Nhạc sĩ PHAN HUỲNH ĐIỂU: Không có Cách mạng tháng Tám thì tôi biết làm gì?

Chín mươi mốt tuổi đời, bảy mươi năm tham gia cách mạng, kháng chiến, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã để lại một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ. Hàng trăm bản nhạc của ông làm rung động lòng người suốt bảy thập kỷ qua và sẽ còn tác động lâu dài, chứng tỏ một tài năng sáng tác, một tấm lòng vì nước vì dân son sắt.

Sinh ra ở Đà Nẵng, ở tuổi 21 gặp Cách mạng tháng Tám, ông tham gia cách mạng với tất cả nhiệt tình, lòng hăng say, tin tưởng.

Với ca khúc đầu tiên về kháng chiến chống Pháp Giải phóng quân (cuối 1945) ông đã sớm nổi tiếng và từ đó về sau, tiếng tăm ngày càng vang dội.

Sau Hiệp định Genève 1954, ông đã viết các bản nhạc Quê tôi miền Nam (1954) và Liên khu 5 yêu dấu (1955): “Nhìn về Liên khu 5 ta nhớ… bát ngát mênh mông đồng lúa Phú Yên, Tam Quan bóng mát xanh tươi rừng dừa. Miền Nam có Liên khu 5...”. Ông cố ý nhấn mạnh các chữ “Miền Nam có Liên khu 5”. Ông tâm sự: “Tôi viết câu này là vì ra Bắc, tôi nghe nhiều người, khi nói đến miền Nam, kể cả một số bài báo, cũng chỉ nói đến Nam Bộ mà “quên mất” Khu 5”…

Đêm Giáng sinh 24-12-1964, ông rời miền Bắc, trở về miền Nam chiến đấu chống Mỹ. Sáu năm ở chiến trường Khu 5 là giai đoạn mà Phan Huỳnh Điểu trải qua nhiều gian nan, vất vả và hiểm nguy nhất. Là nghệ sĩ sáng tác, Phó chủ tịch Chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ (Liên khu 5), ông vừa lo sáng tác vừa phải góp phần lãnh đạo cơ quan, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lớp trẻ. Cũng như nhiều văn nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên trong tiểu ban Văn nghệ Khu, ông cũng đi gùi cõng gạo, phát rẫy trồng lúa, khoai…

Trong một bức thư từ chiến khu miền Trung gửi cho Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương ở Hà Nội, ngày 8-12-1967, ông viết: “…Vụ lúa vừa rồi chúng tôi thu hoạch được khá. Còn ngô thì ăn tha hồ… Đấy các anh chị thấy chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận chiến đấu và sản xuất có cừ không? Duy có điều bọn tôi sức khỏe có hơi yếu hơn và không quen cầm rìu, cầm rựa cho nên có phần vất vả nhưng rất thú vị các anh chị ạ! Sống trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn ác liệt như thế, nên chúng tôi rất thương yêu nhau, nhất là sự quan tâm đến sáng tác cho nhau…”.

Ai cũng biết Phan Huỳnh Điểu là “nhạc sĩ của tình yêu” ướt át, mượt mà, nhưng ông đã có không ít bài ca hừng hực khí thế chiến đấu chống quân cướp nước. Trong những ngày ở Khu 5, cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm diễn ra quyết liệt, ông đã sáng tác ca khúc Ra tiền tuyến, đặc biệt là bài Xé xác Rồng Xanh, phanh thây Mãnh Hổ. Bài sau, ông viết giữa lúc lữ đoàn Rồng Xanh và sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên - lúc này là lính đánh thuê cho Mỹ - đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác man rợ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… hòng gây khiếp sợ trong nhân dân. Bài nhạc trên có tác dụng động viên, cổ vũ quân dân ta xông lên chiến đấu, diệt thù.
Trong cuộc sống hằng ngày ở chiến khu cũng như khi đi cơ sở, sống với nhân dân, Phan Huỳnh Điểu nổi tiếng là người vui tính, thích đùa, hay “chơi trò nói lái”. Có lần, ông cùng đạo diễn Nguyễn Văn Khánh (thân phụ của nghệ sĩ Trà Giang), đi đường, leo dốc Eo Gió rất cao ở miền Tây tỉnh Quảng Nam. Lên đến đỉnh đèo, mồ hôi nhễ nhại, hai ông đặt ba lô nặng trĩu xuống, Phan Huỳnh Điểu nhìn các chị cán bộ phụ nữ đang ngồi nghỉ, nói: “Không biết các chị thế nào, chứ dốc cao như thế này thì chúng tôi xin bái dốc!”. Các chị cũng nói theo “Chúng tôi cũng bái dốc, bái dốc!”. Hai nghệ sĩ cười rần. Lúc ấy các chị mới biết mình bị “hố” trước trò chơi nói lái của ông nhạc sĩ!

