Nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác cả thanh nhạc lẫn khí nhạc, với những ca khúc nổi tiếng mang hơi thở một thời khói lửa như: Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng... Ngoài ra, ông còn viết các giao hưởng Tháng Tám lịch sử (1972), Chiến thắng (1977), Thánh Gióng (1984)…; những tác phẩm thanh nhạc lớn: Hợp xướng Sóng cửa Tùng (1955), Oratorio Trẩy hội Đền Hùng (1995). Hiện nay, ông đang hoàn tất hai chương còn lại của vở Thanh - xướng kịch Thăng Long - Hà Nội để kịp diễn nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhân chuyến vào Nam công tác, Hồn Việt đã có buổi gặp ông tại Nhà khách Quân Đội, nhạc sĩ đã trao đổi với Hồn Việt những vấn đề của nhạc nhẹ Việt Nam đương đại, trong đó quản lý và giáo dục âm nhạc là vấn đề khiến ông luôn trăn trở.
- Thưa nhạc sĩ, có lần nhạc sĩ nói rằng: “Tôi chỉ sáng tác khi cảm xúc dâng trào”, vậy từ sau giải phóng đến nay, đã bao nhiêu lần nhạc sĩ có cảm xúc dâng trào để cho ra đời những tác phẩm để đời như trước 1975?
- Cảm xúc dâng trào thì đúng, nhưng phải nói thêm khi tuổi mỗi ngày mỗi cao thì cảm nhận mỗi ngày sâu hơn… Trong sáng tác âm nhạc, chỉ đợi cảm xúc dâng trào thôi thì chưa đủ. Bởi vì, nhạc sĩ mà đợi cho cảm xúc dâng trào là chưa chuyên nghiệp. Người chuyên nghiệp là người biết lưu giữ cảm xúc của mình và khi cần thì sẵn sàng sáng tác như người thợ nơi công trường, người nông dân nơi đồng ruộng. Và như vậy thì không nên nghĩ rằng những người chuyên nghiệp không có cảm xúc dâng trào mà cái quan trọng là người chuyên nghiệp biết dồn nén cái cảm xúc dâng trào vào bên trong và biết bật ra lúc nào cho hợp lý.
Cùng với thời gian và tuổi tác, tôi cảm nhận được điều này và trong thời gian qua tôi sáng tác theo phương thức này. Chủ yếu là hai tác phẩm âm nhạc lớn còn ca khúc là xen kẽ. Trong các tác phẩm lớn thì dành một phần cho khí nhạc, giao hưởng. Tôi đã viết một Oratorio Trẩy hội Đền Hùng. Trong tác phẩm này, chủ yếu lấy hợp xướng làm nền, bên cạnh đó là những nhân vật rất gần với Opera, nhưng bối cảnh và cách dàn dựng đơn giản hơn Opera, bởi vì không khí kịch bao trùm trong hợp xướng. Tôi đã viết xong chương 1 của Thanh - xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long vào năm 2001, và đã diễn ở tại Hoa Lư - Ninh Bình; năm 2008 hoàn thành hai chương còn lại và sẽ dàn dựng để diễn chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhạc sĩ Doãn Nho và phu nhân.
- Theo nhạc sĩ, để dàn dựng tác phẩm này mất kinh phí bao nhiêu?
- Khoảng nửa tỷ. Điều cần thiết là nên diễn trước ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chứ không nhất thiết đợi đến năm 2010 mới biểu diễn. Chúng ta có thể biểu diễn kéo dài sau khi tác phẩm được hoàn thành. Như vậy, vừa nhận ý kiến phê bình vừa để công chúng làm quen với thể loại mới, thấm dần, chứ đừng theo kiểu như xưa nay đợi đến đúng ngày cúng cụ thì diễn và qua ngày thì đóng lại, uổng quá.
- Tuổi học trò hiện nay thích nghe các ca khúc “mì ăn liền”, liệu trong tương lai nền âm nhạc của nước nhà có còn những ca khúc hay và để đời?
- Cái đó cũng là do quản lý, cần có cách quản lý tốt. Khâu lý luận và phê bình là quan trọng và rất cần thiết. Hãy giáo dục từ cấp học phổ thông. Phải giáo dục cho các em hiểu âm nhạc không chỉ quy phạm trong ca khúc, mà cái quan trọng hơn là thanh nhạc. Riêng thanh nhạc còn có thanh - xướng kịch, ca kịch,… Biết bao nhiêu cái hay mà giáo dục âm nhạc của chúng ta hiện nay còn yếu quá. Bên cạnh đó thì công tác lý luận - phê bình âm nhạc, hướng dẫn công luận - hướng dẫn người nghe - hướng dẫn dư luận còn bất cập.
