Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng yêu thương là chuyện quá dễ, giống như hít thở vậy, đó là một bản năng, một nhu cầu cơ bản, hơn thế, đó là khát vọng triền miên của con người. Sinh ra là ta đã được yêu, biết yêu thương... khả năng đó tồn tại suốt đời và đó là suối nguồn hạnh phúc của mỗi người... nhưng thực tế, không hẳn ai cũng được như vậy.
CHO MÀ KHÔNG ĐƯỢC NHẬN?
Yêu thương luôn tồn tại theo nguồn đối lưu: cho và nhận, đặc biệt là trong tình yêu, tình vợ chồng. Thế nhưng thuần khiết, vĩ đại và vô điều kiện như tình mẫu tử cũng không phải không mong có ngày được nhận.
Một nhà báo nữ tận tụy với nghề, chị thiên về văn chương, tính tình dịu dàng, giàu tình cảm, ai tiếp xúc với chị cũng đều tin cậy và quý mến… Một người như thế mà chồng mất sớm khi con trai mới hai tuổi, chị dồn hết tình yêu thương cho con và cương quyết ở vậy nuôi con khôn lớn, dù chị hấp dẫn như một trái chín trên cành khiến lắm người đàn ông khao khát…
Hy sinh vì con nhưng cũng như nhiều người mẹ trí thức khác, chị yêu cầu cao về con. Con chị phải khỏe mạnh, cao lớn, học giỏi… Việc đầu tiên là chị ép cháu ăn, hình ảnh tôi thường gặp khi đến thăm chị là bưng tô cơm chạy theo con, dù tuổi cháu lúc đó là đã tự ăn được. Nhà chị không thiếu những món ăn vặt, những bữa ăn phụ giàu dinh dưỡng chờ chực nhưng cháu vẫn gầy còm, hay đau ốm. Đó là nỗi khổ đầu tiên của chị. Cháu mới học tiểu học, đến trường ngày 2 buổi, chị còn “bồi dưỡng” cho cháu một buổi học thứ 3, vào buổi chiều tối tại nhà. Hết anh sinh viên đến kèm môn toán đến lượt cô giáo đến kèm môn tiếng Anh, tôi thực sự sợ cháu bội thực về chuyện ăn lẫn chuyện học và mắc phải “hội chứng thừa mứa” về vật chất lẫn tình thương vì cháu được nuông chiều quá mức, rất muốn khuyên chị nhưng không được.
Cứ thế, mẹ con luôn vật vã “mất đoàn kết” về chuyện ăn, học suốt bao nhiêu năm và dần dần cháu có biểu hiện sợ việc học và muốn thoát khỏi sự chăm sóc của mẹ. Giờ đây, cháu đã là một chàng trai 17 tuổi, ốm nhom, cao kều và đã bỏ học để làm những gì mình thích dù mẹ cháu nhiều lúc chỉ muốn chết đi cho đỡ khổ… Giữa mẹ con họ không còn cử chỉ thân mật, không âu yếm, không cười đùa, trò chuyện, không thể đi ăn chung… Cháu chỉ muốn về nhà những lúc không có mẹ. Lẽ ra, hai mẹ con phải tìm đến một bác sĩ tâm lý nhưng chị lại không muốn nhìn nhận một sự thật… Một lần chị khóc trong điện thoại rằng, chị chỉ có lòng thương con vô bờ bến, muốn điều tốt cho con, tại sao chị bị hắt trả phũ phàng như thế.

Ảnh minh họa.
PHỤ NỮ VIỆT NAM TỐT NHẤT THẾ GIỚI?
Một lần được mời đi giao lưu nhân ngày Quốc tế Phụ nữ với một cơ quan có nhiều phụ nữ giỏi giang và thành đạt tôi đã nói câu đó khiến ai cũng bật cười. Một điều hiển nhiên là phụ nữ chúng ta từ lâu được công nhận là trung hậu, đảm đang và còn hơn thế nữa. Nếu muốn dẫn chứng ra thì vô số kể. Vừa qua, một cô dâu Việt làm dâu xứ Hàn đã bị chồng sát hại, trong đoạn nhật ký để lại cô đã viết rằng, cô chỉ muốn được chồng thương yêu, muốn sống hạnh phúc với chồng, dù giữa họ không có tình yêu, người chồng lớn hơn vợ rất nhiều tuổi và giữa họ có quá nhiều khác biệt...
Có một cặp vợ chồng, họ yêu nhau từ thời sinh viên và cưới nhau sau khi ra trường nhận công tác ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Một mối tình đẹp ra hoa kết quả hiếm hoi trong vô số những mối tình sinh viên “yểu mệnh”. Đi dạy được dăm năm, khi họ có được hai cậu con trai thì anh thi vào cao học và ra Hà Nội học.