Giữa năm 1968, Phan Huỳnh Điểu đi công tác ở vùng giáp ranh các huyện đồng bằng Quảng Nam. Trên đường về, bị ốm nặng. Giao liên báo tin cho Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu biết là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đang nằm ở một địa điểm giữa rừng, cách cơ quan khoảng 4 giờ đi bộ và phải qua một triền dốc rất cao, đề nghị cơ quan cho người xuống “khiêng” về. Hay tin, tôi sốt ruột quá, đi theo hai nhân viên trẻ ở Văn phòng Ban Tuyên huấn cùng góp sức đưa ông về. Đến nơi, thấy ông nằm trên võng, mặt hốc hác, người gầy tọp. Tôi vừa lo sợ ông bị bệnh nặng “lỡ có chuyện gì” ở giữa rừng thì gay go quá, vừa có phần “mừng” là ông gầy quá, mình khiêng sẽ nhẹ!

Năm 1970, ông được đưa ra miền Bắc chữa bệnh, bồi dưỡng sức khỏe. Ông tiếp tục sáng tác, viết nhiều ca khúc, phổ thơ. Nước nhà thống nhất, ông trở về Đà Nẵng và sau định cư ở TP.Hồ Chí Minh. Ở tuổi ngoài sáu mươi cho đến lúc qua đời, ông luôn luôn cầm bút, cầm đàn, đi nói chuyện trước công chúng với niềm lạc quan, yêu đời không bao giờ cạn.

Năm 1984, nhân Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lên thọ sáu mươi, tôi viết tặng ông mấy dòng:

Mới đó mà anh đã sáu mươi

Vào Nam ra Bắc khắp nơi nơi

Trường chinh hai cuộc chân không mỏi

Kháng chiến bao ngày sức dẫu vơi

Nét nhạc trẻ trung bừng cuộc sống

Lời ca tươi mát dậy tình người

Một đời nghệ thuật vì dân nước

Càng cao tuổi thọ nhạc càng tươi.

Mười năm sau, ở tuổi cổ lai hi, ông “tự vịnh”:

Nay đà thất thập cổ lai hi

Nhưng mà gân cốt chẳng hề chi

Tiếc rằng cái tóc hơi hơi bạc

Chứ còn mọi thứ… vẫn y nguy!

Nhà văn Huy Phương “thắc mắc” và ứng khẩu:

Tôi nghe ông nói cũng hơi nghi

Phải chăng cái đó có còn y?

Nhạc sĩ ứng khẩu trả lời luôn:

Chẳng tin ông cứ hỏi bà xã

Bà trả lời ngay… “ôi mê ly!”

Có phóng viên hỏi ông: “Hiện chú vẫn còn yêu và sáng tác nhạc tình yêu đều?”. Trả lời: “Nhạc tình yêu vẫn sáng tác đều, yêu vẫn yêu đều. Có điều, khi người ta trên tuổi 70, người ta không còn yêu… linh tinh như thời trai trẻ nữa, mà người ta yêu đúng đối tượng hơn: yêu vợ, yêu con, yêu gia đình và xã hội. Yêu vậy mà yêu mạnh nữa là khác”.

Hỏi: “Cội nguồn cảm xúc của nhạc sĩ để định rõ hơn phong cách nghệ thuật của mình?”. Trả lời: “Nói gì thì nói, điều đầu tiên tôi muốn rằng cuộc đời nhạc sĩ của tôi được khai nguồn, được nuôi dưỡng… được cất nhắc là nhờ Cách mạng tháng Tám! Nếu không có Cách mạng tháng Tám thì tôi biết làm gì? Phải nói rằng cách mạng đã sinh ra tôi lần thứ hai” (Trích trong Phan Huỳnh Điểu - Tác phẩm và Cuộc đời, NXB Thanh Niên, 2000).

ĐẶNG MINH PHƯƠNG