Làm sao cho nhạc kịch gần gũi
* Thưa ông, nhạc kịch còn xa lạ với người Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó có đặc thù về mặt thể loại khiến con đường đưa nó đến với công chúng luôn có khoảng cách. Sau nhạc kịch Đất nước đứng lên, ông tiếp tục “xung trận” với Hai người mẹ, hẳn ông có niềm tin vào sự tiếp cận khán giả và sức sống của thể loại này?

Nhạc sĩ An Thuyên
- Việt Nam có nền tảng kịch hát truyền thống, gồm: tuồng, chèo, cải lương... Thế giới có nền ca kịch tuyệt vời. Điều quan trọng là tiếp thu được tinh hoa của thế giới và học hỏi từ những giá trị nghệ thuật của cha ông để lại và làm thành cái của mình. Tôi tâm niệm, nếu tiếp thu và áp dụng cứng nhắc thì tác phẩm sẽ không có sức sống. Trước đây, tôi viết nhạc kịch Trương Chi và vở dựng theo hình thức “form” phương Tây. Vở chỉ diễn được 5-7 buổi dù bài hát chính trong vở này trở thành Ca dao em và có sức sống. Năm 2005, tôi dựng Đất nước đứng lên và nó gắn bó được với đời sống. Vở được đưa về tận buôn làng của anh hùng Núp để biểu diễn. Bà con rất vui nói rằng: Hôm nay tưởng ông Núp về… Khi Hai người mẹ công diễn, công chúng cảm nhận được và hy vọng, nó có sức sống. Nói chung, ta có nền tảng để làm nhạc kịch, chỉ có điều cần làm sao cho nó gần gũi…
* Nghĩa là làm cho nó dễ hiểu, dễ cảm, theo kiểu “opéra Việt Nam”? Nhưng liệu thể loại nhạc kịch và câu chuyện về Hai người mẹ có kham hết những tầng ý nghĩa trong tiểu thuyết Hòn Đất?
- Tiểu thuyết Hòn đất là tác phẩm lớn, đặc sắc, có sức sống vững chắc và lâu bền trong mỗi con người Việt Nam. Tôi không nghĩ sẽ thể hiện hết những vấn đề lớn mà Hòn Đất đã tạo dựng mà chỉ đi sâu khai thác hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung, người phụ nữ Nam Bộ nói riêng thông qua hình tượng hai người mẹ: má Sáu và bà Cà Xợi. Họ sống đùm bọc nhau dưới một mái nhà nhưng con của họ lại ở hai chiến tuyến. Họ cùng chung nỗi đau mất con và đều chung sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc thiêng liêng.
Để kể đầy đủ một câu chuyện có đầu, có cuối như tiểu thuyết trong ba màn kịch là rất khó. Nhưng nhạc kịch có thế mạnh trong việc chuyển tải nội tâm nhân vật. Bốn nhân vật có đời sống nội tâm là mảnh đất cho nhạc kịch. Chị Sứ thủy chung và sẵn sàng hy sinh vì bà con đang sống trong hang Hòn. Bà Sáu thương con và giằng xé vì nỗi đau mất con. Bà Cà Xợi cũng giằng xé giữa việc giết con hay giết tên ác ôn... Tôi sử dụng thủ pháp hợp xướng của nhạc kịch Ý để dẫn chuyện và lời thoại xen kẽ tự sự các nhân vật. Câu chuyện đơn giản nhưng nội tâm nhân vật không đơn giản.
Đề tài chiến tranh cách mạng luôn có nhiều điều lý thú
* Sao ông không mời đạo diễn chuyên dựng nhạc kịch để sự sáng tạo được cộng hưởng?
- Trước đây, nhạc kịch Trương Chi từng thay ba đạo diễn. Đến Đất nước đứng lên, tôi cảm giác mình phải làm (đạo diễn). Khi viết, tôi đã hình dung toàn bộ diễn biến câu chuyện, đường dây tâm lý và hành động của nhân vật trong thế giới âm nhạc do mình tạo ra. Đạo diễn nhạc kịch ở ta ít và phần lớn là đạo diễn sân khấu, nếu mời thì họ cần có thời gian để nghe nhạc và thẩm thấu ý tưởng. Thời gian dựng kịch Hai người mẹ không có nhiều và Đoàn Nghệ thuật quân khu 9 cũng gặp khó khăn. Với những tìm tòi nhất định trong công tác đạo diễn, tôi muốn thể hiện tận gốc những suy nghĩ, trăn trở của mình… Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm làm đạo diễn mà chỉ đảm nhận vai trò này với tư cách tác giả và chỉ làm đạo diễn kịch bản của mình mà thôi.