Để nuôi hai con và chồng ăn học chị xin nghỉ dạy, ra ngoài buôn bán lặn lội thân cò. Chồng tốt nghiệp cao học được một trường đại học ở TP. HCM mời về giảng dạy… Chị lại tiếp tục về thành phố buôn bán vì không xin đi dạy lại được, vả lại hai con ngày càng lớn, chi phí càng nhiều, tốn kém, anh tiếp tục làm luận án tiến sĩ…
Chị yêu chồng, ngưỡng mộ chồng, làm mọi thứ để chồng đạt được ý nguyện với một mong muốn thầm kín là như thế chồng sẽ càng yêu mình, biết công ơn của mình. Khi chồng chị thành một “ông nghè” danh giá, nhiều nơi mời mọc, đưa đón thì chị vẫn chỉ là một tiểu thương quê mùa, lạc hậu và phai tàn… Chị hoàn toàn đánh mất sức quyến rũ lẫn tình yêu ở chồng…
BỐ CŨNG MUỐN ĐƯỢC YÊU THƯƠNG!
Các ông bố thường được ví như núi non, cao lớn, vững chãi nhưng có phần thâm nghiêm, khô khan, ít biểu lộ tình cảm nên con cái dễ nghĩ rằng bố không cần con đến sự âu yếm, yêu thương từ các con. Mới đây, một ông bố trẻ đã tâm sự rằng, anh rất yêu thương con trai, nhưng dường như con trai anh lại quấn quýt thương mẹ hơn, thật lòng anh cũng muốn được như thế!
Một điều dễ nhận ra từ đa số trong các gia đình, dù êm ấm thì con trai vẫn thường quấn quýt mẹ và con gái thường quý cha. Đó là tâm lý giới tính tự nhiên, người ta thường yêu quý, thu hút từ những gì khác mình. Nhưng trong thực tế rất nhiều cô con gái cũng tỏ ra gần gũi thương mẹ hơn. Vì sao? Vì cha thường xa cách, vắng nhà, ít chia sẻ với con… Chưa kể là có những ông bố xử tệ với vợ, thậm chí mắng mỏ, phản bội, bạo hành vợ mình. Muốn được con yêu thương, trước hết người cha phải yêu thương, chăm sóc người mà trẻ yêu quý nhất- đó là người mẹ thì người cha mới nhận được tình yêu thương từ chúng.
TRANH GIÀNH YÊU THƯƠNG, NÓI XẤU “ĐỐI TÁC”!
Trong nhiều gia đình không chỉ có sự tranh giành quyền sở hữu về của cải, tiền bạc, quyền lực mà còn có cả những “cuộc chiến” để mình được yêu thương nhiều hơn. Không hiếm những bà mẹ luôn tìm cách chứng minh với con cái rằng mình mới là người thương yêu các con nhất, có khi họ còn nói xấu sau lưng chồng để đạt được mục đích. Cũng có những ông bố thẳng thừng chỉ ra cho con thấy mẹ chúng là người không đáng được yêu quý, nào là vô dụng, vụng về, ích kỷ, không biết thương con… Đấy là chưa kể những cặp vợ chồng luôn bất hòa, hay sau khi li hôn còn tìm cách giành trọn “cổ phần” yêu thương về phía mình để “kẻ thù” trắng tay cho bõ ghét… Có những bà nội tìm cách tranh thủ tình cảm của cháu nội để nó thương mình nhiều hơn mẹ nó, hay không hiếm bà ngoại cố “lấn chiếm” phần của đứa cháu dành cho bà nội để phần tình cảm cháu dành cho mình “dồi dào” hơn.
Bản chất của yêu thương là hạnh phúc, thế nhưng lắm khi yêu thương cũng mang đến cho chúng ta lắm đau khổ, nhọc nhằn… Người ta bảo rằng “Yêu là cho” nhưng nhiều khi cho hết cũng lâm vào bi kịch, nhưng chỉ có biết nhận cũng không ổn hoặc canh giữ khư khư sao vẫn khánh tận lúc nào không hay. Nhiều người sâu sắc không chấp nhận việc dùng đến “kỹ năng, kỹ xảo” trong tình yêu, có lẽ họ phải cần đến một loại “kỹ năng” cao cấp hơn, đó là sự khôn ngoan, minh triết để yêu thương trong gia đình mãi mãi là nguồn hạnh phúc vô tận, vượt qua mọi thử thách, vượt lên sự giàu nghèo, là một “thế giới phẳng” với tất cả mọi người.