Vì vậy, chúng ta không nên đổ lỗi cho tuổi học trò. Hiện nay, rất cần có giáo trình về âm nhạc từ cấp học Phổ thông, điều này chúng ta có thể làm được.
Nước ta hiện nay có quá nhiều tiến sĩ và giáo sư nhưng thiếu một cánh tay chỉ huy. Do cách quản lý chưa hợp lý nên có khi nặng bên này mà nhẹ bên kia. Như hiện nay, đang quá nặng về nhạc trẻ. Tôi vẫn khẳng định dòng nhạc này là rất cần. Nhưng làm sao cân bằng giữa nhạc nhẹ và nhạc bác học.
Trên thế giới người ta rất coi trọng dòng nhạc nhẹ và nhạc không lời mà chủ yếu là khí nhạc. Khí nhạc không phụ thuộc vào lời, không bị lời ca trói buộc. Ngôn ngữ của tiếng Việt có thanh sắc - huyền - hỏi - ngã thì giai điệu của nó được thỏa sức bay bổng, có thể cực cao - có thể cực thấp; nhanh - chậm… và trải qua rất nhiều nhạc cụ khác nhau với rất nhiều âm sắc khác nhau... Trong khi ta thì quen nghe nhạc có lời, từ lời nhạc rồi mới tưởng tượng ra âm thanh, ta quen trong sự trói buộc nên bây giờ phá tung ra thì tạo nên sự ngỡ ngàng.
- Hiện nay, khi nghe ca khúc của các nhạc sĩ trẻ, ta thấy dường như mất đi cái hồn Việt vốn có. Trong một số ca khúc gần đây, nhạc sĩ không để ý đến ca từ và đôi khi làm mất luôn giai điệu?
- Dĩ nhiên nhạc trẻ còn nhiều yếu kém và lệch lạc trên bước đường phát triển, là loại hình liên tục chưng cất những tinh hoa của nhiều nền dân ca từ các tộc người có màu da khác nhau, nên khi du nhập vào ta đã liên tục diễn ra các quá trình Việt hóa theo thứ tự: Nhạc ngoại - Lời ngoại (thời tân nhạc gọi là Nhạc Tây - Lời Tây); Nhạc ngoại - Lời ta; Nhạc ta - Lời ta. Thật khó tránh khỏi sự xô bồ, ồ ạt trong quá trình phát triển để chính từ kẽ hở này đã nảy sinh sự lợi dụng để mưu danh lợi, biến Nhạc ngoại - Lời ta thành sản phẩm sáng tạo của chính mình (cả nhạc và lời). Và vì vậy, “tác giả“ trở thành kẻ đạo nhạc.
Ngoài ra, sự chín muồi trong sáng tạo thường kéo dài đã gây nên ấn tượng lai căng nặng nề, bên cạnh đó là sự lạm phát vô độ những bản tình ca thất tình... Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng luôn đánh giá rất cao nhạc trẻ và vai trò của dòng nhạc này. Rất tiếc là cho tới giờ chúng ta vẫn chưa huy động và tổ chức được một đội ngũ lý luận- phê bình chuyên sâu để hòa mình vào dòng chảy của nhạc nhẹ đương đại.
Dù sao nhạc nhẹ Việt Nam cũng đang chiếm lĩnh vị trí cực kỳ quan trọng, mang tầm thời đại mà chúng ta không thể không công nhận. Chúng ta hãy cùng chúc cho sự thành công trọn vẹn trong vai trò lịch sử, với trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của nhạc nhẹ Việt Nam.
- Vậy có nghĩa là chúng ta cũng không nên quá lo về thực trạng âm nhạc hiện nay?
- Không có sự phát triển nào độc lập hoàn toàn mà luôn luôn có sự giao lưu - bổ sung lẫn nhau giữa các thể loại âm nhạc. Chính vì vậy những Nhà lý luận - phê bình thế giới luôn đánh giá cao dòng âm nhạc bác học. Nó là đỉnh cao, vì chính nó là âm nhạc nhưng không có nghĩa là độc tôn.
Ở các nước, nhạc bác học phát triển thì nhạc nhẹ cũng phát triển... nhiều ca sĩ sau một thời gian biểu diễn và đến thời điểm ngấm thì chính họ là nhạc sĩ cho dòng nhạc đó. Vì thế, phải có một nền giáo dục âm nhạc và một nền khí nhạc bắt đầu bằng giao hưởng... Phải có một kiến thức âm nhạc vững chãi đứng trên cả hai chân là khí nhạc - thanh nhạc.
- Xin cảm ơn và chúc nhạc sĩ tiếp tục có những ca khúc hay cống hiến cho đời.