tâm nguyện ban đầu: “lập công, bồi đức” theo triết lý Phật giáo. Bà bày tỏ đó là tâm nguyện phải giúp đỡ bà con, giúp những người dân nghèo sau chuyến trở về quê hương đầu tiên vào năm 1986 của bà. Năm 1987, bà đã bán tài sản ở Mỹ để dành tất cả cho hoạt động nhân đạo (hàn gắn vết thương sau chiến tranh, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam dioxin…). Thật may mắn, bà luôn được sự đồng tình của ba người con trai. Bây giờ, họ đã có công ăn việc làm, dù ở lĩnh vực doanh nghiệp hay nghệ thuật cũng đều thành đạt; riêng người con trai út từng hỗ trợ không ít công sức giúp mẹ thực hiện dự án từ thiện ở Việt Nam trong thời gian mấy năm liền.

- Bà có định viết văn nữa không? - Một nhà báo trẻ đã hỏi bà Phùng Thị Lệ Lý trong buổi giao lưu. Người phụ nữ này cười thật tươi cho biết bà sẽ viết tiếp những trang đời sau này. Nhưng, công việc cần thiết trước mắt nên làm là thực hiện dự án Làng Toàn cầu với Tủ sách lưu động và hoạt động bảo tồn, dạy nghề truyền thống. Chương trình Tủ sách lưu động đã mang cả 1.000 thùng sách đến 1.000 trường học. Bà và những người thực hiện chương trình thường xuyên mở các buổi tập huấn lưu động đến vùng sâu, vùng xa miền Trung và đang tiếp tục mở rộng ở một số trường các vùng trên cả nước. Chương trình đã tổ chức hội thi đọc sách, kể chuyện qua sách, làm quen với sách, thực hành sáng tạo nghệ thuật, làm thủ công mỹ nghệ qua sách…  

“Tôi quan niệm phải làm sao giúp cho các thế hệ trẻ sau này, nhất là trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa có cơ hội mở mang trí tuệ, cố gắng trở thành những người giỏi, tốt, thực tiễn”, bà Lệ Lý tâm sự. Bà cũng bày tỏ rằng rất vui mừng khi giờ đây, càng lúc càng thấy các thế hệ về sau thực sự gần nhau, hiểu biết nhau hơn. Con em kiều bào đã trở về thăm quê hương, biết được cội nguồn dân tộc của mình và con em Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài học tập, thành công. Thế hệ của họ sẽ cùng góp sức, làm được nhiều điều hữu ích cho đất nước phát triển sau này.

TS Kim Ửng