* Ông có nghĩ mình “lấn sân” của đồng nghiệp chuyên làm các vở nhạc vũ kịch?
- Chính họ “đặt hàng” tôi viết và hai đời giám đốc (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) đều thúc giục tôi viết nhạc kịch. Viết rất khó. Tôi dường như thuộc lòng tiểu thuyết Hòn Đất nhưng tìm ra “chìa khóa” để dựng vở với một nhà hát mang phong cách cổ điển thính phòng quả là khó khăn. Tôi muốn vở đậm màu sắc dân gian và các anh ở Bộ Tư lệnh quân khu 9 tha thiết dựng vở này.
* Ông sẽ tiếp tục làm nhạc kịch và vẫn trung thành với đề tài chiến tranh cách mạng?
- Đề tài chiến tranh cách mạng luôn có nhiều điều lý thú. Các quân khu đều có “đất” cho nhạc kịch. Tôi chỉ sợ sức mình kham không xuể. Sắp tới, tôi sẽ ngụp lặn trong dòng văn học dân gian để chọn tích truyện dân gian làm đề tài cho vở nhạc kịch. Chẳng hạn, Ngưu Lang - Chức Nữ là câu chuyện đầy chất nhạc kịch…
Trên hết vẫn là tình yêu với mỗi miền đất nước
* Ông là tác giả của những ca khúc được nhiều người yêu thích: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Hà Tĩnh mình thương… Sau này, ông khai thác cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân gian Tây Nguyên rồi tiếp tục khám phá vẻ đẹp của dân ca xứ Bắc… và đều có những tác phẩm được ghi nhận bởi các giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với vở nhạc kịch này, ông tìm về với âm nhạc của đồng bào Khmer và những giai điệu đờn ca tài tử Nam Bộ để tiếp tục “làm mới” mình?
- Mới hay không thì tôi chưa dám khẳng định. Tôi xuất thân trong gia đình có truyền thống hát tuồng, cải lương… Từ ngày còn bé, tôi được sống trong những giai điệu cải lương và là một nhạc công trong dàn nhạc gia đình. Bố tôi là diễn viên và các anh trai tôi đều hát hay lắm. Tôi cho rằng, điều quan trọng là hiểu và cảm văn hóa vùng, miền. Chất liệu dân gian của từng vùng thì chỉ cần để ý một chút là có thể khai thác được. Để hiểu văn hóa của một vùng, miền đòi hỏi có quá trình dài… Trên hết vẫn là tình yêu với mỗi miền đất nước, với người dân ở đó…
Bên cạnh tình yêu với đồng bào vùng sông Cửu Long, công tác đào tạo giúp tôi có thời gian gắn bó với đất và người Nam Bộ. Tôi đã về thăm những gia đình kháng chiến năm xưa, leo hang Hòn tìm lại dấu chân những người du kích… và viết thử ca khúc Khúc tương giao nơi cuối trời về Hà Tiên để thể nghiệm khai thác chất Nam Bộ đối với âm nhạc đương đại. Giống như trước khi viết nhạc kịch Đất nước đứng lên, tôi đã viết ca khúc Đi tìm bóng núi để tìm thấy mối giao cảm với ngôn ngữ âm nhạc của vùng đất đỏ Tây Nguyên. Các bài đờn ca tài tử và dân ca Nam Bộ trở thành nền tảng âm nhạc của vở diễn này.
* Xin cảm ơn ông!
Nhạc sỹ An Thuyên đã đoạt các giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc Phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); Giải Nhất của Bộ Văn hoá - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995). Nhiều năm liền, ông đoạt thứ hạng cao giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Vở nhạc kịch Hai người mẹ đoạt 3 HCV và 3 HCB dành cho các nghệ sĩ tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân tháng 12/2008. |